Xin mạnh dạn góp thêm với bác Trần Lâm chỉ một điều này thôi.

Phạm Toàn

Bằng vào trải nghiệm và kiến thức uyên thâm, bằng cả cách nói năng dễ chấp nhận ngay cả khi bác dùng nhiều khái niệm “nhạy cảm”, Bác đã nói gần hết những chỗ gọi bằng KHÓ KHĂN trong vụ xử anh Cù Huy Hà Vũ. Điều chúng tôi muốn bàn thêm với bác là: xin cùng bác gợi ý thêm và mọi người cùng suy nghĩ với nhau về sự THUẬN LỢI trong việc giải quyết vụ án co giãn như cao su này.

Xin gợi ý cho những ai có trách nhiệm (cả những vị có quyền chức, và cả những cử tri đã bầu chọn ra những chức quyền) rằng: khi xử lý vụ Cù Huy Hà Vũ này, quý vị đó có trong tay một cơ hội để có thể chỉ trong một lần này lại GHI ĐIỂM CỰC KỲ TỐT trước con mắt toàn thể dân tộc Việt Nam (Ta không cần quan tâm lắm đến con mắt người bên ngoài – ta không cần lắm chăm chăm làm mọi điều chỉ để phù hợp với hệ thống phổ quát bên ngoài – ta cần làm hết sức mình để người Việt Nam được hài lòng, được thấy mình đáng sống trong một Tổ quốc chung).

Đây, đơn giản lắm: quý vị từng ghi điểm về thành tích GIẢI PHÓNG DÂN TỘC. Nay, xin quý vị hãy can đảm dấn thêm một bước nữa, ghi điểm cho thành tích DÂN CHỦ HÓA đất nước.

Cù Huy Hà Vũ không hề xóa công lao của quý vị. Cù Huy Hà Vũ cũng không tích trữ vũ khí để định bụng lật đổ quý vị. Anh bạn luật gia còn trẻ đó chỉ khơi dậy LÒNG TỰ TRỌNG, TINH THẦN LUẬT PHÁP, và SỰ ĐOÀN KẾT TOÀN THỂ DÂN TỘC để cùng xây dựng đất nước có cuộc sống hạnh phúc, cùng giữ gìn bờ cõi và tài nguyên, cùng triệt để chống tham nhũng. Xin quý vị hãy cùng Cù Huy Hà Vũ ghi điểm chung về LÝ TRÍ và TÌNH CẢM dân tộc trong thời kỳ cần huy động toàn dân HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC chúng ta.

Không hiện đại hóa được Tổ quốc này thì sẽ là đón nhận cái chết nhục của một dải đất chứa đựng những nô lệ hiện đại. CHẤM HẾT.

P.T.

LS Trần Lâm: 'Vụ Cù Huy Hà Vũ khó xử'

clip_image001

Ông Cù Huy Hà Vũ là con của vị khai quốc công thần Cù Huy Cận và có quan hệ với nhiều vị lãnh đạo ở Việt Nam

Tòa án ở Hà Nội đã quyết định hoãn vụ xử Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Vụ xử này đáng ra sẽ được tiến hành vào ngày kia, 24/3 nhưng nay chưa rõ ngày giờ mới của vụ xử.

Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ được thông báo sẽ không thể tham dự phiên xử cho dù tòa tuyên bố đây là vụ xét xử công khai.

Ông Trần Lâm, một luật sư có tiếng ở Hà Nội nói với đài BBC vụ xử ông Hà Vũ sẽ phức tạp do các diễn biến ở các nước Ả Rập và Bắc Phi cũng như sự can thiệp của các quan chức Việt Nam.

Ông nói:

"Cái vụ này cũng có thể gọn nhẹ thôi, chứ cũng không phải là căng thẳng lắm.

"Thế nhưng mà cái việc nó cứ thêm cái nọ, thêm cái kia, để kéo dài... rồi người này can thiệp, người kia can thiệp bây giờ trở thành cái việc lại khó xử.

"Lắm thầy nhiều ma, nhiều cha con khó lấy chồng. Nay ý này, mai ý kia, rồi quốc tế, rồi trong nước, rồi ông to, rồi ông nhỏ nên tự nó thành vụ án lớn.

"Cũng như cái bệnh bây giờ nó biến chứng, nó phát sinh thì phải ngồi lại, hội chẩn lại. Bây giờ tình thế trong nước như thế này, rồi Trung Đông, Bắc Phi, Địa Trung Hải lắm chuyện, rồi ở Việt Nam và lại còn ông Trung Quốc nữa.

"Người ta phải ngồi bình tĩnh xét lại. 'Bây giờ thôi, nó đã đến thế này rồi thì chúng ta, cũng như con bệnh ấy, chữa theo phương án nào'.

"Vì thế bây giờ người ta phải lùi lại, lùi lại để bình tĩnh vì bây giờ nó không phải là vụ án có cách đây hai ba tháng mà nó là vụ án khác."

Công khai

Luật sư Trần Lâm cũng nói mặc dù tòa nói phiên xử sẽ diễn ra công khai, điều này sẽ không đơn giản.

"Chữ công khai cũng phải nên hiểu nó nhiều nghĩa lắm.

"Nói công khai nó cũng thế nọ thế kia."

Hiện nay Đảng ta ở Việt Nam là một chế độ toàn trị, phải dứt khoát như thế chứ không nói rằng nó là một chế độ dân chủ được.

Ông nói trong nhiều vụ xử trước đây các nhân viên ngoại giao không được ngồi ở trong phòng xử và những người có mặt cũng được chọn trước.

Trước câu hỏi của BBC về chuyện có những luật sư cho rằng Điều 88 của Bộ Luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa là vi hiến, ông Lâm nói:

"Cái việc vi hiến hay không vi hiến thì ở nước Việt Nam này trong giai đoạn hiện nay nó phức tạp lắm.

"Thí dụ như ngay trong hiến pháp cũng có những điều rất tự do nhưng tự nhiên lại có Điều 4 thì nó thủ tiêu tất cả các điều khác đi

"Hiện nay Đảng ta ở Việt Nam là một chế độ toàn trị, phải dứt khoát như thế chứ không nói rằng nó là một chế độ dân chủ được.

"Nhưng mà chúng ta lại có những luật pháp, những chế tài... có dáng dấp của dân chủ, thế nó mới khó khăn.

"Chẳng hạn ở các nước kiện thủ tướng không là gì cả nhưng hôm nay tôi nghe người ta nói là quốc hội hay là nhà nước đã ra luật là không được kiện từ bộ trưởng trở lên.

"Như thế cũng là trái với thông lệ quốc tế.

"Ở ngoài nước các bạn cứ muốn nhà nước Việt Nam này theo phổ cập của các bạn.

"Việt Nam theo là nói cho nó đẹp vậy thôi

"Nếu đã phổ cập như các bạn thì coi như không có chế độ này nữa. Chế độ này không còn."

Chỉ trích tới đâu?

Ông Lâm cũng nói ông tin rằng Việt Nam sẽ rộng lượng hơn với các chỉ trích trong thời gian tới đây.

clip_image002

Luật sư Trần Lâm nói chính Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi dân chủ

Ông nói một phần đây cũng là xu thế chung của các nước trong đó có Trung Quốc:

"Người ta cũng đang có xu hướng bớt căng thẳng vì đây là xu hướng thế giới chứ không phải riêng Việt Nam.

"Ông Trung Quốc thế nào thì ông Việt Nam thế thôi chứ Việt Nam đã có gì sáng tạo nhiều lắm đâu."

Hiện tại ông nói những chỉ trích không gây phiền nhiễu và ảnh hưởng lớn vẫn được chấp nhận:

"Nhiều người đòi xóa Điều 4 nhưng không việc gì.

"Cái luật pháp ở Việt Nam nó không theo cái phổ cập.

"Khi thì nó theo cái phổ cập thì nó không bắt tội, nhưng mà khi nó thấy cần có tội thì nó cho đấy là chống đối.

"Ngay ở Trung Quốc cũng thế, ông Ôn Gia Bảo kêu gọi dân chủ một cách thẳng thừng

"Nhưng bây giờ chắc ông ấy bị kiểm thảo thế nào đấy nên độ này cũng hãm hãm rồi, không hung hăng như kỳ trước.

Lãnh đạo tập thể

Trong phỏng vấn với Nguyễn Hùng của BBC hôm 22/3, luật sư Lâm cũng giải thích thêm:

"Khi một người chỉ trích nhà nước thì việc đầu tiên là cơ quan an ninh người ta phải xem chỉ trích đó vì động cơ gì, mục đích gì và cái người chỉ trích ấy động cơ ra làm sao, suy nghĩ ra làm sao.

Người ta bắt khi người ta thấy nguy hiểm, anh làm cho người ta phiền toái quá, anh làm tác động nhiều quá.

"Người ta bắt khi người ta thấy nguy hiểm, anh làm cho người ta phiền toái quá, anh làm tác động nhiều quá.

"Còn có những người viết mềm mỏng hơn, có ý thức xây dựng hơn thì cũng có thể người ta không bằng lòng nhưng trong tập thể của người ta cũng có người bằng lòng thì sao.

"Cái chế độ quản lý nhà nước của Việt Nam là dựa trên tập thể. Có tập thể hôm nay cái ý chủ đạo nó về nhóm này, nhưng ngày mai ý chủ đạo nó lại về nhóm kia.

"Thế nên người ta có thể nói tại sao ở Việt Nam một sự việc lại có hai đường lối."

Ông Lâm nói các nhà lãnh đạo Việt Nam thường gây nhiều thắc mắc vì quá trình ra quyết định của họ không rõ ràng.

Ông nói Việt Nam không đưa nhiều vấn đề gây tranh cãi ra quốc hội bàn thảo bởi vậy người dân trong nhiều trường hợp thiếu thông tin.

Nhưng ông nói ông tin rằng Việt Nam cũng sẽ có những biến chuyển tích cực hơn theo xu thế chung của thế giới.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn