Nỗi lo mang tên nhập siêu và đầu tư công

Lê Duy Khánh

clip_image001

Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Tuấn Anh.

(TBKTSG) - Khi còn làm trong một doanh nghiệp nhà nước ngành dệt may cách đây sáu năm, có dịp tiếp xúc với những nhà nhập khẩu nước ngoài, tôi mới biết rằng so với Trung Quốc thì hàng may mặc của Việt Nam chỉ có một lợi thế duy nhất, đó là chất lượng cao hơn.

Lợi thế của hàng xuất khẩu ở đâu?

Nhà nhập khẩu tìm đến Việt Nam chính vì người công nhân Việt Nam thật sự khéo léo, dù họ biết rằng đặt hàng ở đất nước này là chấp nhận đối mặt với những vấn đề nan giải, đó là luôn giao hàng trễ, điều kiện thanh toán khó khăn (hầu hết đều yêu cầu đặt cọc trước khi sản xuất, thanh toán đủ trước khi xuất hàng), giá cả khó cạnh tranh, thủ tục hải quan phiền hà…

Mới đây gặp lại trưởng phòng cũ, anh nói rằng điều kiện thanh toán vẫn vậy, giá cả cũng thế (vì nhập khẩu gần hết nguyên phụ liệu gồm sợi, hóa chất, chỉ, nút, nhãn… từ Trung Quốc rồi), còn giao hàng thì không thay đổi được. Anh giải thích việc giao hàng trễ rằng, khi khách hàng đến tiếp xúc đặt vấn đề, công ty sẽ triệu tập cuộc họp gồm lãnh đạo của tất cả các công đoạn. Phòng nhập khẩu sợi cho rằng họ cần 30 ngày để hàng về đến kho, phân xưởng dệt cần một tuần, nhuộm cần 10 ngày, may cần 30 ngày…Tổng hợp ý kiến từ các đơn vị là đơn hàng cần khoảng thời gian 80-90 ngày để hoàn thành. Trong khi đó, khách hàng yêu cầu giao hàng trong vòng hai tháng. Đàm phán rơi vào bế tắc.

Mấy ngày sau, khách hàng quay lại đặt hàng vì không tìm được chỗ nào thực hiện đơn hàng nhanh hơn. Phòng kinh doanh nhận đơn hàng và triển khai xuống các đơn vị. Ngay trong ngày, phòng nhận được liên tiếp ý kiến từ các đơn vị và phân xưởng. Phòng nhập khẩu thông báo rằng lô sợi hỏi giá hôm trước, nay vì ngưng một tuần nên họ bán rồi, giờ đặt hàng phải chờ lô sản phẩm mới, dệt cho rằng nếu sợi nhập trễ như vậy thì máy móc của họ bỏ lâu sẽ phải tiến hành vệ sinh lại, chạy thử thì thời gian dệt sẽ lên thành 10 ngày thay vì bảy ngày như trước, xưởng may thì cho rằng dạo này công nhân nghỉ thai sản nhiều quá do năm này là năm heo vàng, mèo vàng… Vậy là quá trình đàm phán để lùi ngày giao hàng phải tiến hành từ lúc đơn hàng mới bắt đầu.

Tổng cục Hải quan thống kê giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3-2011 là 1,09 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong quí 1-2011 lên 2,88 tỉ, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, không có con số thống kê cho biết trong tổng kim ngạch xuất khẩu này, bao nhiêu là hàng gia công, bao nhiêu là hàng mang nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam, bao nhiêu là hàng của Việt Nam nhưng mang các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài...Tuy vậy, có thể khẳng định rằng loại thứ nhất và thứ ba là chủ yếu bởi có mấy doanh nghiệp Việt Nam có thể tự xuất được hàng của mình ra nước ngoài?

Xúc tiến xuất khẩu bằng cách nào?

Ngày đó, là một doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc tập đoàn Dệt may nên hầu hết các đoàn công tác của tập đoàn ra nước ngoài đều có đủ lãnh đạo của các doanh nghiệp thành viên. Tổng giám đốc đi công tác mà công ty băn khoăn vì sếp không biết ngoại ngữ, đi một mình theo đoàn thì tiếp thị bằng cách nào. Công ty cũng chưa có đối tác nào ở thị trường đó thì sếp có thể gặp ai, trao đổi với ai?

Ngày trở về, tổng giám đốc “quăng” cho phòng kinh doanh một cái hợp đồng, khách hàng mua của công ty số lượng hàng trị giá gần một triệu đô la Mỹ. Cả công ty tròn mắt ngạc nhiên, thán phục. Chỉ có trưởng phòng là hiểu, lẳng lặng bỏ cái hợp đồng vào tủ, khóa lại. Hỏi anh sao không xúc tiến, triển khai một đơn hàng lớn như vậy. Anh bảo rằng mỗi năm anh vẫn nhận được vài cái hợp đồng như vậy, vì mỗi năm sếp đi nước ngoài vài lần. Khách hàng không biết là ai mà mạnh tay thế, chưa biết công ty mình ra sao, hàng hóa thế nào… mà đã đặt hàng cả triệu đô?! Mà thật lạ, sau đó cũng không hề nghe tổng giám đốc hỏi thăm về cái hợp đồng “khủng” mà chính sếp đã giao.

Lợi thế cạnh tranh là vậy, lãnh đạo doanh nghiệp là vậy, lo cho nhập siêu thì biết lo đến bao giờ?

Thái độ ngược chiều với cắt giảm đầu tư công

Trên thế giới, việc cắt giảm đầu công tư luôn được các chính phủ cân nhắc hết sức cẩn thận. Mặc dù vậy, khi được ban hành, gần như chúng đều vấp phải sự phản đối của công chúng. Chỉ riêng ở Việt Nam, mỗi khi Chính phủ công bố cắt giảm chi tiêu công, toàn dân lại hồ hởi và đồng thuận cao.

Tháng 4-2011, người dân Ukraina xuống đường biểu tình vì chính phủ tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Tháng 3-2011, người dân Bồ Đào Nha biểu tình phản đối những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ nước này. Cũng vào cuối tháng này hàng ngàn người ở thủ đô London đã biểu tình để phản đối những biện pháp cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Anh. Trước đó, năm 2010, người dân các quốc gia như Tây Ban Nha, Đan Mạch cũng xuống đường, hô vang các khẩu hiệu đòi chính phủ tăng ngân sách, phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu công vì cho rằng việc cắt giảm này ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của họ.

Ở các nước này, nền kinh tế đã phát triển cao, nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người vào loại cao nhất thế giới. Cơ sở hạ tầng và đời sống người dân ở mức mà chúng ta mơ ước. Vậy mà người dân vẫn biểu tình để đòi quyền lợi. Việc biểu tình có vẻ như họ khá “ích kỷ”, không chia sẻ với những nỗi lo của chính phủ vốn vẫn đang khó khăn vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, thậm chí nhiều chính phủ đang ở bên bờ vực phá sản?

Ở Việt Nam, một đất nước mới thoát khỏi tình trạng của một nước nghèo, tuy vậy sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn dẫn đến tình trạng có người ăn sáng tô phở nấu bằng bò Kobe giá 750.000 đồng nhưng có người thu nhập chưa đến 10.000 đồng/ngày. Hạ tầng đô thị ở mức yếu kém, cắt điện luân phiên, kẹt xe mỗi ngày ở các đô thị lớn, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải… Vì vậy, đầu tư công càng nhiều sẽ càng giúp Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao phúc lợi và đời sống cho người dân, giúp người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến. Vậy tại sao người dân lại khuyến khích cắt giảm ngân sách? Việc hồ hởi khi cắt giảm đầu tư công không hẳn vì chia sẻ với khó khăn của Chính phủ, thái độ đối với đầu tư công ngược chiều giữa Việt Nam và các nước chỉ có thể được giải thích bởi hai chữ niềm tin.

Dân chúng các nước tin vào hiệu quả của đầu tư công, tin rằng những đồng tiền từ ngân sách luôn được tiêu xài hợp lý, đúng nơi, đúng chỗ nên việc cắt giảm ngân sách sẽ bớt đi những công trình hữu ích, việc làm của họ sẽ bị ảnh hưởng, phúc lợi sẽ bị thu hẹp. Còn ở Việt Nam, người dân tin rằng bớt đầu tư công là bớt đi lãng phí, bớt đi tham nhũng, bớt đi những hoạt động vô bổ, bớt đi những công trình vô ích và bớt đi những kỷ lục vô nghĩa.

Hiệu quả đầu tư công quá thấp, các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách kéo dài do chậm tiến độ nhiều năm, những công trình đồ sộ vừa xây xong đã hư hỏng nặng, những công trình bị rút ruột đến vài ba chục phần trăm, những công trình chạy đua kỷ niệm ngày này, ngày kia rồi khánh thành xong thì đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng… Tiêu biểu cho những kiểu đầu tư này là quốc lộ 91B qua Cần Thơ, cầu Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội… Hay kể từ ngày có vụ Vinashin, doanh nghiệp này trở thành một ví dụ điển hình cho việc tiêu xài hoang phí những đồng tiền ky cóp để đóng thuế của nhân dân.

 

Còn ở Việt Nam, người dân tin rằng bớt đầu tư công là bớt đi lãng phí, bớt đi tham nhũng, bớt đi những hoạt động vô bổ, bớt đi những công trình vô ích và bớt đi những kỷ lục vô nghĩa.

Kể từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ra đời, cả xã hội dồn sự chú ý về chính sách tài khóa để mong chi tiêu công cắt giảm càng nhiều… càng tốt! Con số công bố ban đầu 3.400 tỉ đồng được cho là quá ít thì mấy ngày gần đây, con số cắt giảm có thể lên đến 97.000 tỉ đồng lại sinh nghi ngờ. Con số này có thể chưa dừng lại, nhưng giả sử không cắt giảm, rõ ràng chúng ta đã lãng phí không ít tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Vì vậy, có ý kiến còn đề xuất mỗi năm phải rà soát và cắt giảm chứ không phải chỉ làm mỗi năm nay bởi “lãng phí, tham nhũng, rút ruột còn… nhiều lắm”!?

Nhập siêu và đầu tư công lãng phí đúng là những nỗi lo. Lo vì một ngành công nghiệp phụ trợ èo uột để đến nỗi một doanh nghiệp nước ngoài phải than rằng họ đi hết 20 doanh nghiệp Việt Nam mà không mua nổi một cái ốc vít. Lo vì mỗi năm tiền đồng lại mất giá thêm vài phần trăm mà 20 năm qua Việt Nam vẫn liên tục nhập siêu. Lo vì mỗi năm lại có thêm nhiều công trình to nhất, dài nhất, cao nhất nhưng chất lượng thì đáng nghi ngờ nhất.

Tuy vậy, đó không phải là những nỗi lo duy nhất, Thanh Hóa hơn 240.000 nhân khẩu đang thiếu đói, đất đai dành cho nông nghiệp ngày càng teo tóp bởi khu công nghiệp, khu đô thị và sân golf. Mùa mưa với bình quân hơn 10 cơn bão mỗi năm và hàng trăm người chết, hàng trăm tàu thuyền bị chìm đang đến gần với dải đất miền Trung. Người dân Tây Nguyên mùa lũ phải đu dây qua sông, miền Tây mùa nước nổi mà cầu khỉ vẫn còn…

Không chỉ có nhập siêu và đầu tư công, nỗi lo còn nhiều lắm!

L. D. K.

Nguồn: Thesaigontimes.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn