Trường Sa – Nhìn từ chân sóng khi sóng đã nổi

Hồ Bất Khuất

clip_image003  

Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt được khắc trên đảo để khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền

 

Nhìn trên bản đồ, thấy Hoàng Sa và Trường Sa gần gũi với giải đất phía nam hình chữ S. Đặt chân tới Trường Sa, thấy mồ hôi, máu và nước mắt của chúng ta đã đổ vì giải đất thiêng liêng giữa trùng khơi này. Dân ta không sợ gian khó; không sợ sóng to, gió lớn; không sợ tàu lạ và sự hung hăng của chúng… Để giữ được chủ quyền biển đảo, chúng ta không được phép sợ, kể cả sợ những điều được gọi là “nhạy cảm”, “tế nhị”…

Vẻ đẹp thanh bình trước bão tố

Khi chưa về Trường Sa, tôi vẫn tưởng tượng ra những vẻ đẹp hùng tráng của vùng biển đảo. Nhưng khi tận mắt ngắm nhìn, tôi vẫn không khỏi xuýt xoa trước vẻ duyên dáng, mặn nồng, lãng mạn của quần đảo Trường Sa.

Theo các nhà địa chất thì quần đảo Trường Sa của chúng ta được hình thành chủ yếu do các lớp san hô chồng lên nhau. Hàng triệu năm qua đi, những lớp san hô nhô lên khỏi mặt nước, biến thành đất, cát cho cây xanh mọc lên. Ông cha ta đã ra đây từ hàng trăm năm trước, gọi chúng là “Những bãi cát vàng”. Nay chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và tôn tạo chúng.

Trường Sa đang lớn lên và đẹp ra hàng ngày. Theo các chiến sỹ hải quân, đảo Phan Vinh, đảo An Bang và một số đảo khác hình như đang bị bồi đắp cao thêm, rộng ra. Rồi chính chúng ta cũng tôn tạo thêm để mở rộng diện tích trồng cây xanh, xây thêm nhà để cho dân ở.

Trước mùa gió chướng (bắt đầu vào khoảng cuối tháng 7), vùng biển Trường Sa lặng sóng, gió và mặt trời cũng hiền hoà hơn. Ra Trường Sa vào thời điểm này, chúng ta thấy nơi đây thật yên bình, nhất là khi ta nghe tiếng trẻ ê a học chữ, từng đôi cò biển rảo bước dưới góc cây xanh hay nhởn nhơ bay trên những mái nhà…

Nhưng cảm giác đó nhanh chóng qua đi khi nơi đây xuất hiện nhiều con tàu lạ. Thật ra chúng chẳng lạ gì cả vì đó là tàu của Trung Quốc đã quá quen với việc đi lại ngông nghênh và tỏ ý đe nẹt. Nhưng quân và dân ta ở nơi đây xem đó  là “ sự qua lại vô hại”. Nhưng chúng ta cũng biết sẽ có lúc chúng gây hại nên chúng ta đề cao cảnh giác.

Rời Trường Sa, mang theo ánh mắt, nụ cười, vẻ lạc quan, yêu đời, thái độ hiên ngang, đĩnh đạc của các chiến sỹ, tôi thấy tự tin, dù biết rằng phía trước còn muôn vàn gian khổ, hy sinh, đòi hỏi nước mắt và máu. Tôi đã đến thắp hương trên những ngôi mộ ở Trường Sa, dự Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trên thềm lục địa phía nam. Tất cả đều diễn ra trang trọng, cảm động nhưng không bi lụy. Ở đây, hầu như không ai sợ cái chết.

Sau những ngằyngợc xuôi các đảo ngoài khơi xa, về lại giữa những giàn khai thác dầu khí, cảm thấy ấm cúng, thâm thiết, yên bình và tự tin vô cùng. Phải có những chiến sỹ ngoài đảo xa, phải có những con tàu tuần tiễu, chúng ta mới yên tâm để thăm dò, khai thác dầu khí của chúng ta.

clip_image001

Xanh biển, xanh cây, xanh pin mặt trời

clip_image002

Trời xanh, mây trắng, nắng vàng...

clip_image004

Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh

clip_image005

clip_image006

Mười ngày trên biển vẫn có hoa tươi cho các anh

clip_image007

Biển trong ngày tưởng niệm

Khi một đất nước vĩ đại xử sự không xứng tầm

Tôi luôn tôn sùng văn hoá, lịch sử Trung Quốc và xem đây là một đất nước vĩ đại. Nhưng tôi không bất ngờ, không ngạc nhiên khi thấy tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí, cướp bóc, đe dọa ngư dân ta. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy thái độ trơ trẽn và cách hành xử theo kiểu tiểu nhân của một nước lớn. Nhất là khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng họ không cố ý phá cáp tàu Viking II, mà do tàu đánh cá của họ bị xua đuổi nên chạy vướng vào cáp…

Với sự kiện tàu Viking II, Trung Quốc phản ứng một cách cực kỳ mau lẹ, nhưng tôi không ngờ họ lại vụng về đến thế!

Việt Nam chúng ta đã phản đối mạnh mẽ và khẳng định: Đây là hành động "hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng".

Trong khi đó Trung Quốc nói: “Tàu cá Trung Quốc, trong khi hoạt động tại vùng biển trên, đã bị tàu có vũ trang của Việt Nam xua đuổi”. Đây chính là điều Trung Quốc “tự vả vào mồm mình”.

Vì sao ư? Vì hiện nay đang là thời gian Trung Quốc cấm đánh bắt cá, vậy hoặc là tàu cá đó của Trung Quốc phớt lờ lệnh của Chính phủ, hoặc là tàu cá đó được xúi giục vào đánh bắt cá trong vùng chủ quyền của Việt Nam, hoặc người phát ngôn nói láo.

Xưa đến nay, Trung Quốc hành động phách lối nhưng khi nào cũng nói năng hùng hồn, chặt chẽ, nhưng lần này rõ ràng là họ đã không còn ở trạng thái như vậy. Điều này cùng với nhiều phát ngôn và hành động ngang ngược khác chứng tỏ Trung Quốc là một đất nước vĩ đại nhưng đang xử sự rất tầm thường. Điều này khiến những nhân cách lớn trong lịch sử Trung Quốc như Khổng Tử, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ… đỏ mặt.

Trên thực tế, không phải tất cả người Trung Quốc đồng tình với chính sách ngang ngược của chính quyền hiện hành. Không ít trí thức Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng với cách xử sự hiện nay, “Trung Quốc đang tham đĩa, bỏ mâm”.

Lựa chọn của chúng ta

Nói một cách chính xác và thực lòng là chúng ta không có cách lựa chọn nào khác ngoài việc đoàn kết 90 triệu (kể cả 4 triệu Việt kiều sống ở nước ngoài) người Việt lại để giữ chủ quyền biển đảo. Lựa chọn điều này, chúng ta không có quyền sợ hãi, kể cả sợ những thứ được gọi là “nhạy cảm”, “tế nhị”.

Trước tiên, chúng ta ưu tiên cho việc đấu tranh bằng con đường hoà bình. Phải huy động ở mức cao nhất năng lực trí tuệ, bản lĩnh và lòng dũng cảm để tìm mọi cách làm cho Trung Quốc hiểu ra là phải có cái nhìn công bằng về Biển Đông. Không thể có chuyện một quốc gia (dù là lớn mạnh đến mấy!) lại áp đặt cho việc ai có quyền đánh cá, thăm dò tài nguyên, đi lại… ở Biển Đông! Điều đó phải dựa vào lịch sử và Pháp luật quốc tế.

Không có chuyện Biển Đông tiếp giáp với nhiều quốc gia, trong khi đó một quốc gia nằm ở ngoài rìa lại đòi làm chủ 80% diện tích Biển Đông! Ai cũng thấy đòi hỏi này của Trung Quốc là vô lý, không có bất kỳ cơ sở nào. Ấy vậy mà họ cứ nhai đi nhai lại mãi điều này. Thật ra, trong thế giới hiện đại cũng cần phải biết xấu hổ vì những đòi hỏi phi lý của mình.

Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại chuyện của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Sau chuyến đi sứ thành công, vua Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi để chia tay sứ Nam. Trong bữa tiệc đương nhiên là có món cá ngáp trứ danh. Theo luật của Trung Quốc bấy giờ: ăn xong lườn trên con cá, gỡ bỏ xương, ăn tiếp; ai lật cá, bị xem là mắc tội phản nghịch, chém. Mạc Đĩnh Chi ăn hết lườn trên, điềm nhiên lật cá, có tiếng hô “Sứ Nam phạm luật!”. Mọi người nhìn xuống, thấy cá đã lật, vua Trung Quốc nói: “Sứ Nam phạm luật, chém đầu!”. Cũng theo luật Trung Quốc lúc bấy giờ, trước khi chết, người phạm tội được thực hiện một ý nguyện cuối cùng. Vua Trung Quốc hỏi: “Sứ Nam muốn điều gì?”. Mạc Đĩnh Chi trả lời: “Thần muốn xin đôi mắt của người nhìn thấy thần lật cá!”. Vua Trung Quốc hỏi: “Ai nhìn thấy sứ Nam lật cá?”. Câu hỏi được nhắc lại ba lần nhưng không có ai lên tiếng nhận mình nhìn thấy. Như vậy là không có nhân chứng, theo luật, sứ Nam vô tội! Rõ ràng Mạc Đĩnh Chi đã nhìn thấy những điều vô lý của luật lệ Trung Quốc lúc bây giờ nên ông chủ động vi phạm để bóc mẽ. Nay Trung Quốc cũng có nhiều đòi hỏi vô lý, mong rằng các nhà ngoại giao của ta và các nước khác chỉ ra một cách hùng hồn và có sức thuyết phục.

Thứ hai, chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chẳng nhẽ hàng xóm đến đốt nhà mình, bắn giết con em mình nhưng mình cũng chỉ “kiên trì biện pháp hoà bình”? Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam rất nhiều; tàu của họ to hơn, súng đạn họ nhiều hơn, họ hung hăng hơn nhưng không phải không biết sợ. Tháng 12 -1988, tôi lên Lạng Sơn lê la khắp nơi trong một tháng và được Đại tá Trần Rỹ (hồi chiến tranh biên giới là Phó Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn, lúc này là Phó Bí thư tỉnh uỷ Lạng Sơn) cho biết chuyện này. Số là khi Thị xã Lạng Sơn bị Trung Quốc chiếm, nhiều cán bộ cao cấp của ta rất tức giận. Một quyết định được đưa ra: Đưa 48 dàn Cachiusa lên Lạng Sơn. Phải mất hai đêm (mồng 4 và mồng 5 tháng 3 năm 1979) mới đưa được số vũ khí đó vào vị trí chiến đấu, chỉ cần bấm nút nữa là xong. Sáng mồng 6 Trung Quốc tuyên bố rút quân!

So với năm 1988, Hải quân Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều. Ngoài tàu chiến, tàu ngầm, chúng ta còn có máy bay, và đặc biệt là tên lửa. Với tư cách là người tự vệ, phòng thủ; chúng ta có lợi thế về tâm lý là chiến đấu vì chính nghĩa. Hơn nữa, loại tên lửa chúng ta có, phòng thủ rất hiệu quả. Và điều quan trọng nhất: Đại bộ phận nhân dân Việt Nam không sợ phải hy sinh trong một cuộc chiến đấu chống Trung Quốc bảo vệ đất nước mình. Từ xa xưa đã thế, đến nay vẫn thế.

H. B. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn