Biển Đông và nguyên tắc 4T

TS Giáp Văn Dương

clip_image001

 

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là một công cuộc gian khó, lâu dài và phức tạp

 
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là một công cuộc gian khó, lâu dài và phức tạp. Tình huống nào cũng có thể xảy ra, nên sẵn sàng chuẩn bị để đối phó với những tình huống xấu là việc làm cần thiết. Vì thế, sau khi đã xác định công thức 4K: Kiên định - Kiên quyết - Kiên cường - Kiên trì làm định hướng cho tâm trí thì cần những nguyên tắc chỉ đạo thích hợp làm phương châm hành động trong suốt tiến trình này.

Quan sát diễn biến trên Biển Đông trong suốt chiều dài tranh chấp mấy chục năm qua, đồng thời tổng kết những bài học lịch sử trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước cho cả hai trường hợp thành công và thất bại thì thấy, nguyên tắc chỉ đạo này có thể được khái quát thành công thức: Thực tiễn - Thực dụng - Thực thi - Thực lực - gọi tắt là nguyên tắc 4T.

Thực tiễn

Thực tiễn trước hết thể hiện ở việc bám sát diễn biến trên thực hải, thực địa. Đấu tranh trên thực hải, thực địa phải là mặt trận đấu tranh chính. Tiếp đến là tăng cường đấu tranh trên các mặt trận gián tiếp như chính trị, ngoại giao, pháp lý, truyền thông, kinh tế, văn hóa... để cộng hưởng sức mạnh; bám sát diễn biến thực tế trên các mặt trận này để kịp thời cập nhật tình hình, đánh giá tình hình một cách khách quan, khoa học để tìm ra giải pháp xử lý thích hợp nhất. Bất cứ sự mơ hồ nào về tình hình thực tiễn, hoặc thiếu thông tin về những gì đang diễn ra trên các mặt trận gián tiếp liên đới, cũng đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, tính mạng và tài sản của của người dân, vì thế không được chủ quan, xa rời thực tiễn.

Thực tiễn còn thể hiện ở việc ra các quyết sách phù hợp với những diễn biến thực trên biển đảo, trên các mặt trận đấu tranh gián tiếp, những vận động lớn của thời cuộc. Khi xung đột căng thẳng, chủ quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân bị đe dọa thì không thể mơ màng với chính sách cũ mà phải có những điều chỉnh, chuyển hướng tương thích. Khi các mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông có những diễn biến mới, thời cuộc có những xu hướng mới thì chính sách cũng phải cập nhật theo. Bất cứ sự mập mờ nào về chính sách cũng đều có thể gây ra hậu quả khôn lường.

Việc bám sát thực tiễn này không chỉ được tiến hành bởi con người, mà còn bởi máy móc thiết bị. Do dó, bên cạnh việc cập nhật thông tin bởi con người trên các mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông... thì trang bị các thiết bị khoa học công nghệ biển để quan sát, theo dõi, giám sát biển và đáy biển, giám sát đảo là rất cần thiết.

Thực dụng

Thực dụng là giải pháp đưa ra phải hiệu quả, lựa chọn phải tối ưu. Việc lựa chọn giải pháp nào, ra quyết sách nào phải căn cứ trên tiêu chí duy nhất là hiệu quả tổng hợp của nó đối với đất nước, với tiêu chí lợi ích quốc gia là trên hết.

Các nước nhỏ khi phải đương đầu với sự đe dọa của nước lớn bao giờ cũng phải tính đến việc đoàn kết quốc tế, tạo liên minh để cân bằng sức mạnh chứ không thể đơn độc một mình chống chọi. Vì thế, các tiếp cận thực dụng đòi hỏi phải đoàn kết và thu hút sự giúp đỡ của các nước có lợi ích liên quan, đặc biệt là các nước ASEAN và Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ... trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền này; phải tìm cách bảo vệ Biển Đông bằng chính vị trí đặc biệt của Biển Đông trên trường quốc tế.

Cách tiếp cận thực dụng cũng đòi hỏi phải thường xuyên đánh giá lại tình hình, xem xét lại đối phương, xem xét lại bản thân mình để điều chỉnh, phán đoán và đưa ra những phương án hành động thích ứng, tránh bị ràng buộc bởi quán tính tâm lý; tránh sập bẫy khiêu khích; tránh bị dồn vào thế bị động, bất ngờ.

Trong cuộc tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc là một nước lắm mưu nhiều kế và đang chiếm ưu thế về sức mạnh kinh tế và quân sự. Vì thế, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo chắc chắn là cuộc đấu tranh cam go và khó khăn, đòi hỏi mỗi người - đặc biệt là những người nắm trọng trách - phải luôn tỉnh táo và thực dụng.

Thực thi

Thực thi là nhà nước phải thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền của mình một cách có hệ thống; đồng thời đảm bảo việc thực thi này bằng pháp luật; hỗ trợ việc thực thi này bằng mọi phương tiện mạnh nhất có thể.

Việc thực thi chủ quyền thể hiện rõ nhất ở sự hiện diện của Nhà nước, của người dân trên biển và trên đảo, ở các hoạt động kinh tế của ngư dân và doanh nghiệp khai thác tài nguyên trên biển. Vì thế, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ và đảm bảo anh ninh cho các hoạt động này, để mang lại lợi ích kinh tế và khẳng định chủ quyền của đất nước.

Lịch sử cho thấy, cha ông ta đã thực thi chủ quyền một cách liên tục, chính danh suốt hàng trăm năm qua. Sự thực thi chủ quyền này đã được ghi chép cẩn thận trong sử sách, trở thành những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Truyền thống này cần được tiếp nối và luật hóa để đảm bảo triển khai được đồng bộ, có cơ sở.

Trước sự gia tăng tranh chấp của Trung Quốc, ngư dân trở thành những người đứng ở tuyến đầu của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì thế, việc đảm bảo an toàn cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển, giữ biển cần phải được xem như một trong những việc thực thi chủ quyền của Nhà nước, do đó cần có chương trình đầu tư thích đáng cho các hoạt động bảo vệ này.

Những người dân sống trên đảo, đặc biệt là các công dân Việt Nam sinh ra trên đảo, là bằng chứng sống động về chủ quyền, do đó cần có chế độ quan tâm đúng mức, nhất là khi họ luôn phải sống trong tình trạng sẵn sàng chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc.

Các hoạt động kinh tế trên biển như khai thác tài nguyên, du lịch biển, nghiên cứu biển... cũng là biểu hiện cụ thể của việc thực thi chủ quyền, đo đó cần được đầu tư khai thác, không chỉ để khẳng định chủ quyền, mà còn để làm giàu cho đất nước, đóng góp trở lại cho việc bảo vệ chủ quyền.

Trong việc thực thi chủ quyền, các hoạt động mang tính chính trị, pháp lý, ngoại giao, quân sự... nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền cũng như quyền chủ quyền  là vô cùng cần thiết. Việc Việt Nam cùng Malaysia trình báo cáo chung lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc là một ví dụ đáng ghi nhận về việc thực thi chủ quyền. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các hoạt động này lại chưa đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền, dẫn đến bị Trung Quốc tăng cường áp lực, gia tăng gây hấn, nhất là trong thời gian gần đây. Đây là những tiền lệ xấu và nguy hiểm.

Nhà nước cần có các hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ và thực thi chủ quyền. Trên thực tế, nếu có chủ quyền mà không thực thi chủ quyền thì chủ quyền đó không chắc chắn, có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào. Do đó, tích cực và chủ động thực thi chủ quyền là một trong những nguyên tắc quan trọng đối với Biển Đông.

Thực lực

Thực lực là đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cần dựa chủ yếu vào thực lực của chính mình. Sự hỗ trợ từ bên ngoài bao giờ cũng đáng quý và cần được khai thác triệt để, nhưng  không bao giờ có thể thay thế được thực lực về kinh tế, quân sự, pháp lý, chính trị, khoa học... của đất nước. Vì thế, xây dựng lực lượng và bồi đắp thực lực là việc tối cần thiết, quyết định chính đến sự thành bại của công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trên thực tế, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, mà còn diễn ra đồng bộ và rộng khắp trong các mặt trận chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, văn hóa, học thuật... Vì thế, phát triển thực lực cần phải phải lưu ý phát triển đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực này.

Trong phát triển thực lực, ngoài việc phát triển tiềm lực kinh tế và quân sự, cần chú trọng thích đáng đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực lãnh đạo có tâm có tài, có trách nhiệm với đất nước; đội ngũ học giả, luật sư, nhà nghiên cứu về Biển Đông; các chuyên gia về luật biển, kinh tế biển, khoa học và công nghệ biển... Phát triển nguồn nhân lực biển cần phải được đầu tư một cách thích đáng và triển khai dưới sự hướng dẫn của một chiến lược tổng thể, hướng tới mục tiêu có được nguồn nhân lực không chỉ đủ mạnh trong bảo vệ chủ quyền mà còn đủ khả năng thực thi hiệu quả chủ quyền thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự... để làm giàu, làm mạnh cho đất nước.

Thực lực cũng không nên chỉ được xét đơn thuần ở khía cạnh vật chất, mà cần bao gồm cả  những yếu tố tinh thần như truyền thống lịch sử, tinh thần ái quốc, nghệ thuật quốc phòng toàn dân, những bài học dựng nước và giữ nước mà cha ông để lại. Chính những yếu tố tinh thần này đã giúp chúng ta bao phen vượt qua những kẻ thù mạnh gấp bội trong lịch sử. Cho nên, sức mạnh tinh thần là một thành phần quan trọng của Thực lực và cần được nuôi dưỡng, bồi đắp không ngừng.

Trong nguyên tắc 4T này, Thực tiễn đóng vai trò quan trọng nhất, định hướng cho Thực dụng - Thực thi - Thực lực. Giải pháp có hiệu quả, thực dụng không? Các chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo có được thực thi không, và thực thi như thế nào? Thực lực có được xây dựng và bồi đắp đủ để bảo vệ và thực thi chủ quyền không? Tất cả đều phụ thuộc vào việc bám sát mọi diễn biến trên thực hải, thực địa; bám sát thực tiễn cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trên mọi mặt trận. Xa rời thực tiễn là bước đầu thất bại. Ngược lại, bám sát thực tiễn là khởi đầu của thành công.

Khi đã có công thức 4K làm định hướng, nguyên tắc 4T làm phương châm hành động, cùng với sự hỗ trợ của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ không có lý do gì để thất bại.

G.V.D.

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn