Vấn đề Biển Đông: Việt Nam còn mỏ vàng tri thức Việt kiều

Hoàng Hạnh

clip_image004

 

Đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

 
- Xét về kỹ thuật đưa thông tin, Trung Quốc đạt được hai yếu tố: nhanh nhạy và nhiều. Nhưng họ không có sự thật. Việt Nam đang giữ nhiều bằng chứng khẳng định chủ quyền Biển Đông. Chúng ta có thể củng cố thêm tư liệu nhờ sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Hai cuộc trao đổi của Bee.net.vn với TS Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung và Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc được thực hiện độc lập. Nhưng khi nói về vấn đề quảng bá thông tin chủ quyền của Việt Nam, hai nhà nghiên cứu có những suy nghĩ tương tự nhau.

Trung Quốc bài bản nhưng không có sự thật

TS Vũ Cao Phan nhắc tới lệnh cấm đánh cá vào mùa cá đẻ của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào năm 1999, mở đầu cuộc trao đổi với Bee.net.vn. Ông nói, khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu vô lý đó, Việt Nam đã phản đối. Phía Trung Quốc không phản ứng lại.

7 năm liên tiếp, Trung Quốc vẫn tuyên bố, ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt cá bình thường trên những vùng biển nói trên. Hầu như không có chuyện gì xảy ra.

Đến năm thứ 8, bắt đầu có một vài vụ tàu của ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, thu ngư cụ. Năm thứ 9, thứ 10, thứ 11, số lượng những vụ bắt giữ tăng lên và trầm trọng hơn. Đồng thời vào những năm này, Trung Quốc công bố đường lưỡi bò, không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý hay khoa học nào.

Về sự xuất hiện của bản đồ lưỡi bò, theo TS Vũ Cao Phan, nó lần đầu xuất hiện trên bản đồ của Quốc dân Đảng Trung Quốc năm 1947. Nhiều năm sau giải phóng, Trung Quốc hầu như không đề cập tới cái lưỡi bò này. Rồi dần dần, nó xuất hiện trên những cuốn sách hướng dẫn, sách du lịch, sách giáo khoa… Cách đây 4 năm, họ vẽ đường lưỡi bò trên bản đồ và năm vừa rồi thì đưa ra Liên Hiệp Quốc.

“Đó là cách Trung Quốc tạo ấn tượng dần dần. Mỗi tuyên bố đều nằm trong chiến lược và họ thường hành động một cách bài bản. Họ nói mà không làm ngay không có nghĩa là họ từ bỏ ý định” – TS Vũ Cao Phan nhấn mạnh.

Đại tá Quách Hải Lượng bổ sung, năm 1982, ông đã mua được bộ sách 6 cuốn  thể hiện những dự định sai sự thật của Trung Quốc về Biển Đông. Đáng chú ý, hai cuốn "Biển Đông là của Trung Quốc" là của một học giả Trung Quốc có tiếng, ông Quách Mạt Nhược. Bộ sách được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp.

Ông Quách Hải Lượng nhận xét: “Các nhà khoa học Trung Quốc viết rất nhiều bài báo, cuốn sách về Biển Đông như vậy. Từ những năm 1980, họ đã tự viết tới 600 - 700 tài liệu về Biển Đông. Lúc đầu đó là những tài liệu “lưu hành nội bộ”, dần dần Trung Quốc cho tuyên truyền rộng rãi. Xét về kỹ thuật đưa thông tin, họ làm được hai điều: nhanh nhạy và nhiều. Nhưng họ không có yếu tố cơ bản nhất là sự thật”.

Việt Nam chưa dùng tới “mỏ vàng” tri thức từ nước ngoài

Việt Nam có cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông nhưng chưa thông tin tuyên truyền tốt. TS Vũ Cao Phan kể: “Nhiều người bạn từ Anh, Úc đã nổi cáu với tôi và nói rằng: Trung Quốc rất tích cực tuyên truyền về vấn đề Biển Đông theo hướng có lợi cho mình, trong khi Việt Nam hầu như không nói gì cả khiến dư luận thế giới dễ hiểu là lẽ phải thuộc về Trung Quốc”.

Phải khẳng định rằng, việc tuyên truyền của Việt Nam chưa có hệ thống, liên tục và chưa khai thác hết được nguồn tri thức.

Ông dẫn chứng: “Tại Hội thảo về An ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế và Chiến lược của Hoa Kỳ tổ chức cuối tháng 6/2011, nhiều Việt kiều đã tham dự, nhiều hơn cả số đại biểu đến từ trong nước. Tôi tin, những người Việt Nam ở Úc, Pháp, Mỹ, chỉ cần được kêu gọi, họ sẽ hết lòng nghiên cứu, tìm hiểu, đóng góp tư liệu… và điều quan trọng là góp phần giúp cho thế giới hiểu rõ sự thật.

Câu chuyện của Đại tá Quách Hải Lượng củng cố thêm cho nhận định trên. Ông kể, khi Pháp rút khỏi Đông Dương, hai thứ họ quan tâm hàng đầu là bản đồ địa chất toàn Đông Dương và bản đồ khí tượng toàn Đông Dương.  Đó là nơi lưu giữ nhiều tư liệu về chủ quyền Biển Đông.

“Người Việt Nam ở nước ngoài, rất nhiều người yêu nước, có trí tuệ, có nhiều tư liệu hay. Người nước ngoài cũng có những hiểu biết, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa. Dường như chúng ta vẫn chưa tận dụng được nguồn chứng cứ này” - ông Quách Hải Lượng nói.

“Thời cơ của chúng ta”

Người Việt Nam bao giờ cũng đặt Tổ quốc lên trên, TS Vũ Cao Phan và Đại tá Quách Hải Lượng đều dựa trên cơ sở đó mà tin rằng: Những sự kiện xảy ra thời gian gần đây có thể trở thành cơ hội để người dân trong nước, người Việt Nam trong nước và nước ngoài tìm được sự đồng thuận. Đồng thời, đây là cơ hội để soi lại chính mình, trong mối quan hệ với người Việt Nam ở nước ngoài, trong mối quan hệ với Trung Quốc.

TS Vũ Cao Phan cho rằng, người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù theo quan điểm nào cũng sẽ đồng tâm hiệp lực vì lợi ích của dân tộc. Vấn đề là, phải có chủ trương đúng, hành động tích cực từ những người có trách nhiệm...

Đại tá Quách Hải Lượng đặt vấn đề, đã đến lúc Việt Nam nghĩ tới một chiến lược rõ ràng ứng xử với Trung Quốc. Nước Trung Quốc lớn, dân Trung Quốc đông nhưng lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Việt Nam ngang hàng bình đẳng.

“Nhìn cách làm của người Trung Quốc, tôi hi vọng lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ có những phương cách tạo được tiếng nói chung, có trọng lượng của quốc gia. Tuyên truyền về chủ quyền là quyền của mỗi quốc gia. Phải để người dân Việt Nam hiểu đất nước mình, để nhân dân thế giới hiểu sự thật, lẽ phải thuộc về Việt Nam mới huy động nội lực của dân tộc Việt Nam cũng như sự ủng hộ của thế giới”.

H.H.

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn