Vì sao Trung Quốc không đưa vấn đề Trường Sa ra Liên Hiệp Quốc?

Quỳnh Như, Phóng viên RFA

clip_image002  

Một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 20 tháng 7 năm 2011. AFP PHOTO / POOL

 

Trong vấn đề giải quyết tranh chấp với các nước ở khu vực Biển Đông, từ trước đến giờ Trung Quốc chỉ muốn giải quyết trong khuôn khổ song phương.

Kể cả khi chính phủ Philippines lên tiếng đòi đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm vùng biển Tây Philippines ra trước Liên Hiệp Quốc giải quyết, ai cũng biết là Bắc Kinh sẽ không bao giờ để vấn đề này được đưa ra trước Liên Hiệp Quốc. 

Vì sao Trung Quốc không muốn đưa vấn đề Trường Sa ra trước Liên Hiệp Quốc? Về vấn đề này Quỳnh Như có cuộc nói chuyện với Luật sư Ted Laguatan, đồng thời ông cũng là một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông và có nhiều bài viết post trên báo Inquirer.

Luận cứ vô lý

Quỳnh Như: Xin chào Luật sư Ted Laguatan. Mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền tại khu vực tranh chấp với các nước trong quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc không muốn đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc giải quyết. Xin ông cho biết lý do vì sao Trung Quốc lại hành xử như vậy?

Nếu như Trung Quốc đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế giải quyết, thì chắc chắn họ sẽ thất bại.

Ted Laguatan

Ted Laguatan: Nếu như Trung Quốc đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc thì Tòa án quốc tế về Luật Biển sẽ áp dụng Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc mà các nước đã tham gia ký kết trong đó có Trung Quốc. Và chiếu theo công ước này, bất kỳ khu vực nào trong phạm vi 200 hải lý tính từ lãnh hải của quốc gia nào thì thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Cho nên phần lãnh thổ ở vùng biển phía Tây Philippines trong khu vực quần đảo Trường Sa nằm trong phạm vi 200 hải lý cách bờ biển Philippines. Do vậy nếu như Trung Quốc đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế giải quyết, thì chắc chắn họ sẽ thất bại.

Lập luận chính mà Trung Quốc viện dẫn trong vấn đề tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa, là về mặt lịch sử khoảng 2000 năm trước đã có bản đồ định rõ ranh giới dưới thời triều đình nhà Hán. Trong đó không chỉ có Trường Sa mà bao gồm cả vùng biển và Hoàng Sa mà ngày nay nhiều nước trong khu vực đều tuyên bố có chủ quyền.

Quỳnh Như: Ông có đánh giá gì về lập luận vừa nêu của Trung Quốc trong vấn đề tuyên bố chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa, đứng về phương diện quốc tế liệu luận cứ này có đứng vững không, thưa ông?

Ted Laguatan: Đây thật là một điều hết sức lố bịch và vô lý. Nó cũng tương tự nếu như chính phủ Ý tuyên bố phần lớn lãnh thổ châu Âu, một phần lãnh thổ châu Á và châu Phi bây giờ là thuộc Ý vì những phần lãnh thổ này trước kia thuộc đế chế La mã. Cho nên quay trở lại vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở khu vực tranh chấp dựa vào yếu tố lịch sử là rất vô lý. Do đó, nếu như Trung Quốc mang vấn đề Trường Sa ra trước Liên Hiệp Quốc, tôi cho rằng lập luận của Trung Quốc sẽ thất bại. Và do vậy tôi tin rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn đưa vấn đề này ra giải quyết trước công luận quốc tế.

clip_image004

Luật sư Ted Laguatan. Hình do Ông cung cấp

Thay vào đó Bắc Kinh muốn giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông song phương với từng quốc gia, ví như Trung Quốc với Philippines, Trung Quốc với Việt Nam, hay với các nước khác. Tất nhiên, Philippines không đồng ý như vậy, nhưng quốc gia này lại không có đủ sức mạnh về mặt quân sự, cũng như về kinh tế để có thể chọi lại với Trung Quốc, cho nên chính phủ Manila muốn đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc giải quyết. Trong vấn đề này tôi tin rằng Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ Phillipines. Washington cũng thừa biết Manila không đủ sức mạnh về kinh tế và quân sự để đương đầu với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh hải, và sẽ không giải quyết được gì trong thỏa thuận song phương với Bắc Kinh. 

Nên theo công ước quốc tế

Quỳnh Như: Ai cũng biết từ trước đến giờ Trung Quốc chỉ đặt vấn đề giải quyết song phương các tranh chấp Biển Đông. Vậy khi đặt vấn đề với Bắc Kinh đưa vấn đề xâm phạm vùng biển Tây Philippines ra Liên Hiệp Quốc giải quyết. Liệu Manila có biết trước Bắc Kinh sẽ không đáp ứng yêu cầu này. 

Thời điểm mà Trung Quốc ký thoả thuận này là ngày 6 tháng 7 năm 1996, lúc ấy những nguồn lợi về dầu khí và hải sản chưa được thăm dò và phát hiện nhiều như bây giờ.

Ted Laguatan

Ted Laguatan: Tất nhiên là Philippines cũng tiên đoán được phản ứng của Trung Quốc. Nhưng Philippines thấy rằng nếu đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc thì sẽ có lợi cho nước họ và hoàn toàn phù hợp vì Trung Quốc đã ký thông qua công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Thời điểm mà Trung Quốc ký thoả thuận này là ngày 6 tháng 7 năm 1996, lúc ấy những nguồn lợi về dầu khí và hải sản chưa được thăm dò và phát hiện nhiều như bây giờ.

Quỳnh Như: Mới gần đây Philippines đề nghị tách biệt vùng đang tranh chấp với những vùng không tranh chấp trong khu vực Biển Đông, hầu làm dịu bớt những căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền tại khu vực Trường Sa, và chuyên gia pháp lý của các nước ASEAN sẽ họp tại thủ đô Manila để thảo luận về đề nghị này. Theo ông nghĩ, đề nghị này có khả thi không. 

Ted Laguatan: Tôi nghĩ đây có thể là một sự nhân nhượng của Philippines nói chung, và cũng chỉ mới được đưa ra gần đây trong cuộc hội thảo của các nước ASEAN mà thôi. Tôi nghĩ về phía chính phủ Manila cũng chỉ mới đưa ra đề nghị này đối với các nước ASEAN – tách biệt vùng tranh chấp với những vùng không tranh chấp ở Trường Sa để có thể cùng hợp tác khai thác, phát triển vùng tranh chấp, trong khi những khu vực không tranh chấp sẽ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia có chủ quyền.

clip_image006

Các nhà lập pháp Philippines cùng các cư dân địa phương giăng biểu ngữ đảo "Biển Tây Philippines", một đảo thuộc Trường Sa, ngày 20 tháng 7 năm 2011. AFP PHOTO / POOL

Tôi nghĩ rằng vấn đề sẽ được các chuyên gia pháp lý của 10 nước ASEAN đưa ra thảo luận tại cuộc họp ở Manila vào tháng 9 tới đây. Chúng ta hãy chờ xem kết quả cụ thể của các cuộc thảo luận này, còn bây giờ thì tôi nghĩ rằng đó chỉ mới là một đề nghị chung chung từ phía Philippines.    

Quỳnh Như: Nhân đề cập tới ASEAN, và trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, chủ yếu là các quốc gia ASEAN, chỉ trừ Đài Loan. ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 1992, và mới hôm 21 tháng 7 vừa qua hai bên cũng đã ký bản hướng dẫn thực hiện tuyên bố này. Theo ông ASEAN có tiếp tục tham gia trong việc giải quyết các tranh chấp này thông qua đường lối hợp tác hòa bình.

Ted Laguatan: Tôi tin rằng ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước, chủ yếu thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, với vai trò sáng suốt của một cơ chế khu vực sẽ có những hoạt động nhằm đưa tới giải pháp ôn hòa để duy trì vấn đề hợp tác trong khu vực, và có lợi cho tất cả các nước. Ai cũng biết Trung Quốc có một tiềm năng về kinh tế và quốc phòng nếu từng nước trong khu vực đương đầu với Bắc Kinh thì sẽ rất khó khăn, nhưng nếu đoàn kết thành một khối để giải quyết vấn đề này thì Trung Quốc sẽ phải nhìn nhận vấn đề một cách hợp lý hơn.

Tôi nghĩ Việt Nam vẫn còn nhớ việc xảy ra hồi năm 1988 khoảng 66 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc giết hại ngay trong vùng biển của Việt Nam. Điều này quả thực người Việt Nam khó có thể quên. Nhưng hãy để đau thương nằm lại trong quá khứ, và cố gắng tìm một giải pháp ôn hòa để giải quyết vấn đề với sự đồng thuận của các bên.

Tôi cho rằng ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm ra một giải pháp ôn hòa để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông cụ thể là khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.     

Quỳnh Như: Xin cảm ơn Luật sư Ted Laguatan đã dành thời giờ chia sẻ với thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Q.N. – T.L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn