Một lá thư của ngư dân

clip_image001

clip_image003 Blogger Mẹ Nấm

Đầu tháng 9, khi tôi cùng bạn bè ghé thăm gia đình anh Lê Văn Huy (nhân vật chính trong bài báo "Vết thương Hoàng Sa" ) thì anh đã theo thuyền bạn đi đánh bắt gần bờ.

Khi trở về lại Nha Trang, sau hai bài viết "Gian khổ Lý Sơn""Ai đang bảo vệ ngư dân?", tôi cứ suy nghĩ hoài về câu nói của chị Tam: "Ngư dân biết lấy gì bám biển nếu Trung Quốc cứ đánh đập và thu hết lưới chài của mình? Như anh mày đó, chạy trốn khỏi Hoàng Sa, bán hết tàu bè đi rồi vẫn còn mắc nợ nhà nước không biết khi nào mới trả được...".

Tôi nhận lá thư chia sẻ của anh Huy được gần 1 tháng, sau nhiều cân nhắc và trao đổi với bạn bè thân quen, tôi quyết định chia sẻ thư này với mọi người, với hy vọng gia đình anh Huy - chị Tam sẽ nhận được sự trợ giúp từ những người có lòng.

---------------

Thôn Định Tân, Xã Bình Châu, Huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi.

Vào một ngày thời tiết tốt, thuyền tôi mở biển ra khơi làm nghề lưới chuồn. Trên thuyền gồm 6 người, trong đó có tôi làm thuyền trưởng - Lê Văn Huy - sinh 1969 - Định Tân, Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Vì cuộc sống sinh nhai, dù gian khổ đến đâu thuyền tôi cũng vượt khơi xa 2 đến 3 ngày đêm mới đến chỗ làm đó là khu vực quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt vì đó là chủ quyền của Việt Nam.

Đến nơi làm được 2 ngày, đến trưa ngày thứ 3, độ 11 giờ trưa có một tàu Hải quân Trung Quốc chạy lại nổ súng và ra hiệu bảo tôi phải chặt lưới, và bắt số người trên thuyền tới trước mũi ngồi, kẹp hai tay trên đầu. Rồi chúng kịp tàu tới, dắt thuyền tôi sang thuyền kia.

Cùng lúc đó chúng đã bắt 1 chiếc thuyền cùng quê. Lúc này tôi đã mất 1 giàn nghề 200 tấm lưới, chúng dắt sang kẹp 2 thuyền lại và trao người qua lại cho thuyền kia chạy về, và dắt thuyền tôi đi khoảng 2 giờ chiều ngày đó. Chúng dắt tôi đi lúc này là cha đi, con về. Con vẫy tay: "Ba ơi con về còn phải kiếm tiền để nuôi mẹ và hai đứa em Ba ơi…". Cha con cùng òa lên khóc nức nở. Hoàn cảnh lúc bây giờ không cảnh nào thảm bằng lúc này, đi càng xa càng đứt ruột.

Chúng dắt đi khoảng 40 tiếng đồng hồ về tới cảng Hải Nam 6 giờ chiều. Chúng sang qua thuyền thu dọn tất cả dụng cụ như máy định vi, Incom, máy dò và một số dầu chạy.

Rồi bảo tôi qua tàu làm việc ghi rõ quê quán, họ tên.

Qua ngày sau chúng chở tôi lên phố điện thoại về nhà bảo gia đình gởi tiền qua nộp phạt 6 ngàn đô la, bằng đường dây điện thoại của chúng.

Lúc ban đầu mới qua mình còn gạo thì ăn no. Sau đó mỗi ngày chúng cho 2 lon gạo, tôi phải ăn hai bữa cháo một bữa cơm cũng không no. Và mỗi bữa ăn phải chờ sau khi chúng ăn xong còn những gì thừa cặn chúng đem cho mình mới ăn. Thậm chí nhiều lúc phải nhặt rau rác trôi dạt trên sông để ăn. Ban ngày ngủ được chút nào được, còn ban đêm thức trắng vì muỗi như ruồi không thể nào ngủ được.

Mãi như thế đành phải chịu đựng một tháng trời.

Thỉnh thoảng chiều thứ 7 chúng chở đi điện thoại bảo gia đình gửi tiền qua gấp chứ không là nhốt tù. Cũng nhiều lần chúng kêu qua xuống hầm tàu tra tấn đánh đập.

Hoàn cảnh của tôi bị bắt đói khổ, còn gia đình ở nhà thiếu trước hụt sau, mẹ con lần bữa qua ngày vì cuộc sống nhờ vào chồng con và chiếc thuyền đó.

Ngờ đâu vào đêm 16 tháng sau bọn chúng ngủ sớm, tôi bảo anh em trong thuyền chuẩn bị đâu vào đấy, đến 11h đêm tôi chặt dây trốn thoát. Trên thuyền chỉ có một la bàn mà tôi chạy 4 ngày đêm mới về tới nhà. Trên đường chạy về tôi gặp các thuyền đánh cá của mình xin gạo, nước và mấy canh dầu chạy về đủ đến bờ.

Khoảng 5 giờ sáng tôi về tới nhà kêu cửa "Bà ơi, mở cửa bà ơi". Tôi về được rồi, nghe tiếng kêu của tôi, bà vội mở cửa tôi vào nhà cùng òa lên khóc. Nhìn bên cạnh thằng con trai nhỏ gãy chân bó bột nằm cạnh bên cùng òa lên khóc vì xúc động quá không ngờ đâu mà tôi trốn thoát được bao giờ. Bà con xung quanh chạy lại đông đủ quá mừng.

Niềm vui bây giờ thì có, nỗi buồn nó ở sau lưng vì chỉ được thuyền về, không tất cả ngư lưới cụ cũng như dụng cụ đều mất trắng. Tôi đành phải bán chiếc thuyền để trả nợ cho các doanh nghiệp của chuyến biển và ngư lưới cụ cũng như các thiết bị dụng cụ mà cũng không đủ đâu vẫn còn nợ của bà con là 10 triệu đồng và Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn là 20 triệu đồng.

Từ ngày tôi bị bắt trở về nhà nước cũng như các cấp xã, thôn không quan tâm, không hỗ trợ được chút nào cả, đành phải ra gành bắt ốc, sò lần bữa qua ngày. Tuổi bây giờ đã lớn, không có phương tiện sinh hoạt là khó giải thoát được các khoản nợ trên, đành bó tay.

Vậy nay tôi trình bày sự việc cũng như hoàn cảnh gia đình tôi là sự thật tôi mong rằng các ngành, các cấp, các nhà hảo tâm giúp đỡ tạo điền kiện cho gia đình tôi thoát khỏi nợ nần và có điều kiện sinh hoạt kiếm sống đỡ vất vả hơn.

Tôi thành thât biết ơn sâu xa, cũng như đẻ tôi ra lần thứ hai. Ngàn đời biết ơn.

Định Tân, Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Ngày 23 tháng 08 năm 2011, Âm Lịch

Lê Văn Huy

clip_image004

clip_image005

clip_image006

clip_image007

P/S: Thay mặt gia đình anh Huy, xin gửi đến anh Ng. - một người bạn trong Multiply của tôi, đã có lòng trợ giúp thanh toán bớt một phần khoản vay từ ngân hàng. Chúng ta sẽ cùng ngư dân bám biển theo cách của mình phải không anh?

M.N.

Nguồn: menam0.multiply.com

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Ngóng chồng ở Hoàng Sa

Vết thương Hoàng Sa

Bài và ảnh: Lê Văn Chương

SGTT.VN - Một khi được tàu Trung Quốc thả về, hầu hết ngư dân trở thành người trắng tay, tật nguyền. Tôi đến thăm chị Võ Thị Tam (48 tuổi) ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi chị đang ngồi thẫn thờ bên bà mẹ già và đếm những đồng bạc nhàu nát sau một ngày lao động cực khổ.

clip_image009

Chị Võ Thị Tam và người mẹ già với câu chuyện Hoàng Sa

 

Cuộc đào tẩu hy hữu

Anh Lê Văn Huy (44 tuổi), chồng chị, từng là thuyền trưởng của con tàu QNg 5590 TS xuôi ngược ra Hoàng Sa, giờ trong cảnh túng quẫn, hàng ngày anh ra gành bắt ốc kiếm sống. Ở biển, công việc này vốn chỉ dành cho phụ nữ.

Cách đây khoảng ba năm, trong một chuyến đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, tàu anh Huy bị một tàu hải quân Trung Quốc mang số 46161 bắt cùng lúc với ba tàu cá khác của các ông: Trần Đồng, Nguyễn Đức Sáu và Nguyễn Rổ và đưa về giữ tại đảo Hải Nam.

Nhận được tin dữ, chị Tam ở nhà rối bời ruột gan. Anh điện báo về cho biết, 140 tấm lưới trên tàu đã bị phía Trung Quốc chặt đứt hết, máy định vị, máy dò, Icom cũng bị gỡ sạch, dầu họ cũng hút hết còn đòi phạt thêm 5.000 USD/tàu.

Ngày nào chị cũng chạy đôn chạy đáo để hỏi vay nặng lãi, gom tiền chuộc chồng. Tuy nhiên, không ngân hàng nào chịu chuyển số tiền này. Họa vô đơn chí, đang trong cơn bấn loạn thì đứa con chị lại bị tai nạn.

Vào một đêm tối trời, lợi dụng đám lính ngủ say, anh Huy gom dầu của ba con tàu lại và lấy giẻ bịt ống khói tàu để giảm tiếng ồn, sau đó tăng ga đưa 19 ngư dân lao về hướng Việt Nam. Trên tàu không có thiết bị định hướng nên cả đoàn cứ thế mò mẫm giữa Biển Đông tìm đường về.

“Chồng mày dẫn ngư dân bỏ trốn, nếu chúng tao bắt lại được thì sẽ chặt đầu!” – chị Tam và cả xóm nhỏ hoảng loạn vì cú điện thoại từ Trung Quốc. Ngày nào chị cũng ra biển ngóng về Hoàng Sa gọi tên chồng, bởi không biết anh Huy lạc hướng nào. Sau gần một tuần mò mẫm trong đói khát trên chặng đường hơn 300 hải lý, chiếc tàu cũng về được đến quê và phải đem bán ngay để trả nợ. Nhìn người chồng thất thểu như kẻ mất hồn, chị Tam đành phải đứng ra lo toan gánh nặng mưu sinh thay chồng và trang trải nợ nần. Thương con, bà Võ Thị Dưỡng (85 tuổi), mẹ của chị, dúi cho con gái 2 triệu đồng. Đây là số tiền chế độ gia đình liệt sĩ mà bà đã dành dụm cả năm mới có được để phòng khi nằm xuống.

clip_image010

Chị Quý với đứa con nheo nhóc

 

Đành kết thúc những chuyến ra khơi vào lộng

Trong căn nhà tranh tối tranh sáng ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chị Nguyễn Thị Quý (31 tuổi), một người đàn bà gầy yếu, ôm đứa con còn nhỏ vào lòng nhỏ nhẹ kể: “Ngày ba nó bị hải quân Trung Quốc bắn bị thương ở Hoàng Sa, bé Tu Thị Trà Mi mới là cái thai sáu tháng. Hồi đó chắc nó đã nghe tiếng mẹ nó khóc ba bị nạn ở Hoàng Sa”.

Chị là vợ của ngư dân Tu Thanh Sơn (34 tuổi). Năm 2007, trong một chuyến đi Hoàng Sa, anh Sơn đã bị hải quân Trung Quốc xả súng bắn. Sau khi được đưa vào đảo Phú Lâm và chuyển về đảo Hải Nam điều trị, trở về, anh Sơn mang biệt danh Sơn sẹo. Thương chồng, chị Quý chạy ngược chạy xuôi để gia đình có cuộc sống tạm đủ qua ngày. Viên đạn bữa đó đã phá vỡ xương chân anh Sơn, thanh inox định hình xương vẫn chưa tháo ra được. Những ngày trở trời, chị lại tất tả chăm sóc và động viên, bởi lúc đó anh thường vật vã vì vết thương đau nhức.

Một bà hàng xóm cho hay: “Vợ chồng thằng Sơn nghèo nhất xóm. Bà con lối xóm góp tiền giúp vợ chồng nó mấy lần rồi. Hồi xưa nó khoẻ mạnh bao nhiêu thì bây giờ yếu bấy nhiêu. Cái nhà trong xó mà vợ chồng nó ở là nhà của hàng xóm, mỗi tháng vợ chồng nó trả tiền thuê 50.000 đồng”.

Khi từ Hoàng Sa trở về và thành người tật nguyền, anh Sơn và vợ của mình phải chật vật mưu sinh trong tình cảnh cả hai cùng bệnh. Chị Quý phải đi Hà Nội mổ tai ba lần, sinh hai đứa con đều phải mổ vì không có sức khoẻ. Thương chồng tật nguyền, nhưng theo chị Quý “không làm thì chỉ vài ngày là hết gạo. Hai đứa con với những đơn thuốc khám bệnh định kỳ khiến gia đình luôn trong cảnh thiếu thốn”.

Từ một ngư dân ngang dọc trên biển Hoàng Sa, giờ anh Sơn phải sống những ngày cơ cực trong cảnh neo thuyền, ngủ bờ. Mùa nắng, cứ chiều tối anh lại đi dọc gành với bóng đèn, cây vợt và lặn suốt đêm dưới đáy biển trong cái giá lạnh để bắt cua, mò cá. Đến sáng sớm anh mới lầm lũi từ ngoài biển trở về. Ngồi trong ánh đèn tù mù và tiếng đứa con đòi ba, chị Quý nói: “Mùa đông, chồng em không đi lặn được, vậy là ảnh làm thợ đụng. Cứ ra biển ai kêu gì thì làm nấy. Hồi khó khăn quá thì gia đình hai bên góp gạo hỗ trợ”.

Rời gia đình chị khi màn đêm sập xuống, tôi vẫn mang theo câu hỏi nhói lòng cùng một niềm hy vọng mơ hồ của người phụ nữ ấy: “Mình bị nạn ở Hoàng Sa thì có được hỗ trợ gì không anh? Nếu được hỗ trợ, em sẽ đưa chồng tới bệnh viện để rút cái nẹp sắt trong chân anh ấy ra, còn dư thì sắm thêm đồ nghề để làm biển, nuôi con”.

L.V.C.

Nguồn: sgtt.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn