Cao Bằng vẫn không ngừng “chảy máu” khoáng sản

Bài cuối: “Quản lý khoáng sản phải bằng giải pháp căn cơ!”

Vỹ Kỳ (thực hiện)

clip_image002

Ông Nguyễn Hoàng Anh. Ảnh: Vỹ Kỳ

 
SGTT.VN - Nguồn khoáng sản giàu có của Cao Bằng vẫn liên tiếp bị tuồn qua biên giới bất chấp những nỗ lực của địa phương là một thực tế không thể chối bỏ. UBND tỉnh Cao Bằng có biết và xử lý điều này và xử lý thế nào? Chúng tôi đã đặt lên bàn ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh những câu hỏi xung quanh vấn đề này.

Quặng thô đã bị cấm xuất khẩu từ hai năm nay

Thưa ông, theo như đánh giá của tỉnh, từ năm 2010 đến nay, công tác quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản tại Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến. Ông có thể nói rõ những chuyển biến này là gì?

Hai năm qua, Cao Bằng đã dừng cấp mới tất cả các dự án xin khai thác mỏ, tập trung việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá lại tình hình cấp phép, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Việc này được tiến hành nghiêm túc và chặt chẽ.

Những dự án vẫn còn thời hạn và đang tiến hành khai thác được đánh giá lại xem hiệu quả khai thác như thế nào, có tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên hay không, mục tiêu dự án phục vụ mục đích gì…?

Những dự án chậm tiến độ, khai thác không hiệu quả gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường… sẽ bị thu hồi. Trên thực tế, Cao Bằng đã tiến hành thu hồi nhiều dự án không có hiệu quả kinh tế và không thực hiện theo đúng cam kết trong hồ sơ dự án.

Nhưng trên thực tế, tình trạng mua bán quặng thô trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra công khai hoặc lén lút, UBND tỉnh có biết hay không?

Đây là một trong những vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý khoáng sản ở Cao Bằng. UBND tỉnh đã chỉ đạo rất sát sao nhưng vẫn chưa dẹp bỏ được hoàn toàn. Người dân vẫn tự phát thu gom quặng. Mới đây, tỉnh đã có công văn báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng nói trên.

Rất nhiều điểm tập kết quặng quy mô lớn tồn tại trên địa bàn mà từ đó quặng được xuất thô qua biên giới theo con đường tiểu ngạch và cả chính ngạch như cửa khẩu Tà Lùng. Có những điểm, mỗi đêm hàng ngàn tấn quặng thô “vượt biên”. Đó có phải là cơ chế tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp?

Việc này đã bị nghiêm cấm trong gần hai năm nay, nhất là khi không có cơ chế quota cho doanh nghiệp bán quặng (số lượng nhất định) để đổi lấy than cốc.

Tuy nhiên, hiện tượng các doanh nghiệp mua bán quặng rồi lập lờ xuất thô là có. Việc này xuất phát từ cơ chế cho phép các doanh nghiệp trong nước được mua bán quặng thô. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để xuất thô trái phép.

Chúng tôi thấy tại thôn Khau Đồn, xã Hưng Đạo, huyện Hoà An có điểm tập kết quặng thô rất lớn của công ty sản xuất phân đạm Quang Minh, một doanh nghiệp không liên quan gì tới khai thác quặng. Việc này được giải thích thế nào, thưa ông?

Điểm tập kết quặng này tồn tại do trước đó, doanh nghiệp này có giấy phép tận thu khai khoáng. Tôi đã trực tiếp xuống kiểm tra và xử lý hành chính tại địa điểm tập kết của công ty này.

Nhiều dự án chế biến sâu chỉ tồn tại trên giấy

Một trong những điều kiện bắt buộc để được cấp phép khai khoáng là doanh nghiệp phải có nhà máy chế biến sâu. Trên thực tế, những dự án chế biến sâu này có mang lại hiệu quả thực sự không, thưa ông?

Đây là chủ trương chung chứ không phải riêng của Cao Bằng, và đã được Cao Bằng thực hiện trước năm 2010. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành đấu thầu công khai nhiều điểm mỏ. Việc đấu thầu này mang lại nguồn thu nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong khai thác mỏ.

Đối với các dự án chế biến sâu (các nhà máy luyện kim), nhiều dự án chỉ tồn tại trên giấy, đắp chiếu để đấy. Những dự án này Cao Bằng sẽ có hướng xử lý. Nhiều dự án đang vận hành hiệu quả không cao, vì hầu hết sử dụng dây chuyền, công nghệ chế biến lạc hậu của Trung Quốc. Cao Bằng đã thuê chuyên gia nước ngoài đến thẩm định, đánh giá về chất lượng, hiệu quả của những công nghệ chế biến này, sẽ có báo cáo vào cuối tháng 10.2011.

Tỉnh chủ trương kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến sâu khoáng sản để mang lại hiệu quả kinh tế chứ không phải tình trạng ăn xổi.

Một trong những ưu đãi mà Cao Bằng dành cho các doanh nghiệp chế biến sâu mấy năm trước đây là cấp quota cho doanh nghiệp bán quặng thô sang Trung Quốc để đổi lấy than cốc (nhiên liệu vận hành nhà máy chế biến). Thực tế này còn được duy trì hay không, vì rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng quota này để hợp pháp hoá xuất quặng thô?

clip_image004

Điểm tập kết quặng tại công ty sản xuất phân đạm Quang Minh (xóm Khau Đồn, xã Hưng Đạo, huyện Hoà An). Ảnh: Vỹ Kỳ

Hai năm nay, Cao Bằng đã dừng cơ chế này. Những hành vi xuất quặng thô qua biên giới (dù chính ngạch hay tiểu ngạch) đều vi phạm pháp luật. Cao Bằng không hạn chế việc mua bán quặng trong nội địa.

Cao Bằng đang đề nghị Bộ Công Thương xin giữ lại hai doanh nghiệp nhà nước không cho cổ phần hoá. Đây sẽ là mô hình doanh nghiệp hoạt động công ích trong khai thác khoáng sản. Những điểm mỏ nào không có khả năng khai thác sẽ bị thu hồi, hoặc chủ mỏ phải liên doanh liên kết với doanh nghiệp này, tỷ lệ ăn chia cụ thể. Phần lợi nhuận kinh tế này nhằm phục vụ các công trình phúc lợi.

Việc mua bán, chuyển nhượng điểm mỏ Bó Lếch (xã Hoàng Tung, huyện Hoà An) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thông tin trên trang web của Sở. Sự việc này có được phép hay không, thưa ông?

UBND tỉnh chưa nhận được báo cáo từ phía Sở. Tuy nhiên, điều đó là không được phép. Có thể, đó là Sở thông tin về việc tiếp nhận các hồ sơ đầu việc, còn phải trình lên các cấp phê duyệt… Nhưng nói chung, chuyển nhượng mỏ là không được phép.

Phải quản lý căn cơ và người dân phải được hưởng lợi!

Tình trạng xuất lậu quặng thô có thể được lý giải là do các nhà máy chế biến trong tỉnh đã thừa nguyên liệu đầu vào hay không, thưa ông?

Rất nhiều nhà máy kêu thiếu. Trước đây, muốn được cấp mỏ phải có nhà máy chế biến. Nhiều chủ dự án không thăm dò trữ lượng nên dẫn đến việc thiếu nguyên liệu khi vận hành.

Các doanh nghiệp vẫn bán quặng cho nhau, nhưng nếu mua theo giá thị trường thì doanh nghiệp chế biến sâu sẽ mất thêm chi phí đầu vào. Nếu thấp hơn giá thị trường thì doanh nghiệp khai thác lại không bán. Trong khi đó, giá thu mua quặng thô của Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Đối với những điểm mỏ quy mô vừa và nhỏ không có khả năng khai thác công nghiệp sẽ được quản lý như thế nào, vì đây là gốc của tình trạng khai thác thổ phỉ, khai thác trái phép?

Đây là một trong những đặc điểm của phân bố khoáng sản tại Cao Bằng: nhiều loại khoáng sản, phân bố trên diện rộng và quy mô nhỏ. Tỉnh đang có phương án sẽ giao cho cấp huyện, xã quản lý. Doanh nghiệp muốn khai thác phải kết hợp với địa phương, đóng góp ngân sách cho địa phương, khai thác hết rồi thì phải hoàn thổ. Một điểm mỏ như thế, nếu cho khai thác thì 1 – 2 năm là xong, nhưng nếu không khai thác, dân khai thác tự phát kéo dài vài ba năm, chính quyền mất thời gian đi dẹp, mà dẹp khai thác tự phát thì không khác gì bắt cóc bỏ dĩa.

Làm như vậy, người dân sống ở vùng có khoáng sản cũng sẽ được hưởng lợi. Tất nhiên, phải thực hiện nghiêm túc, có cam kết cùng những chế tài. Điều quan trọng là phải bảo đảm hài hoà lợi ích.

Cảm ơn ông!

V.K.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn