Một sự thật cho Bộ trưởng Cao Đức Phát...

Nhất Ngôn

Chung quy mọi vấn đề bất cập ở nước ta xưa nay đều tựu trung lại trong câu hỏi "đầu tiên?". Nhưng thiếu tiền vẫn chưa phải là đáng sợ nhất.

Sợ nhất là thiếu trách nhiệm!

Tê giác Java đã tuyệt chủng - một tin buồn cho ngành bảo tồn Việt Nam. Xét đến cùng, kết cục này thuộc về phần lỗi của nhà quản lý và cơ chế quản lý của chúng ta thực sự "có vấn đề".

Trong cuộc đối mặt với lâm tặc, tiếc thay những người đại diện cho chính quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lại không thể... tự bảo vệ mình trước bọn phá rừng.

Điều phi lý này đang có thật ở Việt Nam, không biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát có rõ không?

Từ chuyện xứ người...

Người viết có may mắn gặp được một cảnh sát bảo vệ rừng thực sự - Ed Newcomer, chuyên gia người Mỹ - người đã dựng lại hiện trường về vụ tê giác Java Cát Tiên (đã được WWF xác định là con cuối cùng) bị chết vào tháng 4/2010 do đạn bắn.

Miệng nói, tay vẽ lại mô tả hiện trường nơi con tê giác một sừng ngã xuống, Ed đã giải thích nhanh, rõ, dễ hiểu cho những người có mặt bao gồm giới khoa học bảo tồn, báo chí và đặc biệt là lực lượng điều tra của công an tỉnh Lâm Đồng chỉ trong vài phút.

Điều thú vị ở chỗ trước đó Ed chưa hề có buổi làm việc chính thức nào với Công an tỉnh Lâm Đồng, mà ông dựa trên thực tế xem xét kỹ hiện trường nơi tê giác chết và nghiên cứu dữ liệu do kiểm lâm vườn Quốc gia Cát Tiên cung cấp.

Một thái độ làm việc chuyên nghiệp mà tất cả những người chứng kiến không khỏi khâm phục!

Trao đổi với người viết, Ed Newcomer cho biết tại Mỹ, khi thấy bóng người lạ trong rừng nguyên sinh là cảnh sát rừng có quyền hô yêu cầu kẻ khả nghi đứng im. Nếu bỏ chạy hay chống trả thì cảnh sát rừng đương nhiên có quyền nổ súng thị uy hay bắn gục.

Nếu lâm tặc có thể chạy thoát thì bằng điện đàm giữa cảnh sát rừng với cảnh sát địa phương, kẻ phạm tội sẽ được đón lõng và tống giam ngay trên đường ra khỏi rừng.

Qua tìm hiểu thì lý do đơn giản để lâm tặc khó thoát là ngoài rừng nguyên sinh thì rừng đệm của các vườn quốc gia nước ngoài rất lớn (còn của ta thì...) nhưng vành đai giám sát, bảo vệ luôn thắt chặt. Nếu vào vườn mà không có sự cho phép của cảnh sát bảo vệ rừng, anh có bị thú dữ tấn công bị thương hay xé xác thì kẻ làm việc phi pháp cũng đừng hòng nhận được một xu bảo hiểm.

clip_image001

Tê giác Java đã tuyệt chủng tại VN

... đến chuyện xứ ta

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên hẳn sẽ rất ganh tỵ với Ed (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi đoán thế). Ông từng than thở với người viết khi tôi làm một chuyến xuyên rừng tìm thực tế viết bài: "Ở Việt Nam, lâm tặc không sợ kiểm lâm mà... ngược lại". Và tôi biết ông không nói đùa...

Chỉ cần gõ Google cụm từ "kiểm lâm bị tấn công" bạn sẽ có 921.000 kết quả trong 0,18 giây. Hình như ở Việt Nam, không có kiểm lâm của vườn quốc gia nào chưa từng bị lâm tặc tấn công hoặc chí ít là gửi lời... xin tí huyết.

Ông Đỗ Mạnh Hàn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cát Tiên có kinh nghiệm giữ rừng trên 20 năm cười buồn: "Tôi bị lâm tặc dọa giết không biết bao nhiêu lần". Người cựu chiến binh này đã không ít lần dùng bản lĩnh võ thuật của mình tước súng lâm tặc trong khi súng ông thì chỉ để... làm cảnh, không được dùng.

Không chỉ ông Hàn, tất cả các kiểm lâm tôi quen đều chung một câu trả lời, nghe vừa phi lý đến mức buồn cười vừa chua xót: Súng chỉ được bắn chỉ thiên, không được bắn người dù là bắn bị thương. Hóa ra sung - phương tiện bảo vệ rừng và những người giữ rừng trước giờ chỉ là những món đồ trang trí cho oai?

Thật lạ, người bảo vệ rừng hợp pháp lại không được quyền trị những kẻ phạm pháp bởi "cơ chế không cho phép". Nổ súng mà chẳng may lâm tặc chết thì kiểm lâm gặp không biết bao nhiêu là nguy hiểm từ những vụ trả thù lẫn sự phiền hà của cái gọi là "cơ chế".

Cơ chế "trói tay"?

Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) vừa phát biểu trên báo Người lao động: "Hiện Nhà nước vẫn có các dự án bảo tồn động vật, như dự án bảo vệ voi ở Đắk Lắk, Đồng Nai và Bình Thuận nhưng do ngân sách đầu tư chưa được bao nhiêu nên kết quả vẫn còn phải chờ. Cũng vì ngân sách hết sức khó khăn nên nhiều cái muốn vẫn chẳng thể nào làm được".

Tôi thấy câu này... quen quen. Chung quy mọi vấn đề bất cập ở nước ta xưa nay đều tựu trung lại trong câu hỏi "đầu tiên?". Nhưng thiếu tiền vẫn chưa phải là đáng sợ nhất.

Sợ nhất là thiếu trách nhiệm!

Trong cuộc thị sát mới đây ở vườn Quốc gia Yok Đôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát được báo cáo, lương nhân viên kiểm lâm trung bình dưới 3 triệu/ tháng. Ông cũng từng được nghe chuyện lâm tặc đã đáng lo mà "bố lâm tặc" chống lưng phía sau còn đáng lo hơn. Bộ trưởng đã nhấn mạnh chống lâm tặc như chống tội phạm ma túy và ngành lâm nghiệp phải chủ động từ cấp Bộ trở xuống.

Trên cương vị một thường dân, người viết bài mong Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng các cộng sự sẽ giữ đúng lời hứa chủ động của mình. Vì ông từng mở đầu chuyến thị sát rừng Yok Đôn bằng một câu ấn tượng mà Thời báo kinh tế Việt Nam đã ghi lại: "Tôi đến đây không phải để tham quan, không muốn nghe những điều tốt đẹp mà muốn nghe sự thật!"

 
Thưa Bộ trưởng, với mức lương chưa tới 3 triệu/ tháng mà hàng ngày phải đối mặt với những kẻ nguy hiểm "như tội phạm ma túy", cùng thứ cơ chế đang "trói tay" những kiểm lâm chân chính (tôi lại lần nữa nhấn mạnh từ này), thì ai dám bảo vệ rừng lâu dài? Hay một bộ phận không nhỏ cán bộ lâm nghiệp cũng tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia phá rừng bởi họ còn có chân mà "chạy"?

Từ Tây Bắc đến vùng núi Bắc Trung Bộ, từ Tây Nguyên xuống đến Đông Nam Bộ rồi Tây Nam Bộ, đã có biết bao dự án "bán rừng" để trồng cao su, cây cao sản hay đơn giản hơn là phá rừng nguyên sinh để... trồng lại rừng? Trong số các giấy phép ấy, thú thật nếu không có chữ ký của cán bộ quản lý lâm nghiệp cao cấp ở mỗi địa phương (và thậm chí cao hơn) thì làm sao rừng không mất?

Trên cương vị một thường dân, người viết bài mong Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng các cộng sự sẽ giữ đúng lời hứa chủ động của mình. Vì ông từng mở đầu chuyến thị sát rừng Yok Đôn bằng một câu ấn tượng mà Thời báo kinh tế Việt Nam đã ghi lại: "Tôi đến đây không phải để tham quan, không muốn nghe những điều tốt đẹp mà muốn nghe sự thật!".

Và sự thật về những võ sĩ bị "trói tay" chỉ là một trong nhiều sự thật về việc gian nan bảo vệ rừng thôi, thưa Bộ trưởng?

Nên có lực lượng cảnh sát bảo vệ rừng?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý rừng, biển, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý môi trường và đa dạng sinh học. Rừng có cả hai yếu tố ấy nên rốt cuộc, ai sẽ quản lý rừng và khi xảy ra sự cố, quy trách nhiệm cho ai?

Ngày 15.7.2010 vừa qua, tại cuộc họp báo sáu tháng đầu năm của Đồng Nai, Thiếu tướng Trần Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, khi được hỏi về việc vì sao các quán bán thịt thú rừng đặc sản tồn tại công khai ngay cạnh vùng rừng đệm vườn Quốc gia Cát Tiên, đã cho biết ông không nhận được danh sách các quán chuyên bán thịt rừng đặc sản hay địa điểm buôn bán động vật hoang dã, thú quý hiếm nào tại Đồng Nai!

Trong thực tế, danh sách này đã được Kiểm lâm vườn Quốc gia Cát Tiên gửi đến công an các huyện thuộc địa phận vườn quốc gia nhưng tình trạng buôn bán động vật hoang dã, thú quý hiếm vẫn không giảm.

Từ vụ tê giác Java Việt Nam ở vườn Quốc gia Cát Tiên chết đến sự có mặt của các chuyên gia bảo vệ rừng, bảo vệ thú hoang dã nước ngoài tại Việt Nam nhằm điều tra, nghiên cứu, đánh giá sự kiện này của họ, có lẽ Việt Nam phải có cái nhìn và cách làm khác trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ thú quý hiếm, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ kiểm lâm và cơ chế, quyền hạn hoạt động cũng như các chính sách cần thiết cho lực lượng này.

Việt Nam đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường trước tình trạng môi trường Việt Nam ngày càng bị xâm hại nặng nề. Vậy có nên có lực lượng cảnh sát bảo vệ rừng?

Sự thay đổi trong cách thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, thú quý hiếm - dù là theo cách nào - thì nhất thiết vẫn nên được xem xét và luật hoá dựa trên cơ sở các kiến nghị của những người trong cuộc và tham khảo cách làm hay, làm tốt của những quốc gia khác. Nếu không, rừng Việt Nam và các loại thú quý hiếm e sẽ không tồn tại lâu nữa...

N.N.

Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn