Quan hệ đối tác xuyên-Thái Bình Dương (TPP) trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

(Việc gia nhập của Nhật Bản vào TPP có ý nghĩa gì?)

Bernard K. Gordon, Foreign Affairs, November 7, 2011

Trần Ngọc Cư dịch

Vào hôm 14 tháng Mười, trong một bài diễn văn đọc trước Câu lạc bộ Kinh tế New York, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã báo hiệu cái gọi là một sự xoay chiều [chiến lược] hướng về châu Á khi bà tuyên bố rằng: “Trọng tâm chiến lược và kinh tế đang chuyển về phương Đông”. Phát biểu của bà là một phần nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm tái khẳng định vai trò cường quốc Thái Bình Dương của mình. Đây là một câu trả lời trước những lo âu của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) và sự cam kết lâu dài của Mỹ đối với vùng này. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhấn mạnh thêm thông điệp này vào cuối tháng khi ông đến thăm nhiều thủ đô châu Á và đăng cai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii. Trọng tâm của chính sách khu vực này là mậu dịch: Với việc Hiệp ước Tự do Thương mại Mỹ-Hàn đã được Quốc hội Mỹ thông qua, bây giờ Obama tìm cách thắt chặt vai trò kinh tế của Mỹ tại châu Á bằng cách thúc đẩy hoàn tất Hiệp ước Đối tác Xuyên-Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước thương mại đang được đàm phán giữa các nước Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam.

Khi các cuộc đàm pháp kết thúc, Hiệp ước TPP sẽ hạ hầu hết thuế nhập khẩu thương mại giữa những nước trong nhóm xuống mức zero trong một giai đoạn 10 năm. Ngoài các mặt hàng thường được quy định theo truyền thống các hiệp ước trước đây, TPP sẽ bao gồm cả các dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các loại đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước, và nhiều lãnh vực khác. Với tính cách rộng rãi của nó, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk đã ca ngợi nó như là một hiệp ước của “thế kỷ XXI” có khả năng dẫn đến sự hưng thịnh mậu dịch trong vùng.

Nhưng nếu TPP vẫn giữ nguyên cấu trúc như hiện nay – không có sự tham dự của Nhật Bản – thì Hiệp ước nói trên sẽ không đưa ra được một đề xuất kinh tế mà nhiều người kỳ vọng. Nhóm TPP chỉ chiếm 6% thương mại của Mỹ, một tỷ số tương đương với thương mại của Mỹ với chỉ một mình Nhật Bản. Nhật Bản là nước nhập khẩu chính các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đặc biệt các sản phẩm công nghệ cao đắt tiền, như đầu máy phi cơ phản lực, các máy tiện NC (điều khiển bằng số), và các sản phẩm công nghệ sinh học. Và tương phản với tình trạng nhập siêu đang gia tăng nhanh chóng của Mỹ đối với Trung Quốc, sự bất quân bình mậu dịch giữa Mỹ và Nhật Bản đang giảm bớt liên tục. Washington thấy rõ tất cả điều này, và đã kêu gọi nới rộng nhóm TPP để bao gồm luôn cả Nhật Bản. Clayton Yeutter, một cựu đại diện thương mại Mỹ, và Luật sư mậu dịch quốc tế Jonathan Stoel gần đây đã viết trong tờ Wall Street Journal rằng nếu có sự tham dự của Nhật Bản trong nhóm TPP, “thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bộc phát, dễ dàng tăng lên 3, 4 lần”.

Trước đây, Mỹ không luôn luôn nhiệt tình trong quan hệ mậu dịch với Nhật Bản. Mặc dù ý kiến về một hiệp ước tự do mậu dịch Mỹ-Nhật đã được Đại sứ Mỹ tại Nhật Mike Mansfield đề xuất lần đầu tiên vào cuối thập niên 1980, nhưng vì những lo sợ về sự khống chế kinh tế của Nhật Bản, không mấy chính khách Mỹ chịu cứu xét ý kiến này một cách nghiêm túc. Tokyo cũng xem thường nó, chính vì quan điểm kinh tế của Nhật lúc bấy giờ tập trung vào mậu dịch toàn cầu đa phương hơn là vào các hiệp ước thương mại khu vực.

Bây giờ tất cả điều đó bắt đầu thay đổi. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burn tuyên bố tại Tokyo tháng Mười vừa qua rằng Mỹ sẽ “hoan nghênh sự quan tâm của Nhật Bản đối với TPP, đương nhiên Mỹ nhìn nhận rằng quyết định theo đuổi việc gia nhập TPP của Nhật sẽ được thể hiện dựa trên sự cân nhắc cẩn thận những ưu tiên và lợi ích của Nhật”. Về phần mình, Tokyo tỏ ra sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán. Việc gia nhập của Nhật Bản bắt đầu được đưa ra bàn luận kể từ tháng Mười năm 2010, khi cả nguyên Thủ tướng Naoto Kan lẫn Bộ trưởng Ngoại giao của ông đều chấp nhận việc này. Dĩ nhiên, mọi vấn đề mậu dịch đều bị gián đoạn vào tháng Ba 2011 do ba đại họa cùng diễn ra một lúc – động đất, sóng thần, và tan chảy lõi lò điện hạt nhân. Nhưng Tokyo đã có thái độ thăm dò trong những tháng vừa qua, và người ta tin chắc Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ tuyên bố vào tuần này rằng Nhật Bản sẽ tham dự các cuộc đàm phán.

Quan tâm mới đây của Nhật Bản đối với TPP phát xuất từ ba yếu tố. Trước tiên là sự lo lắng do Hiệp ước tự do mậu dịch Mỹ-Hàn gây ra. Giới công nghiệp xuất khẩu Nhật từ lâu đã lo lắng về những sản phẩm Nam Hàn tương đương với hàng hoá Nhật trên thị trường nước ngoài. Và, sự tiếp cận của Seoul đối với giới tiêu thụ Mỹ sẽ liên tục gia tăng một khi Hiệp ước được thi hành.

Yếu tố thứ hai là sức mạnh chính trị ngày một suy yếu của các nhóm lợi ích nông nghiệp Nhật. Qua một thời gian lâu dài trong quá khứ, tập thể này đã chống lại một hiệp ước thương mại tự do với Mỹ vì giới này sợ rằng các nông gia nhỏ lẻ rất được Chính phủ che chở sẽ bị hàng nhập khẩu giá rẻ đè bẹp. Nhưng năng suất nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 1,5% GDP của Nhật, nghĩa là dân số làm nghề nông cũng suy giảm rất nhiều. Nhu cầu xây dựng lại nền kinh tế tiếp theo sau các đại họa tháng Ba đã tăng cường các đòi hỏi phải cải tổ khu vực nông nghiệp lỗi thời của Nhật. Xu thế này đã tạo điều kiện dễ dãi cho giới xuất khẩu Nhật, đứng đầu bởi Liên đoàn công nghiệp Keidanren, thúc đẩy nghị trình ủng hộ mậu dịch của họ.

Yếu tố sau cùng là thái độ quyết đoán trong chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc. Một tín hiệu đầu tiên là, vào năm 2010 Bắc Kinh đã làm sống lại những tuyên bố chủ quyền trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], một vấn đề đã làm sôi sục các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng kể từ giữa thập niên 1990. Vào năm 2002, Trung Quốc và các nước láng giềng trong khối ASEAN đã đồng ý giải quyết các tuyên bố chủ quyền theo đường lối đa phương, nhưng sau đó Trung Quốc lại đòi thương thuyết song phương với từng quốc gia láng giềng một. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã tranh luận vào thời điểm đó: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, và đó chỉ là một sự thật”.

Nhật Bản đã hứng chịu tất cả thái độ hung hăng của Trung Quốc vào tháng Chín năm 2010, khi một tàu đánh cá Trung Quốc húc vào một tàu tuần duyên Nhật. Khi Nhật Bản bắt giam viên Thuyền trưởng của tàu đánh cá, Bắc Kinh đòi hỏi Nhật Bản phải xin lỗi và thả ông ta. Đồng thời Trung Quốc ngưng xuất khẩu sang Nhật khoảng sản đất hiếm. Maehara, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, đã gọi phản ứng của Trung Quốc là “điên cuồng”. Hiện chiếm một vị trí trung tâm trong Chính phủ Noda, Maehara là một trong những chính khách được lòng dân nhất tại Nhật Bản. Trong một bài diễn văn gần đây tại Washington, phản ánh sự đánh giá của Tokyo, ông bày tỏ mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc “đang thay đổi cán cân quyền lực của tình hình trong khu vực như thế nào”.

Những tuyên bố như thế này cho thấy rằng Nhật Bản đã đi một đoạn đường khá dài từ lập trường của mình vào năm 2009, khi cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama thúc đẩy Nhật Bản phải hội nhập hơn nữa với châu Á và chấp nhận một chính sách “giữ khoảng cách đều” (equidistance) giữa Bắc Kinh và Washington. Thay vì như vậy, Chính phủ Noda đã tăng cường những quan hệ vốn đã thân thiết với Washington; đồng thời, hiện nay nhiều người Nhật lý luận rằng Nhật Bản phải tham gia nền mậu dịch xuyên Thái Bình Dương hiện đang phát triển mạnh để tránh khỏi những đình đốn kinh tế của hai thập niên qua. “Nhật Bản phải khai thác năng lực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sử dụng nó cho mục đích phục hồi kinh tế”, Noda đã tuyên bố như vậy tại một buổi họp của Đảng Dân chủ Nhật.

Đại sứ Mỹ tại Tokyo, John Roos, gần đây đã nhận xét rằng việc Nhật Bản gia nhập TPP sẽ là một “biến cố thay đổi cuộc chơi”. Ông ta nói đúng. Một hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương có sự tham dự của Nhật Bản sẽ là một thắng lợi cho nguyên tắc của một hệ thống quốc tế cởi mở. Hơn nữa, như một cố vấn của Thủ tướng Noda đã tuyên bố vào đầu tháng này, việc Tokyo tham gia các cuộc đàm phán TPP sẽ giúp chính phủ này “củng cố một môi trường chiến lược tạo ấn tượng cho Trung Quốc thấy rằng Nhật Bản là một nước đáng nể sợ chứ không dễ gì bắt nạt”. Các quốc gia trong khu vực không nhất thiết phải khứng chịu sự tất yếu của một Thái Bình Dương bị Trung Quốc khống chế. Một quan hệ đối tác gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nền kinh tế nhỏ hơn trong nhóm này sẽ tiêu biểu cho một giải pháp lành mạnh hơn – một giải pháp mà những chính trị gia theo chủ nghĩa thực tế sẽ nhìn nhận là một bước tiến tới một hình thức quân bình lực lượng cổ điển.

Nguồn: foreignaffairs.com

T.N.C. dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn