Ngải Vị Vị: 81 ngày bị giam, 50 lần bị thẩm vấn

Tuấn Thảo

Vào năm 54 tuổi, ông Ngải Vị Vị được làng báo quốc tế bình chọn làm Nghệ sĩ quan trọng nhất trong năm 2011. Báo chí Anh, Mỹ cũng như các cơ quan truyền thông Châu Âu quan tâm đến Ngải Vị Vị chủ yếu vì ông có thái độ bất khuất, không phục tùng trước các biện pháp trấn áp, hù dọa tinh thần của chính quyền Trung Quốc.

clip_image001

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị trước một tác phẩm sắp đặt của mình (DR)

Bị bắt hồi tháng 4 năm 2011 rồi bị giam giữ trong vòng 81 ngày mà không hề có xét xử, trường hợp của ông Ngải Vị Vị đã tạo ra một làn sóng bất bình trong và ngoài nước. Trong khoảng thời gian bị cầm tù, mặc dù bị công an thẩm vấn hơn 50 lần, nhưng ông vẫn không nhượng bộ, bởi vì cũng như ông nói: ông đã không phạm pháp hay làm gì sai trái cả. Được trả tự do vào tháng 6 năm 2011, ông bị quy tội trốn thuế và như vậy buộc phải nộp 15 triệu nhân dân tệ (1,8 triệu euros) tiền phạt, ông hiện còn đang bị điều tra về tội sở hữu các hình ảnh ‘‘khiêu dâm’’.

Từ cương vị nghệ sĩ, ông Ngải Vị Vị nay đã trở thành biểu tượng của tất cả những người bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc. Cuối tháng 12 vừa qua, ông đã nhận trả lời phỏng vấn của đài RFI và nhật báo Le Monde. Hai thông tín viên Stéphane Lagarde (RFI) và Brice Pedroletti (Le Monde) đã gặp ông Ngải Vị Vị tại xưởng vẽ của ông, nằm ở vùng ngoại ô Bắc Kinh. Trả lời câu hỏi, công việc hằng ngày của ông là như thế nào kể từ khi ông được thả về nhà, nghệ sĩ Ngải Vị Vị cho biết:

Ngải Vị Vị: Tôi không có lịch làm việc cụ thể, nhưng tôi luôn luôn bận rộn. Mỗi buổi sáng, tôi phải làm việc với các đồng nghiệp của tôi và trả lời các thắc mắc của họ. Chúng tôi cũng phải lên kế hoạch cho cuộc triển lãm tương lai và trả lời email. Có rất nhiều chuyện để làm. Khi tôi có một chút thời gian rảnh rỗi, tôi truy cập mạng Internet, chỉ để chào hỏi giới trẻ từng tham gia vào việc quyên góp tiền (LTS: việc quyên tiền là nhằm để giúp ông đóng các khoản tiền bắt buộc trước khi làm thủ tục kháng cáo). Tôi trả lời các câu hỏi của những người truy cập Internet. Sau đó, vào buổi chiều, khi thời gian cho phép, tôi đến công viên để tập thể dục và dành thời gian cho con của tôi. Sau bữa ăn tối, tôi ký giấy biên nhận cho các khoản tiền đóng góp gửi cho chúng tôi. Chúng tôi đã hứa là sẽ hoàn trả các khoản tiền cho vay này. Và đó là một công việc dài hơi. Mỗi ngày tôi phải ký hơn 300 tờ biên nhận. Chúng tôi hiện đã làm xong 8000 tấm, còn khoảng 22000 tờ biên nhận phải làm. Công việc của tôi là cố gắng trao đổi và tạo quan hệ giao lưu với họ.

RFI: Công ty Fake của ông bị buộc tội "trốn thuế", hiện giờ thì thủ tục tố tụng này đã đi đến đâu?

Ngải Vị Vị: Như các bạn biết, tôi đã bị bắt ngày 3 tháng 4 năm 2011 và được trả tự do vào ngày 22 tháng 6. Việc bắt giữ đã được tiến hành mà không hề có một thủ tục pháp lý nào cả. Khi công an thả tôi ra, cũng không có một lời giải thích rõ ràng. Tôi luôn yêu cầu là xin cho tôi biết: tôi bị bắt giam về tội gì? Ban đầu, lời cáo buộc dựa trên những gì tôi đã bày tỏ trên mạng xã hội và dựa trên các tin nhắn (tweets). Thêm vào đó, còn có những phát biểu của tôi với báo chí nước ngoài. Khi tôi được thả về nhà, thì lúc đó tôi mới phát hiện ra tôi bị buộc tội trốn thuế. Họ nói với tôi rằng: lời buộc tội này không nhắm vào tôi mà thật ra nhắm vào công ty Fake, nơi tôi đang làm việc. Vấn đề ở đây là các lời buộc tội này không có bằng chứng và không dựa theo thủ tục pháp lý. Họ không bao giờ trả lại cho chúng tôi các tài liệu mà công an đã tịch thu trong lúc khám xét điều tra.

Ngoài tôi ra, họ còn bắt giữ một nhân viên quản lý và một kiến trúc sư làm việc với tôi để buộc họ phải thú nhận. Trong số hai đồng nghiệp này, có một người suýt nữa là chết trong lúc tạm giam vì lên cơn đau tim. Hiện giờ, chúng tôi vẫn phải nộp hơn 15 triệu nhân dân tệ (1,8 triệu euros) tiền phạt. Theo luật pháp, chúng tôi phải đóng trước 8.450.000 nhân dân tệ (967.000 €) để có thể kháng đơn và bắt đầu thủ tục biện hộ. Đó là những gì mà chúng tôi đã làm. Theo tôi nghĩ, họ muốn chúng tôi bị cạn tiền, không còn đủ khả năng để xoay xở, nhưng bất ngờ thay, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, phong trào vận động những người ủng hộ chúng tôi đã quyên góp khoảng 9 triệu nhân dân tệ. Bây giờ, chúng tôi có thể đệ đơn kháng cáo. Chúng tôi còn phải chờ xem là liệu vụ này sẽ tiếp diễn với một phiên toà xét xử hay không. Điều này chưa ai biết trước được.

RFI: Có bao nhiêu nhân viên làm việc với ông trong công ty, và những người này cũng bị phiền nhiểu bởi các thủ tục pháp lý hay không?

Ngải Vị Vị: Sau khi được thả về nhà, thì tôi mới biết được rằng ba người trong gia đình tôi và bốn đồng nghiệp của tôi cũng đã bị tạm giam trong hơn hai tháng liền. Họ đã thực sự bị bạc đãi. Trong số những người này, có một người chỉ là tài xế công ty, người thứ hai là một đồng nghiệp, họ đã trải qua nhiều giây phút hết sức khó khăn trong thời gian tạm giam. Hôm tôi bị bắt (3 tháng 4 năm 2011), tất cả những người làm việc với tôi, tức hơn một chục người, đều bị đưa về sở cảnh sát để thẩm vấn. Gần đây hơn nữa, công an lại đến nhà để mời nhiều người lên thẩm vấn: trong đó có vợ tôi, một nhà nhiếp ảnh và một khách hàng muốn đặt mua tác phẩm của tôi. Tất cả đều phải trả lời các câu hỏi của cảnh sát.

RFI: Các điều kiện giam giữ ông trong gần ba tháng là như thế nào và mỗi lần thẩm vấn họ đã đặt với ông những câu hỏi gì?

Ngải Vị Vị: Tính tổng cộng, tôi đã bị giam trong vòng 81 ngày. Trong suốt thời gian này, tôi đã bị thẩm vấn hơn 50 lần. Và trong các cuộc thẩm vấn, hầu như các câu hỏi đều xoáy vào sự dấn thân hay quan điểm chính trị của tôi. Chẳng hạn như câu hỏi: "ông đã có vai trò gì trong cuộc Cách mạng Hoa lài?". Tôi thật sự không biết là phải trả lời như thế nào trước một câu hỏi như vậy. Lúc đó tôi chỉ nói: "Các ông biết tôi là một nghệ sĩ độc lập, tôi làm việc theo trực giác. Tôi không bao giờ thuộc về một đảng phái hay bất kỳ một tổ chức nào...". Sau đó họ chuyển qua hỏi tôi trên những gì tôi đã viết vào những năm 2007 - 2008 (LTS: Ngải Vị Vị đã dấn thân bảo vệ quyền lợi các gia đình nạn nhân trận động đất Tứ Xuyên).

Họ chỉ trích tôi đã có một giọng điệu hỗn láo xấc xược trong khoảng một chục bài viết đả kích chính quyền. Những bài viết này bị xếp vào hàng phản kháng nhằm "lật đổ quyền lực nhà nước." Họ đổ tội này cho tôi vì tôi đã dám phát biểu trong một số hội thảo tại Đại học Hồng Kông. Nhưng dĩ nhiên, họ phải tìm một cái cớ khác để có thể truy tố tôi như một tội phạm. Từ đó mới nảy sinh ra tội trốn thuế hay tội sở hữu phim ảnh khiêu dâm. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên và tôi nói với họ: "Các trò này rất là trẻ con, không ai sẽ tin các ông đâu! Mọi người đều biết rằng đây là một vụ án chính trị". Họ trả lời tôi rằng: "đa số mọi người sẽ tin" điều mà họ nói. Trong thực tế, dụng ý của họ đã rõ ràng ngay từ đầu. Gần ba tháng sau đó, họ đột nhiên thả tôi ra mà không hề báo trước. Nhưng sau đó, họ vẫn tiếp tục nhắc đi nhắc lại rằng: tôi sẽ bị kết án hơn 10 năm tù giam. Tôi sẽ mất tự do để trả giá cho tội ác của tôi.

RFI: Trong thời gian bị giam cầm, ông có bị buộc phải tự kiểm điểm, tự phê bình?

Ngải Vị Vị: Có, đó là một phần của thủ tục khi bạn lâm vào tình huống này. Bạn phải viết về những sai lầm mà bạn nghĩ là bạn đã phạm phải. Tất nhiên là bạn từ chối làm chuyện này, nhưng họ nói: "Nếu ông không tự phê bình, thì trường hợp của ông sẽ không bao giờ được giải quyết. Ông sẽ không có luật sư biện hộ, không được quyền liên hệ với gia đình, không cần phải có tòa xét xử, và tình trạng này có thể kéo dài hơn một năm". Nhưng tôi đã phạm tội gì? Tôi bảo họ: nếu thật sự có lỗi, thì lỗi đó là do họ hoặc tôi quyết định, chứ về mặt pháp lý, tòa án không thể xác định được. Họ lặp đi lặp lại rằng: nếu tôi không nhận lỗi, thì mọi chuyện "cứ tiếp tục như thế này". Tôi nhớ có nói với họ: "Tôi không biết các ông muốn buộc tôi tội gì. Các bức ảnh khoả thân đăng trên Internet là tác phẩm nghệ thuật và tôi biết không có điều luật nào mà phản đối lại điều đó".

Sau đó tôi tiếp tục thảo luận, tôi yêu cầu họ cung cấp bằng chứng nhưng vẫn không có câu trả lời. Sau một thời gian dài, tôi mới đồng ý viết: "Nếu có thể chứng minh rằng đó thực sự là một tội ác, thì lúc đó tôi sẽ trả lời các cáo buộc". Tôi đã phải viết chín hoặc mười bài tự phê bình, nhưng mỗi lần tôi không công nhận là mình có tội mà lúc nào cũng ghi rõ: Nếu điều đó như các ông chứng minh thật sự là có tội, thì tôi sẽ trả lời các cáo buộc".

Tình huống lúc đó thật là khó khăn. Vì mỗi ngày, họ lặp đi lặp lại với tôi rằng: ông sẽ ở trong tù hơn một năm, ông sẽ không được xét xử bởi một tòa án. Nhưng khó hơn nữa, là tôi không có bất kỳ thông tin nào khác, tôi không hề biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài. Hai người lính canh gác luôn đứng trước mặt tôi, 24 trên 24, họ nhìn tôi mà không hề có một lời giải thích.

RFI: Trong gần ba tháng bị tạm giam, những khoảnh khắc nào theo ông là khó khăn, khổ nhọc nhất?

Ngải Vị Vị: Cha tôi là một nhà thơ và sau khi từ Paris trở về Trung Quốc, ông từng bị giam giữ bởi Quốc Dân Đảng. Sau đó ông bị đày, sống lưu vong trong thời Cách mạng Văn hóa ở Tân Cương. Vì vậy, tôi sinh trưởng trong một hoàn cảnh gia đình đầy khó khăn. Không phải chỉ vì gia đình tôi nghèo khổ, mà còn do cái bối cảnh đàn áp chính kiến rất mạnh mẽ vào thời đó. Cuộc Cách mạng Văn hóa hoàn toàn hủy diệt tính chất nhân bản, nó xóa bỏ toàn bộ các giá trị có từ thời Trung Hoa cổ đại. Bản thân tôi đã từng chứng kiến nhiều tình huống như vậy, tôi hiểu rõ ràng về cách bắt giam theo kiểu này và những nỗi đau khổ do hoàn cảnh này gây ra. Tôi không hề có ảo tưởng gì về những người có quyền lực trong tay. Dù vậy, tôi phải thừa nhận rằng, tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Tôi không ngạc nhiên cho lắm khi tôi bị chặn lại ở sân bay, rồi bị đưa một cách bí mật từ phi trường đến trại giam. Tôi cũng không ngạc nhiên khi họ che kín khuôn mặt của tôi, trước khi công an thường phục tống tôi vào hàng ghế sau của xe hơi, tôi không ngạc nhiên khi họ còng tay tôi và cởi áo quần tôi ra để khám xét, bởi vì tôi nghĩ đó là điều mà họ vẫn thường làm.

Ngược lại, tôi thật sự choáng váng bất ngờ khi tôi nghe nói rằng tôi không có quyền tiếp xúc với một luật sư trong gần sáu tháng và tôi không thể nói với gia đình là tôi đang ở đâu. Lúc đó, tôi mới cảm thấy rằng mọi chuyện thật sự là không ổn. Ngay vào lúc đó, tôi nhận ra rằng không có một luật sư nào, hay một pháp luật nào có thể bảo vệ cho tôi. Vì vậy, bất cứ ai trong hoàn cảnh của tôi đều cảm thấy tuyệt vọng. Nếu bạn làm điều gì đó sai trái, thậm chí ngay cả khi bạn phạm tội giết người, bạn vẫn có quyền được luật sư thông báo về những gì sẽ xảy ra với bạn. Nhưng trong các vụ án chính trị, để luận tội người ta chỉ dựa vào sự căm thù. Bạn không thể biết họ ghét bạn đến mức nào và bạn cũng không biết bạn đã làm gì để gây ra một sự thù ghét như vậy.

Điều duy nhất mà tôi đã làm là bày tỏ quan điểm cá nhân trên một trang blog. Nhưng trước khi bị thẩm vấn, tôi không thể biết rằng tôi bị bắt phải chăng là do đã phát biểu về trận động đất ở Tứ Xuyên? Hay là vì tôi lên tiếng phản đối việc xưởng vẽ của tôi ở Thượng Hải bị phá hủy? Họ cứ dồn dập hỏi tôi những câu như: "Ông quen biết bao nhiêu người nước ngoài? Nghề nghiệp của họ là gì? Ông đã làm gì cách đây 20 năm trước, khi còn đang ở New York? Tiền của ông đến từ đâu? Ông có được tài trợ bởi các tổ chức bài Trung Quốc?". Bản thân tôi cảm thấy tôi đang lâm vào một tình thế hết sức vô lý, nhưng cơn ác mộng lại rất hiện thực.

Điều khó khăn nhất là tôi phải cắn răng chịu đựng, từng giây từng phút. Tôi không hề biết là hoàn cảnh này sẽ kéo dài bao lâu. Sau một thời gian, bạn dần dần ý thức rằng trước khi bị đưa ra tòa, thì bạn đã bị luận tội rồi có nguy cơ bị kết án mười năm tù giam. Mọi chuyện xảy ra như thể bạn đang bị người ta kêu án, đòi bỏ tù, chứ không phải là một cuộc thẩm vấn trong quá trình điều tra. Họ gây áp lực và nói thẳng rằng: ông sẽ không bao giờ nhìn thấy lại mẹ ông, trong mười năm nữa, khi ông ra tù, con ông đã lớn và sẽ không còn nhận ra cha của nó. Đây là một tình huống rất khó khăn từ ngày này qua ngày nọ, cho dù tôi không tin, nhưng nó lại trở thành thực tế duy nhất đối với tôi.

RFI: Ông có thể nói về thời thanh niên của ông, những năm tháng mà ông sống và làm việc tại New York?

Ngải Vị Vị: Tôi sinh ra ở Trung Quốc vào cuối những năm 1950, vì vậy tuổi thơ của tôi gắn liền với cuộc Cách mạng Văn hóa. Sau Cách mạng Văn hóa, tôi có cơ hội đi New York. Nhưng vào lúc đó, tôi không biết nói tiếng Anh và ít có kiến thức về văn hóa phương Tây. Lúc đó tôi muốn đi ra nước ngoài vì tôi muốn được tự do, muốn trốn thoát khỏi Trung Quốc, bởi vì tôi nghĩ rằng, nếu ở lại, tôi không bao giờ có thể sống nổi. Có thể nói trong thời gian đầu tại New York, tôi buộc phải nỗ lực thích nghi với cuộc sống mới, để học hỏi tư duy nếp sống cũng như nghệ thuật. Vì vậy, trong những năm 1980, tôi sống lang thang ở New York mà không thực sự có chủ đích. Tôi ở lại New York trong vòng 12 năm (từ năm 24 tuổi đến 36 tuổi) và rất ít liên hệ với gia đình. Mãi đến khi tôi biết tin cha tôi lâm bệnh nặng, thì lúc đó tôi mới có cơ hội để về thăm gia đình.

Khi trở về Trung Quốc, thì tôi mới nhận ra tôi đã có hơn 10.000 đoạn phim mà tôi đã thực hiện ở New York. Sau đó tôi bắt đầu đăng trên mạng internet các bức ảnh này: mỗi ngày cả trăm tấm. Đến nay thì trên mạng Twitter, có khoảng 200.000 tấm ảnh của tôi. Tôi nghĩ vào thời gian đó tôi là một trong những nghệ sĩ hoạt động nhiều nhất ở Trung Quốc. Tôi có mở trang blog trên mạng sina.com, được khoảng 13 triệu người ủng hộ, theo dõi. Trang blog của tôi bị đóng cửa vào ngày 28 tháng 5 năm 2009.

RFI: Vì sao trang blog của ông bị đóng cửa? Phải chăng là do các bài viết của ông về trận động đất Tứ Xuyên?

Ngải Vị Vị: Vâng, họ gọi điện thoại cho tôi trong đêm 28/5/2009 trước khi họ đóng cửa trang blog. Những người ở đầu đây là quan chức cấp cao. Họ nói với tôi rằng: "Ngày 4 tháng 6 sắp đến, ông có thể hứa với chúng tôi là không gửi bất kỳ bài viết nào về ngày này hay chăng? (LTS: Ngày 4/6/2009 là kỷ niệm phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, đúng 20 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989). Vào lúc đó, tôi trả lời rằng: ‘‘Tôi không có ý định viết bài về sự kiện 4/6, cho dù không có ý định, nhưng tôi không thể hứa rằng tôi sẽ không viết gì cả, bởi vì điều đó vi phạm quyền tự do ngôn luận’’. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, trang blog của tôi hoàn toàn bị đóng cửa trên các mạng sina, sohu và một diễn đàn thông tin khác.

Sau sự kiện này, một số thanh niên đã giới thiệu cho tôi mạng Twitter, nơi mà tôi trở thành một thành viên tích cực. Một trong những tấm ảnh đầu tiên mà tôi gửi lên mạng này là bức ảnh chụp tôi khoả thân, trong tay cầm hình tượng "caonima" để che bộ phận sinh dục (LTS: caonima dịch sát nghĩa có nghĩa là "ngựa cỏ và bùn", nhưng trong cách khai thác sự đồng âm lại là một cách chửi khéo, cho nên trở thành biểu tượng của sự phản kháng, luồn lách lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc). Điều đó dĩ nhiên không làm cho các cơ quan kiểm duyệt hài lòng, và có thể nói là việc quy tội sở hữu các hình ảnh ‘‘khiêu dâm’’ bắt nguồn từ các tấm ảnh chụp như vậy.

RFI: Tại New York, ông có gặp những nhân vật như Andy Warhol hay là nhóm nhạc Velvet Underground? Trong tác phẩm nghệ thuật ảnh hưởng của ông đến từ đâu?

Ngải Vị Vị: Đối với giới nghệ sĩ, Andy Warhol vào những năm 1980 không còn là một chủ đề nóng bỏng. Tôi từng gặp ông ấy một lần nhưng chúng tôi không thực sự quen biết nhau. Andy Warhol là biểu tượng của những năm 1960 và 1970 nhiều hơn là 1980. Nói về ảnh hưởng, thì tôi tôi rất tôn trọng ngưỡng mộ nghệ sĩ Marcel Duchamp, cũng như thế hệ của ông, nhất là các nhà trí thức Pháp và quốc tế tham gia vào cùng một trào lưu quốc tế: chủ nghĩa siêu thực và phong trào Dada. Đây là một nhóm nghệ sĩ can đảm, có quan điểm độc đáo và tầm nhìn xa về mặt nghệ thuật và văn hóa. Và tất nhiên, tôi yêu chuộng nhiều nghệ sĩ Mỹ, trong đó có Warhol. Theo tôi, Warhol là một trong những gương mặt tài ba trong số các nghệ sĩ cùng thời, ông thực sự biết thể hiện văn hóa của xã hội tiêu thụ mà ông đang sống.

RFI: Hiện tại, ông có thời gian hay không để làm việc trên các dự án mới?

Ngải Vị Vị: Tôi phải hoàn thành các dự án đang được xúc tiến tại nhiều nơi khác nhau. Tất cả các dự án này đã được lên chương trình trước cái khoảng thời gian hay ngay vào lúc tôi bị giam giữ. Thật ra thì với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh tôi, tôi không thể nào xuất hiện, tham gia hay khai mạc các cuộc triển lãm. Cuộc triển lãm các sáng tác của tôi tại Đài Bắc nằm trong số này. Đồng thời, tôi cũng đang làm việc trên những công trình mới, nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian chuẩn bị.

Kể từ khi tôi làm quen với Internet, tôi rất thích phương tiện truyền thông này. Tôi nghĩ rằng đó là công cụ quan trọng nhất thay đổi hoàn toàn phương thức truyền thông cũng như cung cách của con người trong lối trao đổi thông tin, diễn đạt ý tưởng. Trong thực tế, tôi luôn nghĩ rằng một nghệ sĩ phải tìm cách mới chẳng những để thể hiện bản thân mình, mà còn để giao tiếp với những người không nhất thiết phải là nghệ sĩ. Tôi đã thực hiện tác phẩm Fairy Tale trong khuôn khổ dự án hợp tác với Documenta ở Kassel của Đức. Nhờ có mạng internet, mà tôi đã tuyển lựa 1001 người Trung Quốc. Tất cả các cuộc trao đều được thực hiện qua Internet. [...]

Cuối cùng, Internet một phương tiện truyền thông đã được sử dụng với mục đích nghệ thuật: nó phục vụ cho một tác phẩm văn hoá nhiều hơn là một công cụ kỹ thuật. Ngoài ra, còn có công việc của tôi liên quan đến trận động đất ở Tứ Xuyên, các cuộc điều tra khảo sát, thu thập thông tin từ các nhân chứng tại chỗ, đều qua ngỏ Internet. Các cuộc thảo luận trên các diễn đàn trực tuyến đã tạo ra sinh lực, khí thế cho các phong trào xã hội dân sự trên mạng. [...] Không ai có thể ngăn chặn chúng tôi, ngay cả khi họ giam giữ tôi ở trong tù, họ không biết phải làm thế nào để ngăn chặn một phong trào đang chuyển động.

T. T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn