Ba nguyên nhân khiến cho Việt Nam không thể chống tham nhũng

Nguyễn Duy Vinh (TS Cơ khí Động học hiện đang làm việc ở Phi Châu)

Thảm kịch Tiên Lãng đã gây sự chú ý rộng lớn trong và ngoài nước. Có hơn cả trăm bài viết về tin tức vụ Tiên Lãng, trên báo chí “lề trái” và cả “lề phải”, “chính thống” và “phi chính thống”. Những tin tức và những phản biện này đôi khi trái ngược nhau đưa đến những cái nhìn về nhiều khía cạnh khác nhau trong vụ án Tiên Lãng. Gần đây nhất có một bài viết xuất sắc của Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú mang tựa đề “Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng” đặt nghi vấn về sự trong sạch của guồng máy chính quyền Hải Phòng.

Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú phân tích rất tỉ mỉ những lời kết luận của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về thảm kịch Tiên Lãng. Ông Hoàng Xuân Phú đưa ra những lời kết luận đanh thép như: “bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng […] băng hoại”, và “không thể để bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng định đoạt số phận gia đình ông Đoàn Văn Vươn”. Ông Hoàng Xuân Phú viết thêm:

Huyện ủy Tiên Lãng đã triệu tập 300 đảng viên đến để tuyên truyền, phổ biến những thông tin sai trái, hoàn toàn bóp méo sự thật về những gì đã và đang xẩy ra trên đất Tiên Lãng, và không thấy có đảng viên nào lên tiếng công khai phản đối. Trong thể chế mà Đảng CSVN lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, sự kiện kể trên cho thấy bộ máy cầm quyền ở Tiên Lãng đã mục ruỗng và không thể hy vọng gì từ đó. Để cho bộ máy cầm quyền ở Tiên Lãng rơi vào tình trạng thối nát và ngang nhiên hoành hành như vậy, không thể coi bộ máy cầm quyền của thành phố Hải Phòng – cấp trên trực tiếp của huyện Tiên Lãng – là vô can và trong sạch.

Đây là những câu kết luận rất nặng kí. Bài của Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú là một gáo nước lạnh dội vào bộ máy cầm quyền Hải Phòng. Nhưng cho những người còn tin tưởng vào việc giải quyết công minh của nhà nước, biến cố Tiên Lãng nếu được nghiên cứu tường tận sẽ giúp nhà nước tìm ra nguyên nhân của căn bệnh trầm kha là bệnh tham nhũng ở Việt Nam. Tìm được nguyên nhân sẽ đưa đến giải pháp. Cũng như bác sĩ chẩn bệnh, những triệu chứng do căn bệnh gây ra trên cơ thể bệnh nhân giúp người thầy thuốc xác định bệnh chính xác hơn. Thảm kịch Tiên Lãng đem đến rất nhiều dữ kiện cho người thầy thuốc (nhà nước) nếu vị thầy thuốc này có quyết tâm diệt trừ căn bệnh. Và ngoài sự quyết tâm đó, tìm ra những giải pháp thích đáng cho vụ Tiên Lãng còn đòi hỏi sự lắng nghe, một cuộc điều tra nghiêm túc, một sự tìm tòi nhìn sâu… để hiểu.

Chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là tính độc lập của hệ thống luật pháp. Trong tiến trình tố tụng và xử án ở các xứ bên trời Âu Mỹ, bất cứ một vụ án lớn nào như vụ án Tiên Lãng đều phải có sự hiện diện của một bồi thẩm đoàn (membres du jury) hoàn toàn độc lập với phe tố tụng và phe bị cáo. Và ông tòa (chánh án) xử án dựa trên kết luận của bồi thẩm đoàn. Bộ luật hình sự hiện nay ở Việt Nam tương đối khá tốt nhưng cách xử án ở Việt Nam hiện tại hoàn toàn thiên vị guồng máy nhà nước vì bị chính guồng máy này kiểm soát. Chúng ta chỉ cần xem lại lời tuyên bố ban đầu của bà Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng về vụ Tiên Lãng là có thể đoán trước vụ án Tiên Lãng sẽ được xét xử như thế nào hoặc xem lại những vụ tố tụng và xử án trong quá khứ để thấy cách xử án bất công của hệ thống luật pháp nước ta, ví dụ điển hình là vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai là sự sợ hãi. Chiến tranh dai dẳng mà nước ta đã gánh chịu cộng thêm những áp lực đầy bạo cường gây ra bởi những chính sách hậu chiến tranh của nhà nước tạo cho người dân từ Nam chí Bắc một nỗi lo âu sợ hãi. Và đây là một căn bệnh của người Việt chúng ta, nó ăn vào xương vào tủy của rất nhiều người Việt Nam. Thêm vào đó, sự lạm quyền (và lộng quyền) của rất nhiều quan chức làm người dân bình thường lo sợ thêm mỗi khi thấy bóng dáng của các vị này nhất là khi mình bị chính quyền “mời lên làm việc”. Sự sợ hãi này sẽ làm cho những nhân chứng quan trọng trong bất cứ vụ án nào ở Việt Nam phải im hơi lặng tiếng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Nhà nước có chính sách nào để lấy đi sự sợ hãi của người dân trước bộ máy chính quyền? Hay là nhà nước, ngược lại, đang củng cố sự sợ hãi này để dễ trị dân và giữ trật tự trong nước? Cách dùng những nhân viên dân sự (không làm việc cho nhà nước) mà các báo lề trái thường gọi là xã hội đen (hay côn đồ) để áp đảo dân biểu tình kêu oan hay để dẹp “loạn” là việc thường thấy nói đến trên những báo lề trái này.

Nguyên nhân quan trọng thứ ba là tự do báo chí. Chúng ta có hơn mấy trăm tờ báo chính thống trên mạng nhưng không tờ báo nào cho chúng ta những tin tức có thể tin cậy được hoàn toàn. May thay nhờ vào sự có mặt của truyền thông trên mạng (cái được gọi là Internet), những blogs độc lập trong nước đã tạo được một thành quả rất lớn trong việc dọi ánh sáng công luận vào vụ Tiên Lãng. Các blogs “không chính thống” này đã gây sự chú ý và nhất là sự quan tâm của rất nhiều người trong và ngoài nước. Sự quan tâm rộng lớn này cũng có thể là một lý do đã thúc đẩy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “thân chinh” dự phần vào việc xử lý thảm kịch Tiên Lãng.

Tôi không biết quý độc giả và nhà nước có đồng ý với suy luận của tôi hay không, và cũng không biết nhà nước có thực tâm muốn xây dựng một xã hội an lành hơn hay không.

N. D. V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn