DNNN ở Trung Quốc và Việt Nam: Đồng sàng dị mộng

Viết Lê Quân

clip_image001(Tamnhin.net) - Tương tự như khả năng có thể xảy đến với Trung Quốc, các nhóm lợi ích ở Việt Nam sẽ bỏ mặc nền kinh tế phải vật lộn với cơn bão khủng hoảng. Và khối ngân hàng - nhóm lợi ích tiêu biểu nhất của năm 2011 và cho ít ra vài ba năm tới đây, sẽ tiếp tục biến nền kinh tế thành “con tin” của nó, tiếp tục vắt kiệt huyết mạch của nền kinh tế vào “đêm trước khủng hoảng”.

Ai “đang bán rẻ đất nước mình”?

Dù được ưu đãi cực lớn, nhưng các tập đoàn nhà nước (SOE) của Trung Quốc lại hoạt động kém hiệu quả. Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Viện Kinh tế học Unirule tại Bắc Kinh cho biết lợi nhuận trung bình tính trên giá trị vốn sở hữu của các SOE chỉ khoảng 8,2%, thấp hơn mức 12,9% của khối doanh nghiệp tư nhân. Giới chuyên gia kinh tế còn khẳng định nếu tính tới các yếu tố thuận lợi như chi phí tín dụng thấp, dễ tiếp cận nguồn đất đai với giá thấp hơn thị trường, lợi nhuận trung bình của các SOE chỉ nhỉnh hơn 6%.

Trong khi đó ở Việt Nam, hàng loạt thông tin được công bố trong năm 2011 đã nêu ra một cách khá chi tiết về mặt tối của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trước đây người dân không có nhiều điều kiện để nắm bắt. Đơn cử, hàng năm có tới 12% DNNN có kết quả kinh doanh thua lỗ và mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, khối DNNN của hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam bị đưa lên bàn cân đong đếm, cũng nhằm xem lại tính tư tưởng “hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân” đã được dẫn dắt đến chỗ thắt nào.

Tại Việt Nam, khối DNNN tuy chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp khoảng 37-38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng.

Chỉ riêng năm 2009, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) đã là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng, thì nợ của khu vực DNNN đến năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP của  năm 2009.

Nếu ở Việt Nam, điều trước đây chỉ có thể xem là “dấu hiệu kém hiệu quả” ứng với trường hợp Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì cho đến nay những dấu hiệu đó đã biến thành một chuỗi mắt xích liên hoàn, xảy ra một cách có hệ thống, và đặc biệt là có chủ ý. Nhận được quá nhiều ưu đãi về cơ chế kinh doanh, nhưng những doanh nghiệp này cũng luôn gánh trên mình những món nợ khổng lồ đầy nghi vấn về nguồn gốc.

Hoàn toàn “đồng sàng”, các DNNN Trung Quốc cũng không biểu lộ trạng thái lạc quan hơn. Báo Tuổi Trẻ vừa dẫn lại một bản báo cáo đặc biệt của Ngân hàng Thế giới (WB) và Trung tâm nghiên cứu phát triển (DRC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, chỉ ra thực trạng không chỉ làm ăn yếu kém, các SOE còn liên tục để xảy ra xìcăngđan tham nhũng, biển thủ công quỹ, trốn thuế, tiêu xài vô tội vạ.

Văn phòng Kiểm toán quốc gia năm 2011 đã phát hiện lãnh đạo 17 SOE trốn thuế, sử dụng sai mục đích công quỹ. Một số minh họa điển hình có thể kể đến như Tập đoàn Sinopec, Chi nhánh tỉnh An Huy của Tập đoàn Lưới điện quốc gia, Tập đoàn Viễn thông quốc gia Trung Quốc. Ngoài ra, còn hàng chục lãnh đạo các SOE từ viễn thông, năng lượng hạt nhân, dầu khí... cũng đang bị điều tra.

Những năm gần đây, các SOE lớn liên tục đầu tư ra nước ngoài và thua lỗ nặng. Ba SOE dầu khí lớn của Trung Quốc là CNPC, Sinopec và CNOOC đã đầu tư khoảng 70 tỉ USD vào 144 dự án dầu khí ở nước ngoài tính đến cuối năm 2010. Khoảng 2/3 các dự án này đã bị thua lỗ.

Một trường hợp khác, vào năm 2010 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) lỗ tới 641 triệu USD trong dự án xây dựng một tuyến đường sắt 1,8 tỉ USD ở Saudi Arabia. Nhưng chính phủ Trung Quốc lại sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ cho CRCC, gây bức xúc lớn trong dư luận. Hệ quả này xem ra không khác gì với hai trường hợp Petrolimex và EVN ở Việt Nam.

Báo chí Trung Quốc, sau một thời gian dài im lặng, đã phải lên tiếng. Trung Quốc Nhật Báo dẫn lời nhà kinh tế Lâm Nguyệt Tần thuộc Đại học Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định các lãnh đạo tha hóa trong các tập đoàn nhà nước “đang bán rẻ đất nước mình”.

Đồng sàng dị mộng

Đến giờ này, xã hội chắc hẳn phải thảng thốt trước rất nhiều hậu quả ghê gớm do các DNNN để lại.

Tại Việt nam, theo số liệu của Ngân hàng thế giới, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng. Còn ở Trung Quốc, mới đây WB và DRC đã phải đưa ra một “tối hậu thư” cho Chính phủ Trung Quốc: hãy ngừng nuông chiều các tập đoàn nhà nước, nếu không sẽ phải đối mặt với khủng hoảng.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Trung Quốc, 85% trong số 500 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc là các SOE lớn. Các SOE hiện kiểm soát toàn bộ khu vực trọng yếu của nền kinh tế Trung Quốc, từ năng lượng, khoáng sản, viễn thông đến các ngành công nghiệp hạ tầng. Mặt khác, các SOE luôn được các ngân hàng Trung Quốc cho vay vốn dễ dàng với lãi suất ưu đãi hàng năm chỉ 7,2%. Thông qua bên thứ ba là các công ty tài chính, các SOE lấy một phần nguồn vốn vay này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân vay lại với mức lãi suất “cắt cổ” 36-60%. Ngược lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân có rất ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, mà nếu có phải chịu mức lãi suất rất cao.

Một đánh giá có thể gây sốc trong bản báo cáo mới mang tên “Trung Quốc 2030” của WB và DRC, công bố vào ngày 28/2, là trong những năm tới, GDP của Trung Quốc sẽ suy giảm mạnh, nền kinh tế rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và khối ngân hàng - tài chính sẽ bị chôn vùi trong khủng hoảng. Giải pháp duy nhất để tránh khỏi viễn cảnh u ám này là cải tổ sâu rộng hệ thống kinh tế.

Báo cáo trên cũng dẫn lời doanh nhân Fred Hu, giám đốc Công ty đầu tư Primavera Capital ở Bắc Kinh: “Khu vực nhà nước Trung Quốc đang đứng trước ngã ba đường. Chính phủ cần xác định muốn một chủ nghĩa tư bản nhà nước do các tập đoàn nhà nước khổng lồ thao túng, hay một nền kinh tế thị trường thực chất”.

Lựa chọn chỉ “một trong hai” đang đến với Trung Quốc. Còn với Việt Nam thì sao?

“Đêm trước khủng hoảng”: con tin của các nhóm lợi ích

“Tái cấu trúc thực sự sẽ chỉ xảy ra khi người ta dùng việc cân  nhắc tới kinh tế thay cho tính toán chính trị” - một nhận định mang tính “dự cảm” đáng chú ý của Jonathan Pincus, kinh tế gia làm việc cho Chương trình Việt Nam, Havard Kennedy School và cũng là hiệu trưởng của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM, đăng trên tờ Financial Times và được Đài BBC giới thiệu lại vào cuối năm 2011.

Vào tháng 10/2011, một cuộc hội thảo về kinh tế vĩ mô đã tập hợp rất nhiều ý kiến đề xuất về sự cần thiết phải cải tổ đối với DNNN. Những đề xuất này đã được Ủy ban kinh tế gửi đến Quốc hội.

Nhưng đề xuất đáng quan tâm nhất của bản kiến nghị trên là “cần xóa bỏ mọi ưu đãi cho DNNN về tiếp cận các nguồn tín dụng, quyền kinh doanh, tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về các loại quy hoạch, tiếp cận các nhà hoạch định chính sách… Đồng thời, kiên quyết không “khoanh nợ, giãn nợ” cho bất kỳ DNNN nào, không nhận việc trả nợ, xử lý nợ thay cho doanh nghiệp”.

Lần đầu tiên ở Việt Nam đã xuất hiện một quan điểm kiên quyết đến thế đối với vấn đề chân đứng của DNNN. Tuy vậy, nếu theo dõi xuyên suốt quá trình vận hành của khối DNNN thì mới thấy chủ đề phản biện “xóa bỏ mọi ưu đãi cho DNNN” chỉ là hệ quả từ rất nhiều hậu quả đã xảy ra.

Lẽ dĩ nhiên, công việc tái cấu trúc DNNN - đang được Chính phủ Việt Nam lập kế hoạch, sẽ chỉ mang tính hình thức, hoặc nói cách khác sẽ chỉ là công đoạn sắp xếp lại một số mắt xích “cho phù hợp hơn”, nếu không giải quyết được vấn đề cần tách bạch quyền lợi của nhóm lợi ích khỏi nhiệm vụ của doanh nghiệp.

Còn nếu bắt buộc phải thực hiện tái cấu trúc theo đúng ý nghĩa đầy đủ của cụm từ này, việc đụng chạm đến các nhóm lợi ích sẽ là không tránh khỏi. Trong thời gian gần đây, chỉ mới qua những ý định tăng giá điện và xăng dầu, người dân đã nhận thấy có quá nhiều lực cản đang án ngữ ngay tại bước đi đầu tiên trên con đường tái cấu trúc DNNN.

Một giả định hoàn toàn có cơ sở thực tế là một khi quá trình tái cấu trúc DNNN chỉ thiên về tính hình thức, kết quả còn lại của nó sẽ là vấn đề tiền và quyền lực sẽ thuộc về những nhóm lợi ích, trong khi nợ của doanh nghiệp sẽ lại do người dân đóng thuế phải gánh chịu.

Cũng khi đó, tương tự như khả năng có thể xảy đến với Trung Quốc, các nhóm lợi ích ở Việt Nam sẽ bỏ mặc nền kinh tế phải vật lộn với cơn bão khủng hoảng. Và khối ngân hàng - nhóm lợi ích tiêu biểu nhất của năm 2011 và cho ít ra vài ba năm tới đây, sẽ tiếp tục biến nền kinh tế thành “con tin” của nó, tiếp tục vắt kiệt huyết mạch của nền kinh tế vào “đêm trước khủng hoảng”.

V. L. Q.

Nguồn: tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn