Suy nghĩ về an toàn hạt nhân sau tai nạn Fukushima Nhật Bản

Anh Vũ

clip_image001  

Khói bốc trên trung tâm điện hạt nhân Fukushima, ngày 14/03/2011. Reuters

 
   

Đúng ngày này cách đây một năm, 11/03/2011, trận động đất sóng thần kinh hoàng đã đổ vào nước Nhật làm hư hại nghiêm trọng nhà máy điện nguyên tử Fukushima và gây ra một tai nạn hạt nhân với hậu quả không thể lường hết được.

Sau Fukushima, hàng loạt các cường quốc về công nghệ hạt nhân trên thế giới trong đó có Pháp, nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về sản lượng điện hạt nhân và đứng đầu thế giới về tỷ trọng năng lượng hạt nhân, đã phải giật mình xem xét lại chiến lược phát triển nguồn năng lượng.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược của tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Viện Kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble, giáo sư trường Đại học Bách khoa Grenoble, trình bày viễn cảnh phát triển năng lượng hạt nhân của Pháp trước những thách thức an toàn hơn bao giờ hết đang được đặt lên hàng đầu và một số suy nghĩ về tham vọng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

***

RFI: Xin giáo sư cho biết qua tình hình điện hạt nhân của Pháp hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Hiện nay Pháp có cả thảy 58 lò phản ứng nằm trong 19 nhà máy, phân bố trên toàn lãnh thổ. Những lò phản ứng thế hệ 2 PWR này có 3 mức công suất lắp đặt: 900 MW, 1300 MW và 1450 MW. Tuổi trung bình của các lò là 26 năm, và nhà máy Fessenheim, đưa vào hoạt động năm 1979, là lâu đời nhất.

Tổng công suất đặt là 63000 MW, đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ (104 lò - 99000 MW). Năm 2010, 19 nhà máy này đã sản xuất được 408 TWh, đứng nhất về tỷ lệ điện hạt nhân.

RFI: Theo giáo sư, các thách thức nào đang đặt ra cho điện hạt nhân Pháp sau tai nạn Fukushima?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Các nhà máy điện hạt nhân Pháp cũng không bảo đảm an toàn.

Sau thảm họa Fukushima, ngày 17-11-2011, Cơ quan An toàn hạt nhân (ASN) và Viện Bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân (IRSN) đã đưa ra một bản báo cáo dài 477 trang về việc đánh giá lại mức độ an toàn của các cơ sở hạt nhân Pháp. Nhiều nhà máy không đạt tiêu chuẩn.

Sự khác biệt so với các chuẩn có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Nếu có tai nạn nghiêm trọng, mức độ an toàn sẽ chưa đủ. Fukushima khiến ta phải suy nghĩ đến những điều mà từ trước đến nay các chuyên gia không hề lưu ý! Vỏ bọc lò, hệ thống làm lạnh, và việc làm chủ các phản ứng hạt nhân có thể không được đảm bảo. Nếu xảy ra vụ nổ công nghiệp ở khu vực lân cận, nhân viên vận hành nhà máy có thể gặp nhiều cản trở không cho phép tiếp tục khai thác. Các động cơ diesel, bơm, những thiết bị quan trọng sống còn, xét kĩ cũng không được bảo vệ chu đáo. Phòng điều khiển của phần lớn các nhà máy không chịu đựng được động đất.

Ngày 3-1-2012, Andre Lacoste, Chủ tịch của ASN, đã trình báo cáo cho Thủ tướng chính phủ. Sau đây là những kiến nghị quan trọng:

Để đề phòng những tình huống đặc biệt (biến cố thiên nhiên và mất nguồn cung cấp điện hay nước), EDF phải nhanh chóng tăng cường tính ổn định của hệ thống an toàn.

ASN bắt buộc những nhà khai thác phải có một bộ phận tổ chức và thiết bị riêng cho mỗi nhà máy (ví dụ một trung tâm quản lý sự cố boong-ke, một máy phát điện Diesel cho sự trợ giúp cuối cùng cho mỗi lò phản ứng và một nguồn cung cấp nước cho sự trợ giúp cuối cùng). ASN yêu cầu xây dựng một lực lượng phản ứng thật nhanh hạt nhân (FAR) vào cuối năm 2012. Lực lượng này (cũng được EDF đề nghị), bao gồm hàng trăm nhân viên chuyên môn và đầy đủ phương tiện, có thể can thiệp ở bất cứ nơi nào có sự cố, trong vòng dưới 24 tiếng đồng hồ.

Những biện pháp này cần một chi phí khổng lồ (theo EDF ít nhất là 10 tỷ euros) và một sự đầu tư lớn về nhân lực và năng lực.

Theo Andre Lacoste, dù tất cả các biện pháp phòng ngừa được thực hiện đi nữa, một tai biến hạt nhân ở Pháp không bao giờ có thể loại trừ được. Jacques Repussard, Tổng Giám đốc của IRSN đã tuyên bố vào ngày 1-1-2012 rằng không còn có thể tin rằng hạt nhân là một công nghệ hoàn hảo. Theo ông, chính phủ và EDF đã đánh giá thấp nguy cơ tai nạn, cũng như sự muốn từ bỏ điện hạt nhân của xã hội.

RF: Liệu Pháp có từ bỏ điện hạt nhân không, thưa giáo sư?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Có lẽ Pháp sẽ theo đuổi, nhưng bớt dần tỷ lệ điện hạt nhân, vì từ bỏ ngay quá tốn kém.

Tôi xin phép vắn tắt nhắc lại đây các điểm chính của thỏa thuận giữa Đảng Xã hội và Đảng Xanh, liên quan đến vấn đề năng lượng trong dịp bầu cử tổng thống Pháp sắp đến:

Sự chuyển tiếp năng lượng phải được xem là vấn đề cấp bách. Để giảm phần năng lượng hạt nhân trong sản xuất điện từ 75% xuống 50% vào năm 2025 (đề nghị của François Hollande, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Xã hội), 24 lò phản ứng sẽ bị đóng cửa, nghĩa là công suất hạt nhân lắp đặt sẽ giảm 1/3, từ 63000 MW xuống 41500 MW.

Sẽ không xây dựng thêm bất kì lò phản ứng mới nào. Công trường lò phản ứng thế hệ 3 EPR (European Pressurized Reactor) 1600 MW ở Flamanville sẽ không bị dừng lại. Dự án lò EPR ở Penly sẽ được hủy bỏ. Nhà máy Fessenheim sẽ ngưng vận hành.

Theo Benjamin Dessus, Chủ tịch của Global Chance, chi phí tiếp tục giữ điện hạt nhân sẽ là khoảng từ 457 đến 546 tỷ euros và chi phí cho việc từ bỏ toàn bộ từ đây đến 2031 lên khoảng giữa 451 và 503 tỷ euros, nghĩa là xấp xỉ cùng giá.

Về mặt kinh tế xã hội, từ bỏ điện hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Thực ra, ngành hạt nhân dân sự của Pháp liên quan đến 400000 nhân công (trong đó có 120 000 trực tiếp) với 450 công ty chuyên ngành. Ngược lại, Đảng Xanh cho rằng việc tăng trưởng xanh và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích việc sử dụng hiệu quả năng lượng, làm chủ sưởi điện, tiết kiệm năng lượng, sẽ gây ra sự thay đổi tích cực về thái độ tiêu thụ trong dân chúng và sẽ mang lại 600 000 đến một triệu việc làm.

Ngày 14-2-2012 chính phủ Pháp đã công bố báo cáo của Ủy ban Năng lượng 2050 do GS Jacques Percebois làm Chủ tịch. Ủy ban đã phân tích 4 kịch bản: thay thế lò thế 2 lúc được 40 tuổi bằng lò thế hệ 3 EPR, bớt dần tỷ lệ hạt nhân để sử dụng năng lượng tái tạo và các nhà máy chạy than khí, từ bỏ hẳn hạt nhân hoặc kéo dài thời gian vận hành đến 60 năm (nếu cơ quan an toàn hạt nhân cho phép). Theo Ủy ban, kịch bản thứ 4 (kéo dài 60 năm ) là có lợi cho Pháp hơn cả về khía cạnh tài chính. Điều này cũng dễ hiểu vì nhiều nhà máy đã được khấu hao (70%) và cũng vì không làng xã nào cấp đất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Lẽ cố nhiên, cá nhân tôi không tán thành vì nhiều lý do. Đặc biệt là vì những lò phản ứng PWR của Pháp được thíết kế để vận hành 30 năm, tăng gấp đôi thời gian, hết sức tốn kém và có thể gặp nguy biến. Theo EDF, kinh phí cần thiết để 58 lò có thể tiếp tục họat động đến 60 năm là 50 tỷ euros, chưa kể 10 tỷ euros phải bỏ ra để củng cố an toàn sau Fukushima.

Theo tôi, những lý do đưa ra để theo đuổi điện hạt nhân ở Pháp không đứng vững : không có độc lập vì phải nhập cảng uranium, giá điện không rẻ vì phải tăng mạnh mức an toàn và năng lượng tái tạo mỗi ngày càng kinh tế. Đó là chưa kể hàng chục tỷ euros phải bỏ ra để tháo gỡ các nhà máy và lưu trữ chất thải phóng xạ.

RFI: Trong khi các cường quốc trên thế giới đang phải xem lại chiến lược phát triển điện hạt nhân tiến tới thay thế nguồn năng lượng này trong tương lai thì Việt Nam lại chuẩn bị cho một tham vọng phát triển điện hạt nhân khá lớn, với việc xây cất nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận, giáo sư có suy nghĩ gì về thực tế này ?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Việt Nam đi lùi 50 năm!

Pháp đang ớ trong một tình trạng chuyển tiếp năng lượng rất khó xử. Từ bỏ hay tiếp tục điện hạt nhân cũng phải trả giả hết sức cao, từ 500 đến 550 tỷ euros (so với 228 tỷ euros đã đầu tư trong chưong trình hạt nhân dân sự từ 40 năm nay). Đức can đảm hơn nước nào cả, biết để tính mạng dân chúng trên tiền bạc, đã quyết định rút lui điện hạt nhân, ngay sau thảm họa Fukushima, không do dự, không tính toán. Ta cũng nên tìm hiểu lý do tại sao Đức đã ngưng 8 lò và Nhật Bản, chỉ còn 2 lò vận hành (52 lò kia đang bị kiểm tra và tu bổ) mà guồng máy hai nước vẫn chạy được. Ta cứ thổi phồng nhu cầu (vì lãng phí quá mức) để kêu vang thiếu điện là thiếu tinh thần trách nhiệm.

Bao giờ ta mới tỉnh giấc mơ? Điện hạt nhân đã lỗi thời và không có triển vọng. Giải thưởng Nobel kinh tế Ấn độ, Amartya Sen, cũng đã tuyên bố rằng hạt nhân không phải là lời giải của bài toán năng lượng thế giới. Kenzaburô Ôé, Nobel văn chương của Nhật Bản cũng đã đi biểu tình chống đối ở Tokyo.

Đầu tư vào hạt nhân là đầu tư dài hạn, không phải muốn đi ra lúc nào cũng được. Ngày 2-7-2011, ở hội nghị đảng Xã hội Quốc tế tổ chức tại Athènes, bà Mizuho Fukushima, lãnh đạo đảng Xã hội Nhật Bản, đã lên tiếng kêu gọi thế giới từ bỏ điện hạt nhân. Bà đề nghị Nhật Bản rút khỏi điện hạt nhân năm 2020 và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050. Chính bà cũng đã yêu cầu chính phủ Việt Nam không nên mua lò phản ứng của nước bà vì thiếu an toàn. Dân chúng cũng đã biểu tình ở Tokyo phản đối việc bán lò cho nước ta. Chính phủ Nhật Bản đã có quyết định hủy bỏ dự án xây cất thêm 14 lò.

Có công nghiệp nào phí của như điện hạt nhân không? Đập vỡ mà tốn kém hơn xây cất! Tại nhà máy Superphenix 1250 MW của Pháp, từ lúc bị đóng cửa (1997), thường trực có 450 nhân công tiếp tục phá gỡ cho đến năm 2025! Chi phí có thể là hàng tỷ euros.

Nếu ta cứ bịt tai che mắt, phung phí đồng tiền, không sợ mất thì giờ, không thấy nguy biến, coi nhẹ tính mạng đồng bào, cứ táo bạo làm điện hạt nhân thì đất nước ta có thể tiêu tàn khi phóng xạ bao trùm lãnh thổ! Ai đứng ra chịu trách nhiệm với những thế hệ con cháu sau này? Đúng ra, nếu Nga hay Nhật Bản cho không các lò phản ứng ta cũng nên từ chối chứ đừng nói rằng họ cho vay ít lãi. Vài cường quốc đã trót đầu tư hàng chục hàng trăm tỉ đôla để chế tạo lò. Sau Fukushima, găp được khách hàng nhẹ dạ thì họ níu áo là phải. Không khéo họ lại bán một số máy móc tồn. Về sau, khi công nghệ hạt nhân sụp đổ, làm sao tìm ra được những phụ tùng cần thiết? Ở Flamanville, công trường lò EPR bị trễ 4 năm, vừa mới bị ngưng một lần nữa, vì vấn đề bêtông. Ở ta, nếu thêm vào những khó khăn kĩ thuật lại có tham nhũng tung hoành thì làm sao dân chúng ngủ yên?

Nhiều chuyên gia cũng thắc mắc về địa điểm Ninh Thuận, không xa các thành phố đông dân là bao như Phan Rang, Nha Trang, Đà Lạt. Nếu có động đất lớn trên 8°5 Richter ở trong khu vực, sóng thần có thể lên rất cao. Dân chúng ít hiểu biết về phóng xạ vì thiếu thông tin, việc quản lý sơ tán hàng trăm ngàn người, tổ chức tái định cư, khi biến cố xảy ra là cả một vấn đề nan giải. Ở một nước dân chủ, với chương trình vĩ đại như thế, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của dân tộc, phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới đứng đắn.

Nếu động đất cao hơn 9° Richter thì Nga sẽ làm gì để tránh thảm họa? Tạo hóa vô thường và sức mạnh thiên nhiên không thể nào lường trước được. Một báo cáo khoa học vừa cho biết rằng Tsunami ngày 11-3 -2011 đã làm nước biển lên cao 38,9 m và 21 m ở một nơi không xa nhà máy Fukushima là bao. Nếu có máy bay oanh tạc, hay quân cảm tử tấn công thì phòng thủ như thế nào? Tai biến xảy ra không phải chỉ ở tâm lò bị nóng chảy (nguy hiểm nhất) mà có thể ở nhiều nơi khác, như hồ chứa nước, như lúc di chuyển chất thải phóng xạ...

Đó là lý do vì sao khó kiếm được công ty nhận bảo hiểm nhà máy điện hạt nhân. Càng tăng mức an toàn thì giá điện càng cao mà rút cuộc vẫn không có cách gì bảo đảm an toàn được.

Dù có an toàn đi nữa mà không kinh tế, thì tại sao ta cứ phiêu lưu, liều mạng, phải làm điện hạt nhân cho các công ty ngoại quốc thu lợi? Chương trình của ta quá tham vọng (New York Times 1-3-2012). Ta phải can đảm rút lui ngay trước khi quá muộn, càng do dự càng tốn kém và mất thì giờ vàng ngọc của đoàn sinh viên đang đi tu nghiệp. Philippines đã hy sinh một nhà máy điện hạt nhân vừa xây xong, chứng tỏ một tinh thần trách nhiệm rất cao, đáng phục.

Lý luận rằng bắt buộc phải làm điện hạt nhân vì ta thiếu điện, không có phương án nào khác là hoàn toàn không đứng vững. Tại sao không cấp tốc đầu tư vào các nguồn thủy điện, khí, than, gió, mặt trời, sinh khối, ít tốn kém, xây cất nhanh và tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho đồng bào? Tại sao không triệt để tiết kiệm và tăng gia hiệu suất năng lượng? Vì nhiều trục trặc lúc mới khai thác, trung bình 2 lò 1000 MW của Ninh Thuận sẽ sản xuất mỗi năm tối đa là 8 hay10 TWh, con số xem như tương đương với lãng phí. Chẳng lẽ xây lò phản ứng để đáp ứng nhu cầu lãng phí?

Ta đừng tưởng rằng vài lò phản ứng của Việt Nam sẽ giúp ích cho việc thay đổi khí hậu. Đổi CO2 với chất thải phóng xạ, như tôi đã có dịp trình bày, thì chẳng khác nào như đổi sida với dịch tả!

Đừng quên rằng trên thế giới năng lượng tái tạo đang đươc bành trướng hết sức mạnh mẽ và giá thành kWh mỗi ngày một hạ thấp. Chúng ta phải có chiến lược với tầm nhìn thật xa, đến năm 2050 chẳng hạn. Năm 2020, lúc ta bắt đầu có điện hạt nhân thì năng lượng tái tạo đã kinh tế!

Vì cớ gì ta phải đi vay hàng chục tỷ đôla (10 tỷ cho 2 lò đầu tiên ở Ninh Thuận và vài chục tỷ khác cho 6 lò nối tiếp) để vứt ra cửa sổ? Không những ta sẽ để món nợ khổng lồ cho con cháu trả mà còn tặng thêm cho chúng chất thải phóng xạ ngàn đời nhiễm độc! Đó là chưa kể hàng trăm tỷ đôla phải xuất ra nếu có một thảm họa lớn xẩy ra trong nước.

Những đề nghị đầy tâm huyết, phát biểu từ gần 10 năm nay và nhiệt tình của tôi đối với quê hương xứ sở mến yêu, sẽ làm cho nước ta lợi hàng tỷ đô la (vì khỏi để dành tiền cho việc tháo gỡ các nhà máy và lưu trữ chất thải phóng xạ) đồng thời sẽ tránh cho Ninh Thuận trở thành Fukushima hay Tchernobyl. Kinh phí này đầu tư thêm vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất năng lượng có phải hợp thời hợp lý không?

Về năng lượng mặt trời dự án khổng lồ của Đức, Fondation Desertec, thành lập năm 2009, đang xúc tiến mạnh với Tunisie, Maroc và Egypte. Một nhà máy điện mặt trời 2000 MW (bằng 2 lò hạt nhân của Ninh Thuận) trị giá 9,5 đến 12 tỷ đôla sẽ được xây dựng vào năm 2014. Môt phần sản lương điện sẽ cung cấp nước Ý.

Trong chương trình tiết kiệm năng lượng của Âu Châu, nếu mục tiêu giảm 20% vào năm 2020 mức tiêu thụ được thực hiện thì Âu Châu sẽ khỏi phung phí 324 tỷ đôla.

Hiện nay giá đầu tư điện gió ở Pháp (1,45 triệu euros/ MWh) đã bắt đầu cạnh tranh được với điện hạt nhân (1,64 triệu euros/ MWh - nhà máy Civaux). Đừng quên rằng từ 2006, Đan Mạch đã có kịch bản sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào chân trời 2050 (Viện FEMTO – ST)

Theo cá nhân tôi, Điện Hạt Nhân là Điện Hại Nước, Điện Hại Nhân! Việt Nam đi lùi 50 năm (vì điện hạt nhân bắt đầu vào những năm 1950 và cất cánh vào năm 1960), sẽ kẹt một thế kỷ mà không biết (50 năm vận hành, 50 năm tháo gỡ) và sẽ bị chậm trễ, không đuổi kịp chiếc tàu năng lượng tái tạo thế giới mà kinh phi đầu tư đã lên đến 200 tỷ euros trong năm 2010.

RFI: Xin cảm ơn giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn.

N.K.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn