Tàn phá và hồi phục một năm sau tsunami

Một năm sau ngày vùng Đông Bắc nước Nhật rung động vì trận động đất 9 độ Richter và bị tràn ngập bởi sóng thần, Lucy Rodgers của BBC nhìn lại tác động khủng khiếp của thảm họa này và đánh giá mức độ phục hồi của Nhật Bản:

clip_image001

Hậu quả ngay lập tức của đợt Sóng thần và Đại địa chấn tại Nhật là cái chết của gần 16 nghìn người dân ở các cộng đồng ven biển Đông Bắc.

Nhưng cuộc sống của hàng trăm nghìn người khác cũng bị tàn phá.

Thảm họa kép vì thiên tai còn gây ra cuộc khủng hoảng nữa ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima và tất cả cho tới nay vẫn còn để lại tình trạng xáo trộn cuộc sống ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Tại ba tỉnh Miyagi, Iwate và Fukushima, toàn bộ các cụm dân cư đã bị xóa sổ vì sóng thần.

Ngoài con số người thiệt mạng, chừng ba nghìn người khác vẫn chính thức nằm trong danh sách ‘mất tích’.

Ngay cả trong số những người sống sót, còn rất nhiều người chưa thể về lại nhà cũ.

Theo chính quyền Nhật Bản, có hơn 300 nghìn người vẫn tá túc ở những khu tạm trú hoặc ở nhờ nhà bạn bè, thân nhân hay sống trong khách sạn.

Hơn 500 vẫn còn ở các trung tâm sơ tán.

Cảnh sát Nhật có số liệu cho thấy gần 300 nghìn căn nhà bị phá hỏng hoàn toàn, và hơn một triệu bị hư hại, hoặc vì động đất, hoặc vì sóng thần hoặc do hỏa hoạn.

clip_image002

Chừng 4000 con đường, 78 cầu và 29 tuyến hỏa xa cũng bị ảnh hưởng.

Ông Patrick Fuller từ Hội Chữ Thập Đỏ cũng là người đến nơi xảy ra thảm họa ngay lập tức kể lại về cảnh “tàn phá hoàn toàn”.

"Cách đúng nhất tôi có thể nêu ra là hệt như trong phim Terminator – cảnh tương lai bị phá vụn và trộn thành đống đổ nát".

Dọn dẹp toàn thể

Chính quyền Nhật Bản nêu ra con số ước tính choáng váng: chừng 25 triệu tấn mảnh vụn trong các tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất.

Con số này lớn hơn nhiều lần số mảnh vụn do động đất Haiti 2010 gây ra.

Vì thế, chiến dịch dọn dẹp là một nhiệm vụ khổng lồ, kể cả với quốc gia nổi tiếng có năng lược chuẩn bị mọi thứ kỹ càng như Nhật.

Đa số các đống đổ nát và rác đã được dọn khỏi đường phố nhưng Bộ Môi trường Nhật tháng trước cho hay chỉ có 5% được dọn hết đi và 72% vẫn còn chất ở các điểm tập trung tạm.

Giới chức giải thích về sự chậm trễ và nói rằng họ gặp khó khăn tìm ra điểm thiêu đốt rác và mảnh vụn trong vùng bị thiên tai.

Ngoài ra, các tỉnh khác của Nhật cũng không sẵn sàng nhận chất thải từ đây vì lo sợ bị nhiễm phóng xạ.

clip_image003

Bộ trưởng Môi trường Goshi Hosono nói Bộ này đặt mục tiêu ban đầu là đến tháng Ba 2014 sẽ dọn hết nhưng nay thì thấy tiêu chí đó trở nên phi thực tế và cần kêu gọi các vùng khác của đất nước trợ giúp.

Tuy thế nhưng chính quyền Nhật đã được Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) khen ngợi về nỗ lực tạo tiến bộ nổi bật nếu ta nhìn vào tầm vóc và sức tàn phá của thảm họa.

UNEP nói công tác phân loại và tái xử lý rác của Nhật Bản cùng cách quốc gia này giải quyết hậu quả đổ nát của động đất và sóng thần.

‘Làm lại từ đầu’

Tuy đa phần rác và mảnh đổ nát đã được dọn, các con đường dọc bờ biển vẫn còn chưa được xây lại.

Trên thực tế hiện vẫn có tranh luận rằng một số khu dân cư có nên chuyển hẳn vào sâu trong đất liền hoặc đến vùng đất cao hơn hay không.

"Công tác tái thiết cần nỗ lực khổng lồ từ chính phủ và sẽ phải mất nhiều năm mới xong"

Patrick Fuller

Báo Yomiuri Shimbun có đăng một cuộc điều tra vào năm ngoái, cho thấy 26 trong tổng số 37 cộng đồng dân cư vùng duyên hải của Iwate, Miyagi and và Fukushima đã tính đến khả năng di chuyển địa điểm ở quy mô lớn.

Một điều tra mới hơn nói 72% người dân được hỏi nói họ không thấy có tiến bộ gì trong nỗ lực tái thiết.

Khi được yêu cầu chọn một lý do vì sao, 75% đổ lỗi cho khủng hoảng ở lò nguyên tử Fukushima, 63% nói vì động đất quá lớn và 61% tin rằng vấn đề nằm trong cách thức chính quyền giải quyết hậu quả thiên tai và khủng hoảng.

Nhưng ông Patrick Fuller từ Hội Chữ Thập Đỏ đã chỉ ra rằng nhiều thị trấn bị động đất và sóng thần tàn phá đã “làm lại từ đầu” và mức tiến bộ của Nhật hiện này so với năm ngoái đã nhiều hơn ba năm công tác của Indonesia và Sri Lanka sau trận tsunami năm 2004.

clip_image004

Nay nhiệm vụ của chính phủ Nhật Bản là làm sao giúp người dân tự vận động để phục hồi cuộc sống, nhất là khi hậu quả kinh tế của thảm họa này vẫn còn rất lớn, ông Fuller nói.

Năm ngoái, Nội các Nhật Bản ước tính thảm hoạ làm cả quốc gia thiệt hại 16,9 nghìn tỷ Yên.

Nhưng chính quyền trung ương và địa phương cũng tin rằng chi phí cho tái thiết sẽ vượt quá 23 nghìn tỷ Yên trong vòng hơn 10 năm tới.

Ông Fuller nói điều quan trọng cho quá trình tái thiết các cộng đồng bị tàn phá là làm sao tạo cho họ mục tiêu có ý nghĩa để bắt tay vào công việc đó.

"Điều này cần nỗ lực khổng lồ từ chính phủ và sẽ phải mất nhiều năm mới xong".

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn