Việt Nam kết án tù người dân khiếu kiện đất đai

Việt Hà, phóng viên RFA

Dù biết là bị lừa nhưng bà Aung San Suu Kyi còn dám lên tiếng công khai tố cáo chính quyền Thein Sein gian lận trong danh sách cử tri của cuộc bầu cử bổ sung lần này, hạn chế bà vận động tranh cử, thậm chí cắt bỏ đoạn diễn văn quan trọng mà bà sẽ đọc trước công chúng, và cuối cùng bắt buộc được chính quyền phải bãi bỏ việc cấm đảng bà biểu tình tại sân vận động trước cuộc bầu cử.

Dù biết là thắng cuộc nhưng viên cựu sĩ quan KGB Putin cũng phải nhượng bộ cho 10 ngàn người dân thủ đô Moskva tự do đi biểu tình trên đại lộ Arbat với những yêu sách thẳng thừng: cải cách chính trị, tư pháp độc lập, chấm dứt kiểm duyệt và bầu cử lại trước kỳ hạn.

Còn ở xứ sở dân chủ gấp ngàn lần thì sao? Vâng, bà Ba Sương đã được đình chỉ xét xử, được khôi phục đảng tịch, nhưng nông trường Sông Hậu “một mô hình kinh tế nông nghiệp xã hội chủ nghĩa tiêu biểu” với bốn lần nhận danh hiệu đơn vị anh hùng thì xoá sổ xong và bảy nghìn hecta ruộng quật lên từ sình lầy của 1.500 hộ dân đã... trôi tuột vào túi một nhóm lợi ích đâu vào đấy. Đấy là một chuyện.

Một chuyện khác hiện còn chưa hết nóng bỏng: hành động phản kháng tự vệ cùng đường của một Kỹ sư nông nghiệp vốn là người lao động giỏi, cùng với gia đình suốt đời quai đê lấn biển tạo nên cà một vùng đầm nuôi cá có lãi, chống lại hành động vô lương của một bọn cướp ngày trắng trợn ngang nhiên đẩy cả nhà mình vào chỗ chết, đã làm dấy lên cả một làn sóng công phẫn trong dư luận từ Nam chí Bắc, kể cả các vị cựu lãnh đạo tối cao của Nhà nước, đến mức ông Thủ tướng cũng phải xắn tay can thiệp – những tưởng một tia hy vọng đã lập loé, số phận sắp mỉm cười với người nông dân đến nơi rồi. Thì này đây, 11 nông dân Bắc Giang cũng chỉ vì vì không còn con đường sống mà phải chiếm đất trái phép, rồi đụng độ với công an và bộ đội mà vừa chịu án phạt với tội danh “chống người thi hành công vụ”, người nặng nhất đến 54 tháng tù giam. Liệu có phải đây là gáo nước lạnh gián tiếp xối vào lưng các anh Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý không đây?

Hoá ra ngoảnh nhìn tám phương bốn hướng những nơi còn bàn tay đám người cai trị độc tài, nơi nào cũng có củ cà rốt và cây gậy kèm nhau như hình với bóng cả. Còn ở đất nước dân chủ của chúng ta thì khác: hình như người nông dân chỉ mới được mơ tới củ cà rốt thôi (hoặc để cho báo chí vẽ củ cà rốt ấy ra cho đẹp mà nhìn cho thoả) chứ chưa một lần thực nếm nó thì phải. Hãy cứ chờ xem.

Bauxite Việt Nam

Một tòa án quân đội vừa kết án tù 5 người dân ở tỉnh Bắc Giang về tội gây rối trật tự công cộng vào ngày 9 tháng 3 vừa qua.

clip_image001

Bản đồ khu vực huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Source Google Map

Vào sáng ngày 9 tháng 3, tòa án quân đội quân khu 1, khu vực hai đã mở phiên tòa xét xử 5 người dân thuộc xã Phong  Vân, huỵên Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang về tội gây rối trật tự công cộng. Những người này bị kết án từ 42 tháng đến 54 tháng tù giam.

Không luật sư bào chữa

Vào ngày 8 tháng 3 vừa qua, tòa án quân đội quân khu 1 cũng đã tiến hành xét xử 6 người khác thuộc xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn với tội danh tương tự. Mức án từ 12 đến 48 tháng tù giam. Trả lời đài Á Châu tự do sau phiên tòa ngày 9 tháng 3, một người dân địa phương giấu tên cho biết:

“Hôm nay xử 5 người thuộc thôn Vũng Phi, Xã Phong Vân, hôm qua xử 6 người ở Kim Sơn. Em theo dõi phiên tòa hôm nay. Ở ngoài nghe loa chứ không trực tiếp nhìn thấy họ”.

Dân làm gì có biết bào chữa thế nào. Dân này chỉ biết xin giảm án thôi chứ làm gì có biết bào chữa gì đâu.

Một người dân

Những người vừa bị xử án nằm trong số 19 người dân tộc Nùng của hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang, đã bị chính quyền bắt giữ từ tháng 8 năm 2011 sau một vụ đụng độ giữa khoảng hơn một ngàn người dân địa phương với công an và bộ đội, liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền.

Một người dân theo dõi diễn tiến của cả hai phiên tòa cho biết các bị cáo không có luật sư bào chữa, và bản thân người dân cũng không hiểu biết về thủ tục bào chữa:

“Dân làm gì có biết bào chữa thế nào. Dân này chỉ biết xin giảm án thôi chứ làm gì có biết bào chữa gì đâu”.

Một người thân của một bị cáo cho đài Á châu Tự do biết gia đình anh không cảm thấy hài lòng với kết quả phiên tòa, mặc dù thừa nhận một số người dân đã bức xúc mà có các hành động không kiềm chế:

VIETNAM-LAND-POLITICS-UNREST-FARMERS

Người nông dân làm ruộng tại tỉnh Bắc Giang, ảnh chụp hôm 14-02-2012. AFP PHOTO

“Có nhiều vấn đề mình không hài lòng. Thứ nhất mình là người dân tộc ở vùng xâu vùng xa không hiểu biết về pháp luật, không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là một, cái thứ hai là việc này là đi đòi hỏi chế độ chung chứ không phải mình cầm đầu gì, người dân thì cái sự đền bù không được công bằng thì một số dân bức xúc. Vào cuộc đấy thì một số dân quá khích, người ta không kiềm chế được bức xúc nên có những xô xát, và không nhận thức được hành vi của mình”.

Vào ngày 11 tháng 8 năm 2011, khoảng 1.000 công an cơ động, dân phòng và bộ đội đã được huy động đến cưỡng chế đất của những người dân ở các xã Kim Sơn, Phong Minh và Phong Vân thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang gây ra đụng độ lớn với hơn 1.000 dân tại đây. Những người dân đã dùng chai, đá, gậy gộc và dao để chống lại lực lượng cưỡng chế.

Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ năm 2003 khi chính quyền địa phương quyết định di dời khoảng 2.300 hộ dân tại hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn để làm trường bắn quốc gia TB01. Những hộ dân đầu tiên bắt đầu di dời từ năm 2003. Tiếp đó các hộ dân khác cũng di dời trong khoảng thời gian các năm 2005 đến 2006. Những người dân bị di dời, được hứa trả tiền đền bù đất và hoa màu, nhưng theo nhiều người thì mức đền bù không thỏa đáng và thiếu công bằng giữa các xã khác nhau, thậm chí giữa người Kinh và người Nùng. Người dân giấu tên cho biết:

Dân nghèo, khó khăn mà không được trả lời dứt khoát nên mới quay lại để canh tác, đòi hỏi chế độ bao giờ được nhà nước trả lời và đền bù về đất đai.

Một người dân

“Từ năm 2003, người Kinh tiền khẩu được 15 triệu, còn tiền vải đường kính từ 20 đến 22 cm được 1 triệu 200 ngàn đồng. Lúc đó vải là 1.000 hay 1.500 đồng một cân. Nhưng đến năm 2006 thì vải lên đến tới 6000 đồng, 7000 đồng một cân, cũng đường kính 20 đến 22 cm mà dân em được có 371.000 đồng, còn tiền khẩu là 15 triệu đồng. Theo công văn của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào tháng 12 năm 2004 thì mỗi khẩu là 26 triệu rồi.”

Dân chúng bất bình

Từ năm 2007 người dân hai huyện Lục Ngạn và Sơn Động đã bắt đầu tìm đến cơ quan thanh tra chính phủ để khiếu kiện về việc đền bù không thỏa đáng. Đến ngày 27 tháng 10 năm 2010, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng quyết định giao Bộ Tài nguyên Môi trường, kết hợp với Bộ Tài Chính và Bộ Quốc phòng xem xét xử lý kiến nghị của người dân, và Ủy ban tỉnh Bắc Giang phải báo cáo trước ngày 15 tháng 11 năm 2010. Đến ngày 6 tháng 1 năm 2011, ông Nguyễn Sinh Hùng có công văn yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải thực hiện đúng quyết định ký ngày 6 tháng 12 năm 2004 của Phó Thủ tướng về mức đền bù cho dân và giao Bộ Quốc phòng kết hợp giải quyết. Tuy nhiên cho đến tháng 4 năm 2011 người dân vẫn không nhận được câu trả lời dứt khoát từ chính quyền địa phương về việc đền bù theo quyết định của chính phủ.

VIETNAM-DEVELOPMENT-LANDS-PROTEST

Hàng trăm người dân Hưng Yên tập trung biểu tình trước trụ sở Quốc hội ở Hà Nội hôm 27-4-2011, phản đối chính quyền trưng thu đất đai đề xây dựng khu đô thị Ecopark. Ảnh minh họa. AFP PHOTO

Những người dân sau nhiều tháng trời di dời đã mất kế sinh nhai, rơi vào hoàn cảnh nghèo khó. Trong khi đó, khiếu kiện của họ lên trung ương trong nhiều năm ròng vẫn không được giải quyết. Vì vậy, vào khoảng giữa tháng 4 năm 2011, hàng trăm người dân thuộc xã Kim Sơn, Phong Minh, và Phong Vân đã tự động quay lại vùng đất cũ của mình để tìm cách canh tác. Những người dân này đã phá lán của bộ đội và đuổi lực lượng này ra khỏi vùng đất của mình. Một người dân cho biết hành động này của người dân không phải là chiếm đất trái phép mà vì không còn con đường sống:

“Đã đi đòi hỏi chế độ, đã gửi đơn thư nhiều năm lắm rồi mà không được trả lời cụ thể. Dân đi khiếu nại nhiều nơi mà không được cấp trên trả lời. Việc này dân bức xúc quá, dân nghèo, khó khăn mà không được trả lời dứt khoát nên mới quay lại để canh tác, đòi hỏi chế độ bao giờ được nhà nước trả lời và đền bù về đất đai, chứ không bao giờ có ý định chiếm đất trái phép, hay chống đối gì”.

Những người dân đã ở lại canh tác suốt từ tháng giữa tháng 4 năm 2011 cho đến ngày 11 tháng 8 năm 2011 thì bị cưỡng chế khỏi khu vực này.

Các vụ cưỡng chế đất đai hiện đang xảy ra ngày một nhiều tại Việt Nam gây bất bình trong dân chúng. Trong một số trường hợp đã xảy ra đụng độ giữa lực lượng cưỡng chế và người dân, tương tự như trường hợp của người dân ở tỉnh Bắc Giang.

V. H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn