Một tâm sự nhân ngày 30 tháng Tư - Quỳnh và Quân và Tôi

Phạm Toàn

Quỳnh và Quân là hai con người có thật tôi gặp trong cuộc sống thực hôm nay. Hai con người trong trắng – kiểu người tôi yêu. Có ai đó ác miệng bảo “vì tôi tâm hồn đã vấy bẩn nên thích tìm cái trong trắng bù trừ vào”. Tôi chỉ cười và nhịn, không cãi. Nhưng hôm nay thì tôi sẽ cãi – và cãi bằng việc rồi sẽ kể ra một học thuyết của tôi về linh hồn con người.

* * *

Thứ nhất nói về Quỳnh.

Trong nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm của tôi, bé bỏng nhất có em Quỳnh. Cùng tốt nghiệp Đại học Sư phạm ra, cùng tình cờ chui vào cái lớp huấn luyện sư phạm 2 tuần dạo tháng 7 năm 2009, so với các thạc sĩ đàn chị, công trình của Quỳnh khó mà địch nổi. Thế mà, sau lớp học, tôi lại mời Quỳnh tham gia nhóm biên soạn, và từ chối chưa chịu mời nhiều bạn có sừng có mỏ khác.

Đó là một nét kín đáo tôi giữ riêng cho mình sau rồi có bộc lộ công khai trong nhóm Cánh Buồm. Hôm nay sẽ xin nói ra rộng hơn là chỉ nói trong nhóm cái điều “bí mật” riêng tư đã khai báo hết. Chỉ thế này thôi: ấy là có lần tôi ngồi một góc phòng nghe các bạn líu ríu vừa ăn quà vừa kể đủ thứ chuyện với nhau. Trong đám hỗn loạn âm thanh “bầy vịt cái” đang quàng quạc ấy, tôi nghe tiếng em Quỳnh nhỏ nhẻ kể chuyện gì đó, và cuối câu chuyện em nói ra một câu sau rồi đã thành một chi tiết về tính cách của em cho tôi nhớ đời “… sao mẹ lại mắng con?!”.

“… Sao mẹ lại mắng con?!”, “… Sao mẹ lại mắng con?!”, “… Sao mẹ lại mắng con?!” Bạn nhắm mắt lại và hình dung đi… Trong cuộc sống bon chen… trong cuộc đua trèo lên cổ kẻ khác để mà “liên tục phát triển” dưới những khẩu hiệu không ai bác bẻ được song chẳng ai tin… giữa một bầu trời bức bối những người đàn bà yêu nước bị đưa vào trại tập trung kiểu trại Thanh Hà… thế ấy mà lại văng vẳng bên tai ta một cặp mẹ con yêu thương nhau đến mức lớn rồi mà con vẫn có dịp nói với mẹ “… sao mẹ lại mắng con?!”. Ôi chao, đó thật sự là một dòng nước mát, một dòng nước mát cũng đồng thời là một cơn khát!

Đó là cách tôi chọn cộng sự. Đó là cách tôi mời người cùng soạn sách giáo khoa trong nhóm Cánh Buồm. Tôi giao cho Quỳnh nghiên cứu việc dạy Lịch sử cho trẻ em. Quỳnh đã làm xong một phần cả lý thuyết cả thực nghiệm. Tôi đề nghị chưa nghiệm thu. Tôi đề nghị cả nhóm hãy kiên nhẫn đợi. Bao nhiêu chục năm nay, việc đó làm đã xong đâu, sao lại vội giục giã một cô gái mảnh mai vẫn ở trình độ chưa hiểu … sao mẹ lại mắng con, sao không giục giã những bậc chữ nghĩa bề bề khác? Công việc tổ chức học Lịch sử cho trẻ em cả nước cần được giao vào tay người có tâm hồn trong sáng, không nên vội vã...

Đó là Quỳnh.

* * *

Còn đây là Quân.

Quân, tức chàng sinh viên xuống đường rồi thành chàng thanh niên xung phong, tức chàng nhạc sĩ tập tễnh, tức anh nhà thơ nổi tiếng khắp đất nước này vì mấy chùm khế ngọt trèo hái từng ngày (nổi tiếng khế ngọt cả trong đám con nít lẫn bên A bên B ký kết hợp đồng).

Quân bao giờ cũng thích khoe mình không trong sáng. Thích khoe mình “bậy bạ”. Quân ồn ồn trách tôi trước đông đảo bạn cũ bạn mới “Anh tệ lắm nha. Anh bảo em là thằng vô dụng chỉ giỏi chim gái nha…”. Tôi cười trừ không cãi, vì tôi biết Quân đang phịa ra một chuyện để ra oai với vợ, bằng cách chứng tỏ cái tài mà mình không cần có. Quân có chị vợ cực kỳ tinh tế vì chị nấu ăn thật ngon. Người vợ dịu dàng nhìn Quân khoe cái “mẽ” kiêm cái “tật” mà anh không có hoặc chẳng cần có và chị thì đã biết tỏng cái mẽ đó là gì.

Quân hỏi tôi sao anh yêu em?

Tôi nói em trong sáng.

Quân hỏi sao biết em trong sáng?

Tại câu chuyện Quân kể.

Chuyện gì em kể, em quên rồi!

Chuyện “Lục bình hay Việt Cộng” em kể, em quên được sao?

Quân cười tít: “Ờ, chuyện đó vui à, anh …”.

Chuyện chỉ thế này thôi. Lính Việt Nam Cộng hòa (mà trước thường được gọi là “lính ngụy”) gác bên trên cầu Sài Gòn. Dưới sông Sài Gòn là những đám lục bình (dân ngoài Bắc gọi là bèo Tây hoặc bèo Nhật Bản). Trong những đám lục bình đó nhiều khi là những khối thuốc nổ và những quyết tử quân. Người lính gác cầu hỏi chõ xuống sông: “Lục bình hay Việt Cộng?” và bên dưới vọng lên câu trả lời “Lục bình!”. Người gác cầu lại nói chõ xuống “Lục bình, cho qua”.

Quân hỏi tôi sao anh thích chuyện đó?

Tôi bảo Quân, đó là câu chuyện về hòa hợp dân tộc.

Tôi lại bảo Quân, từ khi nghe em kể chuyện đó, anh đặt nick cho em là Quân hòa hợp dân tộc.

Quân hỏi sao vậy?

Tôi lại bảo Quân rằng ai thích thú và nhớ câu chuyện hồn nhiên đó cũng là người có tấm lòng và tâm hồn rất gần với sự hòa hợp dân tộc.

* * *

Còn đây là Tôi.

Bữa đưa đám ma anh Chu Trung Can bạn tôi, là em trai của anh Chu Hảo cũng là bạn tôi, có hai người lạ tôi chưa gặp bao giờ, tự xưng nhà nghiên cứu đến rủ tôi xong đám thì cùng đi ăn trưa. Tôi phải xin phép thì các em trong nhóm mới cho đi. Chỉ vì các em trong nhóm luôn luôn nghĩ tôi dễ bị mắc lừa. “Cả đời chuyên trị chui đầu vào tròng, nào các ông lừa tôi đi, lại còn định cãi hử?”, các em vẫn hay trách yêu tôi như vậy.

Nhưng lần này, tôi bảo đảm với các em là đã gặp hai người cực kỳ dễ mến, ngay từ đầu họ đã xưng danh rất vui như sau: “Em là S, đây là T, cùng làm ở cái ủy ban các anh quen gọi là cơ quan lú lộn ấy mà …”. Các em đã cho phép tôi được tự do “tiếp khách” với điều kiện khi về phải kể cho hết. Và tôi đã kể hết, nay chỉ xin kể lại.

Cuộc trò chuyện giữa ba chúng tôi kéo dài từ lúc “ăn trưa” nhoáng nhoàng tới 4 giờ chiều kết thúc ở quán cà phê phố Lý Thường Kiệt bên số chẵn, gần nhà cũ của nhà sử học đẹp giai Nguyễn Hồng Phong.

Chủ đề đầu tiên của tôi vẫn là hòa hợp dân tộc. Tôi tin cậy khuyên nhủ hai bạn đó: các cậu đã có công lớn trong giai đoạn vừa qua. Thôi, cho qua, chẳng ai tranh công đâu. Có thể trăm năm nữa, có những nhà nghiên cứu, người ta sẽ còn mở sổ Nam Tào Bắc Đẩu ra người ta lập luận lại. Khi đó hãy hay. Những người đang sống hôm nay không biết việc đó ra sao, nên đừng quá quan tâm. Chỉ cần nhớ trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ là quá đủ. Các cậu bàn nhau đi, ra nghị quyết đi, phải hòa hợp dân tộc, ngay lúc chiến trận mà vẫn lục bình à, lục bình cho qua thì bây giờ, các cậu nên lập công chuyến nữa đi. Đúng dịp. Nói thật, mình không còn coi các cậu ra gì nữa đâu, các cậu là một lũ lú lẫn vì ngu và tham, nhưng mình sẽ dùng các cậu như một công cụ thuận tiện hơn cả vào lúc này, cốt sao hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc…

Tôi vốn là kẻ ngạo mạn, tôi nhắc hai nhà nghiên cứu thế này, nếu các cậu không biết viết một cái tuyên ngôn như thế nào cho ra hồn một bản tuyên ngôn để đời, thì cứ gọi điện mình sẽ viết hộ cho, các cậu chỉ việc ra nghị quyết và ký. Hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc hòa hợp dân tộc… Ô kê?

Các nhà nghiên cứu cười ngất. Bên ly cà phê, ba chúng tôi đang hòa hợp dân tộc đây. Bỗng họ cùng hỏi một lần: hình như anh có cái lý thuyết phải gió gì đó về linh hồn, đúng không?

Có chứ! Có chứ! Mình đã trình bày thử một lần cho hai người bạn thân nhất, bữa đó cũng nhân dịp cùng ăn lẩu ếch ở nhà số lẻ phố này, ếch vào lời ra... Sau đó có trình bày với mấy ông linh mục, thử coi các ông có chịu nổi quan niệm về linh hồn kiểu này… Sau đó bị bỏ bom bất ngờ, phải trình bày ở Trung tâm văn hóa Pháp ngày 3 tháng 10 năm 2011… Sau đó còn ba hoa vài bận với nhiều anh em…

Anh nói lại cho chúng em nghe đi.

Thế này nhé…

Các cậu hãy nghĩ đến những cái cây. Cây chúng nó cũng như mình, cũng ăn, cũng uống, cũng thở… và còn làm tình nữa… nhưng thực vật phải làm “chuyện ấy” nhờ gió, nhờ côn trùng, nhờ người thụ phấn hộ… Tội nghiệp, chúng nó bị chặt thì cũng đứng im cho người ta chặt, có bị đốt cháy thì cũng đứng chôn chân một chỗ mà chết cháy… Về triết học, ta gọi cây cối thực vật là những thực thể bị cầm tù trong không gian.

Động vật có hơn thực vật không? Động vật nói chung đã hơn thực vật nhiều, nhưng trong giới động vật ta phải phân biệt con người như một động vật khác biệt hẳn với cả lũ còn lại.

Này nhé, động vật cũng như thực vật, cũng ăn, cũng uống và cũng thở… Nhưng con người khác con vật ở chỗ khi ăn khi uống thì nếm náp, nhấm nháp, thưởng thức… Ngay cả khi làm tình con người cũng nếm náp, nhấm nháp, thưởng thức… Con vật chỉ biết làm tình theo phương thức chơi xổ số cào. Vào mùa động dục, hai anh chị đi mua xổ số, mua xong cào luôn, và cào lần nào cũng trúng, thế mới lạ, suốt đời chỉ có thắng không khi nào thua. Cào xong, lĩnh thưởng xong, nghỉ ngơi tí chút, lại đi mua vé, anh đực lại đi cào với một anh cái khác, và lại thắng… Nhờ cái khoản xổ số cào đó mà con vật kéo dài nòi giống, trong khi con người, giả sử cả đời cào một ngàn lần, thì 998 lần thưởng thức là chính, 998 lần “cào” không trúng mà lại còn mong “cào” không trúng nữa, giỏi lắm là trúng 2 lần, nhất là thời nay đã có nhời khuyên mỗi gia đình chỉ nên có một hoặc hai con.

Con vật đã khác thực vật, đã tự do trong không gian, tuy rằng cái tự do ấy cũng ba bảy đường. Con vật thuần túy động vật khi bị mắc bẫy thì cố kéo cố giựt tháo thân, có khi đứt một chân, chạy trốn tiếp bằng ba chân, có khi bị bẫy vào cổ, thì càng muốn chạy trốn càng bị thít chặt cho tới khi “nhận thức” ra rằng sống ở đời cần phải có ô-xy! Nhưng con người khi vướng vào bãi mìn – cũng là một loại bẫy – thì lại biết nhìn ngắm và xem xét đó là loại mìn gì, và tìm cách hủy đi sao cho cả cộng đồng người cùng được tự do thực sự trong không gian.

Nhưng con động vật nói chung còn hoàn toàn khác con động vật người ở một và chỉ một điểm này: con người có linh hồn. Nói theo cái lý của mình, con người có cách nhận thức khác về cái xưa nay vẫn nhờ lòng cả tin mà gọi bằng linh hồn.

Điều đó nằm trong một ý tưởng của Lev Tolstoi – xin nói rõ đây không phải là điều tôi nghĩ ra, mà được học hỏi từ Lev Tolstoi nhờ công trình sưu tầm và dịch thuật cuốn Đường sống của các anh Phạm Vĩnh Cư và Vũ Thế Khôi – mỗi bài một ý, góp nhặt lại, thấy Lev Tolstoi nói đại ý rằng con người là một thực thể tinh thần, nó tự do trong không gian đã đành, nhưng nhất hạng là nó tự do cả trong thời gian, vì nó có khả năng tổ chức cuộc sống của mình sau khi chết.

Cái buổi 3 tháng 10 năm 2011 tôi trình bày luận điểm về linh hồn này ở Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, tôi hình tượng hóa khái niệm linh hồn qua những đối thoại của đàn cháu nhân ngày giỗ ông như sau:

Hôm nay giỗ ông, chúng mày nhìn cái cây ông trồng mà nhớ ông này…”

“Anh chỉ được cái nói sai! Đây là cây bà trồng…”

“Không, anh nhớ mà, đây là cây ông trồng…

“Anh nhầm, ông lợp bếp bị ngã phải đi bó bột …

“Mày nhầm thì có, bà đi thăm chị cả gãy tay bó bột… Ông lợp bếp xong thì tụt xuống, ai cũng nghĩ ông ngã, nhưng ông chẳng sao hết, ông uống chén nước rồi ông đi trồng cây này, chính anh mang nước cho ông tưới…”.

Và hôm đó tôi đưa ra mấy kết luận như sau. Kết luận thứ nhất: linh hồn của ta gửi vào một vật thể đủ để làm chỗ nhớ cho ai biết thì nhớ, ai nhớ thì nhớ, nhớ cho tới khi người ta quên đi cái linh hồn gửi lại chốn nương thân trần gian kia… Kết luận thứ hai: đã là con người, ít nhiều to nhỏ xấu tốt thế nào cũng để lại dấu vết linh hồn mình trong một dấu ấn… Kẻ nào nói tôi không định để lại dấu ấn nào hết, thì hoặc đó là kẻ bất tài, hoặc là kẻ tưởng nói vờ thế là ta đây khiêm tốn, kỳ thực đó chỉ là kẻ thừa nhận mình mới đủ sức tự do trong không gian, chứ chưa đủ sức tự do trong thời gian.

Hết ý kiến.

Hà Nội, sau vụ Xuân Quan 24-4-2012

P.T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn