Trung Quốc – Việt Nam: Những cảnh báo về quan hệ thương mại bất đối xứng

Vũ Thành Công

SGTT.Vn - Buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 18,4% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 0,98% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Trung Quốc đang sử dụng kết hợp cả sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép các nước mà Trung Quốc đang tranh chấp ở Biển Đông. Nạn nhân đầu tiên từ đòn trừng phạt kinh tế của Trung Quốc là Philippines. Mặc dù xuất khẩu trái cây và ngành du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề, nhưng Manila vẫn phải xuống nước khi đối thoại với Bắc Kinh, cũng như bác bỏ các ý kiến của một số quan chức chính phủ nước này đòi trừng phạt trả đũa Trung Quốc. Sự yếu thế của Philippines là do tính bất đối xứng trong thương mại giữa hai nước. Vậy nếu Trung Quốc sử dụng cách này đối với Việt Nam thì sẽ có những hệ quả gì, đặc biệt từ góc nhìn về tính bất đối xứng trong thương mại Việt – Trung?

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn giữ vị trí đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng kim ngạch thương mại đạt trên 20%/năm. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2011 là 35,7 tỉ USD và Chính phủ hai nước đã thông qua mục tiêu “60 tỉ USD vào năm 2015”. Buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 18,4% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 0,98% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Năm 2011, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (chiếm 11,3% tổng giá trị xuất khẩu) nhưng lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất (23,2% tổng giá trị nhập khẩu). Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,6% tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc và tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ chiếm 1,3% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Nguy hiểm hơn, cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc đang mất cân bằng trầm trọng với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 135 triệu USD năm 2001 lên tới 13,5 tỉ USD vào năm 2011.

Những con số chênh lệch trên đã cho thấy phần nào sự bất đối xứng nghiêm trọng về lượng trong quan hệ thương mại hai nước; nhưng đó chỉ mới là các con số tổng quan.

Nếu đi sâu vào các sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước, sự bất đối xứng về chất còn đáng chú ý hơn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu, nhiên liệu và khoáng sản sơ chế như khoai mì (chiếm hơn 90% tổng sản lượng xuất khẩu), cao su (61,4% tổng sản lượng xuất khẩu), dầu thô (15,2% tổng sản lượng xuất khẩu), than đá (78,3% tổng sản lượng xuất khẩu)..., bao gồm cả alumin sơ chế của dự án bôxít Tây Nguyên.

Trong khi đó, sản phẩm chúng ta nhập khẩu nhiều nhất là máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử và Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm này vào Việt Nam (chiếm khoảng 33,3% tổng giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử và 5% tổng giá trị nhập khẩu của tất cả các sản phẩm) nhưng với họ, việc xuất khẩu những sản phẩm trên chỉ chiếm khoảng 0,26% tổng giá trị xuất khẩu. Sự bất đối xứng còn cay đắng hơn khi Việt Nam xuất khẩu cao su và nhập lại vỏ ruột xe, xuất khẩu quặng khoáng sản và nhập lại sắt thép, xuất khẩu than và nhập lại điện… từ Trung Quốc.

Những ngày vừa qua, nổi lên hai sự kiện làm người nông dân điêu đứng là việc thương lái Trung Quốc không mua dứa sau khi đã đặt trạm thu mua với giá cao và ép giá khoai nhờ thao túng thị trường. Hậu quả là hai mặt hàng này rớt giá nhanh chóng, thậm chí là dứa rớt giá hơn một nửa và khoai lang nhập khẩu sang Trung Quốc rớt giá hơn 70%. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng “cái bẫy tăng giá” thời gian đầu để thao túng thị trường rồi sau đó đồng loạt ngừng mua và ép giá để thu mua số lượng lớn, khiến người nông dân khốn đốn và gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông sản của Việt Nam.

Mặc dù Trung Quốc là đối tác nông sản hàng đầu và gần như nắm quyền thao túng thị trường một số sản phẩm nông sản Việt Nam nhưng việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc vẫn theo hình thức biên mậu, không có hợp đồng nên người dân bị ép giá là chuyện thường xảy ra. Dứa và khoai lang không phải là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc và có thể bảo quản được lâu hơn các mặt hàng khác nên thiệt hại vẫn chưa quá lớn, nhưng nếu Trung Quốc đồng loạt sử dụng “cái bẫy” trên đối với tất cả các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thì hậu quả thật khó lường, đặc biệt là đối với các mặt hàng khó bảo quản như rau, dưa hấu, xoài, vải thiều,…

Đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử... lại xảy ra một rủi ro khác. Hiện nay, Việt Nam đang quá phụ thuộc vào nguồn cung này từ phía Trung Quốc bởi nó rẻ và phù hợp với tình trạng phát triển của Việt Nam, nhưng sự chênh lệch thị phần xuất nhập khẩu của máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử giữa hai nước lại quá lớn, do đó, nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu các sản phẩm (có chất lượng) sang Việt Nam thì sự phát triển và quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá của Việt Nam sẽ bị đình trệ.

Đó là sự bất đối xứng về độc quyền khi thị trường xuất khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, khoáng sản sơ chế và thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử của Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc và gần như không có nguồn nào khác để thay thế. Chỉ mới bất đối xứng về lượng và chất nhưng Philippines đã chịu thiệt hại lớn do lệnh trừng phạt của Trung Quốc, thì sự bất đối xứng cả về lượng, chất và độc quyền đối với những mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam lại vẽ ra một thiệt hại khủng khiếp hơn nhiều.

Lời cảnh báo về bất đối xứng quan hệ thương mại trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang gia tăng sức nóng – hơn bao giờ hết – cần được “đặt lại trên bàn nghị sự”.

V. T. C.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn