Việt Nam: Một năm phong trào biểu tình chống Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông

Thụy My

clip_image002

Biểu tình tại Hà Nội ngày 05/06/2011, phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông (REUTERS)

Đúng vào ngày này năm ngoái, 05/06/2011, người dân Việt Nam hai miền Nam-Bắc đã nhất loạt xuống đường chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Những cuộc biểu tình hiếm hoi này đã gây được chú ý cho dư luận quốc tế.

Hôm nay trên nhiều diễn đàn cũng như trên mạng xã hội Facebook, nhiều người đã nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ của đợt biểu tình này, đưa lại những đường link, những hình ảnh cũ và cho biết sẵn sàng tiếp tục xuống đường nếu Tổ quốc nguy biến.

Blog Anh Ba Sàm đưa lại đường dẫn mục điểm báo trong ngày hôm ấy, và có hẳn một Kỷ yếu biểu tình trên trang Việt Sử Ký. Blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thường trực tiếp đưa tin về các cuộc biểu tình, nay đã bị khóa. Tuy nhiên hôm nay trên các blog khác như Nguyễn Tường Thụy, đã đăng lại bản tuyên cáo phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông, được đọc trước Nhà hát lớn Hà Nội trong cuộc biểu tình ngày 03/07/2011. Blogger Mẹ Nấm tự hỏi “Sau một năm, chúng ta được gì và mất gì?”.

Các trang trên Facebook từng tham gia kêu gọi xuống đường trước đây như Nhật Ký Yêu Nước, và nhiều trang khác như Xuống Đường Trên Mạng, Đường Đời Sỏi Đá… cũng đăng lại những bài viết, những hình ảnh biểu tình ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011.

Xin nhắc lại, việc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm ngoái đã gây phẫn nộ trong công chúng. Nhiều lời kêu gọi biểu tình đã lan truyền rộng rãi trên mạng, và đã được hưởng ứng nồng nhiệt. Facebook năm ngoái rực đỏ vì nhiều thành viên đã cùng thay avatar (ảnh đại diện) là lá cờ đỏ Trung Quốc với chiếc đầu lâu và hai khúc xương bắt chéo. Nhưng sau những cuộc biểu tình rầm rộ đầu tiên, chính quyền đã ráo riết ngăn trở khiến phong trào không thể tiếp tục.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc biểu tình đầu tiên ngày 05/06/2011 đã diễn ra hết sức quy mô với hàng ngàn người tham dự. Đoàn biểu tình đã tuần hành trên các tuyến đường dẫn đến Lãnh sự quán Trung Quốc, trong đó có những khuôn mặt từng là sinh viên tranh đấu trước đây như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng…và nhiều nhân sĩ trí thức.

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Lê Công Giàu, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966-1967, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền, như giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho biết cảm tưởng như sau :

Ông Lê Công Giàu_Thành phố Hồ Chí Minh

05/06/2012

by Thụy My

Nghe (04:15)

Cái ngày 5/6 đó là một kỷ niệm rất đặc biệt, vì ngày đó chúng tôi sống lại không khí trước năm 1975, chúng tôi đi biểu tình chống chính quyền Sài Gòn và Mỹ. Nhưng ngày này năm ngoái thì đối tượng lại khác, đó là nhà cầm quyền Trung Quốc.

Cuộc biểu tình ngày 5/6 đó không phải do chúng tôi tổ chức, mà do anh em thanh niên tự động làm, báo cho nhau trên mạng, chúng tôi lên mạng thấy được nên mới đi. Sau này rất nhiều anh em thắc mắc là tại sao không báo để cùng đi. Rất nhiều người vẫn tiếc là không có mặt trong cuộc biểu tình hôm đó, và những tuần sau thì họ có đi. Nói như thế để thấy là các anh em trong phong trào sinh viên học sinh cũ, rất nhiều anh em muốn tham gia cuộc biểu tình ngày đó.

Nói chung là một không khí rất là đặc biệt. Anh em thanh niên tự động họ xuống đường như thế, mà rất đông ! Và không khí rất là sôi nổi, làm cho chúng tôi cảm thấy mình trẻ lại.

Cái ấn tượng là lớp trẻ cũng sôi nổi không thua gì chúng tôi trước đây. Đó là điều mà chúng tôi rất mừng, tuy rằng cuộc biểu tình này nhỏ, không bằng những cuộc biểu tình trước năm 1975, nhưng chúng tôi cũng thấy sự ủng hộ của người dân đối với cuộc biểu tình này. Người ta đem nước ra cho những người đi biểu tình uống, cũng giống như hồi xưa, v.v…Đó là một điều mà tôi nhớ mãi.

Tôi tin rằng với lớp trẻ, lòng yêu nước của họ cho dù bất cứ trong điều kiện nào cũng không bị giảm sút. Đó là điều rất đáng mừng. Chứ nếu Trung Quốc gây sự như thế, mà thanh niên Việt Nam lại im lặng, thì mới đáng lo cho đất nước.

Hiện nay những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây, bởi vì tình hình hiện nay cũng phức tạp hơn so với trước kia, do đó mà có nhiều trở ngại.

Trước kia sinh viên các trường đại học như Tổng hội Sinh viên Sài Gòn muốn tổ chức biểu tình, thì rất khó nhưng vẫn còn có thể làm được. Còn bây giờ thì khó lắm ! Không thể tổ chức như trước kia được.

RFI : Anh có thể nói cụ thể hơn không?

Hồi xưa ở trường đại học, sinh viên có thể tổ chức hội thảo trong trường dễ dàng, và ông khoa trưởng không ngăn cản chuyện đó. Nói chung là để cho sinh viên có những tự do nhất định, trừ phi có những cuộc mà ông hiệu trưởng cảm thấy không được, thì mới kêu gọi giải tán thôi. Và cũng chỉ kêu gọi, chứ không có hành động gì mạnh tay.

Bây giờ khó hơn ở chỗ các trường đại học hiện nay lực lượng sinh viên trong nhà trường đều có tổ chức đoàn thể quản lý, chứ sinh viên không tự do như trước đây.

Đúng là sinh viên mà đi biểu tình khó hơn hồi xưa. Hồi trước mấy thầy nói chung là ủng hộ, người thì công khai, người thì ủng hộ ngầm. Còn bây giờ thì lại có những ông khoa trưởng, hiệu phó, hiệu trưởng gì đó lại đi khuyên sinh viên là đừng đi biểu tình !

RFI : Hồi trước sinh viên đi biểu tình có bị đuổi học không?

Hồi xưa đó hả? Không có đâu ! Ví dụ tôi học trường Khoa học, vào ngày thi tôi lên tuyên bố bãi khóa, xé bài thi, thì năm sau tôi đăng ký học lại vẫn được. Hoặc nếu ở trường này học không được, vẫn có thể đi qua trường khác đăng ký học. Năm đầu tiên tôi xé bài thi, bãi khóa, sau đó tôi vẫn ghi danh học lại, ra ứng cử ban đại diện và đắc cử, vẫn tiếp tục hoạt động.

RFI : Nếu trong những điều kiện như bây giờ, chắc hồi đó các anh cũng khó tổ chức biểu tình được?

Cái đó thì cũng không biết sao, mỗi thời có cái khó riêng của nó. Và mỗi thời cũng có những con người của phong trào đó - theo lý thuyết, bài bản là như vậy.

RFI : Anh muốn nói là “thời thế tạo anh hùng”?

Ừ thì thời thế tạo anh hùng, hay là chính phong trào sẽ tự tạo ra những lãnh tụ của phong trào đó.

Tôi nghĩ rằng hồi xưa chúng tôi làm được, thì lớp trẻ ngày nay cũng sẽ làm được. Bởi vì nếu nhà nước có biện pháp, thì người dân cũng sẽ có biện pháp.

RFI: Xin rất cám ơn ông Lê Công Giàu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

T. M.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn