Cho dù không có TPP, tương lai thương mại giữa Trung Quốc và châu Á vẫn sáng sủa

Vikram Nehru, The Diplomat, 13 tháng Tám 2012

Trần Ngọc Cư dịch

Trong khi một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn nằm trong giai đoạn đàm phán và không phải là không có những chướng ngại vật, chẳng hạn có một số quốc gia đang phản đối những ràng buộc gay gắt của quyền sở hữu trí tuệ mà Mỹ muốn áp đặt qua Hiệp định này, thì tiến trình hội nhập kinh tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại châu Á theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc. Bài tiểu luận dưới đây được viết theo cái nhìn khách quan của một nhà nghiên cứu, nhưng chúng ta không loại trừ khả năng TQ đang dùng sức mạnh kinh tế để o ép các nước nhược tiểu láng giềng trong chính sách bành trướng qua chiêu bài “hội nhập kinh tế khu vực”, nhằm tiến tới một “khối thịnh vượng chung” do TQ điều khiển.

Bauxite Việt Nam

Vẫn chưa có dấu hiệu nào đáng vui mừng về thương mại toàn cầu trong mấy năm vừa qua. Vòng đàm phán Doha về thương mại đa phương vẫn nằm trong tình trạng hôn mê, nếu chưa chết hẳn. Vì thế, một nỗ lực gần đây nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giữa các nước nằm ven bờ Thái Bình Dương, tức Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được đón chào bằng thái độ nồng nhiệt và bằng tâm lý nhẹ nhõm, như là một bước đi đúng hướng. Nhưng mặc dù TPP chắc chắn được nhìn nhận và hoan nghênh vì viễn ảnh tương lai của nó – một hiệp định tạo thêm sự ổn định đặt cơ sở trên các luật lệ trong quan hệ thương mại giữa các nước thành viên TPP – nhưng nó thiếu sự tham gia của Trung Quốc (TQ), một nền kinh tế đứng hạng nhì và là nước xuất khẩu và sản xuất lớn nhất thế giới. Đối với Đông Nam Á, đó là điều quan trọng.

Tầm cỡ, vị trí địa lý, và tính năng động của TQ đã tạo nên một sức thu hút không có gì làm lay chuyển được, một sức thu hút đã biến TQ thành đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á. Và TPP chắc sẽ không thay đổi thực tế là, thị trường và địa lý là hai yếu tố chính thúc đẩy sự hội nhập kinh tế của Đông Nam Á với TQ, như 20 năm qua đã cho thấy. Dẫu sao, các hiệp định thương mại và đầu tư chỉ có thể thúc đẩy các lực tác động thị trường, chứ không chống lại chúng. Rốt cuộc, thị trường và địa lý sẽ hướng châu Á tới việc hội nhập khu vực trước đã, rồi sau đó khu vực này mới ở vào một tư thế để hòa nhập với TPP.

Tiến trình hội nhập thương mại Đông Á đã bắt đầu khá lâu trước khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) trở nên phổ biến gần đây. Thị trường và địa lý đã thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại của châu Á; sau đó mới có các chính sách nhằm hậu thuẫn tiến trình này. Việc gộp lại các nền kinh tế phản ánh tầm quan trọng ngày một gia tăng của các mạng lưới sản xuất của khu vực, trong đó các giai đoạn khác nhau của tiến trình sản xuất được thực hiện trong nhiều nước khác nhau. Việc này cho phép các công ty chuyên môn hóa, sản xuất đại trà nhưng ít tốn kém, và phát hiện được nơi nào có điều kiện thuân lợi nhất.

Đồng thời, sự gần gũi địa lý giúp cho việc vận chuyển và giao thông ít tốn kém. Chẳng phải do tình cờ mà quan hệ mậu dịch với TQ đã phát triển nhanh hơn đối với các nước Đông Nam Á (ĐNA) ở đất liền so với các nước ĐNA nằm trong biển – chính vì sự gần gũi địa lý của TQ. Tương tự như thế, mặc dù không có Hiệp định Tự do Mậu dịch (FTA) song phương, thương mại của Ấn Độ với TQ đã phát triển nhanh chóng – nhanh chóng đến nỗi TQ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ.

Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) chắc chắn sẽ không cản trở tiến trình hội nhập giữa các nước trong khu vực tại châu Á. Một trong những lý do là, châu Á rất có thể là khu vực có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong một tương lai có thể trông thấy và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu nơi đây ngày một gia tăng. Điều này có nghĩa là thương mại giữa các nước châu Á sẽ tiếp tục vượt trội hơn thương mại giữa châu Á với phần còn lại của thế giới.

Các nước trong khu vực cũng nhấn mạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của mạng lưới vận chuyển nối kết các nền kinh tế ĐNA lại với nhau và với TQ. Việc này sẽ thu ngắn hơn nữa khoảng cách không gian giữa các nền kinh tế châu Á, đặc biệt tại lục địa Đông Nam Á.

Lý do tiếp theo là, hiện nay lương công nhân và giá đất tại TQ đang gia tăng và đồng nhân dân tệ đang lên giá. Những xu thế này sẽ thúc đẩy các công ty TQ cần nhiều lao động cuối cùng sẽ phải dời sang các nền kinh tế ĐNA có nguồn lao động phong phú, nhờ vậy sẽ đóng góp thêm cho tiến trình hội nhập bằng các luồng thương mại và đầu tư.

Và sau cùng, vì TQ đang ở trong tình trạng thặng dư mậu dịch, các công ty TQ đang chịu sức ép phải gia tăng vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài. Một số lớn đầu tư sẽ hướng tới các nước láng giềng ở ĐNA.

Sự hội nhập các luồng thương mại và tài chính ngày càng sâu sắc này chắc chắn cần thêm sự hỗ trợ bằng chính sách. Nhưng đáp án không nằm ở chỗ cần có thêm nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Nhiều người tranh luận rằng “mớ bòng bong” FTA trong khu vực đã tạo thuận lợi thì ít mà tạo cản trở thì nhiều. Việc thi hành vô số luật lệ và qui định song phương và đa phương sẽ gia tăng phí tổn hành chánh, cản trở việc vận chuyển hữu hiệu các loại hàng hóa qua biên giới, và có thể khuyến khích nạn tham nhũng. Ngoài ra, một khi bị các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) kiềm tỏa, các chính phủ đã từng vận dụng chính sách riêng của mình để bảo vệ công nghiệp trong nước.

Như vậy, đối với châu Á, đáp số của bài toán không những nằm trong việc hình thành một hiệp định thương mãi toàn diện cho khu vực để loại bỏ nhu cầu đối với nhiều FTA đa phương và song phương, mà lại còn nằm trong việc đảm bảo rằng một hiệp định như thế sẽ giảm bớt những rào cản do các nước đặt ra để bảo vệ công nghiệp của mình. Việc này sẽ hình thành và nuôi dưỡng sức sống của thị trường cũng như tạo thế mạnh địa lý trong một nền kinh tế khu vực sinh động và tăng trưởng nhanh chóng. Và sẽ tạo ra một môi trường để dần dần tiến tới chỗ hợp lưu với sự phát triển song hành của TPP.

V. N.

Vikram Nehru là một nhân viên cao cấp trong Chương trình châu Á và Chủ nhiệm Chương trình Bakrie trong Ban Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Carnegie Endowment. Tác giả xin cảm ơn Navtej Dhaliwal đã giúp đỡ nghiên cứu. Bài báo này đã được Carnegie Endowment for International Peace cho xuất bản lần đầu.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn