Việt Nam dâng 3/4 vùng biển Hoàng Sa và 4/5 vùng biển Trường Sa?

Phạm Quang Tuấn

Gần đây có thông tin loan tải cho rằng vào năm 2009, Hà Nội đã nộp cho Liên Hiệp Quốc một hải đồ xác nhận 3/4 “vùng biển Hoàng Sa” và 4/5 “vùng biển Trường Sa” là không thuộc về Việt Nam. Sự thật có như vậy không?

Để có thể giải đáp được điều đó, thiết nghĩ cũng nên biết qua những khái niệm căn bản về luật biển cũng như những đòi hỏi mà Việt Nam đã đệ trình lên LHQ.

Những khái niệm căn bản về luật biển

Trước hết cần phải nói rằng “vùng biển Hoàng Sa” và “vùng biển Trường Sa” là những thành ngữ mập mờ, không được định nghĩa trong luật biển quốc tế. Vì vậy, theo luật pháp quốc tế, chính quyền Việt Nam không có cách nào để xác nhận “3/4 vùng biển Hoàng Sa” và “4/5 vùng biển Trường Sa” là không “thuộc về” Việt Nam, cho dù ví thử họ có thực tâm muốn làm vậy!

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS, United Nations Convention on the Law of the Sea), mà Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác chung quanh Biển Đông đều đã ký kết, quy định những khu vực mà một nước có đặc quyền như sau:

  • Lãnh hải (territorial sea), rộng tối đa 12 hải lý (1 hải lý = 1852 mét). Nước chủ nhân có chủ quyền trong lãnh hải của mình, nhưng tàu thuyền các nước có quyền đi qua miễn không gây hại (innocent passage).

  • Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ, exclusive economic zone), tối đa 200 hải lý. Nước chủ nhân có đặc quyền (còn gọi là “quyền chủ quyền”, sovereign rights) khai thác các nguồn lợi kinh tế trong nước biển, trên đáy biển và trong lòng đất.

  • Thềm lục địa mở rộng (ECS, extended continental shelf), thường là tối đa 350 hải lý từ đường cơ sở (trừ trường hợp sẽ nói sau). Nước chủ nhân có đặc quyền khai thác các nguồn lợi trên đáy biển và trong lòng đất.

Những khoảng cách nói trên đo từ đường cơ sở (baseline). Đường cơ sở là một đường đi theo bờ biển lúc nước xuống thấp nhất, có thể gồm những đoạn thẳng nối những mỏm đất và những đảo gần bờ. Những phần biển, vịnh và vũng nằm trong đường cơ sở được coi là nội thủy, tức là thuộc lãnh thổ của quốc gia. Những quốc gia quần đảo như Philippines, Indonesia thì được vẽ đường cơ sở bọc quanh quần đảo.

Lưu ý rằng những con số nói trên là những khoảng cách tối đa mà một nước có thể có. Nếu bờ biển hai nước lân bang quá gần nhau, thì họ có thể phải phân chia lãnh hải, EEZ hoặc ECS theo một tỷ lệ nào đó (không nhất thiết là hai phần bằng nhau) và sẽ được ít hơn. Ngoài ra, dù không đụng chạm nước nào khác, ECS còn phải được xác định theo một số tiêu chuẩn chính xác trong UNCLOS (Điều 76, “Định nghĩa thềm lục địa”) chứ không phải chỉ giản dị là vẽ một đường cách đường cơ sở 350 hải lý. Theo cách hiểu thông thường thì thềm lục địa là vùng đáy biển nông tiếp cận với lục địa. Không phải là bờ biển nào cũng có thềm lục địa, và nếu có thì bề rộng của nó cũng tùy chỗ và tùy địa thế của đáy biển. UNCLOS đưa ra ba cách để xác định ranh giới thềm lục địa:

(a) Ranh giới thềm lục địa cách chân dốc lục địa 60 hải lý, miễn đừng cách xa đường cơ sở quá 350 hải lý. Chân dốc lục địa là chỗ chân thềm mà độ dốc đáy biển thay đổi nhanh nhất (chẳng hạn ở cái góc chỗ đáy biển từ dốc trở thành ngang).

(b) Ranh giới thềm lục địa ở điểm mà bề dày lớp đá trầm tích (sedimentary rock) ít nhất cũng bằng một phần trăm khoảng cách từ điểm được xét cho tới chân dốc lục địa, miễn đừng cách xa đường cơ sở quá 350 hải lý.

(c) Ranh giới thềm lục địa cách đường đẳng sâu 2500 m (đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500 m) một khoảng cách không quá 100 hải lý (cách đo từ đường đẳng sâu này chỉ được dùng nếu một số điều kiện địa lý được thỏa mãn).

Theo những định nghĩa này, nếu sát bờ có một vực sâu dưới đáy biển (như vực Philippines ở ngay phía Đông Philippines) thì có thể sẽ không có thềm lục địa mở rộng, vì vực nằm trong 200 hải lý EEZ.

Tóm tắt đòi hỏi về Thềm Lục Địa mở rộng của Việt Nam

Năm 2009 Việt Nam đã đệ trình cho Ủy Ban về Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS, Commission on the Limits of the Continental Shelf) của Liên Hiệp Quốc hai tài liệu đòi hỏi thềm lục địa mở rộng:

1. Đệ trình chung Malaysia-Việt Nam ngày 6/5/2009 về vùng phía Nam mô tả một khu vực đa giác đại khái hình chữ nhật (ABCD trên Bản đồ 1) mà hai nước này cùng đòi, và đang tranh chấp hay thương nghị chưa xong. Đây là một dải lòng biển nằm giữa hai đường ranh EEZ 200 hải lý của Malaysia và Việt Nam, phía Đông Nam bờ biển Nam Bộ. Đầu Tây Nam của dải biển này (đường CD) giới hạn bởi EEZ của Indonesia, đầu Đông Bắc (đường AB) giới hạn bởi một đường kéo dài từ ranh giới đáy biển lý thuyết giữa Malaysia và Philippines. (Ghi chú: Bản đồ 1 chỉ cốt để giải thích các nguyên tắc vẽ đường ranh ECS trong hai đệ trình, xin xem bản đồ trong hai bản đệ trình để biết chi tiết chính xác.)

2. Đệ trình của Việt Nam ngày 7/5/2009 về vùng phía Bắc đòi cho Việt Nam một khu vực đại khái hình tam giác (EFG). Cạnh Tây (EG) là ranh giới EEZ 200 hải lý của Việt Nam, cạnh Đông là ranh giới thềm lục địa tính từ đường cơ sở lãnh hải và chân dốc lục địa, theo những công thức đã nói trên của UNCLOS, cạnh Bắc là đường cách đều giữa hai đường cơ sở của Việt Nam và Trung Quốc. Ranh giới thềm lục địa phần nhiều tính theo công thức 60 hải lý từ chân dốc, ngoại trừ một điểm ở tận cùng phía Nam tính theo công thức bề dày đá trầm tích. Theo như trên Bản đồ 1 thì ta có thể thấy đường chân dốc thềm lục địa đại khái nằm dọc theo ranh giới giữa vùng màu xanh nhạt (nông) và vùng màu xanh đậm (sâu) trên bản đồ đáy biển.

Đệ trình của Việt Nam có “tránh né” Hoàng Sa và Trường Sa không?

Có người cho rằng những đòi hỏi thềm lục địa của Việt Nam cố ý tránh né HS-TS nên không được đầy đủ 350 hải lý. Thực ra, ta đã thấy là những đòi hỏi này bị giới hạn bởi những tiêu chuẩn rất chính xác và chặt chẽ trong điều 76 của UNCLOS. Như đã nói ở trên, 350 hải lý chỉ là bề rộng tối đa nếu hội đủ các điều kiện địa lý, địa chất và chính trị (không có sự hiện hữu của những bờ biển nước khác).

Tuy nhiên, trong cả hai bản đệ trình, Việt Nam không đòi hỏi thềm lục địa cho các đảo này. Tại sao chính quyền Việt Nam đã không làm việc đó? Chỉ có họ có thể trả lời, nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán như sau:

1. Chưa chắc là các đảo HS-TS hội đủ điều kiện để có ECS. Theo UNCLOS (Điều 121) “những đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”. Điều này không định nghĩa rõ ràng thế nào là “thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng”, nhưng hầu hết các đảo HS-TS rất nhỏ và chắc là không thể có đời sống kinh tế riêng, cần được tiếp trợ từ đất liền. Diện tích tổng cộng gần một ngàn hòn đảo Trường Sa chưa tới 5 km vuông.

2. Biển Đông bị vây quanh tứ phía, diện tích còn lại sau khi các nước chung quanh đã đòi EEZ 200 hải lý chỉ còn lại một dải hẹp ở giữa. Nếu các đảo hay một số đảo HS-TS được EEZ, những EEZ đó sẽ chiếm hầu hết giải biển này và chồng lấn với EEZ của các nước khác, kể cả Việt Nam, và do đó diện tích những vùng biển còn “dư thừa” để đòi ECS rất nhỏ (vì chỉ có thể đòi ECS ở những vùng biển không thuộc EEZ của ai). Điều này có thể thấy trên Bản đồ 2: chỉ có một vùng (xanh nhạt, đánh số 11) phía Đông Bắc là không nằm trong EEZ của nước nào hay đảo nào, tuy nhiên vùng Đông Bắc Biển Đông rất sâu và chân dốc phía này của các đảo HS-TS nằm sát đảo, nên ít có khả năng đòi được thềm lục địa ở đó (điểm cách chân dốc 60 hải lý gần bờ hơn ranh giới 200 hải lý của EEZ). Về phía Việt Nam nếu xin ECS cho HS-TS thì còn vô lý nữa là có những vùng biển đã thuộc EEZ của mình rồi (được quyền khai thác cả nước biển lẫn lòng đất) mà lại đệ đơn xin ECS ở đó (chỉ được khai thác lòng đất)!

Có thể có người sẽ hỏi nếu không xin ECS được cho HS-TS thì tại sao không xin EEZ. Nhưng nên nhớ rằng những đệ trình này là cho CLCS, cơ quan này chỉ xét cho ECS chứ không xét cho EEZ.

3. Dù có đủ điều kiện địa lý để lập hồ sơ xin ECS cho HS-TS, hồ sơ này chắc chắn sẽ bị bác vì tất cả các nước chung quanh Biển Đông phản đối – không những Trung Quốc mà còn Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia. Như vậy Việt Nam sẽ gây xích mích với ASEAN và mất hết đồng minh để chống Tàu mà không được lợi lộc gì, như đã thấy ở trên. Trong khi đó, đơn sẽ bị CLCS bác ngay vì theo quy định, cơ quan này không cứu xét những đòi hỏi nào có tranh chấp.

4. Dù có đủ điều kiện địa lý để lập hồ sơ xin ECS cho HS-TS, theo nguyên tắc “biển lệ thuộc đất” (la terre domine la mer), cần phải đợi tới khi chủ quyền của Việt Nam trên HS-TS được quốc tế xác nhận rồi mới có thể đòi EEZ và ECS (nếu có). Nếu đòi EEZ và ECS trong lúc còn đang tranh chấp này thì không những bị bác đơn ngay, mà có một viễn tượng nguy hiểm, là nếu sau này quốc tế công nhận nước khác có chủ quyền một phần hoặc toàn phần HS hoặc TS, những gì chúng ta đòi sẽ đương nhiên thuộc về họ! Dĩ nhiên, chúng ta có thể quan niệm “không đời nào quốc tế sẽ quyết định sai như vậy”, nhưng hành động trên giả thiết lạc quan nhất mà không có “Plan B” thì đó cũng là cách… tự tử tốt nhất.

Kết luận

Nói tóm lại, không có căn cứ để cho rằng Hà Nội đã xác nhận 3/4 “vùng biển Hoàng Sa” và 4/5 “vùng biển Trường Sa” là không “thuộc về” Việt Nam. Đệ trình về thềm lục địa của Việt Nam năm 2009 không phải là để yêu sách một “vùng biển” mơ hồ nào mà chỉ là để yêu sách ECS. Sau này, khi chủ quyền trên HS-TS được các nước công nhận, không có gì ngăn trở chúng ta đòi lãnh hải, EEZ và ECS (nếu có) chung quanh các đảo. Những đệ trình của Việt Nam năm 2009 do đó phù hợp luật biển quốc tế và thích hợp với thời điểm. Không thể đánh đồng những đệ trình này với những hành động phương hại đến chủ quyền Việt Nam như công hàm Phạm Văn Đồng hay một số bản đồ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời “môi hở răng lạnh”.

P. Q. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

clip_image002

Bản đồ 1: Đệ trình về ECS của Việt Nam năm 2009.

clip_image004

Bản đồ 2: Ranh giới 200 hải lý EEZ của các nước (xanh đậm), của một số đảo lớn của HS-TS (vòng tròn xám), và vùng biển còn dư không trong EEZ nào (xanh nhạt, đánh số 11). (Vẽ bởi Dương Danh Huy, trích lại với sự đồng ý của tác giả)

Cám ơn

Tác giả xin cám ơn ông Dương Danh Huy đã bàn luận và góp ý kiến về bài này.

Tài liệu tham khảo

United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS), http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (bản dịch UNCLOS của Bộ Ngoại giao Việt Nam), http://vea.gov.vn/SiteCollectionDocuments/cong%20uoc%20LHQ%20ve%20luat%20bient%201982.pdf

Đệ trình chung Malaysia-Việt Nam ngày 6/5/2009, http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm

Đệ trình của Việt Nam ngày 7/5/2009, http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm

PHỤ LỤC

Nguyên bản UNCLOS Điều 76 về Thềm lục địa

Article 76

Definition of the continental shelf

1. The continental shelf of a coastal State comprises the seabed and subsoil of the submarine areas that extend beyond its territorial sea throughout the natural prolongation of its land territory to the outer edge of the continental margin, or to a distance of 200 nautical miles from the baselines from which the breadth of the territorial sea is measured where the outer edge of the continental margin does not extend up to that distance.

2. The continental shelf of a coastal State shall not extend beyond thelimits provided for in paragraphs 4 to 6.

3. The continental margin comprises the submerged prolongation of the land mass of the coastal State, and consists of the seabed and subsoil of the shelf, the slope and the rise. It does not include the deep ocean floor with its oceanic ridges or the subsoil thereof.

4. (a) For the purposes of this Convention, the coastal State shall establish the outer edge of the continental margin wherever the margin extends beyond 200 nautical miles from the baselines from which the breadth of the territorial sea is measured, by either:

(i) a line delineated in accordance with paragraph 7 by reference to the outermost fixed points at each of which the thickness of sedimentary rocks is at least 1 per cent of the shortest distance from such point to the foot of the continental slope; or

(ii) a line delineated in accordance with paragraph 7 by reference to fixed points not more than 60 nautical miles from the foot of the continental slope.

(b) In the absence of evidence to the contrary, the foot of the continental slope shall be determined as the point of maximum change in the gradient at its base.

5. The fixed points comprising the line of the outer limits of the continental shelf on the seabed, drawn in accordance with paragraph 4 (a)(i) and (ii), either shall not exceed 350 nautical miles from the baselines from which the breadth of the territorial sea is measured or shall not exceed 100 nautical miles from the 2,500 metre isobath, which is a line connecting the depth of 2,500 metres.

6. Notwithstanding the provisions of paragraph 5, on submarine ridges, the outer limit of the continental shelf shall not exceed 350 nautical miles from the baselines from which the breadth of the territorial sea is measured. This paragraph does not apply to submarine elevations that are natural components of the continental margin, such as its plateaux, rises, caps, banks and spurs.

7. The coastal State shall delineate the outer limits of its continental shelf, where that shelf extends beyond 200 nautical miles from the baselines from which the breadth of the territorial sea is measured, by straight lines not exceeding 60 nautical miles in length, connecting fixed points, defined by coordinates of latitude and longitude.

8. Information on the limits of the continental shelf beyond 200 nautical miles from the baselines from which the breadth of the territorial sea is measured shall be submitted by the coastal State to the Commission on the Limits of the Continental Shelf set up under Annex II on the basis of equitable geographical representation. The Commission shall make recommendations to coastal States on matters related to the establishment of the outer limits of their continental shelf. The limits of the shelf established

by a coastal State on the basis of these recommendations shall be final and binding.

9. The coastal State shall deposit with the Secretary-General of the United Nations charts and relevant information, including geodetic data, permanently describing the outer limits of its continental shelf. The

Secretary-General shall give due publicity thereto.

10. The provisions of this article are without prejudice to the question of delimitation of the continental shelf between States with opposite or adjacent coasts.

Bản dịch tiếng Việt của Bộ Ngoại giao Việt Nam

ĐIỀU 76. Định nghĩa thềm lục địa

1. Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ờ khoảng cách gần hơn.

2. Thềm lục địa không mở rộng ra ngoài các giới hạn nói ở các khoản từ 4 đến 6.

3. Rìa lục địa là phần kéo dài ngập dưới nước của lục địa của quốc gia ven biển, cấu thành bởi đáy biển tương ứng với thềm, dốc và bờ, cũng như lòng đất dưới đáy của chúng. Rìa lục địa không bao gồm các đáy của đại dương ở độ sâu lớn, với các dải núi đại dương của chúng, cũng không bao gồm lòng đất dưới đáy của chúng.

4. a) Theo công ước, quốc gia ven biển xác định bờ ngoài của rìa lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải bằng:

i. Một đường vạch theo đúng khoản 7, bằng cách nối các điểm cố định tận cùng nào mà bề dày lớp đá trầm tích ít nhất cũng bằng một phần trăm khoảng cách từ điểm được xét cho tới chân dốc lục địa hay,

ii. Một đường vạch theo đúng khoản 7, bằng cách nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý;

b) Nếu không có bằng chứng ngược lại, chân dốc lục địa trùng hợp với điểm biến đồi độ dốc rõ nét nhất ở nền dốc

5. Các điểm cố định xác định trên đáy biển, đường ranh giới ngoài cùng của thềm lục địa được vạch theo đúng khoản 4, điểm a), điểm nhỏ i) và ii), nằm cách điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý hoặc nằm cách đường đẳng sâu 2500m là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500m, một khoảng cách không quá 100 hải lý.

6. Mặc dù đã có khoản 5, một dải núi ngầm, ranh giới ngoài của thềm lục địa không vượt quá một đường vạch ra ở cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 350 hải lý. Khoản này không áp dụng cho các địa hình nhô cao dưới mặt nước tạo thành các yếu tố tự nhiên của rìa lục địa, như các thềm, ghềnh, sông núi, bãi hoặc mỏm.

7. Quốc gia ven biển ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình, khi thềm này mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bằng cách nối liền các điểm cố định xác định bằng hệ tọa độ kinh vĩ độ, thành các đoạn thẳng dài không quá 60 hải lý.

8. Quốc gia ven biển thông báo những thông tin về ranh giới các thềm lục địa của mình, khi thềm này mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho ủy ban ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. Ủy ban gửi cho các quốc gia ven biển những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc.

9. Quốc gia ven biển gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc các bản đồ và các điều chỉ dẫn thích đáng, kể cả các dữ kiện trắc địa, chỉ rõ một cách thường xuyên ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình. Tổng thư ký công bố các tài liệu này theo đúng thủ tục.

10. Điều này không xét đoán trước vấn đề hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn