Người Việt ngày càng cảnh giác với hàng Trung Quốc

Trọng Nghĩa

clip_image001

Biểu ngữ cảnh giác về hàng "lạ" tại một khu phố gần trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 19/06/2012.Trọng Nghĩa/RFI

Trong những năm qua, theo trào lưu chung trên thế giới, người tiêu dùng tại Việt Nam cũng sử dụng rất nhiều mặt hàng làm tại Trung Quốc, mà đặc điểm nổi bật là giá rẻ. Thế nhưng, gần đây, loại hàng này có dấu hiệu ngày càng ít được dùng. Nhiều người nghĩ đến khả năng người Việt tẩy chay hàng Trung Quốc để phản đối hành vi hung hăng của Bắc Kinh ngoài Biển Đông. Giả thuyết này cũng đúng, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, theo giới quan sát, chính là phẩm chất kém cỏi và nhất là tính độc hại của hàng Trung Quốc.

Chỉ cần điểm qua các dòng tựa trên báo chí Việt Nam trong thời gian gần đây là thấy ngay sự thụt lùi của hàng Trung Quốc trên thị trường Việt Nam. Báo Thanh Niên ngày 03/08/2012, trong bài phóng sự thực hiện tại khu chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận “Rau quả Trung Quốc ế ẩm”. Báo Thanh Niên trích lời một cán bộ phụ trách khu chợ này cho biết: “Người dân đang rất ngại hàng Trung Quốc nên lượng trái cây Trung Quốc về chợ giảm đến 30% so cùng kỳ năm trước. Sức tiêu thụ rau củ quả Trung Quốc giảm đến 50% so với thời điểm bình thường trước đây”.

Theo tờ báo này, tại các chợ bán lẻ, hay các siêu thị, tình trạng hàng Trung Quốc không có người mua cũng diễn ra, mà một trong những nguyên do là người dân sợ sợ rau củ, trái cây Trung Quốc xịt thuốc nên không mua. Thậm chí có những siêu thị như LotteMart tại Sài Gòn, đã kiên quyết loại hàng Trung Quốc ra khỏi quầy sau khi có thông tin trái cây Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu.

Báo Người Lao Động tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuối tháng 7 vừa qua, còn khẳng định hơn khi cho rằng tại Việt Nam “Hàng Trung Quốc sắp... hết thời”! Tờ báo ghi nhận là dù giá rẻ, nhưng vì chất lượng kém, hàng Trung Quốc đang mất điểm trầm trọng đối với người tiêu dùng Việt Nam và nhiều cửa hàng đã phải “đại hạ giá” để thanh lý hàng Trung Quốc, từ giày dép, quần áo, túi xách, đến đồng hồ, phụ kiện thời trang... Kể cả khi bán đổ bán tháo, các mặt hàng này cũng không còn thu hút người mua.

Thậm chí, cũng theo báo chí Việt Nam, ngày càng có nhiều trường hợp người mua rồi vì ham rẻ, nhưng sau đó đã ồ ạt đem trả hàng đòi lại tiền vì chất lượng hàng quá tồi tệ.

Phản ứng tự phát sau các hành vi gây hấn của Trung Quốc

Giới quan sát ghi nhận sự trùng hợp giữa việc Trung Quốc gia tăng các hành vi gây hấn với Việt Nam ngoài Biển Đông, với sự kiện người Việt Nam “tẩy chay” trong thực tế hàng Trung Quốc.

Đây là một phản ứng tự phát, nhất là trong bối cảnh báo chí Việt Nam ngày càng có nhiều tin bài về tính chất nguy hại của một số mặt hàng Trung Quốc, không chỉ ở Việt Nam, mà ở các nước khác trên thế giới.

Về phần mình, một số chính quyền địa phương, như ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn cũng không ngần ngại kêu gọi người dân chỉ nên dùng các loại hàng hóa “có nguồn gốc” rõ ràng, hàm ý cảnh giác người dân trước các sản phẩm gọi là “lạ”, không rõ xuất xứ mà báo chí thường cho là đến từ Trung Quốc.

Trên đường phố Sài Gòn trong thời gian gần đây, đã xuất hiện chẳng hạn một số biểu ngữ căng tại những nơi đông người qua lại, nội dung cảnh báo người tiêu dùng chú ý nhiều hơn đến xuất xứ các mặt hàng mình sử dụng. Dù không nói trắng ra, nhưng các lời kêu gọi này nhắc nhở mọi người thận trọng trước hàng nhập từ Trung Quốc nhưng không ghi nơi sản xuất đang tràn ngập thị trường Việt Nam.

Có những khẩu hiệu chung chung như “Vì sức khỏe bản thân, hãy lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng”, nhưng cũng có những lời kêu gọi rất cụ thể: “Chỉ ăn thịt, trứng gia cầm, thủy cầm, chim nuôi, chim hoang dã, có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm dịch”.Thậm chí, trước cửa một trường học, còn có một biểu ngữ yêu cầu tạo dựng cho trẻ em một “sân chơi an toàn, lành mạnh”. Khẩu hiệu này lập tức gợi lên các thông tin từng được loan tải rộng rãi về tính chất độc hại nguy hiểm của đồ chơi trẻ em sản xuất tại Trung Quốc.

Âm mưu sâu xa của Trung Quốc

Đối với nhà báo Thanh Thảo tại Quảng Ngãi, các hành động gây hấn của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại vùng Biển Đông đã tạo nên tâm lý ghét Trung Quốc trong đại bộ phận người Việt. Nhiều người đã phản ứng bằng cách tẩy chay không dùng hàng Trung Quốc, nhưng không thể nói đến một phong trào tẩy chay, vì vẫn còn rất nhiều người Việt Nam cần đến các mặt hàng giá rẻ do Trung Quốc cung ứng.

Thanh Thảo: Thực ra trong nhân dân Việt Nam, đại đa số người ta ghét Trung Quốc, ghét đủ thứ, nhưng mà hàng Trung Quốc vẫn bán được trong số dân nghèo. Vẫn ghét Trung Quốc, nhưng vẫn dùng hàng Trung Quốc, đó là điều mâu thuẫn, bởi vì trong đời sống hàng ngày, hàng Trung Quốc rẻ, giá rẻ mà nhiều khi cũng bắt mắt, người ta cũng mua và dùng, chứ không thể nói là hàng Trung Quốc bị tẩy chay.

Nói tẩy chay cũng không đúng, dân của mình đời sống khó khăn quá, không có cái “ý thức” cao đến mức tẩy chay hàng Trung Quốc, mà mình cũng rất muốn tẩy chay, muốn vận động dân tẩy chay nhưng thực ra chưa tẩy chay được hết, tức là bây giờ trước mắt tẩy chay những hàng gọi là thực phẩm độc hại, còn những hàng tiêu dùng thì vẫn dùng.

Nói chung khắp nơi, kể từ biên giới cực bắc, tôi đã đi khắp nơi thì thấy người ta nói ghét Trung Quốc xâm chiếm mình, nhưng gọi là có biểu hiện gì cụ thể hơn (chống Trung Quốc) thì cũng chưa có. Chắc dân mình đợi đến khi nào nó sang xâm lược hẳn hoi thì lúc đó mới (đánh).

Người Việt Nam mình không phải lúc nào cũnng hừng hực khí thế đâu, nhưng Trung Quốc mà sang xâm lược Việt Nam thì đương nhiên bị đánh thôi! Đến viên đạn cuối cùng... nhưng đấy là chuyện khác.

Bây giờ nhiều khi những âm mưu thủ đoạn tinh vi sâu xa của Trung Quốc người dân chưa nhận ra được, không phải là đơn giản. Cả giới lãnh đạo của mình còn chả nhận ra, làm sao đòi dân nhận ra được!

RFI: Đó là những thủ đoạn như thế nào?

Thanh Thảo: Từ xăm lăng kinh tế, cài người vào các cơ sở, núp dưới danh nghiã kinh tế, hay bỏ thầu rẻ, chiếm các gói thầu ở Việt Nam, rồi đến những cái sâu xa hiểm độc nhất: đưa những hàng hóa độc hại, nhất là các thực phẩm độc hại, chất phụ gia... tràn vào Việt Nam. Người Việt Nam rất ngây thơ dùng những chất phụ gia độc hại để sản xuất các loại từ giá đến rau quả và các thứ phục vụ cho dân minh.

Điều đó về mặt sâu xa hại đến nòi giống của Việt Nam rất ghê. Cái hiểm độc là điều đó giết lần giết mòn người Việt Nam bằng các loại hóa chất độc hại, tuồn vào Việt Nam dưới các hình thức thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Người tiêu dùng có chọn lọc

Phân tích của nhà báo Thanh Thảo cũng trùng hợp với ghi nhận của chị Vân Mai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trả lời RFI, chị cho biết là lúc này, hàng Trung Quốc vẫn có người dùng, nhưng giới tiêu thụ đã cảnh giác nhiều hơn các sản phẩm này:

Vân Mai: Việc sử dụng hàng Trung Quốc có chọn lọc tùy theo đối tượng: người có thu nhập đủ sống, thu nhập khá, sẽ không xài hàng Trung Quốc, hoặc có xài thì xài loại mà hàng Việt Nam không có, hoặc là hàng người ta quen xài trước đây thì vẫn mua vì giá rẻ, hay là sản phẩm không gây hại. Thí dụ về đồ chơi thì người ta sẽ không xài dù có bán rẻ.

Hiện nay những mặt hàng chủ yếu phục vụ đời sống như đồ chơi, quần áo, xuất xứ từ Trung Quốc được bán rất nhiều ở đây, cái gì cũng có… Trước kia ai cũng xài, chất lượng hàng tương đối, giá rẻ. Nhưng sau này có truyền thông đưa tin về cái độc hại của hàng Trung Quốc thì người ta xài có chọn lọc, chọn lọc hơn lúc trước.

Ngay cả đối với đối tượng lao động, ở tỉnh lên thành phố làm việc, thu nhập thấp, người ta tiết kiệm, người ta vẫn xài hàng Trung Quốc, nhưng người ta mua ít hơn ngày xưa, không ham rẻ mua nhiều như trước kia... Hiện nay có nhu cầu bắt buộc mua thì người ta mới mua.

RFI: Nguyên nhân nào khiến người dân không thích hàng Trung Quốc?

Vân Mai: Có hai nguyên nhân: Thông tin rộng rãi từ báo, đài, phát hiện chất độc hại, hay phát hiện của chính phủ, công an về những vấn đề này, hay thông tin từ các nước lân cận... Do đó người ta không xài, ít xài hơn những năm trước, không mua nhiều như những năm trước.

Nguyên nhân thứ hai là thông tin từ trường học, chính phủ công bố cho học sinh biết, rồi cũng vận động, có những loan báo, thông tin ở ngoài đường… với những tấm banderole yêu cầu mình nên sử dụng các hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Đọc thấy cái đó thì hiểu là đa số hàng Trung Quốc nhập lậu không có nguồn gốc rõ ràng. Hàng nhập chính thức thì người ta cũng chọn lọc.

RFI: Đã xuất hiện phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc?

Vân Mai: Nói là có phong trào không đúng. Đầu tiên là do những người có ý thức, người ta có chọn lọc, người ta nghĩ đến sức khỏe, người ta giới hạn những sản phẩm độc hại, không kiểm chứng được, thì người ta nghi ngờ, người ta không xài.

Sau này thì do việc người ta theo dõi báo, đài, thấy thông tin về những sản phẩm độc hại nhập từ Trung Quốc. Người ta nhìn hàng Trung Quốc và nhớ lại điều đó. Và khi nghĩ đến độc hại thì người ta nghĩ ngay đến hàng Trung Quốc. Nhưng cũng có hàng khác cững độc hại chứ không chỉ hàng Trung Quốc.

RFI: Có việc trường học kêu gọi tránh đồ chơi Trung Quốc?

Vân Mai: Cái đó thì có. Trong trường học, tuy không có trong chương trình chính thức, nhưng thầy cô giáo vẫn dạy là không nên sử dụng những đồ chơi mà không có nguồn gốc, những đồ chơi Trung Quốc, độc hại vì màu, độ chì cao. Các em nhỏ không biết gì sâu xa, chỉ biết là À, không nên xài đồ Trung Quốc, tại vì đồ Trung Quốc là đồ độc hại”.

Tôi có một đứa con gái học mẫu giáo, nó kể lại một câu chuyện rất bình thường giữa hai đứa trẻ với nhau. Trong lớp có một cậu bé được mua một món đồ chơi, đem vào trong lớp chơi, thì bị các bạn hỏi: “Sao bạn lại mua đồ chơi Trung Quốc? Tại sao ba bạn lại mua đồ Trung Quốc Các bạn không chơi món đồ chơi này.

Cậu bé về khóc với bố là các bạn nói là không chơi đồ chơi Trung Quốc, cô giáo dặn là không chơi đồ chơi Trung Quốc vì nó rất độc hại. Đấy là chuyện một đứa trẻ trong trường mẫu giáo.

RFI: Xin cảm ơn chị Vân Mai

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn