Tinh thần khai phóng

Nguyễn Thị Từ Huy

clip_image001

Bài viết này chia sẻ một vài suy nghĩ về một nền giáo dục khai phóng và một nền chính trị khai phóng – các điều kiện cho sự hình thành tinh thần khai phóng cho các thành viên trong xã hội.

Một nền giáo dục khai phóng

Muốn cho các thành viên trong xã hội có được tinh thần khai phóng thì điều kiện trực tiếp là phải có một nền giáo dục khai phóng.

Thời gian gần đây khái niệm “giáo dục khai phóng” được sử dụng nhiều. Có lẽ những người đầu tiên dùng nó đã mượn hoặc dịch từ khái niệm của Paulo Freire: “éducation libératrice”. Đây là một giả định, bởi muốn khẳng định phải có các khảo cứu cần thiết mà người viết bài này hiện tại chưa thực hiện được.

Khái niệm “éducation libératrice” được Freire tường giải trong cuốn Pédagogie des opprimés (tôi dựa vào bản tiếng Pháp, vì không có khả năng đọc bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha). Ở đây tôi chỉ tập trung vào một vài điểm của cuốn sách.

“Không ai giáo dục người khác, không ai tự giáo dục chính mình, mọi người cùng giáo dục lẫn nhau, thông qua trung gian của thế giới” - Paulo Freire. Một đường lối giáo dục như vậy không cho phép tồn tại phương pháp truyền thụ - tiếp nhận, nó có phương pháp riêng của nó: đối thoại - phương thức để thực hiện sự giải phóng con người.

Nhan đề cuốn sách có nghĩa là: giáo dục học của những kẻ bị áp bức. Đó là loại giáo dục học dành cho những người không chấp nhận chịu áp bức, “những người dấn thân vào cuộc đấu tranh để giải phóng chính họ”. Chữ “opprimé” của Freire phải được hiểu theo nghĩa đó, những kẻ bị áp bức có sứ mệnh giải phóng cho chính mình và cho cả những kẻ đi áp bức. Bởi vì, những kẻ áp bức, dù có đủ quyền lực và bạo lực, không thể tìm thấy sức mạnh để giải phóng cho chính họ và giải phóng cho những kẻ bị áp bức. Sức mạnh giải phóng thuộc về những kẻ bị áp bức, và sức mạnh đó đủ để khai phóng cho cả kẻ bị áp bức lẫn kẻ áp bức. Và khai phóng ở đây là khai phóng cho các tiềm năng của con người, khai phóng cho các năng lực tiềm tàng của con người. Quan niệm này dẫn tới sự hình thành ý tưởng về một nền giáo dục khai phóng trong đó vai trò của các thành phần tham gia quá trình giáo dục thay đổi một cách căn bản: giáo viên không còn chỉ đóng vai trò duy nhất là nhà giáo dục, học sinh không còn chỉ đóng vai trò duy nhất là người được giáo dục; mà trong quá trình giáo dục vai trò của hai bên có thể được hoán đổi cho nhau, giáo viên và học sinh cùng giáo dục lẫn nhau. Tinh thần này thể hiện trong mệnh đề nổi tiếng của Freire: “Không ai giáo dục người khác, không ai tự giáo dục chính mình, mọi người cùng giáo dục lẫn nhau, thông qua trung gian của thế giới”. Một đường lối giáo dục như vậy không cho phép tồn tại phương pháp truyền thụ - tiếp nhận, nó có phương pháp riêng của nó: đối thoại. Đối thoại chính là phương thức để thực hiện sự giải phóng con người. Hoạt động dạy học trở thành hoạt động đối thoại. Chỉ với đối thoại học sinh mới có thể ngừng là đối tượng để trở thành chủ thể, trở thành trung tâm của quá trình giáo dục. Từ quan điểm này ta sẽ thấy, dù chúng ta có tuyên bố hàng nghìn lần trên đủ mọi phương tiện truyền thông rằng chúng ta đang thực hiện một nền giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, nhưng nếu chúng ta không cho phép học sinh, sinh viên trình bày suy nghĩ riêng của họ, kể cả những suy nghĩ đó có thể đối lập với bài giảng của giáo viên, thì lúc đó vẫn chưa thể có chuyện học sinh là trung tâm. Khi quá trình giảng dạy còn chưa phải là một quá trình đối thoại, và giáo viên chưa phải là người tổ chức đối thoại và chưa trở thành đối tượng đối thoại với học sinh, sinh viên, thì vẫn chưa thể nói tới giáo dục khai phóng.  Và lúc đó, chúng ta lấy cơ sở nào để hy vọng rằng có tinh thần khai phóng ở giới trẻ ?

Theo tôi, chữ “khai phóng” là chữ rất hay. Tất cả chúng ta nợ người đầu tiên sử dụng khái niệm này để chuyển dịch hay để nghiên cứu. Từ “libérateur/libératrice” trong tiếng Pháp dùng để gọi người giải phóng, khi là tính từ nó dùng để chỉ hành động giải phóng: éducation libératrice có nghĩa là nền giáo dục giải phóng cho con người. Từ “khai phóng” trong tiếng Việt có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn. Tôi chiết tự từ “khai phóng” để hiểu từ này như là một kết hợp của hai nghĩa: khai minh và giải phóng. Dĩ nhiên đây chỉ là cách hiểu của cá nhân tôi. (Cũng có thể hiểu yếu tố “khai” là “khai mở”, “giải tỏa”, và theo nghĩa này thì nó có nét nghĩa chung với yếu tố “phóng”).

Muốn đạt tới việc tự giải phóng cho bản thân mình và giải phóng cho người khác, trước hết con người phải được khai minh. Và khai minh ở đây được hiểu theo nghĩa của Kant: có khả năng sử dụng trí tuệ của mình một cách độc lập. Và muốn có thể độc lập sử dụng trí tuệ của mình thì phải có hai điều: tri thức và sự dũng cảm. Sau Kant, càng ngày nhân loại càng hiểu rõ vai trò của tri thức. John Dewey, nhà giáo dục học nổi tiếng của Mỹ, có trách cứ khiếm khuyết trong chương trình lịch sử phổ thông (dĩ nhiên, nhận xét của ông nhằm vào sách giáo khoa thời đại ông): “Trong lịch sử phổ thông có lẽ lịch sử tri thức là ngành lịch sử bị bỏ quên nhiều nhất. Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu ra rằng các anh hùng vĩ đại đem lại sự tiến bộ cho số phận của nhân loại KHÔNG PHẢI LÀ (tôi nhấn mạnh – NTTH) các chính trị gia, các vị tướng, các nhà ngoại giao, MÀ HỌ LÀ (tôi nhấn mạnh – NTTH)  các nhà phát minh và sáng chế khoa học, những người đã đặt vào tay con người những phương tiện của một kinh nghiệm đang phát triển và được kiểm soát, và các nghệ sĩ và thi nhân, những người đã ngợi ca những cuộc tranh đấu, những chiến thắng, và thất bại của nhân loại bằng thứ ngôn ngữ nào đó, dù là ngôn ngữ hình ảnh, tạo hình hoặc chữ viết, khiến tất cả những người khác đều có thể cùng sử dụng được ý nghĩa của chúng”1 Một trong những vai trò của tri thức, mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là nó tạo điều kiện cho sự hình thành tinh thần khai phóng. Và giáo dục khai phóng không chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt tri thức, mà, như trên đã nói, nó còn có sứ mệnh chuẩn bị cho học sinh khả năng tạo ra tri thức.

Một nền chính trị khai phóng

Muốn có được một nền giáo dục khai phóng thì điều kiện trực tiếp là phải có một nền chính trị khai phóng.

Dĩ nhiên ở đây tôi không có một khái niệm nào (chẳng hạn như “politique libératrice”) để dựa vào. Bằng cụm từ “nền chính trị khai phóng” này tôi muốn nói tới một hình thức chính trị, một hình thức tổ chức, điều hành xã hội cho phép các cá nhân giải phóng và phát triển các năng lực của họ, tôi muốn nói tới một nền chính trị không kìm hãm con người và không kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong tất cả các hình thái chính trị mà nhân loại đã biết cho tới hiện nay, ta thấy một nền chính trị dân chủ và tiến bộ có khả năng đảm bảo sự khai phóng cho con người trên diện rộng, tức là sự khai phóng ở cấp độ cả cộng đồng. Tôi không phải là nhà tiên tri, nên không biết trong tương lai liệu loài người có thể đạt tới hình thái nào khác tối ưu hơn hình thái dân chủ để điều hành xã hội một cách có hiệu quả và đảm bảo tính nhân bản, đảm bảo cho tự do của con người. Tôi dẫn ra đây nhận định của John Dewey: “Một xã hội tiến bộ bao giờ cũng trân trọng những khác biệt cá nhân bởi nó tìm thấy ở đó phương tiện cho sự tăng trưởng của chính nó. Vì thế, một xã hội dân chủ, phù hợp với lý tưởng của nó, bắt buộc phải cho phép tự do trí tuệ và sự phát huy các năng khiếu và hứng thú đa dạng tồn tại trong các biện pháp giáo dục.”2

“Một xã hội tiến bộ bao giờ cũng trân trọng những khác biệt cá nhân bởi nó tìm thấy ở đó phương tiện cho sự tăng trưởng của chính nó. Vì thế, một xã hội dân chủ, phù hợp với lý tưởng của nó, bắt buộc phải cho phép tự do trí tuệ và sự phát huy các năng khiếu và hứng thú đa dạng tồn tại trong các biện pháp giáo dục”.

John Deway

Như vậy, tự do trí tuệ và tự do phát triển các năng lực cá nhân là điều kiện cho sự tăng trưởng của toàn xã hội. Tự do trí tuệ là điều kiện cho sự tiếp thu và sáng tạo tri thức; tiếp thu và sáng tạo tri thức chính là hoạt động khai phóng. Nếu chúng ta không hiểu được điều này, không biến sự hiểu biết này thành các chính sách, các chương trình hành động cụ thể, thì khó mà có thể nói đến sự tăng trưởng hay sự phát triển của xã hội. Nếu không có một nền chính trị cho phép tồn tại và phát triển nền giáo dục khai phóng, cho phép tự do trí tuệ, tự do chiếm lĩnh và sáng tạo tri thức, thì các điều kiện cho sự phát triển bền vững sẽ không hình thành được. Vì các điều kiện đó hình thành trên nguồn lực con người. Một nền chính trị thiếu dân chủ sẽ thủ tiêu các năng lực, các tiềm năng sáng tạo của con người.  Đó là căn nguyên sâu xa nhất của mọi sự trì trệ, lạc hậu, kém phát triển, yếu kém, lệ thuộc.

Trong một nền chính trị thiếu dân chủ, khi nhà trường trở thành công cụ tuyên truyền cho các đường lối mang tính áp đặt, thì dĩ nhiên phương thức đối thoại ít có cơ may được sử dụng, hoặc đối thoại chỉ mang tính hình thức, vì rốt cuộc các trao đổi, nếu có, cũng chỉ dẫn tới việc sinh viên buộc phải chấp nhận các kết luận mang tính áp đặt của giáo viên. Một nền giáo dục mang tính áp đặt, khó mà có thể phát triển tư duy cho học sinh, cùng lắm chỉ có thể giúp phát triển các năng lực nhớ trong não bộ của học sinh. Trong lúc đó, từ lâu, từ thế kỷ XIX, với John Dewey, học đã không còn là học thuộc lòng, không còn là tích lũy kiến thức, mà “học tức là học tư duy”. Mục đích của giáo dục là hình thành các năng lực tư duy. Mục đích đó chỉ đạt được khi đối tượng của tư duy là thực tại, là những gì gắn với đời sống của người tư duy. John Dewey viết: “Nếu tư duy chẳng liên quan gì đến điều kiện có thực và nếu nó không xuất hiện một cách hợp lo-gich từ những điều kiện này để đi tới sự suy tưởng về mục đích phải đạt được, khi ấy con người sẽ không bao giờ phát minh, hoặc không bao giờ lên kế hoạch, hoặc không bao giờ biết cách nào để thoát khỏi bất kỳ sự rắc rối hay khó khăn nào. Như chúng ta đã lưu ý, nhờ những yếu tố cố hữu lẫn sức ép của hoàn cảnh mà tư duy có những đặc tính lo-gich hoặc đặc tính của tư duy đích thực”.3

Như vậy, rõ ràng đặc tính của tư duy đích thực chỉ hình thành khi tư duy cọ xát với các vấn đề của thực tại, mà John Dewey gọi là “điều kiện có thực”. Nếu một nền chính trị, thông qua trường học, không cho phép học sinh sinh viên đối chiếu kiến thức sách vở với thực tế của họ, không cho phép  họ dùng các kiến thức sách vở để suy nghĩ về các vấn đề có thực của đời sống, thì học sinh sinh viên sẽ không thể phát triển tư duy. Hệ quả là dù có trải qua bao nhiêu năm trên ghế nhà trường đi nữa, dù có các bằng cấp cao đến mấy đi nữa, thì những con người bị đào tạo bởi một nền giáo dục áp chế, trong một nền chính trị áp chế, sẽ không thể có phát minh, như Dewey nhận xét, sẽ không có khả năng giải quyết các khó khăn, không có khả năng giải quyết các vấn đề do thực tại đặt ra. Chúng ta có thể kiểm chứng kết luận này, mà John Dewey đã nêu ra cách đây cả thế kỷ, bằng hiện thực của chúng ta ngày hôm nay, cái hiện thực về sự lúng túng của toàn bộ cộng đồng chúng ta trong việc giải quyết các vấn nạn của xã hội. Sự lúng túng này là dấu hiệu bộc lộ sự yếu kém chung của chúng ta, là dấu hiệu chứng tỏ các năng lực người của chúng ta bị cạn kiệt, chứng tỏ năng lực tư duy của chúng ta suy yếu. Chúng ta rất đông về dân số, nhưng so với một cộng đồng ít ỏi như Singapore, chúng ta quả thật là kém họ trên rất nhiều phương diện. Các năng lực tiềm tàng của chúng ta không thua kém họ, tôi tin là như vậy. Nhưng các năng lực đó đã không được khai phóng để tạo thành sức mạnh. Chúng ta nên làm cái thao tác kiểm chứng này để hiểu tại sao cần một nền giáo dục khai phóng và một nền chính trị dân chủ, không phải cho ai khác, mà cho chính mỗi chúng ta, cho con cháu chúng ta và cho tương lai của cả xứ sở này. Chúng ta cần phải nhìn vào tương lai để điều chỉnh những cách vận hành của hiện tại, bởi nếu chúng ta không điều chỉnh hiện tại này thì có nguy cơ sẽ đánh mất tương lai. Tôi dẫn lại ở đây ý kiến của Dewey: “Con người không dùng hiện tại để kiểm soát tương lai. Con người dùng sự nhìn thấy trước tương lai để điều chỉnh và mở rộng hoạt động hiện tại. Sử dụng sự ham muốn, sự suy nghĩ và lựa chọn theo cách này, tự do được hiện thực hóa”.4

Trên đây là các điều kiện (dĩ nhiên chưa đầy đủ), theo tôi, để hình thành tinh thần khai phóng cho các thế hệ, trên phạm vi rộng. Thiếu các điều kiện đó thì hậu quả là cộng đồng sẽ không được khai phóng. Tuy nhiên, đối với các cá nhân thì không hẳn. Trong một môi trường không có cả giáo dục khai phóng lẫn chính trị khai phóng ta thấy vẫn có các cá nhân được khai phóng. Nhưng chúng tôi sẽ không đề cập đến vấn đề này trong phạm vi bài viết này, ngoại trừ một điều: môi trường càng thiếu vắng các điều kiện cho sự khai phóng cộng đồng, thì lại càng cần có các cá nhân có tinh thần khai phóng.

N. T. T. H.

--------

1 John Dewey, Dân chủ và giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri Thức, 2008, tr. 257.

2 Dân chủ và giáo dục, sđd, tr. 361.

3 John Dewey- Về giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Trẻ & Dtbooks, 2012, tr. 343.

4 John Dewey- Về giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Trẻ & Dtbooks, 2012, tr. 156

Nguồn: tiasang.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn