Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (18)

KHAI THÁC BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN: CÁI NHÌN TỪ MỘT VÀI GÓC ĐỘ KINH TẾ HỌC

GSTS Nguyễn Mạnh Hùng

Khoa Kinh tế, Đại học Laval, Quebec, Canada

Bất bình tắc minh (Hàn Dũ)

Khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là một tổng công trình tầm cỡ quốc gia, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiền đồ của cả dân tộc. Thời gian vừa rồi, qua một tập hợp dân sự có tính tự phát đã làm kiến nghị đưa lên các cấp lãnh đạo đất nước, và qua những phản biện của những nhà trí thức, khoa học… chúng ta đã có dịp đọc và suy ngẫm trên nhiều vấn đề, từ an ninh quốc phòng, hiệu quả kinh tế, tác hại mội trường … đến văn hóa Tây Nguyên. Sau đây, chúng tôi làm một tổng hợp những góc độ nhìn vấn đề khai thác bô-xít dưới lăng kính của kinh tế học, nêu ra một số bất cập để có luận cứ khoa học đi đến một kết luận, với lương tri và trí tuệ, là không tránh né được. Tổng hợp nên dĩ nhiên có những điều phải lặp lại, dẫu ngắn gọn. Ngoài ra, có nhiều thuật ngữ tôi phải dịch từ tiếng Anh (để trong ngoặc) mà chúng ta có thể tìm hiểu thêm nội dung của những khái niệm kinh tế được đề cập bằng cách tra bộ từ điển bách khoa trên mạng http://en.wilkipedia.org với những từ khóa tương ứng.

1- Khai thác bô-xít là một tổng công trình gồm nhiều dự án (Tân Rai, Nhân Cơ, rồi Đăk Nông 2, 3,vân vân). Không vẽ vời ảo tưởng gì về khả năng sản xuất thành phẩm cao cấp hyđroxít-nhôm, hoặc kim loại nhôm trong 20 năm tới, công trình đào đất Tây Nguyên lên sơ chế thành alumin là qui trình khai thác một tài nguyên quốc gia bất khả tái sinh (non-renewable). Là tài nguyên quốc gia, bô-xít thuộc quyền sở hữu (và khai thác) của mọi người ở mọi địa phương trên lãnh thổ Việt Nam, và của mọi thế hệ,ở hiện tại và trong tuơng lai. Chỉ nhấn mạnh đến kinh tế của hai tỉnh Lâm Đồng và Dăknông, và tính toán lời lỗ của những dự án kiểu giá bán trừ giá thành (như một cửa hàng "chạp phô") chẳng cho được một thông tin nào về hiệu quả kinh tế.

2- Vì là tài nguyên bất khả tái sinh, khai thác bô-xít là một qui trình không đảo ngược được (irreversible). Trong ngành kinh tế tài nguyên, cho mỗi tấn quặng bán ra, giá bán trừ giá thành là lợi nhuận/tấn, được gọi là tô-khoáng sản (resource rent) cho mỗi tấn quặng. Theo định luật cơ bản Hotelling, tô này (viết tắt là tks) tăng trong thời gian theo cấp số mũ, cấp số bằng với tỷ suất lợi nhuận (interest rate) trên thị trường bất động sản. Để giản dị hóa định luật này, xin lưu ý rằng tài nguyên nằm trong lòng đất là một tích sản (asset). Như mọi loại tích sản khác dùng như vốn tiết kiệm, tài nguyên cũng hưởng lãi suất thường là bằng độ lãi suất dài hạn trên thị trường vốn tư bản: giá trị tks vì vậy tăng trong thời gian như nói trên. Hệ luận: giữ bô-xít trong lòng đất là một quyết định kinh tế, không như cách nghĩ có tài nguyên mà không khai thác là "phí của"!

3- Giá bán bô-xít: vì gần, phí chuyên chở tất nhỏ, nên thị trường cho bô-xít Tây Nguyên chắc là TQ. Giá bán sẽ là giá độc quyền mua (monopsony price), hẳn phần lợi về phần TQ rất quan trọng. Ép giá trong trường hợp này không có chi là đáng ngạc nhiên. Mặt khác, giá tài nguyên, còn gọi là sản phẩm nhất đẳng, là loại giá rất biến động (thí dụ: tháng 7-2008, giá dầu thô là 147 USD/ thùng, rớt còn hoảng 30 USD/ thùng vào tháng 2-2009). Tính toán nguồn thu vào với tổng công trình khai thác bô-xít trải ra từ 50- 80 (thí dụ) năm phải dựa trên giá bán bấp bênh rất khó tiên liệu. Đây là một hình thái bất trắc (uncertainty), nhưng vẫn chưa trầm trọng bằng những vấn đề liên quan đến cách tính giá thành.

4- Giá thành trong khai thác bô-xít gồm tất cả tổn phí có loại tính được, có loại không (hay chưa thể) tính được. Tính được: đầu tư thiết bị cho mỗi dự án nhỏ, giá chuyên chở vận tải (đường ôtô, đường sắt, cảng Kê Gà…), lương lao động các cấp có và không có tay nghề, chi phí hoàn thổ (lấy đá, trải đất và trồng cây trên những hố đào) … Không hay chưa tính vào giá thành gồm khá nhiều mục hạng:

Thứ nhất, là nguồn nước. Theo một số dữ kiện thì sử dụng nước để rửa quặng có thể khiến sông Đồng Nai không đủ nước cung cấp cho nông lâm nghiệp khiến sản lượng sẽ hao hụt. Đây cũng là một tổn phí – kinh tế học gọi là tổn phí cơ thế (opportunity cost), phải tính trong giá thành.

Thứ nhì, đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải: đường sắt, cảng Kê Gà… không chỉ xây dựng cho dự án Tân Rai hay Nhân Cơ mà là cho toàn bộ công trình khai thác, rất khó xác định phần đầu tư nào là thuộc vào dự án nào. Tổn phí trong khâu đầu tư này cũng là một phần giá thành, và rất khó tính toán.

Thứ ba, nhưng quan trọng hơn cả, là xử lý bùn đỏ[i]. Độ thẩm thấu của bùn vào những mạch nước vẫn còn là một vấn đề quan yếu. Giả như tai họa nước nhiễm độc xảy ra với một xác suất nào đó (hồ chứa bùn không thể an toàn 100% vì lũ lớn, động đất, vì thậm chí "khủng bố"…), trong hàng trăm năm, những chất thải không thể phân hủy có thể khiến nông, lâm nghiệp không chỉ ở Tây Nguyên mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì sao? Giá trị tiên liệu (expected value) –tức giá trị toàn bộ sản lượng nông lâm nghiệp mất đi vì ô nhiễm nhân với xác suất tai họa (hay độ rủi ro) – là vô cùng lớn, mặc dù cái xác suất này có thể rất nhỏ. Đây cũng là một tổn phí, và phải tính vào giá thành của bô-xít ở điều kiện kỹ thuật xử lý bùn ướt mà TKV đưa ra công luận.

Thứ tư, khai thác bôxít sẽ đảo lộn hệ sinh thái Tây Nguyên. Phải tính đến những tổn phí về mất mát tính đa dạng sinh vật (bio-diversity) và văn hóa (cultural diversity). Hai khái niệm này đã áp dụng trong tính toán kinh tế từ gần 2 thập niên qua trong những dự án quốc tế có tầm cỡ. Phải nói ngay, chi phí hoàn thổ trong dự án bô-xít, tổn phí tái định cư cư dân phải tạm di… mà TKV đề cập chỉ là một phần rất nhỏ của khái niệm tổn phí hoàn nguyên môi trường. Tổn phí này, được xác định như số tiền cần thiết để đưa môi trường về trạng thái trước khi thi công dự án, nên được điều nghiên đúng đắn. Tính toán cho phép môi trường có khả năng hoàn nguyên khiến tổn phí này rất đáng kể.

Xin nhấn mạnh, những mục hạng tổn phí nói trên đều là tổn phí mà người Việt Nam phải trả, từ thế hệ này cho đến những thế hệ sau. Đó là thể loại ngoại tác tiêu cực (negative externalities) của tập hợp những công trình khai thác bô-xít mà Nhà Nước Việt Nam phải tính đến. Những đối tác hợp vốn đầu tư, chủ nợ (chắc chắn là TQ, đang tung tiền cho vay trên thế giới trong tình hình kinh tế suy trầm hiện nay)… người nước ngoài dĩ nhiên lờ đi: họ cố tình giảm tổn phí thực thụ, nhắm thu lợi nhuận chỉ tính trên cơ sở hời hợt hư bản (nominal), và bất kể môi trường, nguồn nước… ở Tây Nguyên bị tác hại.

5- Vì tính không đảo nghịch được của qui trình khai thác bô-xít cả về mặt môi trường lẫn yếu tính bất tái sinh của quặng, chúng ta có thể qui về một số vấn đề lý thuyết như, cách đây trên 30 năm, nhà kinh tế K. Arrow, người đoạt giải Nobel, cùng đồng sự của ông là A. Fisher[ii] đã đặt ra, đặc biệt là khái niệm về giá trị kinh tế của khả năng lọc lựa trong tương lai (option hay/và quasi-option value). Không khai thác, là một quyết định có giá trị kinh tế: Tây Nguyên vẫn sử dụng đất làm nông, lâm nghiệp, cảnh quan vẫn có khả năng hấp dẫn để phát triển du lịch. Không khai thác, cho phép chúng ta có thời gian điều nghiên, học hỏi kỹ thuật phù hợp với đặc thù địa lý - chính trị, gạn lọc thông tin, vân vân… Hiện nay, trong phần lớn những đại học có chuyên ngành về khâu quản lý khu vực công (public administration), người ta dạy sinh viên phương thức gọi là "Norwegian governance": song song với bất cứ một dự án nào, phương án chọn lựa đầu tiên là nghiên cứu và tính toán giá trị của khả năng "không làm gì cả" để so sánh xem dự án nói trên, ở giai đoạn tiên khởi, có đáng "để bàn" không!

Quan điểm của Arrow-Fisher nói trên đưa đến "nguyên tắc cẩn trọng" áp dụng trong rất nhiều qui ước quốc tế về môi trường (Protocol Montreal 1987 về khí ôzôn, Tuyên bố Rio 1992 về khí thải tác động đến thay đổi khí hậu…). Nguyên tắc cẩn trọng có thể tóm tắt như sau: "nếu tai họa là một đe dọa trầm trọng thì lý lẽ chưa có dữ kiện khoa học chính xác không thể viện ra để trì hoãn việc bảo vệ môi trường. Khi áp dụng nguyên tắc này… mọi quyết định phải dựa vào: 1) cách đánh giá cẩn thận để tránh, nếu có thể, những tác hại nghiêm trọng, hay không đảo nghịch được, đến môi sinh; và 2) những lượng định với độ rủi ro gắn cho những lựa chọn khác nhau có tác động đến môi trường".

6- Một nghịch lý, được gọi là lời nguyền của tài nguyên (resource curse), đã được kiểm tra: ở những quốc gia có trữ lượng quặng mỏ đáng kể, khai thác tài nguyên dẫn đến tình trạng tăng trưởng và phát triển thấp hơn những quốc gia khác. Thí dụ: trong thời đoạn 1965-1998, GDP trên từng đầu người của những quốc gia dầu lửa OPEC giảm 1.3% trong khi số lượng này, đối với những quốc gia có nền kinh tế đang nổi lên (emerging economies), lại tăng 2.3% trung bình cho mỗi năm. Để hiểu phần nào nghịch lý này, xin quan sát hiện tượng "giàu xổi", kiểu trúng số, hay đào thấy một hũ vàng dưới gầm giường. Tài tụ, nhân tán: con cái trong gia đình hầm hè bất đồng vì chia của (hiện tượng nội chiến giữa các sắc dân ở vùng có mỏ kim cương ở Phi châu chẳng hạn), cha mẹ quyết định mọi chuyện tài chính (những "đại gia" đầy quyền lực kinh tế so với thường dân, cấu kết với quyền hành chính trị để tự bảo vệ (tham nhũng), và chuyển tiền sang Thụy Sĩ cho an toàn). Ngoài ra, các đại gia cũng như cô chiêu cậu ấm trong lớp kế thừa kẻ thôi lao động, kẻ bỏ học, ăn nhậu, tiêu xài phung phí, và cứ thế, từ vi mô lên vĩ mô, chúng ta hình dung phần nào tại sao độ tăng trưởng lại có thể giảm. Giàu xổi ngoài phát sinh ra những tiêu cực như chiến tranh, tham nhũng, sự tham quyền cố vị dẫn đến mất dân chủ, thất thoát vốn… còn mắc chứng "bệnh Hà Lan" (Dutch Disease), một căn bệnh thuần kinh tế[iii]. Hội chứng này giải thích tại sao, khi khai thác một tài nguyên thiên nhiên, một nền kinh tế mở lại đi ngược qui trình kỹ nghệ hiện đại hóa (de-industrialization)[iv]. Khả năng này khiến một Nhà nước có trách nhiệm phải tính toán và có biện pháp làm sao khai thác tài nguyên mà không tác động tiêu cực lên quá trình công nghiệp và hiện đại hóa nền kinh tế. Theo chỗ chúng ta biết, điều này chưa hề được đề cập tới trong những báo cáo về dự án khai thác Bô-xít.

7- Vì bô-xít là tài nguyên không tái sinh, khai thác là một qui trình không đảo ngược được. Trên bình diện này, khái niệm phát triển có tính bền vững (sustainable development) –  viết tắt là PTBV – trở nên vô cùng thiết yếu. Thế nào là PTBV? Hiện nay, trên thế giới, gần như có sự đồng thuận về định nghĩa sau[v]: PTBV là phương cách sử dụng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu con người đồng thời bảo toàn môi trường để những nhu cầu này không chỉ có thể được đáp ứng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả những thế hệ tương lai. Theo cách nói của Ủy ban Bruntland, PTBV là làm thế nào nhu cầu của thế hệ hiện tại thỏa mãn mà không phương hại đến khả năng những thế hệ sau có thể đáp ứng nhu cầu của chính họ.

Và làm sao để có PTBV? Câu trả lời, trên lý thuyết, là phuơng thức Harkwick-Solow: đầu tư lợi nhuận lấy từ khai thác khoáng sản ở mọi thời điểm vào những dạng tích sản tái sinh được (reproducible assets), như thiết bị công nghệ, vốn con người (qua y tế, giáo dục), hạ tầng cơ sở giao thông… Làm như vậy, lợi tức kinh tế tương ứng là lợi tức bền vững; nó cho phép mọi thế hệ giữ được tiềm năng tiêu thụ (potential consumption) không suy giảm với thời gian. Và đây là đạo lý nối những thế hệ con người, giữa thế hệ hiện tại đối với những thế sau dù họ chưa sinh ra (intergenerational ethical criteria).

PTBV cần cái nhìn chiến lược lâu dài và tổng quan. Khai thác bô-xít là một, trong nhiều khâu, trong chiến lược này mà tôi chỉ được nghe đến mà không hề biết nội dung ra sao! Trong một đất nước mà những người có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành chỉ quan tâm đến cái gu "mì ăn liền", rất khó tưởng tượng ra trên thực tế PTBV là gì! Như vậy, khai thác bô-xít không thể khác được là ứng vào lời nguyền của tài nguyên nói ở trên.

8- Đối với một tài nguyên như bô-xít, chúng ta đã định nghĩa tô khoáng sản (tks) ở phần trên, tức giá bán trừ giá thành cho một đơn vị trọng lượng khoáng. Xin lưu ý, để phù hợp với khái niệm PTBV, phải tính mọi tổn phí môi trường trong cách tính giá thành này. Và nhấn mạnh, tuy không tính đến tổn phí môi sinh, mất mát sự đa dạng sinh vật và văn hóa, và sự xâm hại tất yếu nguồn nước sông Đồng Nai dànhcho nông lâm nghiệp ở những vùng phụ cận, mà theo tính toán (không được phổ biến) của Chính phủ,đã phải mất 13-14 năm mới hoàn vốn đầu tư (đầu tư nào, có kể cả tuyến vận tải không?). Cho nên,chúng tôi đoan chắc, về mặt hiệu quả kinh tế với cách tính toán đầy đủ và khoa học nêu trên, khai thác bô-xít là lỗ, và lỗ lớn cho dân tộc Việt Nam, sở hữu chủ tài nguyên này. Ở điều kiện kỹ thuật khai thác bô-xít và khả năng bảo tồn môi sinh mà TKV trình bày, hiệu quả kinh tế sẽ âm vì tổn phí môi trường có khả năng rất cao. Nhưng lỗ như vậy là cho người Việt Nam, chứ các chủ đầu tư, chủ nợ của dự án…vẫn có khả năng được tiền để "năng nhặt chặt bị", cố tình "quên mất" những tổn phí trên bình diện môi sinh lẽ ra là phải tính đến. Và đồng hóa cái thứ tiền này vào hiệu quả kinh tế một công trình kinh tế công cộng tầm cỡ quốc gia thì đúng là cách báng nhạo mọi mức độ lương tâm và kiến thức con người.

Nhắc lại, giá bán bô-xít là giá độc quyền mua, và hiện tượng ép giá trong trường hợp này không hiếm. Giả thử chuyện này xẩy ra, đối tác mua bô-xít – cũng có thể đồng thời là đối tác hợp tác đầu tư, và hiện có khả năng lớn là chủ nợ cho đầu tư của Việt Nam – ép giá tạo ra những khoản lỗ khiến cái con tính lấy lại vốn đầu tư trong 13-15 năm là bất khả, thì sao? Giả thử cứ lỗ, lỗ, và lỗ… chủ nợ sẽ xiết đất bù vào thanh khoản, và hỡi ơi, đất cũng như khoáng sản Tây Nguyên có thể "mất trắng" trong tương lai. Giả thuyết này dĩ nhiên tiêu cực, nhưng không phải không có cơ sở. Hiện nay, TQ bỏ tiền mua đất trên toàn thế giới, ở Châu Mỹ La-tinh, Đông Nam Á, và nhất là châu Phi. Hiện tượng này đã lên đến mức Liên Hiệp Quốc cất tiếng cảnh báo, và không thể giả vờ như không biết. Nhưng chúng ta nhất quyết không "bài Hoa", với hình thái cảm tính sơ đẳng. Chúng ta chỉ nhất quyết bảo vệ đất nước mình. Thứ nhất là về văn hóa, dĩ nhiên, nhưng điều này nhiều khi không hiển nhiên. Thứ nhì, là cương thổ: Nam quốc sơn hà Nam (đế) nhân cư. Chúng ta có truyền thống và lịch sử làm bằng nên điều này dễ nhận ra. Nhận ra nên phải cảnh giác, chớ mắc bẫy. Bây giờ, người ta xâm lược nhau bằng nhiều cách, không hẳn cứ với bom đạn, và chắc chắn khai thác tài nguyên cũng là một phương sách "tằm ăn dâu", không thể lơ là coi thường được!

9- Xin nói về đề xuất thi công dự án Tân Rai như một thí điểm.Trong những công trình công cộng có tầm cỡ, phải lưu tâm đến hiệu suất tầm kích (return to scale), và hiệu suất này gia tăng (increasing return to scale) nên khi tính toán chúng ta không thể cắt một công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên ra từng dự án nhỏ để tính hiệu quả kinh tế rồi làm một bài toán cộng để xác định hiệu quả cho toàn bộ công trình. Vì thế, khai thác bô-xít với dự án Tân Rai không cho phép diễn dịch hiệu quả kinh tế bất cứ gì về những dự án khác. Làm thí điểm là rất tầm phào, không ý nghĩa gì cả.

Thúc đẩy dự án Tân Rai, tức tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải sẽ chẳng những chỉ phục vụ Tân Rai mà còn những công trình khác (Nhân Cơ, Đaknông 2, 3….). Gọi Tân Rai là thí điểm chẳng qua là chiến thuật "du kích" đẩy cho nhau sa lầy khiến rút chân ra khỏi bùn (đỏ) không được. Lý do đưa ra là đã "trót" ký hợp đồng. Xin nhắc TKV và những đối tác vi phạm khoản 4, điềụ 5 của Luật khoáng sản nhằm "hạn chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô, tinh luyện". Phạm luật, vi hiến đủ là lý do ngưng ngay dự án Tân Rai. Những phí tổn phạt vạ kinh qua chuyện hủy hợp đồng, nếu có, cũng chẳng to tát gì so với hậu quả tai hại khổng lồ của việc khai thác Tây Nguyên một cách hấp tấp và thiếu tính toán cơ bản (đọc bản báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội kỳ họp này, ai mà rút được một kết luận gì minh bạch thì là thánh sống). Và những nhân vật, những cơ quan liên đới đến việc khai thác bô-xít phải chịu trách nhiệm và bị kỷ luật.

Lần đầu từ gần 60 năm nay, một tổ chức dân sự tự phát tập hợp được hàng ngàn người ở trong cũng như ngoài nước đã cất tiếng nói về một sự việc công cộng quan trọng. Tiếng nói đó, từ những tấm lòng son, là những tiếng nói rất chừng mực, có cơ sở, và thật lạ lùng, phần lớn đều phù hợp với những kiến thức khoa học hiện đại nhất của bộ môn Kinh tế học. Chúng tôi cố tổng hợp, nên buộc ít nhiều phải lặp lại, và xin người đọc luợng thứ nếu mất thời giờ quí báu.

Cũng lần đầu, giới có thẩm quyền có phản ứng: không có Kiến nghị ngày 12-04-2009, chắc chắn không có "Kết luận…" của Bộ Chính trị, không có "Báo cáo…" của Chính phủ trước Quốc hội. Mặc dầu những phản ứng nói trên có phần "đối phó", nhưng ở một mức độ nhất định, đã biểu tỏ khả năng "có nghe" ít nhiều tiếng nói nhân dân. Và đây, cho phép chúng tôi giữ ít nhiều hy vọng khi nhìn về tương lai.

Công cuộc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên còn dài dài, không phải là chuyện một hay hai kỳ Đại hội Đảng. Vì sẽ dàn trải ra 2, 3 chục năm, thời gian đủ để những lớp trẻ kế thừa đào sâu, nghiên cứu, và tìm lấy những cách ứng xử thích hợp. Bài viết tổng hợp này là một món quà nhỏ gửi họ, để họ tiện theo dõi những khái niệm kinh tế giúp soi rọi vấn đề. Chúng ta có thể đặt vấn đề với những tổ chức quốc tế quan tâm đến môi trường và tài nguyên như Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (World Wild Fund (WWF)), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), hoặc Green Peace[vi]… mong có được ủng hộ và trợ giúp về những vấn đề khoa học kỹ thuật.

Nhân dịp này, cho phép tôi cám ơn những người chủ trương Kiến nghị và 3 vị dân biểu, các ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Minh Thuyết, đã lên tiếng phản biện trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, chứng minh cho nhân dân rằng tập hợp những người đại diện cho mình cũng có ít nhiều tiếng nói. Sau cùng, nhưng trên hết, chúng tôi chuyển bài viết này như lời chúc thọ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị khai quốc công thần đã không quên: "các vua Hùng đã có công dựng nước, con cháu chúng ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Và mặc 96 mùa xuân, Đại Tướng đã không "lão giả an chi", viết đến bức thư thứ ba lên tiếng yêu cầu các cấp có thẩm quyền, vì tương lai con em, hãy ngưng ngay toàn bộ những dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.

Tham khảo:

[i] Nguyễn Thành Sơn, "Vấn đề công nghệ và môi trường trong khai thác bauxit ở Tây Nguyên": Bùn đỏ có liên quan mật thiết đến vấn đề môi trường và sinh thái. Liên quan đến bùn đỏ có hai vấn đề cần quan tâm, đó là: công nghệ thải bùn đỏ và địa điểm chôn cất bùn đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn công nghệ "ướt" là một sai lầm, rất nguy hiểm về môi trường, không cần phải "thí điểm", mà cần được (và có thể) sửa sai ngay từ bây giờ khi còn chưa muộn. Khái niệm "ướt" ở đây gắn với chất NaOH, chứ không phải gắn với H2O như cách hiểu thiếu khoa học của một số người (gắn với nước mưa). Bãi thải bùn đỏ theo công nghệ "khô" rất khó bị mưa lũ cuốn trôi, ít có nguy cơ bị vỡ đập, chiếm dụng ít diện tích đổ thải, suất đầu tư thấp hơn (tới 30-50%) và bản thân ít độc hại. Còn bãi thải bùn đỏ theo công nghệ"ướt" rất dễ bị mưa lũ cuốn trôi (kể cả sau khi đã được tháo khô), rất dễ bị vỡ đập (vì phải chịu tác động của áp lực thủy tĩnh), chiếm dụng nhiều diện tích hơn (tới 50%-100%), suất đầu tư cao hơn và bản thân bãi thải rất độc hại (đặc biệt là khi chưa kịp tháo khô).

[ii] Arrow, K.J. and Fischer, A.C. (1974), "Environmental preservation, uncertainty and irreversibility",Quarterly Journal of Economics 88(2):312-319. Cuối thập niên 60, có cuộc tranh cãi nên hay không khai thác tiềm năng dưới đất của Grand Canyon, một cảnh quan có một không hai trên đất Mỹ. Tiềm năng, đánh giá còn nhiều ẩn số ngẫu nhiên, tức bất trắc (uncertainty). Khai thác, cảnh quan đó sẽ mất vĩnh viễn (irreversibility). Không khai thác, tức không phải chấp nhận rủi ro, có lý khi độ bất trắc cao (large uncertainty). Trường hợp này, có thể xác định giá trị bảo tồn của Grand Canyon, như một vùng du lịch có hiệu suất kinh tế. Không khai thác, cũng có một giá trị kinh tế, gọi là giá trị lọc lựa trong tương lai (option value, và/hay quasi-option value). Với thời gian, chúng ta học hỏi và gạn lọc thông tin để giải tỏa bất trắc (uncertainty resolution), tìm kỹ thuật mới hầu giải quyết những khó khăn trước đây…

[iii] Corden, W.M. (1984). "Boom Sector and Dutch Disease Economics: Survey and Consolidation".Oxford Economic Papers 36: 362.

[iv] Xin tóm lược: nền kinh tế ở mức vĩ mô gồm 3 khâu, tài nguyên và kỹ nghệ có thị trường quốc tế, và sản xuất cho tiêu thụ nội địa (như dịch vụ, chẳng hạn). Khi thi công một công trình khai thác tài nguyên, lao động từ khâu kỹ nghệ chuyển qua khâu tài nguyên: sản xuất kỹ nghệ tất giảm. Lợi tức thu thêm được vì bán tài nguyên trải rộng trên nền kinh tế qua hình thái lương lao động tăng, mức lao động dùng trong sản xuất kỹ nghệ tiếp tục giảm, mức lao động trong khâu sản xuất nội địa tăng. Lợi tức thu thêm khiến lượng tiêu thụ hàng nội địa tăng, và như hệ quả, giá cả mặt hàng này cũng tăng. Về khâu kỹ nghệ, mất tính cạnh tranh nên xuất khẩu giảm. Với giá quốc tế qui định cho những nền kinh tế nhỏ, tác động sau cùng là tỷ giá hối suất tăng

[v] http://en.wilkipedia.org/ sustainable development: Sustainable development is a pattern of resource use that aims to meet human needs while preserving the environment so that these needs can be met not only in the present, but also for future generations to come. The term was used by theBrundtland Commission which coined what has become the most often-quoted definition of sustainable development as development that "meets the needs of the present without compromising the ability of future generations to meet their own needs".

[vi] Xin tham khảo http://en.wilkipedia.org/ list of environmental organizations

Đã đăng trên BVN 6/6/2009

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn