Lời cho người nằm xuống

Ngô Thị Hồng Lâm

Kính gửi:

– Vụ Thi đua, Khen thưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội

– Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương

– Ban Tuyên giáo tỉnh Ủy tỉnh Yên bái

– Ngành đường sắt tỉnh Yên Bái

Cùng những ai có lương tri

Tôi là Ngô Thị Hồng Lâm, sinh năm 1957. Sinh sống tại Vũng Tàu. Là một công dân với nhiều năm làm công việc nghiên cứu lịch sử đảng, tham mưu cho đảng những điều mắt thấy tai nghe. Nay tuy đã nghỉ hưu nhưng không thể lặng im trước sự việc của một công dân đã “vì nước quên thân”  hy sinh cao cả một cách thầm lặng và cũng bị đảng lãng quên từ đó.

Sự việc như sau:

Bài viết “Một phận người của Bên thắng cuộc” của tác giả Đức Thành được đăng tải trên trang boxitvn.blogspot.com, ngày 19/1/2013, kể về người công dân yêu nước Phạm Văn Cam, sinh năm 1935, là người con của Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng từ những năm tiền khởi nghĩa.

Sau hiệp định đình chiến ông tập kết ra Bắc và được điều động làm việc trong ngành Đường sắt Yên Bái.

Năm 1965 khi Mỹ bắn phá oanh tạc miền Bắc Việt Nam, trong một lần về phép thăm vợ ở Thanh Hóa, trên đường trở lại cơ quan,“khi đến ga Văn Phú là lúc đang bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, ông đã xuống cùng đồng nghiệp dẫn dắt xe lửa tránh xa khu vực bị bom và cùng mọi người lao vào cứu hàng hóa trên các toa xe. Ông bị một mảnh đạn văng vào người (ổ bụng) và hy sinh. Cơ quan chủ quản của ông đã khắc tấm bia đá ghi rõ họ tên quê quán và sự hy sinh của ông. Vợ ông công tác trong Thanh Hóa và điều kiện thời chiến không thể lên Yên Bái để lo tang cho chồng nên vắng mặt trong Lễ truy điệu ông (chỉ có cơ quan và gia đình bên vợ mà thôi)”.

Từ đó đến nay, không có đơn vị nào ngó ngàng đến nữa.

Gần đây người cháu của ông Cam cũng đã có làm hồ sơ gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái để làm các chế độ cho ông  nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Thưa các quý vị,

Trong những năm tôi còn làm việc, những trường hợp như của ông Phạm Văn Cam sẽ được Ban Nghiên cứu lịc sử Đảng Tỉnh ủy lập hồ sơ sự kiện,  mời những nhân chứng đến Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học rồi đi đến thống nhất và có kết luận trên cơ sở khoa học lịch sử. Sau đó chuyển hồ sơ sang cơ quan Thi đua khen thưởng cấp Tỉnh, để lập Hội đồng xét khen thưởng suy tôn với những cá nhân đã có những cống hiến, hy sinh  trong cuộc kháng chiến. Sau nữa Ban Thi đua khen thưởng tỉnh mời chính người được công nhận có công đến trao tặng Quyết định công nhận danh hiệu. Nếu người có công đã hy sinh thì mời thân nhân đến nhận danh hiệu được truy tặng.

Theo tôi được biết, hành động anh dũng, cao cả quên thân mình để “cứu tàu, cứu hàng ra khỏi vùng bom đạn” của ông Phạm Văn Cam trước hêt được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ trong chống Mỹ cứu nước và là một tiêu chuẩn hàng đầu để được xét truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cá nhân. Hành động của ông Phạm Văn Cam xứng đáng được nằm trong bình xét danh hiệu này.

Còn nhớ thời xa xưa trong Sử Việt, sau khi chiến thắng giặc phương Bắc. Đối với những người có công trong chiến đấu đã được ông cha ta trọng vọng công lao. Đối với những chiến sĩ trận vong vì đất nước, ông cha ta lập đàn “Âm hồn” để tưởng nhớ hàng năm vào dịp Rằm tháng Bảy. 3 ngày trước khi lập đàn tế, các vị Vua phải ở riêng, ăn chay, nằm đất, đọc kinh xám hối đến ngày Rằm bắt đầu Vua cầu siêu cho các anh linh được siêu thoát.

Hoặc nhìn sang bọn tư bản "đang dẫy chết", như "đế quốc Mỹ và chư hầu" thì sao? mời bạn đọc một đoạn thư bạn đọc viết cho tôi thì rõ: “...bác ơi, Đế quốc Mỹ "xấu xa" đến mức gây chiến phi nghĩa với ta khiến đảng ta phải hô hào dân tộc trong đó có thế hệ chồng bác, ông Cam… đứng lên  đuổi cổ nó về nước. Là nước bại trận, ấy vậy "nó" còn biết "muối mặt" làm tốt chính sách vinh danh tử sĩ, thương binh... của họ. Họ không quản đường xá xa xôi đi tìm hài cốt quân nhân họ - hãy xem hình ảnh Tổng thống Nam Hàn Lee Myung -Bak và đội danh dự trong lễ tiếp nhận 12 hài cốt binh sĩ Nam Hàn được Bắc Hàn trao trả năm ngoái (xem tin ở đây) thì ta biết họ quan tâm đến chính sách xã hội đến mức độ nào” và lại thêm tủi thân, tủi phận thay cho hương linh của những liệt sĩ  nước mình với những phận người đã từng “vì nước quên thân” như ông Phạm Văn Cam và nhiều chiến sĩ khác nữa cho đến bây giờ, công lao của họ với đất nước vẫn còn vùi sâu dưới mấy tấc đất mà không ai biết đến.

Bởi hệ công chức con đẻ của đảng Bác trong tình trạng hiện nay mắc một căn bệnh “vô cảm đến vô ơn” đối với những người đã hy sinh. Để có tư tưởng tội lỗi ấy, một phần vì họ là thế hệ sinh ra và lớn lên sau chíến tranh. Một phần vì họ không được thị phạm từ những vị đứng đầu Nhà nước làm gương.

Đất nước ta có đảng quang vinh, người lãnh đạo thì tài tình, dẫn đường chỉ lối “đưa dân tộc ta đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Một đảng lấy tiêu chí “xã hội chủ nghĩa” là “đỉnh cao trí tuệ” là “văn minh”, đảng ta đã làm được gì trong công tác chính sách hậu phương quân đội sau cuộc chiến? Đã thực hiện được những gì lời căn dặn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ đã hy sinh và gia đình họ, thấm đượm truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam ta? Nhất là đối với các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc, do ông Lê Duẩn người cầm quyền cao nhất của đảng phát động?

clip_image002

Nhìn cảnh Tổng thống Lee Myung-bak và một đội quân danh dự đã trực tiếp đón nhận hài cốt của các binh sĩ là những người đã ngã xuống trong một trận chiến quan trọng đầu cuộc chiến tranh liên Triều, thử hỏi đã có vị lãnh đạo cao nhất nào của đảng và Nhà nước Việt nam đã làm được nghĩa cử cao đẹp ấy với các liệt sĩ của mình đã hy sinh hay chưa ?????

Chúng ta có được cuộc sống hôm nay là nhờ sự hy sinh thầm lặng cao cả của những phận người như ông Cam và nhiều chiến sĩ khác nữa cho Tổ Quốc Việt Nam, xin đảng hãy hưởng thụ thành quả trên máu xương của đồng chí, đồng bào mình cho có nhân có nghĩa. Họ xứng đáng được Tổ Quốc và nhân dân Việt Nam vinh danh nhớ ơn và tôn thờ mãi mãi. Nếu còn chậm trễ ngày nào trong việc vinh danh truy tặng những người quả cảm anh dũng ấy, chắc chắn các vị sẽ mắc tội với lịch sử !

Hy vọng sự thức tỉnh một chút lương tri của hai cơ quan tôi đã đề cập trên đầu bài viết này, sẽ thực hiện được trong tầm tay của mình việc xét và vinh danh truy tặng danh hiệu Liệt sĩ chống Mỹ cho ông Phạm Văn Cam, dù đã muộn màng sau gần 40 năm đất nước đã về một mối và chỉ khi nào những thế hệ sau của ông Hồ chữa được căn bệnh “vô cảm đến vô ơn” với những người đã ngã xuống thì ông Hồ mới được thanh thản tiêu diêu miền cực lạc trên cõi Niết bàn vì những thế hệ sau chính là “hậu duệ”của ông ấy.

Sài Gòn, ngày 3/3/2013

N.T.H.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn