Abdus Salam - Quân mạc vấn

Phạm Xuân Yêm
clip_image001 clip_image003
 

Abdus Salam và ICTP

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn (Cao Bá Quát)

Ðối với người ngoại cuộc đặc biệt ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, tuy đã lâu lắm rồi nhưng càng ngày những tin tức, phóng sự bên Trung và Cận Ðông càng làm cho hình ảnh phiến diện của cộng đồng những tín đồ theo đạo Hồi bị gán nhiều nhãn hiệu không mấy tốt đẹp! Con sâu làm rầu nồi canh, nhưng hỏi có tôn giáo nào trong chuỗi dài lịch sử mà chẳng có sâu? Dẫu rằng ‘sâu’ đôi khi cũng chỉ là những nhận thức chủ quan và cảm tính của người bàng quan, làm sao em biết bia đá không đau?

Bài viết tản mạn này mong chia sẻ với bạn đọc một cái nhìn hơi khác để cùng nhau suy ngẫm về thế sự thăng trầm, qua một nhân vật phi thường - giáo sư Abdus Salam (1926-1996) người Pakistan duy nhất cho đến nay có giải thưởng Nobel Vật lý. Biết bao nhà khoa học và sinh viên ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia đang phát triển, thuộc các lứa tuổi khác nhau đã và đang trực hay gián tiếp ít nhiều chịu ơn ông qua ICTP 1, Trung tâm quốc tế về Vật lý lý thuyết thuộc UNESCO do ông sáng lập. Không chút ngại ngần bận quốc phục với khăn áo xanh và đôi hia đỏ, lạ lùng giữa ngàn người mang âu phục đen trong buổi lễ trao giải Nobel tháng chạp năm 1979, bài diễn văn của Salam gợi cho ta nỗi niềm man mác vui buồn của bao người mê say khoa học ở những quốc gia chậm phát triển bên Á, Phi, Nam Mỹ. Câu chuyện cũng không khỏi liên quan đến vấn đề chảy máu chất xám, giáo dục nói chung và đại học chất lượng cao nói riêng ở nước ta, một đề tài nóng bỏng.

Ðể mở đầu, mời bạn đọc mường tượng cậu học sinh tài ba Abdus năm 14 tuổi tốt nghiệp thủ khoa trung học toàn vùng Punjab, khiến cả tỉnh Jhang hãnh diện ào ra đường đón chào cậu nhỏ trở về quê. Vài năm sau đó Salam được học bổng rời xóm làng đi tàu biển ròng rã cả tháng để sang Anh tiếp tục lớp cao học và tiến sĩ về toán lý tại Cambridge, một trong vài đại học hàng đầu thế giới với mấy chục giải Nobel. Ở thời điểm bấy giờ cách đây khoảng 60 năm, toàn cầu vừa ra khỏi đệ nhị thế chiến, hầu hết các nước chung quanh Pakistan, trong đó có nước Việt mình vừa thoát cảnh nô lệ Anh hoặc Pháp, nền giáo dục trung và tiểu học còn phôi thai, đừng nói chi đến đại học, lấy đâu ra người thầy bản xứ. Vì thế việc nhà nước vừa giành được độc lập gửi sinh viên năng khiếu ra ngoại quốc học hỏi để sau đó trở về cố hương xây dựng là chuyện tất nhiên. Bên bờ sông Cam êm đềm của trường đại học uy tín gắn liền với những tên tuổi đời đời lừng danh như Newton, Darwin, Maxwell, Dirac 2, chàng thanh niên Abdus Salam của xứ thuộc địa Pakistan không khỏi suy tư đến thời đại vàng son của khoa học mang dấu ấn đạo Hồi ở các xứ Ả Rập, Ba Tư, Afghanistan.

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

Isaac Newton

Paul Dirac

Charles Darwin

James Clerk Maxwell

Thực thế, trong khoảng thời gian kéo dài 350 năm (750-1100), ở những vùng đó có nhiều bậc thầy uyên thâm, xuyên ngành và phổ quát như Jabir, Al-Battani, Omar Khayam, Ibn Sina (Avicenne), Ibn Rushd (Averroes) 3 đã từng soi sáng tri thức toàn cầu từ thiên văn đến triết học qua toán, cơ, lý, hoá, y, dược. Trong chuyến thăm viếng những trung tâm văn hóa khoa học vang bóng một thời ở vùng Andalucia miền nam Tây Ban Nha, từ Toledo, Cordoba qua Granada, cậu Abdus ngậm ngùi ngắm nhìn bức tranh 4 miêu tả giây phút vị vua cuối cùng Hồi giáo Boabdil năm 1492 mắt rưng rưng lệ, dâng hiến lâu đài Alhambra lộng lẫy cho nữ hoàng Công giáo Isabella để trở về sống kiếp lưu đày bên kia bờ Ðịa Trung Hải, giã biệt mãi mãi xứ sở người Moro mà hơn bảy trăm năm trước (711) tổ tiên đến từ Bắc Phi đã xây dựng nên. Cái ấn tượng thăng trầm trong lịch sử của các nền văn hiến và của khoa học nói riêng đã đeo đuổi hoài Abdus Salam. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ lúc đó ông bắt đầu suy nghĩ tìm phương cách để giúp các đồng nghiệp ở những nước kém phát triển có phương tiện liên tục học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo hầu lấp dần cái hố xa cách khoa học kỹ thuật giữa hai bán cầu Tây và Ðông, Bắc và Nam. Trong bài phát biểu ở Stockholm năm ấy, ông nhắc nhở mọi người rằng sự tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên cũng như những sáng tạo trong khoa học là di sản chung của loài người, nhiều dân tộc đã trải qua những chu kỳ phát triển, lúc thịnh lúc suy.

Hãy theo Salam ngược dòng thời gian lùi về năm 1217, thưở ấy ở xứ Scotland phía bắc nước Anh kém mở mang, dân chúng chỉ biết chăn cừu, dệt len, có chàng thanh niên Michael hiếu học rời quê hương lặn lội xuống miền Nam tìm đến thụ giáo nhà học giả Do Thái Moses bin Maimoun đang giảng dạy tại hai trường đại học Ả Rập nổi tiếng hàng đầu thế giới ở Toledo và Cordoba phồn vinh. Nhưng trước đó cả ngàn năm, còn có một kho tàng tri thức tuyệt vời khác đã rọi sáng nhân loại với những bậc thầy kì diệu người Hy Lạp từ Pythagore, Socrates, Plato, Aristotle, Euclide (hình học phẳng), Archimedes, đến Ptolemy. Trải qua những cuộc bể dâu, nền văn hóa rực rỡ ấy đã bị lãng quên, hầu như chẳng còn ai kể cả Michael biết đến ngôn ngữ của Homer nữa. Phải chờ đến thời đại vàng son của triết học, khoa học bên Trung, Cận Ðông từ thế kỉ thứ bảy kéo dài vài trăm năm 3 , tủ sách tinh hoa Hy Lạp nằm trong quên lãng cả mươi thế kỷ mới được chuyển ngữ sang tiếng Ả Rập. Năm 1231, sau khi dịch các công trình của Aristotle từ Ả Rập sang Latin để góp phần khai sáng các dân tộc Âu châu còn đang mê mẩn trong bóng tối thần quyền, Michael bèn đến Salerno và gặp Henrik Harpestraeng - một người thầy thuốc riêng của vua Ðan Mạch - đang ở đó học hỏi về truyền máu và giải phẫu. Thưở ấy bộ sách kinh điển về ngành này là của Avicenna mà chỉ Michael mới biết ngôn ngữ để dịch giùm cho Henrik cùng chung cảnh ngộ đến từ những nuớc chậm mở mang. Toledo và Salerno thời xa vắng ấy là hai trung tâm văn hóa chói lọi, biết bao học giả từ các xứ Ðông, Nam giầu mạnh văn minh như Syria, Ai Cập, Ba Tư, Irak - dưới chân tháp Babel huyền thoại - đến để trao đổi kiến thức, nhưng cũng còn vài trường hợp hiếm hoi như Michael hay Harpestraeng từ những miền Tây, Bắc nghèo nàn vì cầu tiến mà tìm đến để học hỏi. Ðó là sơ đồ một trung tâm cộng tác quốc tế thời Trung cổ giữa hai nền văn hóa trình độ khá chênh lệch. Bảy trăm năm sau, chu kì thịnh suy đã đi hết một vòng, Michael anh chàng Scottish giờ đây là chúng tôi, Salam nói, những người của thế giới Ðông và Nam kém phát triển đang đi về phương Tây và Bắc để học hỏi. Tìm kiếm chân lí, trau dồi kiến thức là khát vọng hướng thượng chung của con người bất kì từ đâu đến, và sông kia giờ đã nên đồng, đại học Toledo, Salerno uy tín thời ấy nay đã trở thành Cambridge, Imperial College danh tiếng thời nay!

clip_image011

The Capitulation of Granada, tranh Francisco Pradilla y Ortiz

Abdus Salam, vài nét về con người và sự nghiệp.

Trước hết xin có đôi dòng về những công trình kinh điển và đồ sộ của ông về Vật lý lý thuyết hạt cơ bản mà giải Nobel trọng thưởng.

Trong Vật lý như ta biết cho đến nay chỉ có bốn định luật cơ bản điều hành các hiện tượng thiên nhiên, đó là vạn vật hấp dẫn, điện-từ, tương tác yếu và tương tác mạnh trong các hạt nhân nguyên tử. Luật hấp dẫn được Newton phát hiện - và sau này thay thế bởi thuyết tương đối rộng của Einstein - diễn tả các vật thể mang khối lượng tạo ra một trọng lực (hay trọng trường) để hút chúng lại gần nhau. Hiện tượng điện và từ mà sự biểu hiện cụ thể như làn sét trong cơn giông tố (điện) hay thanh nam châm hút sắt (từ) thì con người đã trải nghiệm nó lâu lắm rồi, nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ mười chín với Ampère, Oersted, Faraday và nhất là Maxwell thì cái nền tảng cơ bản tổng hợp giữa điện và từ (mang tên gọi là điện-từ) mới được xây dựng, theo đó từ trường di chuyển tạo ra điện, ngược lại điện cũng sinh ra từ trường, và hơn nữa ánh sáng chỉ là sóng của điện-từ trường. Bổ túc bởi vật lý lượng tử của thế kỷ hai mươi với trường quang tử (photon), điện-từ có tên mới là điện động học lượng tử. Thấu triệt cơ chế vận hành của hai trường cơ bản là điện tử (electron) và quang tử (photon) rồi sau đó chế ngự, điều khiển được chúng, con người đã đưa công kỹ nghệ thông truyền tin đến những thành tựu kì diệu ngày nay mà Iphone là một ví dụ phổ biến.

clip_image013

clip_image015

clip_image017

clip_image019

Ampère

Faraday

Steven Weinberg

Glashow

clip_image020

Oersted

Luật hấp dẫn và điện-từ tác động ở khắp cả hai thế giới vi mô và vĩ mô, trong khi đó tương tác yếu chỉ vận hành ở thế giới vi mô, đặc biệt hạt neutrino (khối lượng nhỏ muôn vàn, gần như không) chỉ có tương tác yếu mà thôi. Sự phân rã bêta (neutron phân rã ra proton + electron + neutrino) trong các hạt nhân nguyên tử là một biểu hiện điển hình của tương tác yếu. Nên biết thêm là thuật ngữ yếu thoạt nghe tưởng như phù du ít có tác động thực tế, nhưng thực ra nó chủ chốt điều hành các phản ứng nhiệt hạch trong các thiên thể. Mặt trời cho ta ánh sáng chỉ vì phản ứng nhiệt hạch tung hoành ở trong trung tâm nó, và mỗi giây đồng hồ trên một phân vuông của làn da chúng ta có gần trăm tỷ hạt neutrino từ Mặt trời bay đến! Chỉ vì cường độ của tương tác yếu quá nhỏ so với cường độ của điện-từ nên với từng ấy neutrino rọi vào mà sinh vật trên trái đất này vẫn điềm nhiên sinh sôi nẩy nở. Abdus Salam, người Hồi giáo, cùng với hai người Mỹ gốc Do Thái, Sheldon Glashow và Steven Weinberg đã phát hiện ra là mặc dầu hai định luật cơ bản điện-từyếu có cường độ tương tác quá khác biệt nhưng thực ra chúng mang rất nhiều đặc tính chung và hơn nữa có thể hòa hợp trong một tương tác duy nhất mà Salam đặt cho cái tên là điện-yếu. Sở dĩ có sự khác biệt giữa hai cường độ là vì khối lượng của hạt photon (tượng trưng cho điện-từ, xin nhớ electron trao đổi photon) bằng không mà khối lượng của hạt Z (tượng trưng cho phân rã yếu, xin nhớ neutrino trao đổi Z) thì lại quá lớn. Thuyết điện-yếu tiên đoán được khối lượng cùng các đặc tính của hạt Z và sau đó thực nghiệm kiểm chứng với độ chính xác tuyệt vời. Sự thống nhất hai hiện tượng thiên nhiên điện-từyếu thành một luật chung là cả một cuộc cách mạng trong Vật lý ở cuối thế kỷ 20, tầm quan trọng của nó có thể ví như sự tổng hợp giữa ba hiện tượng điện, từquang ở thế kỷ 19 với Maxwell. Lý thuyết tổng hợp điện-yếu của đồng tác giả Glashow, Salam, Weinberg từ nay còn mang tên gọi là Mô Hình Chuẩn 5 mà giải Nobel trọng thưởng năm 1979.

Nhưng sự nghiệp Salam không dừng lại ở giải Nobel. Trở lại thưở ban đầu mới có hai mươi lăm tuổi đã trình xong luận án tiến sĩ về lý thuyết trường lượng tử ở Đại học Cambridge, Salam ngay lập tức được mọi người trong ngành trân trọng đánh giá rất cao, và tìm một chức vụ giảng dạy nghiên cứu trong những đại học uy tín ở Âu Mỹ là chuyện thường tình, nếu ông muốn. Nhưng Salam, trung thành với lời hứa khi du học, đã quyết định trở về đóng góp cho nền khoa học phôi thai của đất nước vừa giành được độc lập. Nhưng chỉ ít lâu sau ông nhận ra môi trường hoạt động ở những nước kém mở mang (trong đó có nước ông) không cho phép những người mê say nghiên cứu khoa học nghiêm túc làm việc có hiệu quả, và hiện tượng chảy chất xám không sao tránh nổi. Mang trong lòng một ý nguyện cao cả giúp đời (bạn đọc sẽ đoán ra), ông bèn quay trở lại Đại học Cambridge và dĩ nhiên được giang tay đón mời giữ chức giảng viên rồi đổi sang giáo sư thực thụ ở Imperial College, đại học danh tiếng nhất của thủ đô London, để vài năm sau đó mới ba mươi ba tuổi đuợc bầu vào Hàn Lâm viện Hoàng Gia Anh Quốc, viện sĩ vừa trẻ nhất bấy giờ vừa là người ngoại quốc! Cũng thêm một dấu ngoặc trong công trình khoa học của ông, khoảng năm 1957 khi hai nhà vật lý Trung Quốc Dương Chấn Ninh và Lý Trung Ðạo làm việc ở Mỹ đoạt giải Nobel vì khám phá ra sự vi phạm ’’đối xứng gương’’ trong tương tác yếu, thì đồng thời Salam - bằng một cách tiếp cận rất độc đáo liên quan đến hạt neutrino không có khối lượng - cũng góp phần quyết định vào sự tìm hiểu cái vi phạm này.

Danh tiếng lại càng nổi bật, ngay từ năm 1957 đã nhiều lần được đề nghị giải Nobel vì chuyện này (trước Mô Hình Chuẩn Nobel 1979), thành viên danh dự của rất nhiều hàn lâm viện và đại học hàng đầu, ông dùng uy tín mình để dần dần thực hiện ý nguyện cao cả, làm một bước ngoặt mang ý nghĩa lịch sử. Ðó là tìm phương cách chống đỡ nạn xuất cảng chất xám, giúp cho những nhà khoa học nghiêm túc của các nước chưa phát triển tránh khỏi cảnh tiến thoái lưỡng nan, ở hay về ? Vô hình trung trở thành phát ngôn viên tiêu biểu của thế giới thứ ba kém mở mang về khoa học, ông đi chu du khắp đó đây, gặp gỡ thuyết phục các chính khách, ngoại giao, văn hóa, khoa học ở UNESCO, IAEA 6 và các mạnh thường quân ở những nước giầu mạnh để gây ngân quỹ khổng lồ, thành lập năm 1964 ở thành phố Trieste bên bờ biển Adriatic một trung tâm lớn quốc tế về khoa học tự nhiên ICTP 1, nơi giao lưu thường trực của những nhà khoa học ở hai bán cầu Ðông-Nam với Tây-Bắc. Lúc đầu giới hạn trong lãnh vực Vật lý lý thuyết sau lan rộng sang Toán, Cơ, Tin Học, Sinh-Hoá, Khoa học ứng dụng. Mục tiêu là để những nhà khoa học ở các nước đang mở mang bên Á, Phi, Nam Mỹ khi được đào tạo xong ở các nước tiên tiến trở về cố hương phục vụ, sau đó sẽ được cung cấp phương tiện thường xuyên thăm viếng một môi trường thuận lợi trong một thời gian dài ngắn khác nhau để tiếp xúc, trao đổi với đồng nghiệp ở các nước phát triển, tiếp tục nghiên cứu, trưởng thành, cập nhật, cải tiến kiến thức chuyên môn. Sống cuộc đời tư đạm bạc, không giữ cho mình một xu, tất cả tiền thưởng của giải Nobel, Salam tặng lại cho ICTP để giúp đỡ các đồng nghiệp thiếu thốn ở các nước chưa phát triển, sức làm việc của ông là cả một huyền thoại, văn phòng đêm đêm rất trễ còn thấy ánh đèn.

Cho đến nay có hơn một trăm ngàn nhà khoa học ở 122 nước, trong đó có Việt Nam, đến ICTP làm việc. Trung bình hàng năm khoảng sáu ngàn chuyên gia cao cấp của nhiều ngành khoa học ở khắp thế giới (phát triển và chưa phát triển, xấp xỉ mỗi bên một nửa) đến thảo luận, trao đổi, học hỏi. Hội nghị quốc tế, seminar, lớp cao cấp chuyên hay đa ngành là những sinh hoạt thường xuyên của ICTP. Ngoài ra ICTP còn mở rộng thêm một hệ đào tạo sau cử nhân với Sissa (Scuola Inter. Sup. Studi Avanzati), cấp học bổng để giúp các sinh viên ở những nước đang phát triển sang Trieste theo lớp cao học. Các thầy của Sissa phần lớn là giáo sư thỉnh giảng, biệt phái một thời gian từ các đại học danh tiếng Âu Mỹ, đến giảng dạy và sau kỳ thi sát hạch cuối năm tuyển chọn các sinh viên tài năng để mang về đại học mình làm luận án tiến sĩ. Từ nhiều năm qua, riêng Việt Nam thường xuyên có hàng chục nhà khoa học ở các đại học hay viện khoa học và công nghệ đến làm việc vài tháng ở ICTP để cải tiến, trao đổi, học hỏi, cập nhật kiến thức chuyên môn, không kể nhiều sinh viên cũng theo con đường Sissa để đi xa hơn nữa bên Âu Mỹ. Ðặc biệt sau năm 1975, khi Việt Nam bị và tự khép kín với thế giới (trừ Ðông Âu ra), ICTP hầu như là cơ quan duy nhất để các nhà giáo đại học và nghiên cứu sinh trong nước có cơ hội ra ngoài tiếp xúc với xã hội tiên tiến, cởi mở. Khi Salam mất, thay thế ông làm giám đốc ICTP là Miguel Virasoro người Argentina gốc Do Thái, rồi Katepalli Sreenivasan người Ấn Ðộ, chi tiết này mang ít nhiều ý nghĩa.

Biết bao nhà khoa học của một số nước như Argentina, Ðại Hàn, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Ðài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ đã qua Trieste làm việc và từ tình trạng kém mở mang, một vài nước đã nhảy vọt ngoạn mục. Theo gương Salam, ở Ðại Hàn mới lập ra một trung tâm nghiên cứu khoa học vừa cơ bản vừa ứng dụng mang tên Asian Pacific Center for Theoretical Physics (APCTP) với Dương Chấn Ninh (Nobel 1957) làm chủ tịch danh dự lúc đầu.

Ðến đây người viết không khỏi liên tuởng đến buổi truyền hình trực tiếp đêm hòa tấu vì hòa bình Israel-Palestine với dàn nhạc giao hưởng West-Eastern Divan tại thành phố Ramallah đầy tang tóc. Nhạc sĩ phần lớn đến từ vùng Andalucia mà Salam từng thăm viếng lúc mới sang Âu Châu du học. Trình diễn xong bản Sinfonia concertante của Mozart và Symphony số năm của Beethoven, nhạc trưởng tài ba Daniel Barenboim người Do Thái bùi ngùi ngỏ vài lời tưởng niệm cố nhân Edward Said, một nhà tư tưởng lớn người Palestine - giáo sư Văn học sử của Ðại học Columbia. Hai vị dự tính cùng nhau hoà nhịp dương cầm ở Ramallah góp phần thức tỉnh lương tâm, thiện chí, kêu gọi hòa bình giữa hai dân tộc, nhưng tiếc thay Said ra đi hơi đột ngột. Vui biết mấy khi Khoa học và Âm nhạc, Do Thái với Hồi, Ấn Ðộ với Pakistan tay trong tay cùng thế giới đại đồng vươn lên tìm cái Thực và cái Ðẹp. Con người nhìn xa thấy rộng Abdus ở trên cao chắc hẳn cũng mỉm cười, mà duyên tiền định hay sao tiếng Ả Rập Salam là Hòa bình!

Mời bạn đọc thưởng thức Recuerdos de la Alhambra của Francisco Tarrega :

https://www.youtube.com/watch?v=zQnBstCaosE

Xin cám ơn anh bạn Vũ Ngọc Quỳnh đã gợi ý cho kèm bản nhạc này vào bài viết.

P.X.Y.

Chú thích:

1 The Abdus Salam International Centre for Theoretical Physics (http://www.ictp/it/).

2 Isaac Newton (1643-1727), nhà bác học vạn năng đã đặt nền móng cho cơ học, quang học, luật vạn vật hấp dẫn cho vật lý. Sau triết gia Ðức Gottfried Leibniz, ông cũng là người đã sáng tạo ra phép tính vi tích phân cho toán học. Mời bạn đọc câu thơ của Alexander Pope: Nature and nature's laws lay hid in night, God said "Let Newton be" and all was light !

Charles Darwin (1809-1882), nhà vạn vật học với thuyết thanh lọc và tiến hóa tự nhiên của các sinh vật, trong đó loài người cũng không là ngoại lệ.

James Maxwell (1831-1879), nhà vật lý đã tổng hợp các hiện tượng dao động của điện và từ trường, hơn nữa ông phát hiện ra ánh sáng là sóng điện từ.

Paul Adrien Maurice Dirac (1902-1984), người kết hợp cơ học lượng tử với thuyết tương đối hẹp, đã tiên đoán sự hiện hữu của phản vật chất mà hạt positron (phản electron) là một thí dụ. Ưng dụng gần đây nhất của positron là máy chụp hình cơ thể PET (positron emission tomography) trong y học. Ông cũng là người đầu tiên sáng tạo ra spinor (một đối tượng hình học, trung gian giữa vô hướng (scalar) và vectơ) và hàm ‘kỳ dị’ δ(x) mà sau này theo thứ tự hai nhà toán học hàng đầu người Pháp Elie Cartan và Laurent Schwartz triển khai.

3 Jabir Ibn Haiyan (cuối thế kỷ thứ 8) người cha của hóa học và cũng là một danh y, công trình của ông được dịch sang chữ Latin mở đường cho ngành hóa học sau này ở Châu Âu.

Jabir Ibn Aflah (khoảng 1100) nhà thiên văn và toán học đã khai sinh ra các hàm lượng giác sinus, cosinus.

Al-Batanni (mất năm 929) toán học, thiên văn, ông định rõ một năm có 365 ngày, 5 giờ, 46 phút, 24 giây, hiệu đính lại lịch trình các nhật thực và nguyệt thực của Ptolemy, công trình của ông được Copernicus sau này dùng và cảm tạ.

Omar Khayam (1048-1123) nhà thiên văn, đại số học (người đầu tiên giải phương trình bậc ba của các hình conic), thi sĩ đắm say tiên tửu như Lý Bạch đời Ðường vài trăm năm trước !

Avicenne (980-1037) bậc danh y không ai bì kịp thời Trung cổ, bộ sách đồ sộ của ông về chữa trị bệnh tật được đánh giá như một kho tàng chuẩn tắc về y học.

Averroes (1126-1198) nhà toán học kiêm thầy thuốc được biết đến nhiều như một người bình giải sâu sắc về các công trình (do ông dịch thuật) của nhà triết học vạn năng Aristotle.

4 The Capitulation of Granada, by Francisco Pradilla y Ortiz: Boabdil confronts Ferdinand and Isabella. 1882 :  http://es.wikipedia.org/wiki/Imagen:Reconquista-rendicion-granada.jpg#filehistory

5 Nói theo ngôn ngữ của Thomas Kuhn trong cuốn sách ‘’Cấu trúc của những cuộc cách mạng trong khoa học’’, Mô Hình Chuẩn (the Standard Model) là một hệ hình (paradigm), một nền tảng trên đó những khám phá mới sẽ chỉ bổ xung vào, nhưng không bác bỏ. Mai sau khi nào có một khám phá đưa mô hình chuẩn đến mâu thuẫn, không sao giải thích nổi thì một hệ hình mới sẽ ra đời, bao gồm mô hình chuẩn như một trường hợp đặc biệt. Cũng như cơ học cổ điển của Newton là hệ hình kéo dài hơn hai trăm năm cho đến khi thuyết tương đối hẹp ra đời với Einstein, Lorentz, Poincaré; và cơ học cổ điển Newton chỉ là một trường hợp đặc biệt (của những hệ thống chuyển động với vận tốc nhỏ so với vận tốc ánh sáng) của cơ học tương đối tính.

6 International Atomic Energy Agency (cơ quan nguyên tử năng quốc tế) trụ sở ở Wien (Áo).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn