Nếu Việt Nam nhân nhượng, Trung Quốc sẽ lấn tới

Lê Quỳnh

clip_image001

Khẳng định Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế, dù sẽ có những lợi - hại nhất định, trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, GS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế Viện đại học George Mason - cũng cho rằng: cái chính vẫn là tương quan lực lượng.

Tại ngày cuối, ngày 26.7, của Hội nghị quốc tế biển Đông 2014, học giả các nước tiếp tục thảo luận để tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế những leo thang của Trung Quốc và nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa các nước đang có tranh chấp trên biển Đông.

Luật rừng của Trung Quốc hay luật quốc tế

Dự kiến sẽ trao đổi bài tham luận vào ngày cuối tại hội nghị, nhưng cuối cùng ông Cao Qun, Trung tâm An ninh hàng hải và hợp tác, ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc vắng mặt. GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về biển Đông thuộc Học viện quốc phòng Úc thay mặt đọc tham luận của ông Cao Qun, về quan điểm của Trung Quốc khi Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển (UNCLOS).

Trong tham luận, ông Cao Qun liên tục cáo buộc Philippines kiện Trung Quốc là không có cơ sở, vì Trung Quốc chỉ tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của mình, đồng thời cho rằng Trung Quốc không hề vi phạm UNCLOS.

Đồng thời, ông Cao Qun cho rằng, đường chín đoạn đã ra đời rất lâu, từ năm 1947, trước khi UNCLOS ra đời. Trung Quốc có quyền và cơ chế lịch sử, nên Philippines không thể phê phán Trung Quốc đi ngược với UNCLOS được. 

“Xa hơn, Philippines đã thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ trao đổi với Trung Quốc về tranh chấp”, ông Cao Qun viết.

clip_image004

Ảnh: L.Quỳnh

 
Tại hội nghị, phản ứng khá gay gắt với tham luận từ phía Trung Quốc, ông Renato De Castro, đến từ ĐH De La Salle, Philippines, cho rằng Trung Quốc đang thể hiện một sự hung hăng rất lớn khi liên tục thay đổi bản đồ mà không dựa trên cơ sở nào.

Theo ông Renato De Castro, việc Philippines kiện Trung Quốc là hành động phản ứng của nước này khi bị Trung Quốc dồn vào việc phải chấp nhận việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarboroug vào năm 2012.

Việc Trung Quốc cho rằng đã có đường lưỡi bò trước khi có UNCLOS là không có cơ sở. Nó được thực hiện bởi một cá nhân, mà một cá nhân thì không thể nào xác định được cương thổ quốc gia".
Ông Lê Vĩnh Trương, đến từ Quỹ Nghiên cứu biển Đông Nam Á.

Mọi buộc tội của Philippines với Trung Quốc đều có cơ sở. Trong vòng 17 năm quan, Trung Quốc luôn “làm ngơ” trước mọi yêu cầu cùng thảo luận về vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Philippines, cũng như chưa bao giờ chịu giải thích đường chín đoạn là như thế nào. Vì vậy, các quốc gia có chủ quyền buộc phải đưa Trung quốc ra Tòa án quốc tế.

“Chúng ta phải tôn trọng hệ thống luật quốc tế chứ không thể dùng "luật rừng" như Trung Quốc. Những nước lớn cũng phải tôn trọng luật quốc tế. Quốc gia lớn hay nhỏ đều có lợi ích quốc gia của mình và đều cần được tôn trọng”, ông Renato De Castro nói.

Cần kiện Trung Quốc, nhưng cái chính vẫn là tương quan lực lượng

Chia sẻ quan điểm với Philippines, ông Lê Vĩnh Trương, đến từ Quỹ Nghiên cứu biển Đông Nam Á, việc Việt Nam dùng luật pháp quốc tế, cụ thể là kiện Trung Quốc theo UNCLOS, là phương pháp văn minh, giảm sự leo thang chiến tranh của Trung Quốc, giảm nguy cơ hoặc chấm dứt chiến tranh.

Trong suốt nhiều năm quan, Trung Quốc đã có những hành vi bắt bớ, giết chết ngư dân Việt Nam, cắt cáp, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam… Việt Nam đã nỗ lực thương thuyết 26 lần với Trung Quốc nhưng nước này vẫn bặt âm vô tín.

Vì vậy, theo ông Trương, nếu Việt Nam tiếp tục chính sách thương thuyết với Trung Quốc thì sẽ phải hối tiếc về sau. Điều này khiến Trung Quốc sẽ ngày càng gây hấn với Việt Nam hơn, Việt Nam ngày càng nhượng bộ và yếu thế; sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cái nhìn của người dân Việt Nam lẫn quốc tế.

 

clip_image005

 

GS Carl Thayer tại nơi trưng bày chứng cứ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bên ngoài hội nghị - Ảnh: L.Quỳnh

   
“16 chữ vàng hoặc 4 chữ tốt cũng chỉ là uyển ngữ, đang đi ngược lại tình hình chính trị trong khu vực hiện tại. Chúng ta cần dùng mọi biện pháp để giảm nguy cơ chiến tranh. Nếu chỉ dùng duy nhất biện pháp thương thuyết thì đó sẽ là nguy cơ xảy ra chiến tranh”, ông Trương nói.

Đồng thời, việc kiện Trung Quốc không chỉ là phương pháp chủ động trong ngoại giao, tạo ra những hình ảnh tích cực về chính sách và chính trị cho Việt Nam, mà nó còn là liệu pháp vắc-xin về kinh tế về lâu dài với Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo ông Trương, Việt Nam có thể gặp khó khăn về ngắn hạn, thậm chí trung hạn, nhưng về lâu dài Việt Nam có thể cân bằng về kinh tế, chính trị.

“10% của Việt Nam là xuất khẩu, nhập khẩu là 28%, Trung Quốc là một trong 7 quốc gia đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Nếu Trung Quốc cấm vận thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng 28%. Nhưng nhìn lại thời kì Việt Nam bị cấm vận 1975 – 1989, Việt Nam bị tác động đến 58%, nhưng sau đó, chỉ mất 2 năm, kinh tế Việt Nam đã phục hồi về xuất khẩu, tìm ra những thị trường khác như Châu Âu, Tây Âu, Châu Mỹ,…”, ông Trương dẫn chứng.

Đồng quan điểm cần kiện Trung Quốc, trao đổi với Một Thế Giới, GS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế Viện đại học George Mason – nói: vấn đề là mình kiện gì thôi.

Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề Việt Nam kiện Trung Quốc cho thấy cũng có cái lợi và cái hại, nhưng Việt Nam có nhiều lí do để kiện Trung Quốc. “Việc kiện tương đối thuận lợi cho Việt Nam. Tôi không lo mình bị thất bại. Mình kiện để buộc thế giới phải lên tiếng, và nhất là kiện ra Toà án trọng tài quốc tế thì không có phủ quyết được”, GS Hùng nói.

Tuy nhiên, GS Hùng cho biết thêm, luật pháp chỉ có tính tương đối. Trong trường hợp Việt Nam thắng kiện mà Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành vi gây hấn thì cũng khó làm gì được, vì luật quốc tế không có định chế để thi hành, thành ra nó chỉ có tính cách ngoại giao, cái chính vẫn là tương quan lực lượng.

clip_image006

Học giả các nước tại hội nghị - ảnh: L.Quỳnh

 
Cần là một Asian thống nhất, tin tưởng nhau

Thảo luận tại hội nghị, ông Hitoshi Nasu, ĐH quốc gia Australia đề nghị, các nước tranh chấp thay vì ngăn cấm, thì có thể cùng ngồi lại và thống nhất những hành động nào là thù địch và gây thù địch cho đối phương. Điều này sẽ giảm nguy cơ chiến tranh rất lớn.

Còn GS Carl Thayer cho rằng, trong tình hình hiện nay, bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) phải còn mất rất lâu, có thể cả chục năm, để hoàn thiện. Trong khi đó, thực tế khối Asian là một khối bị chia rẽ, với những quyền lợi khác nhau, ngay cả trong nhóm các nước đang tuyên bố bị tranh chấp trên biển Đông cũng bị chia rẽ, không thống nhất trong ứng xử.

Vì vậy, rất cần phải xây dựng được khu hàng hải chung, an toàn, không bị chia cắt, và luật quốc tế được áp dụng cho mọi khu vực hàng hải chung, cả Đông Nam Á, chứ không chỉ biển Đông. Đồng thời, luật pháp quốc tế cũng phải là một phần và lồng ghép vào COC. COC phải được áp dụng toàn bộ vùng biển Đông Nam Á, có như vậy mới tăng được tính đoàn kết và giải quyết được những vấn đề khác. Các lí lẽ, lập luận khi đưa ra toà cũng vì thế mà mang tính thống nhất. 

“Thực tế, Trung Quốc đã tham gia nhiều đối thoại về tranh chấp lãnh thổ trên đất liền, cũng đã có một số nhượng bộ, nhưng vấn đề là Trung Quốc ngày càng trở thành cường quốc, không ngừng hiện đại hoá quân sự của mình. Vì vậy, nếu muốn giải quyết vấn đề khu vực thì cần lùi lại, nhìn lại bức tranh tổng thể của Trung Quốc. Và cần tăng cường tính thống nhất để Asian mạnh hơn, tăng cán cân khi xử lý, thương thuyết thảo luận với Trung Quốc. Trung Quốc khi đó phải tuân theo quy định quốc tế chứ không thể đánh lẻ. Việc cần xây dựng một hội đồng bảo an chính trị của Asian cũng là đề nghị của tôi”, GS Carl Thayer giải thích.

L.Q

Nguồn: motthegioi.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn