Chiều sâu văn hoá của một biểu tượng

Tương Lai
Dư luận vẫn đang râm ran về chuyến “Mỹ du” của ông Trọng như một “biểu tượng”. Biểu tượng cho cái gì thì xem ra còn phải suy ngẫm kỹ hơn về “hậu Mỹ du”. Nhưng có một biểu tượng nữa khá nổi bật trong toàn cảnh của sự kiện vừa diễn ra đã gợi lên nhiều suy ngẫm cũng nên viết ra. Đó là biểu tượng về những nhân vật mà giới báo chí quốc tế tặng cho danh hiệu là “kiến trúc sư” của mối quan hệ Việt Mỹ.
Về phía Việt Nam thì giới báo chí trong và ngoài nước nhắc nhiều đến, theo lời cựu Đại sứ Mỹ tại VN Bill Sullivan: “những tượng đài” kiến tạo mối quan hệ Việt-Mỹ như Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt, Trần Quang Cơ… Ở đây chỉ xin nói vài dòng về phía người Mỹ với những tên tuổi tràn ngập trên báo chí như các Thượng nghị sĩ Jonh McCain, John Kerry, cựu đại sứ Mỹ Peterson… Họ là những cựu chiến binh Mỹ trên chiến trường Việt Nam cách đây gần nửa thế kỷ. Có người từ buổi ấy đã trở thành người phản đối quyết liệt cuốc chiến tranh khi rời cuộc bắn giết vô nghĩa với lời tuyên bố xúc động lòng người: “Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?” Đây là lời của J. Kerry tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khi trình bày quan điểm của mình về chiến tranh Việt Nam, cũng là nói trước những cựu binh Mỹ và giới truyền thông đang đứng chật cả gian phòng điều trần.

Ông J. Kerry nói tiếp: “Bài học mà tôi học được ở Việt Nam là chúng ta sẽ gặp rắc rối nếu chúng ta để cho chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia đi quá xa khỏi những giá trị của chúng ta với tư cách là một đất nước và một dân tộc. Ông trở thành người khởi xướng phong trào phản chiến bằng nhiều cuộc biểu tình với việc ném huân chương vào tòa nhà Quốc hội để nói rõ: “Tôi làm điều này không phải vì bạo lực mà là cho hòa bình và công lý, cũng như nỗ lực cảnh tỉnh đất nước này một lần và mãi mãi”. Cùng mong mỏi về hòa bình và công lý như J. Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain tích cực vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Nói như The Boston Globe, nỗ lực, quyết tâm của tất cả các bên liên quan đã hội tụ thành một trong những hình ảnh mang tính lịch sử của Mỹ: tháng 7.1995, J Kerry và McCain, hai thượng nghị sĩ, hai cựu binh thuộc hai đảng luôn đối lập với nhau, cùng đứng chứng kiến Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Sẽ thừa nếu dài dòng về những diễn biến tiếp của những sự kiện mang “tính lịch sử” đó. Xin chỉ nói thêm về khía cạnh cựu chiến binh của họ và cũng không chỉ của hai vị thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đều từng là ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ. Thì chẳng phải vị Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên đến Hà Nội khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố lập lại quan hệ bình thường với Việt Nam, ông Peter Peterson cũng là một cựu chiến binh trở về từ Việt Nam đó sao?
Cũng như Thượng nghị sĩ McCain, Đại sứ Peterson đã là người từng phải hơn 5 năm là khách của “Hilton Hà Nội”! Cũng chính tại nơi này, ông McCain thản nhiên nói với người Hà Nội trong dịp đến Việt Nam vừa rồi: “Sáng nay tôi đã đi thăm Hỏa Lò. Đã có lúc tôi cố nhớ ra vị Chủ tịch Hà Nội lúc đó. Đó có phải là ông Trần Duy Hưng không, thưa ngài? Bây giờ Hỏa Lò đã có nhiều thay đổi, nhưng có thể nói người Pháp đã xây nhà tù rất tốt”. Liệu có cần nói thêm đôi dòng những gì tiềm ẩn trong câu nhận xét dí dỏm ấy của một người từng chịu đựng sự khắc nghiệt của cảnh sống “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nay trở lại cảnh cũ người xưa để hàn gắn mối quan hệ Việt Mỹ?
Vì rằng đâu chỉ có mỗi ngài cựu binh McCain! Báo chí, truyền thông Việt Nam từng đưa rất nhiều hình ảnh của những người cựu chiến binh Mỹ trở lại chiến trường xưa để mong giải toả những ẩn ức về chiến tranh Việt Nam mà họ từng là người cầm súng. Họ muốn làm sao để lương tâm đỡ dằn vặt, muốn làm một cái gì đó với mảnh đất mà họ đã dội bom, rải chất độc dioxin! Bằng trải nghiệm khắc nghiệt của số phận, họ đã nhận ra rằng chiến tranh Việt Nam “là tai họa tồi tệ nhất với mọi công việc mà Mỹ đảm nhận trong suốt 200 năm lịch sử” như George R. Kennan từng nghiêm khắc tố cáo.
Và không chỉ thế, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton còn nói rõ hơn: “Khi những người bạn Việt Nam chấp nhận chúng tôi và chúng tôi chấp nhận những người bạn Việt Nam, thì chúng ta đã giải phóng chính mình”. Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 2.7.2015 viết: “Ông nhắc lại những người Mỹ đã có công lớn trong tiến trình bình thường hóa quan hệ như cựu đại sứ Pete Peterson, con rể Tổng thống Johnson, các thượng nghị sỹ John McCain, John Kerry…, và cảm ơn họ vì đã tạo ra động lực cho ông thực hiện điều này. Ông kể lại câu chuyện xúc động mà ông chứng kiến khi đến thăm Việt Nam năm 2000.
Lần đó, ông đến thăm một khu vực mà người Việt Nam và Mỹ đang tìm kiếm hài cốt một phi công Mỹ. Người con của viên phi công còn nằm trong nôi lúc bố hy sinh. Khi nhìn những người Việt Nam lăn lộn trong vũng bùn để tìm những mảnh xương của bố, anh đã rơi nước mắt. Còn vợ ông, bà Clinton, đã gục vào vai chồng. “Chưa bao giờ trong một khoảng đất nhỏ như thế lại thấy nhiều như vậy người Việt Nam và Mỹ cùng nhau tìm những mảnh xương, mảnh xác của một quân nhân Mỹ,” giọng ông cựu Tổng thống trầm lại.
Chiến tranh đã lùi xa non nửa thế kỷ, những cựu binh Mỹ trở lại chiến trường xưa khi khẩu súng trên tay đã vứt bỏ chỉ còn lại trái tim theo nhịp đập thổn thức trong lồng ngực họ. Quả là như ai đó từng nói, “trên con đường vùn vụt các thế hệ, quả tim tội nghiệp của con người vẫn là quả phao để cứu giữ ít nhiều thơ mộng khỏi sa vào vực tối”! Ấy vậy mà cái quán tính tệ hại của những người vốn chỉ tìm thấy ánh hào quang trong ùng oàng súng đạn chưa thể quen với não trạng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” như ông Trọng đã trót nói trong bài diễn văn ở Mỹ. Những người này không sao nghe nổi nhịp đập của trái tim với chiều sâu văn hoá của nó cho dù họ từng rao giảng “văn hoá là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội”!
Thì đây, xin đọc đoạn tin BBC ngày 8 tháng 8 2014: “Vào cuối cuộc tiếp xúc, ông Nghị tặng ông McCain hai tấm ảnh khổ A4, chụp tấm bia tại đường Thanh Niên bên hồ Trúc Bạch trên có hình ông McCain bị bắt làm tù binh 47 năm trước. Phóng viên Việt Nam đi theo đoàn thuật lại rằng ông Nghị nói với ông McCain lúc đó: “Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không? Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết. Còn ngài thích, thì tùy ngài“. Đáp lại, ông McCain chỉ vào tấm ảnh và than phiền rằng ông là “thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”. Hành động của ông bí thư Hà Nội đã thu hút khá nhiều bình luận trên các diễn đàn mạng, trong đó một số ý kiến chê trách ông “thiếu nhạy cảm”.
Thiếu nhạy cảm là ngôn từ có phần tế nhị nhằm làm giảm bớt đi sự bất nhã của một ứng xử thiếu văn hoá đối diện với một ứng xử văn hoá mà nếu thiếu nó thì không thể có được sự cao thượng trong hành vi của J. McCain, của J. Kerry, của P.Peterson, của Chuck Hagel… những cựu chiến binh Mỹ nay đang gánh vác những trọng trách và đã hết mình trong việc thúc đẩy mối quan hệ Việt-Mỹ. Đấy là chưa nói đến của chính Tổng thống Bill Clinton trong dịp ông đến Hà Nội năm 2000 cũng đã bình thản từ tốn trước hành vi của người tiếp mình mà báo chí nước ngoài dạo ấy phẩm bình là ứng xử của “cốt cách lính tẩy”!
Lẽ nào món quà tặng của người sắm vai vai một “sứ thần ngoại giao” từ một nước “nghìn năm văn hiến” nhằm bày tỏ thiện chí của nước mình vẫn tiếp tục lối ứng xử đáng xấu hổ đó sao? Hãy đối chiếu với những lời như BBC miêu tả: ““Thú vị”, “sâu sắc”, “ngỡ ngàng”, “kỳ diệu”, “hết sức tâm đắc” – đó là những từ mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng trong phát biểu với Tổng thống Obama và trong bài diễn văn đọc trước bữa tiệc chiêu đãi do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì” để nhìn rõ hơn sự bất nhã và kệch cỡm của lối ứng xử tệ hại đó. Tờ báo chính thống của cơ quan sở tại đã có một bài dài tường thuật việc tặng quà “có một không hai” này, với những lời mùi mẫn tâng bốc mà người viết bài này buộc phải làm cái việc chẳng đặng đừng để xấu hổ ghi lại nguyên văn: “Nó gợi lại cho con người mà chúng tôi đang ngồi bên cạnh nhớ lại quá khứ – một quá khứ thật là khốc liệt và đầy ý nghĩa với cả người “từ trên trời rơi xuống” theo đúng nghĩa đen, và những người “từ dưới đất xông lên”, vít cổ chiếc máy bay của vị thiếu tá phi công năm xưa, bây giờ là một Thượng nghị sĩ có thâm niên và uy tín lớn trong chính giới Hoa Kỳ.
Chính cái câu “thật tình” này đã bộc lộ đầy đủ thâm ý của chuyện “tặng quà” cho một người bạn đã từng gạt bỏ quá khứ, ở đây là một quá khứ nghiệt ngã của một thân phận từng phải chịu đựng trong hơn 5 năm trong nhà tù Hoả Lò Hà Nội để khảng khái quyết liệt đấu tranh cho việc thúc đẩy nhanh mối quan hệ Việt Mỹ. Thâm ý tệ hại đó càng thể hiện rõ trong những dòng sau đây cũng trên tờ báo ấy: “Sau khi ngắm nhìn tấm ảnh, chúng tôi có đôi chút thảng thốt, e ngại bởi ngài Thượng nghị sĩ vốn rất nổi tiếng là thẳng thắn và bộc trực, kể cả trong chính trường cũng như trong đời thường”.
Vì sao đã “thảng thốt” mà vẫn cứ tiếp tục thực hiện cái kịch bản soạn sẵn một cách tỉ mỉ đến vậy nếu không là sự bộc lộ cái tầm văn hoá đáng xấu hổ trước một chính khách đã coi đất nước này là đối tác đáng trân trọng của Mỹ trong khu vực châu Á như J. McCain từng tuyên bố trước chính giới Hoa Kỳ: “Việt Nam là một đối tác đang nổi lên quan trọng mà Hoa Kỳ chia sẻ lợi ích chiến lược và kinh tế”. Với một viễn kiến của nhà chiến lược, McCain “coi Việt Nam là một đối trọng đáng giá trong khu vực để đối đầu với Trung Quốc” Đó cũng là tình cảm đáng quý của ngoại trưởng John Kerry qua lời Đại sứ Ted Osius: “Ngoại trưởng John Kerry khi chỉ định tôi làm đại sứ tại Việt Nam, ông đã nói: “Này Ted, anh đã quay trở lại ngôi nhà của tôi”.
Phải hiểu việc “tặng quà” này sao đây nếu đối chiếu với điều mong mỏi mà chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nói với với người Mỹ: “Phải cùng nỗ lực không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ Đối tác toàn diện, tạo cơ sở nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong tương lai”? Thậm chí ông Trọng còn văn vẻ dẫn ra lời của Theodore Roosevelt: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công”. Liệu món quà kia rồi sẽ khiến cho công luận nhìn nhận ra sao về việc “tạo cơ sở nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong tương lai”? Hay là họ chưa muốn có những bước tiến đến “tầm cao mới” mà chỉ muốn dừng lại ở “một nửa thành công”?
Có lẽ điều dễ thấy nhất là họ vẫn đang loay hoay trong tâm trạng tiến thoái lưỡng nan, buộc phải “dẫu lìa ngó ý” nhưng rồi vẫn cứ “còn vương tơ lòng” nên cố nặn ra một kịch bản “tặng quà” đáng xấu hổ kia để gửi một tín hiệu cho “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” trấn an rằng “tôi vẫn là tôi”? Hiềm một nỗi, những sợi “tơ lòng” vốn mong manh thấm đượm chất nhân văn còn vương vấn kia lại đang được xe bằng những nguyên liệu thô rắn nhằm giằng giữ cái ghế quyền lực đang lung lay mà ai đó cố bám lấy thì thật quá phũ phàng!
Bỗng nhớ lại câu chuyện với vị học giả đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) trước chuyến “Mỹ du” của ông Trọng quãng ba tuần lễ khi ông bình một câu rất vắn về ứng xử của người nhận quà: “Thì người Việt Nam các ông vẫn hay nói đấy thôi, quân tử không chấp kẻ tiểu nhân” rồi ông chuyển sang chuyện khác. Có lẽ ông muốn tránh cho người ngồi đối diện với ông, bên ấm trà vừa pha chưa kịp nhấp, khỏi phải chịu đựng kéo dài cảm giác xấu hổ về một hành vi ngược hẳn với truyền thống văn hiến của dân tộc mình. Chỉ có điều, sự tế nhị của vị học giả uyên bác kia nào có ngăn được những nỗi niềm khó nói tiếp theo khi nhà báo kỳ cựu của tờ Le Monde của Pháp, rồi người nữ phóng viên của Bloomberg, lại thêm người đại diện của hãng Kyodo Nhật Bản trong những buổi đến thăm sau đó cứ vô tình xoáy vào nỗi đau thế sự của món quà khiếm nhã kia mà đối với họ là chuyện cập nhật của giới truyền thông quốc tế khó bỏ qua. Bỏ qua sao được sự kiện hy hữu mà giới săn tin và thạo tin cố phân tích những gì nằm ở phía sau sự kiện để hiểu thật rõ về những diễn biến mà họ đang ra sức tìm hiểu.
Các nhà báo đâu có để ý đến nỗi đăm chiêu của chủ nhà cố vui vẻ mời họ thưởng ngoạn ngụm trà sen còn đượm nhưng lại đắng ngắt trong cổ họng người pha trà. Vị đắng của những suy tư về một biểu tượng khác của “sự kiện lịch sử”: Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp đó là Thượng nghị sĩ McCain thân tình đón ông Trọng cho dù trước chuyến đi người từng hai lần là ứng cử viên Tổng thống Mỹ ấy đã nhận được món quà có một không hai từ vị “sứ thần ngoại giao” của ông Tổng bí thư phái đến.
Thượng nghị sĩ 78 tuổi đưa Tổng bí thư tham quan văn phòng làm việc nơi có những bức ảnh xưa cũ của ông và gia đình, đặc biệt là tấm hình chụp ở hồ Trúc Bạch. “Đây là Trúc Bạch, một phần của Hồ Tây”, TNS John Mc Cain giới thiệu. (Vietnamnet 13.7.2015)
Vì sao mà đắng? Vì nhớ lại khuyến cáo cách nay đã một thế kỷ của M. Gorky: “Tổ quốc sẽ ít bị đe doạ hơn nếu có nhiều văn hoá hơn” khi đưa ra cảnh báo về nguy cơ của “cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”!
T. L.
Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn