Sau cơn lũ

Kính Hòa, phóng viên RFA

clip_image001

Người dân, du khách chạy lũ ở Quảng Bình hôm 15/10/2016. AFP

“Người dân Việt đang trả giá cho những gì họ không làm”

Cơn lũ dữ dội ở miền Trung rồi cũng qua đi, nhưng ở thời buổi truyền thông mạng, thì hình ảnh hệ lụy của nó còn đó, mãi mãi. Nhạc sĩ Tuấn Khanh ghi nhận hình ảnh một chú bò trong cơn lũ giương đôi mắt mà nhạc sĩ nói rằng đầy tuyệt vọng, mệt mỏi. Đôi mắt bò làm Tuấn Khanh nhớ đôi mắt người phu xe của nhà văn Nguyễn Công Hoan hơn nửa thế kỷ trước, vào cái thời người ta gọi là thực dân phong kiến, cũng mệt mỏi và đầy tuyệt vọng.

Ông cho rằng Người dân Việt đang trả giá cho những gì họ không làm.

Đôi mắt của con bò cố sống sót ở Quảng Bình hôm nay, sẽ đi vào lịch sử. Nó là bức tranh hiện thực đau nghiến, nhưng căng phồng những nỗi niềm mà người dân cũng đang loay hoay và cố sống sót như chính con bò của mình. Gần một thế kỷ sau, hình ảnh đôi mắt của một con người không tương lai của Nguyễn Công Hoan lại ám ảnh người xem, nhưng lần này còn thấp hơn nữa, qua số phận một con vật”.

Dòng người cứu trợ thiện nguyện đến ngay vùng lũ ngay lúc dòng nước đục chưa rút đi. Các quan chức, các cơ quan có trách nhiệm tuy có muộn nhưng rồi cũng đến với những cộng đồng người dân bị thiên tai.

Blogger Nguyễn An Sa viết trên trang blog Kinh tế Sài Gòn câu chuyện đã lâu rồi về sáng kiến làm nhà phao cho dân vùng lũ, một sáng kiến đáng tiếc là như chưa bao giờ được thực hiện một cách trọn vẹn. Song, dù có nhà phao đi nữa, thì theo ông cũng không phải là động cơ chính để giải đi nỗi khổ đau của người dân nghèo:

“Người dân nghèo cần đến những chiếc phao để được an toàn về tính mạng, nhưng họ cũng cần hơn những chiếc phao của niềm tin. Sẽ không tổ chức xã hội nào có thể đảm bảo hay lo xuể cho người dân nghèo ở những vùng rốn lũ nếu như cơ quan chức năng vẫn cứ vì nguồn lợi trước mắt, lợi ích nhóm mà nhân rộng mô hình phát triển không bền vững, bỏ qua những hệ lụy tác động lên đời sống người dân. Cũng không tổ chức từ thiện nào có thể lo cho dân hết đói nếu như những chính sách phát triển bỏ qua những điều kiện an sinh dành cho họ.

Và không mô hình nhà phao nào có thể cứu vãn được niềm tin dân chúng sau những phát ngôn lạnh lùng, vô cảm kiểu “xả lũ đúng quy trình” của nhà chức trách”.

Nhóm lợi ích mà An Sa đề cập chính là hàng loạt đập thủy điện treo lơ lững trên đầu nguồn các con sông ngắn, chảy xiết của miền Trung. Chủ nhân ông của những hồ thủy điện này thường xả nước vào đúng những cơn bão lũ, để bảo vệ con đập, làm cho người dân vùng hạ lưu hứng chịu những cơn lũ của trời và cả những cơn lũ do người.

Cũng trên trang blog của tờ Thời báo Kinh tế Sài gòn, người ta thấy bài của blogger Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về nước. Ông so sánh những nông dân miền Tây Nam bộ thiếu nước vì những con đập trên thượng nguồn sông Cửu Long của Trung Quốc, trong khi ngư dân và nông dân Quảng Bình, Hà Tĩnh, phải chạy nước.

“Nước ơi” có lẽ là tiếng kêu đầy cảm thán của dân nghèo năm nay, trong hạn và cả trong lũ. Nhưng “nước ơi” đâu chỉ là dòng nước vật chất, để làm dịu cơn khát của đất hay sự hung hãn từ thiên nhiên, mà còn hình như là tiếng kêu đau sâu thẳm.

clip_image003

Nhà dân bị ngập lụt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 15 tháng 10 năm 2016. AFP photo

“Nước ơi”, cũng từng là tiếng kêu đau đớn trong rất nhiều vụ bê bối môi trường, từ Formosa đến cá chết trắng sông rạch do chất thải. Môi trường nước đang bị đe dọa vì chính sách phát triển thiếu hài hòa.

Nước, từ một cổ mẫu văn hóa, trở thành một mối ám ảnh của đời sống hiện tại khi đường vào tương lai không được thiết kế bằng những nhịp cầu bền vững. Từ đó mà trong tiếng kêu than “nước ơi” của dân lành, nước không chỉ có nghĩa một hình thái vật chất”.

Những từ như là bê bối môi trường, chính sách phát triển thiếu hài hòa có lẽ là những từ thẳng thắn nhất mà một tờ báo do nhà nước quản lý có thể nêu lên, khi những nhà báo Việt Nam được ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo rằng vấn đề về môi trường có thể bị kẻ xấu lợi dụng.

Cái tên Formosa mà Nguyễn Vĩnh Nguyên nêu ra trong bài viết của ông có lẽ là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất trên không gian mạng tiếng Việt kể từ tháng tư đến nay, và có thể sẽ còn được nhắc đến nhiều nữa, một khi mà ngư dân, nông dân miền Trung chưa cảm thấy rằng họ được đối xử công bằng như là những nạn nhân của thảm họa môi trường.

Những dòng người tiếp tục biểu tình, tiếp tục kiện tụng đòi Formosa đóng cửa.

Chính quyền phải đối phó, họ đối phó bằng nhiều cách, một trong những cách đó được cho là ra lệnh cho công ty taxi Mai Linh không được chở người dân đi kiện. Dù công ty này có trần tình là họ không hề nhận được lệnh như vậy, nhưng khắp các trang mạng xã hội, người ta lên tiếng kêu gọi tẩy chay Mai Linh.

Tuấn Khanh viết:

“Chúng ta sẽ từ chối những gì bất xứng và vô đạo với chúng ta - con người, cho đến khi nhìn thấy sự đổi thay và tái chấp nhận nó như một dấu hiệu về sự tiến bộ cần thiết.

Sự kiện Mai Linh chỉ là một trong những điều bất cập đang diễn ra trên đất nước này, nơi mà những kẻ có tiền, có quyền vẫn đang tạo ra những điều phi lý mà thường xuyên không gặp phản ứng nào. Chuỗi hành động từ chối từ cộng đồng, có thể coi là phần diễn tập quan trọng để người dân lấy lại tư thế và tên gọi đúng về sự tồn tại của mình, vốn đang bị quên lãng trong một quốc gia”.

Việc tẩy chay Mai Linh làm người ta nhớ những vụ tẩy chay khác trong thời gian gần đây như công ty Tân Hiệp Phát với nghi vấn sản phẩm của họ không hợp vệ sinh.

Không phải ai cũng đồng tình việc tẩy chay. Lý do của những người này đưa ra là việc tẩy chay sẽ làm một số công nhân mất việc làm, làm tổn hại đến những thương hiệu Việt Nam đã dày công xây dựng.

Luật sư Lê Luân không đồng tình với lập luận này:

“Đến đây, tôi tự hỏi, từ khi nào mà ở cái xứ này lại tồn tại một loại tư duy cho rằng, sự thương cảm về cuộc sống của một nhóm người làm công lại quan trong hơn sự an nguy của cả một cộng đồng mà bỏ qua những hành vi không được phép (bất hợp pháp) của một doanh nghiệp, lại sẵn sàng được dung túng và chấp nhận để đánh đổi trong quan điểm của một vài con người nào đó? Họ định tiếp tay cho những hành vi gian manh, dối trá và gây hại cho con người, cho cộng đồng từ các doanh nghiệp bằng cách đưa ra mặc cả về những lợi ích sinh tồn của vài cá thể làm cho những doanh nghiệp bất chấp trong kinh doanh mà kiếm chác lợi ích đó để cốt sao cho nó được tiếp tục tồn tại trên thị trường?”

Một điều lý tưởng lại gây nên tranh cãi

Một việc khác xảy ra giữa cơn lũ, tưởng chừng như là một điều lý tưởng cũng lại gây nên tranh cãi. Đó là việc ông Phan Anh tự gây quĩ đi cứu trợ đồng bào bị nạn. Một số trang mạng nói rằng ông không có quyền làm việc đó, rằng ông đang nhận tiền từ các thế lực thù địch. Nhưng cho đến khi bài điểm blog này hoàn tất cũng chưa có một lời buộc tội nào chính thức từ các cơ quan truyền thông của nhà nước, giống như câu hỏi mà người dẫn chương trình truyền hình Việt Nam đã từng đặt ra cho ông là ông có động cơ gì không khi lên tiếng chống Formosa.

Nhà văn Thùy Linh chúc mừng ông Phan Anh và viết rằng Mọi con đường dẫn đến trái tim rất khó dựng rào chắn bởi những bàn tay bọc sắt lạnh lùng, ác độc...

Blogger Song Chi cho rằng nguyên nhân của những tranh cãi kỳ lạ xung quanh những việc thiện nguyện phục vụ xã hội, chính là cơ sở ý thức hệ của xã hội Việt Nam hiện nay:

“Từ những câu chuyên này, thêm một lần nữa chúng ta thấy rằng chế độ cộng sản đã hủy hoại đạo đức xã hội, hủy hoại nhân cách con người, đã làm hỏng con người rất nặng. Cả một xã hội thiếu vắng lòng tốt, thiếu vắng sự tử tế nên khi có một chuyện tử tế, lập tức gây bão. Con người quá thiếu lòng tin vào con người, và đầy những đố ky, ganh ghét, nghi ngờ. Mà chính mỗi chúng ta khi phải sống trong một chế độ như vậy cũng không ý thức hết được mức độ phá hoại, mức độ ảnh hưởng của nó lên từng suy nghĩ, cách nhìn cho tới nhân cách của mình”.

Chính trong cơ sở ý thức hệ đó mà blogger Nguyễn Anh Tuấn mô tả cách thức hành xử của những nhà cầm quyền Việt Nam trước những sự việc như vụ bê bối môi trường Formosa. Sau câu nói của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề chống tham nhũng chính là chống chính đảng của ông, Nguyễn Anh Tuấn viết trong bài tại sao họ không chịu đối thoại:

“Trong bối cảnh những buổi hội nghị được sắp đặt như thế mà ông Trọng và các ông bà tứ trụ còn thường xuyên có những phát ngôn ngớ ngẩn, tệ hại như trên, thì thử hỏi nếu đứng trước cử hàng nghìn cư dân địa phương đang phẫn nộ vì bị mất sinh kế với hàng loạt câu hỏi sát sườn thực tế thảm họa, ông Trọng và tứ trụ của ông sẽ ‘trụ’ được trong bao lâu, nhất là khi xung quanh hàng loạt camera/phone đang chĩa vào đưa tin trực tiếp? Họ sẽ xuất hiện ra trước công chúng với bộ dạng thế nào?

Tới đây tôi hiểu vì sao bạo lực là giải pháp duy nhất họ nghĩ đến.

Đơn giản là vì họ sợ đối thoại công khai.

Mà lý do họ sợ thì lại càng đơn giản hơn:

Họ không quen và không được chuẩn bị cho những buổi đối thoại chưa được sắp đặt trước, và nhiều khả năng sẽ mất hết tự tin trước những câu hỏi họ chưa lường trước từ người dân”.

Trong tất cả những hệ lụy do cơn lũ để lại, về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần, trong tất cả những rối loại xã hội chưa chấm dứt do vụ bê bối Formosa gây ra, blogger Viết từ Sài gòn lại nhìn thấy một sự tương trợ nhau, hòa giải nhau giữa những người Việt khắp năm châu, cũng như hơi ấm của con người mà Viết từ Sài Gòn cảm thấy sau mấy tháng biến động vừa qua. Chúng tôi xin lấy đó làm lời kết của bài điểm blog này:

“Tiến trình hòa giải giữa người dân Việt với nhau nhanh chóng đâm hoa kết trái, những trăn trở, yêu thương, chia sẻ và đùm bọc của người Việt hải ngoại với người Việt trong nước đã nhanh chóng gắn kết họ lại với nhau sau mỗi cơn hoạn nạn, thiên tai. Và sự yêu thương, chia sẻ này đóng vai trò như những viên gạch, dần xây nên căn nhà đại đồng Việt Nam trong tương lai. Mỗi sứ giả thiện nguyện hay nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà đấu tranh dân chủ đóng vai trò như một người thợ xây, đang tỉ mẫn bốc từng viên gạch, dán từng mạch hồ để căn nhà tương lai được vững chãi, đảm bảo thẩm mỹ.

Trong một lúc nào đó giữa cuộc đời, nỗi buồn, sự không may mắn và cô đơn đến vây khốn, dù đã cố gắng chống chọi đến phút cuối mà bạn vẫn không thể đứng vững được, bạn trở nên đau khổ, yếu mềm, lúc đó, dù không nói ra, không ngửa bàn tay ra nhưng trong lòng bạn đã có một bàn tay ngửa ra chờ đón hơi ấm của đồng loại. Bởi chính hơi ấm ấy cho bạn thấy rằng cuộc đời này đáng sống, đáng để tiếp tục tồn tại và nỗ lực”.

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/after-the-flood-10282016101630.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn