Phát triển kinh tế bằng mọi giá: Ai được? Ai mất?

Cát Linh, RFA

clip_image001

Hình ảnh nhà máy luyện gang thép Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh ở thị xã Kỳ Anh. Photo AFP

Vấn nạn ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, nhóm lợi ích…Tất cả phơi bày sau một quá trình tăng trưởng kinh tế bị cho là bằng mọi giá. Ai là người phải gánh chịu tác hại của những tình trạng đó? Và ai hưởng lợi?

Từ tháng 4 năm nay, sau sự cố thảm hoạ môi trường biển do công ty gang thép Formosa Vũng Áng gây ra, các nhà quan sát và các chuyên gia trong và ngoài nước lại gióng lên quan ngại về chính sách phát triển kinh tế thiếu bền vững, bất chấp mọi trả giá kể cả môi trường của Chính phủ Việt Nam.

Không đáp ứng về môi trường

Dự án xây dựng nhà máy luyện thép ở Vũng Áng, Hà Tĩnh từng được cảnh báo có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, cảnh báo đó đã không thuyết phục được giới thẩm quyền trong bộ máy nhà nước. Việc cấp giấy phép 70 năm cho Formosa vẫn được thực hiện.

Nói về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội nhận định rằng:

“Ông Cự thật sự đã phạm pháp về chuyện cấp giấy phép 70 năm cho Formosa. Vì theo đúng luật thì ông ấy chỉ được quyền, và bất kể ai cũng chỉ được cực đại là 50 năm. Và Chính phủ thì mới có quyền cấp trên 50 năm. Ông Võ Kim Cự đã cấp 70 năm rồi”.

Sau khi xảy ra thảm họa môi trường hồi tháng tư, đến cuối tháng sáu, Chính phủ phải thừa nhận hóa chất mà nhà máy Formosa Hà Tĩnh thải ra biển giết chết hải sản, san hô, tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân.

TS Nguyễn Quang A trong lần trả lời Đài Á Châu Tự do đã kêu gọi:

“Tai họa môi trường này phải là một bài học cảnh tỉnh đối với các nhà chức trách Việt Nam, phải cân nhắc rất là kỹ. Các chuyên gia thực sự đã cảnh báo về vấn đề phát triển bền vững, về vấn đề hủy hoại môi trường, về những dự án nhất là dự án công nghiệp nặng. Từ lâu lắm rồi từ vụ Bauxite Tây Nguyên…hoặc ở IDS chúng tôi 8-9 năm trước thì anh Trần Vĩnh Nguyên đã đặt ra khái niệm GDP bẩn, việc chỉ chú trọng tăng trưởng mà không chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường thì có thể được một cái trước mắt, nhưng mà hại một cái vô cùng lâu dài và sẽ rất tốn kém để sửa lại những lỗi lầm đó…rất đáng tiếc những hậu quả ấy nay đã hiển hiện lên rồi”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, trong lần trả lời phỏng vấn qua điện thoại với chúng tôi nói rằng:

“Có lẽ việc này thì theo tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại toàn bộ cái sai trái mà ta vẫn hay gọi là qui trình trong việc cấp phép cho một dự án lớn”.

Tiếp tục những dự án tương tự

Ngay sau đó, trong buổi phát biểu trước cử tri Thành phố Hải Phòng vào tháng Tư năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng sẽ không phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Thêm vào đó báo chí trong nước dẫn lời Thủ tướng rằng “Không thể để tình trạng như Formosa vừa rồi tái diễn trên đất nước ta. Tất cả các dự án đều phải được kiểm soát, kiểm tra, không thể để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy được. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá”.

Thế nhưng ngay sau đó, thông tin về dự án nhà máy thép tại Cà Ná do Tôn Hoa Sen thực hiện thêm một lần nữa khiến người dân sợ hãi sau những gì Formosa gây ra và để lại vẫn chưa được giải quyết.

Gần đây nhất, ngày 20 tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra một danh sách khoảng 30 dự án nhiệt điện, hóa chất, thủy điện, khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành luật bảo vệ môi trường.

Tất cả những dự án, tập đoàn đó đều là những cơ sở lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự do về những quyền và trách nhiệm của Chính phủ trong việc cấp phép cho các dự án lớn như thế này, chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành đưa ra nhận xét:

“Tình hình Việt Nam bây giờ nó cũng dễ mua chuộc các cơ quan nhà nước. Đảng với Nhà nước cũng rất nhức nhối đã đưa ra bao quyết định phòng chống tham nhũng này nọ nhưng mà có giải quyết được đâu? Vẫn tham nhũng vẫn bị mua chuộc, do đó cái khả năng các nhóm lợi ích nó đem tiền ra ảnh hưởng quyết định của các cơ quan là điều mà có nguy cơ xảy ra.

Trong các bộ các ngành, trong các tổ chức gọi là tư vấn hay tham mưu cho các bộ nó có nhiều vấn đề lắm. Có nhiều khi tổ chức tham mưu cho Chính phủ nói một đường nhưng Chính phủ làm một nẻo. Chúng ta đã biết các nhà máy điện của Việt Nam bây giờ ngay các nhà máy đang xây dựng lên thì 100% do Trung Quốc thầu và trúng thầu. Công nghệ của Trung Quốc thì lạc hậu làm nhà máy điện chưa xong thì đã lạc hậu rồi thì tại sao Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại chấp nhận cho công ty Trung Quốc thầu hết các nhà máy điện lớn của Việt Nam thì đó là cả vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ, tại làm sao như thế?

Vấn đề này nó sẽ áp dụng vào các dự án lớn khác ở Việt Nam với số tiền to. Tiền to chừng nào thì dự án bị mua chuộc càng lớn chừng ấy”.

Hậu quả và người nhận hậu quả

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng từng lên tiếng với Đài Á Châu Tự do rằng “Đã đến lúc phải lên tiếng, phải cảnh báo và phải bằng áp lực xã hội để buộc những người có quyền quyết định phải lắng nghe ý kiến của người dân và phải cân nhắc những vấn đề môi trường, không thể có chuyện đánh đổi tăng trưởng lấy môi trường, hủy hoại môi trường… Hiện bây giờ rất đáng tiếc là những hậu quả ấy đã hiển hiện lên rồi”.

Sau một loạt những sự việc diễn ra liên quan đến vấn đề môi trường, mà cụ thể nhất là vụ Formosa Vũng Áng, cho đến nay, tất cả hình ảnh và tường trình từ báo chí chính thống cho đến truyền thông mạng đều cho thấy người dân đang gánh chịu hậu quả và tổn thất rất nặng nề.

Hệ luỵ khác

Không chỉ dừng lại ở đó, cách xử lý hậu quả và đền bù tổn thất cho người dân trong thời gian qua của chính quyền nhà nước lại gây thêm hệ luỵ khác, đó là mất lòng tin, lòng tin đối với người lãnh đạo cao nhất của đất nước, lòng tin đối với những chính sách cụ thể của chính quyền.

Sự mất niềm tin này theo Giáo sư Chu Hảo “là đỉnh điểm của việc mất lòng tin, đi đôi với việc an sinh xã hội, sự bất an trong lòng dân”.

Theo ông, qua sự kiện cá chết hàng loạt và biển ô nhiễm, người dân đã cảm thấy bất an trong cuộc sống. và càng ngày họ càng còn cảm thấy khủng hoảng niềm tin và mất hết sự kiên trì vào việc chờ đợi phương hướng giải quyết từ chính quyền và những người lãnh đạo cao nhất.

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/eco-dev-at-all-cost-who-win-who-lose-cl-10282016194223.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn