Thư ngỏ gửi các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam

Thành phố Hải Dương, ngày 05 tháng 01 năm 2017

Kính gửi:

- Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

- Các ông/bà trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

- Các ông/bà trong Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự kiện chính trị gây sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước gần đây là “Hội nghị Trung ương 4” ban hành nghị quyết về việc Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng. Tình hình nghiêm trọng đến mức, ông Tổng Bí thư cho rằng, nếu không kiên quyết và kiên trì cuộc vận động này, Đảng sẽ đứng trước nguy cơ tồn vong. Nguy cơ tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguy cơ có thật. Cá nhân tôi đồng ý với nhận định của Tổng Bí thư, vì nguy cơ này có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai đất nước và dân tộc Việt Nam. Một khi sự cố ngoài ý muốn xảy ra, nhân dân sẽ lại một lần nữa gánh chịu mọi hiểm họa, kể cả đổ máu, mà trong hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc Việt nam đã chịu mất mát quá nhiều rồi.

Với những suy nghĩ như thế, tôi viết bài này, gửi đến các ông/bà, với hy vọng mong manh rằng, vào một ngày đẹp trời, biết đâu Đảng lại chiếu cố đến ý kiến của tôi, một phó thường dân vô danh tiểu tốt về những vấn nạn xã hội, mà trước tôi, không ít nhân sĩ, trí thức, thậm chí công thần của chế độ đã có nhiều ý kiến tâm huyết gửi đến nhưng hầu hết đều rơi vào “sự im lặng đáng sợ”.

Bây giờ xin đi vào nội dung vấn đề. Trước hết bàn về “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”. Sự thật, trong thế giới này có cái gì không chuyển biến? Thế giới không bao giờ đứng yên. Bản chất của thế giới (tự nhiên cũng như xã hội, động vật cũng như thực vật) là luôn vận động, và mọi sự chuyển biến đều dẫn đến chuyển hóa. Đây là quy luật bất biến. Vấn đề là ở chỗ, thế nào là chuyển biến tích cực và thế nào là chuyển biến tiêu cực. Mà tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá tùy thuộc vào nhận thức hay chỗ đứng của một người, một thể chế hoặc một quốc gia.

Đơn cử như trường hợp của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Ông Kim Ngọc là vị Bí thư sống gần dân, luôn trăn trở về mô hình làm ăn tập thể và năng suất lao động, phương thức sản xuất kém hiệu quả của nó, bởi người nông dân không mấy hào hứng với việc góp ruộng đất, nông cụ và tài sản vào hợp tác xa (một hình thức của công hữu tư liệu sản xuất), dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc “Tám giờ trống đánh kẻng la/Chín giờ lững thững mới ra đến đồng”. Tệ nạn tham ô trục lợi của cán bộ quản lý và cách đối phó tiêu cực của xã viên dẫn đến tình trạng rong công phóng điểm, mà hậu quả của nó là, sau nhiều lần “cải tiến”, phong trào hợp tác xã nông nghiệp chẳng những không lên mà ngày càng đi xuống, chính là lý do khiến Bí thư Kim Ngọc triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy, đưa ra chủ trương khoán thí điểm đến từng hộ gia đình.

Quả nhiên là, với phương thức làm ăn mới, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, sản lượng lúa tăng gấp bội mà số ngày công đầu tư trên cùng một đơn vị diện tích thấp hơn nhiều so với hợp tác xã. Nông dân phấn khởi làm ăn nhưng người “xé rào” đi trước thời gian thì gặp nạn vì, “khoán quản” của Kim Ngọc bị coi là đi ngược với chỉ đạo của Trung ương, chống lại đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở đường cho giai cấp địa chủ, tư sản ngóc đầu dậy (tức là chống công hữu tư liệu sản xuất), thậm chí ông còn bị răn đe: “Các anh mà dám khôn hơn Trung ương à?”.

Cũng may cho Kim Ngọc, thời kỳ kháng chiến, gia đình ông là cơ sở bí mật, từng nuôi giấu một số cán bộ cấp cao của Đảng, trong đó có ông Trường Chinh nên chỉ bị cách chức rồi nghỉ hưu. Tuy “hạ cánh” không mấy an toàn nhưng có lẽ “giời” còn thương, nên cái sự “khoán quản” của ông như một phản ứng dây chuyền giống hệt câu tục ngữ dân gian “Tiếng lành đồn xa”, đã lan đến tận Hải Phòng và một số tỉnh vùng duyên hải. Các tỉnh, thành áp dụng phương thức “khoán chui” này đã đạt được sản lượng lương thực chưa từng thấy, cứu được nhiều nơi xã viên có nguy cơ chết đói thành vùng lúa trọng điểm.

Có thể nói, từ phương thức khoán của Kim Ngọc mà sau đó không lâu Trung ương đề ra “Khoán 10” rồi “Chỉ thi 100”, rồi đến công đoạn chia lại ruộng đất cho nông dân theo “Nghị quyết 04 về nông nghiệp”, tức là chấp nhận cho nông dân có quyền trên mảnh đất của mình (cho dù đó chỉ là quyền nửa vời, là nguyên nhân dẫn đến vô số hệ lụy sau này. Bời vì, đó chỉ là “quyền sử dụng đất” chứ không phải “quyền sở hữu đất”).

Những chỉ thị, nghị quyết “đi chệch” học thuyết kinh tế Marx - Lenin trên của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy chỉ là giải pháp tình huống sau nhiều cuộc tranh cãi trong nội bộ Ban Chấp hành, may thay, chẳng những đã cứu nhân dân khỏi nạn đói triền miên, mà còn biến Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng nhất nhì thế giới. Nếu không có những người yêu nước thương dân, dũng cảm đi tiên phong, công phá thành trì của chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ như bí thư Kim Ngọc, nếu cứ duy trì mô hình hợp tác xã, mà ngay từ khi ra đời nó đã có biểu hiện suy thoái, thử hỏi, ngày nay đất nước ta sẽ đi về đâu với kiểu quản lý và phân phối lương thực, thực phẩm nhếch nhác thời bao cấp? Dẫn chứng mà tôi vừa nêu trên, ông Nguyễn Phú Trọng và các ông/bà trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận Trung ương, hẳn chưa ai quên.

Việc làm của Bí thư Kim Ngọc có thể được xem là một vụ “tự chuyển biến”. Ông bị những người có cách nhìn bảo thủ, giáo điều đánh giá là thoái hóa, biến chất, chống lại đường lối của Đảng, một tội danh rất nghiêm trọng, xứng đáng bị kỷ luật cách chức. Song, cũng thật trớ trêu, chủ trương “tự diễn biến” của Kim Ngọc, cùng với thời gian, lại đưa đến những kết quả bất ngờ không thể phủ nhận. Thực tiễn đã chứng minh một cách hùng hồn. Ý tưởng khoán hộ gia đình của ông mang lại hiệu quả kinh tế nhỡn tiền, đến mức cả Bộ Chính trị đến Ban Chấp hành Trung ương đều phải “tự chuyển biến” theo bằng Nghị quyết 01.

Ông Tổng Bí thư là người có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, hẳn cũng biết rằng, sự vận động, chuyển biến của vạn vật trong vũ trụ là quy luật bất biến. Sự vận động này bao hàm cả nguyên lý đấu tranh giữa các mặt đối lập, là nền tảng của mọi hình thức tiến hóa. Triệt tiêu sự vận động, chuyển hóa có nghĩa là chết! Quá trình vận động của nền kinh tế Việt Nam mấy chục năm qua là một minh chứng tuyệt vời cho hiện tượng “tự chuyển biến” mà bất cứ ai, từng sống qua thời sổ gạo và tem phiếu kinh hoàng cũng đều ghi nhớ nằm lòng.

Nghị quyết về việc đổi mới toàn bộ nền kinh tế Việt Nam từ tập trung quan liêu bao cấp đến kinh tế thị trường chỉ là cách nói cho sang, thực ra, chúng ta đang quay lại quy trình ban đầu từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, là thừa nhận nền sản xuất tư nhân, chấp nhận cổ phần hóa nhưng lại kèm theo cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” nên kém hiệu quả, đồng thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến quốc nạn tham nhũng. May thay, cũng nhờ vào sự “tự chuyển biến” này mà đất nước tránh được nguy cơ sụp đổ mười mươi vào thời kỳ Đông Âu và Liên Xô tan rã.

Sở dĩ phải dài dòng những chuyện trên là tôi muốn nói rằng, các ông dùng cụm từ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” là rất tùy tiện, không gọi đúng tên sự vật, hoặc khái niệm. Thực trạng của Đảng hiện nay, như các ông từng khẳng định là suy thoái về đạo đức, lối sống, sa sút về phẩm chất cách mạng, phai nhạt lý tưởng, mất niềm tin vào chủ nghĩa Marx - Lenin, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, tham nhũng tràn lan, chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm, làm cho Đảng mất lòng tin với nhân dân, v.v. và v.v.

Thực chất của hàng loạt biểu hiện mà tôi vừa liệt kê là gì nếu không phải là sự tha hóa? Vì vậy, để ngăn chặn có hiệu quả, trước hết ta phải gọi đúng tên giống như phải chẩn đoán đúng bệnh sau đó mới đến công việc bốc thuốc. Vậy thì, không gì khác hơn, ta phải dũng cảm kê ra một toa thuốc mang tên “Chống tha hóa trong Đảng để lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng”. Từ đó mới có phác đồ điều trị, nếu kiên quyết “đả hổ diệt ruồi” triệt để, may ra mới thuyên giảm, còn vẫn lấn cấn như quan điểm của ông Tổng Bí thư: “...khó lắm, vì lợi ích nhóm, không khéo, ta chống lại ta, ném chuột sợ vỡ bình” thì vô phương cứu chữa. Căn bệnh tha hóa đã quá trầm trọng, trước hết nó ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nguy cơ có thực, đến nỗi cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải kêu lên là “cả một bầy sâu”..., còn cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan thì than thở: “chúng ăn của dân không từ một thứ gì”.

Tất cả những vấn đề các ông/bà nêu ra đều không sai, thế nhưng, một câu hỏi cần được làm sáng tỏ là: nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng đáng lo ngại trên?

Trong nhiều năm qua, theo dõi 4, 5 kỳ Đại hội, chúng tôi thấy trong các Báo cáo Chính trị đều nêu ra một số nguyên nhân giống hệt nhau, nào là đấu tranh phê bình, tự phê bình kém, nào là bảo thủ, trì trệ, nào là không nghiêm chỉnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, và cuối cùng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do “thế lực thù địch” chống phá. Theo tôi, đây không phải là nguyên nhân cơ bản. Bởi lẽ, “vận động”, “phê bình” nhiều như thế, “học tập tấm gương đạo đức” nhiều như thế mà tình trạng tha hóa ngày cáng trầm trọng, “diễn biến” ngày một phức tạp, thủ đoạn tham nhũng ngày một tinh vi, thì phải hiểu là, có một nguyên nhân cốt lõi, nguyên nhân bản chất mà ta không nhận ra hay không dám nhận ra?

Xin nêu một ví dụ để mọi người hình dung. Ở những quốc gia dân chủ, luật pháp nghiêm minh, kinh tế, văn hóa phát triển như các nước Bắc Âu hay gần ta hơn cả là Hàn Quốc, Singapore, những kẻ thuộc thành phần lưu manh, trộm cắp, muốn ăn trộm, ăn cắp cũng không thực hiện được ý đồ, bởi bọn chúng bị áp lực cộng đồng ngăn cản và lên án. Vả lại, an sinh xã hội, đạo đức xã hội, nhân cách con người tốt như thế thì cần gì phải gia nhập phường đạo chích? Ngược lại, với một xã hội triệt tiêu mọi sáng kiến cá nhân, lấy độc quyền chân lý làm tư tưởng chủ đạo, dùng dối trá làm phương châm ứng xử, thì muốn làm người lương thiện cũng rất khó. Hệ quả tất yếu của nó sẽ là, người ngay sợ kẻ gian, muốn yên thân thì phải im lặng, muốn có chức quyền và phất lên nhanh chóng thì phải là thành viên các phe, nhóm lợi ích, là sân sau của những ông “cốp”, nếu không, sẽ bị đẩy ra bên lề cuộc sống, thậm chí còn bị thanh toán bởi thế lực xã hội đen vốn có mối quan hệ mờ ám với không ít quan chức.

Việt Nam ta đang đứng ở tốp nào trong bảng xếp hạn toàn cầu? Chắc chắn không phải tốp đầu rồi, vì nếu ở tốp đầu thì hà cớ gì đảng ta phải “chỉnh đốn”. Theo tôi được biết, các tổ chức có uy tín thế giới xếp Việt nam vào nhóm những nước có chỉ số tham nhũng cao nhất, chỉ số minh bạch thấp nhất, chỉ số tự do báo chí thấp nhất. Vậy thì, nước ta có phải là một nước độc tài? Thế mà, bà Nguyễn Thị Doan vẫn thản nhiên tuyên bố: “Việt Nam dân chủ gấp vạn lần tư bản”!?, còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì hồn nhiên khẳng định trong một cuộc tiếp xúc cử tri: “Dân chủ đến thế là cùng” hoặc “Nhìn về tổng thể, đất nước có bao giờ được như thế này không”.

Theo thiển nghĩ của tôi, có lẽ, khi phát ngôn những “lời vàng ngọc ấy”, do buột miệng lỡ lời chứ trong thâm tâm chắc không nghĩ thế. Nếu là lỡ lời có thể lượng thứ, nhưng là sự thật thì tôi e đầu óc các vị có vấn đề. Một Tổng Bí thư, một Phó Chủ tịch nước mà nhận thức như vậy thì quả là bảo thủ, trì trệ, vô cùng tụt hậu so với người dân Việt bình thường chứ chưa nói đến cộng đồng các dân tộc văn minh, tiến bộ.

Hành trình của thế giới văn minh là hành trình tìm đến những giá trị cao đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người. Đó là quyền con người, lấy con người làm trung tâm, con người là đối tượng phục vụ, là động lực của mọi sự sáng tạo. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, nhà triết học Aristote (384 - 322 trước Công nguyên) đã có nhận định nổi tiếng về quyền lực nhà nước: “Hễ có quyền lực thì bao giờ người ta cũng có xu hướng lạm dụng quyền lực”. Hơn hai ngàn năm sau, Lord Acton, nhà sử học người Anh (1834-1902) phát triển luận điểm trên thành một mệnh đề hoàn chỉnh: “Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”.

Vì vậy, cũng có thể nói, độc tài tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Và để chống độc tài, tha hóa, Aristote đã nảy sinh ý tưởng thiết lập chế độ dân chủ vào xã hội cổ Hy Lạp qua mô hình tam quyền phân lập nhằm mục đích kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên mô hình này chỉ thành công vào Thế kỷ Ánh Sáng bắt đầu từ John Locke rồi Charles de Seconda, và cuối cùng là Nam tước de Montesquieu trong tác phẩm nghiên cứu về lý thuyết nhà nước “Tinh thần pháp luật” (1748) của mình.

Những điều tôi nói trên đã có khá nhiều người bàn đến, trong đó có cả ông Trần Phương, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Nguyễn Văn An, cựu Chủ tịch Quốc hội. Trong phát biểu của mình, ông An còn nhắc đến việc “Đảng ta trở thành ông vua cộng sản. Đảng ta là đảng toàn trị, và đảng sẽ lại đi vào con đường suy thoái như các triều đại vua chúa phong kiến”.

Như vậy, cứ với căn bệnh trầm kha “tự diến biến” theo quy luật khách quan của Đảng Cộng sản Việt Nam như hiện nay, mà không dám gọi đúng tên, mặt khác lại sợ thuốc đắng, chỉ dùng những toa có vị ngọt thì hệ quả tan rã của nó là tất yếu.

Để có một lối thoát thông minh, các nhà lãnh đạo cao cấp cần phải có tầm nhìn xa, phải tôn trọng mọi ý kiến khác biệt, tránh quy kết, đổ tội cho “các thế lực thù địch”, mà phải dũng cảm nhận ra sự yếu kém của mình, coi dân tộc, đất nước là tối thượng, từ đó có biện pháp điều chỉnh, may ra mới cứu vãn được tình thế ngàn cân treo sợi tóc như hiện nay.

Người viết bài này là cùng thế hệ với các ông/bà. Cùng học với tôi, còn có người đã từng nằm trong “tứ trụ triều đình”, có người là Ủy viên Trung ương Đảng, có người là Bí thư, Chủ tịch tỉnh; còn tôi, tuy chỉ là phó thường dân, nhưng cũng không đến nỗi u mê đến mức không hiểu được những gì đang xảy ra rất nghiêm trọng trên chính trường Việt Nam những năm qua.

Một sự hiển nhiên là, để có được quyền lực của ngày hôm nay, cán bộ, đảng viên phải đồng lõa với tham nhũng. Sự câu kết giữa quyền và tiền dẫn đến việc hình thành nhóm lợi ích, tạo nên kiểu nhà nước “tư bản thân hữu” hay “tư bản đỏ” đang tồn tại trong lòng Đảng Cộng sản Việt Nam, phá tan tành đất nước Việt Nam, tạo điều kiện lý tưởng cho ngoại bang xâm nhập. Chỉ có điều là, các ông không nhìn ra hay cố tình không nhìn ra mà thôi.

Là người đã từng có ông, cha đi làm cách mạng, góp phần vào việc xây dựng nên chế độ này, tôi rất hiểu cái giá của nền độc lập, rất không muốn Đảng Cộng sản Việt Nam sụp đổ trong bạo lực do những xung đột phe nhóm và tình trạng suy thoái kinh tế kéo theo vô vàn thảm cảnh của đất nước, dân tộc.

Với thành ý của một kẻ “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, tôi viết mấy dòng thô thiển này, gửi đến ông Tổng Bí thư, các ông bà trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hội đồng Lý luận Trung ương, rất mong được hồi âm.

Vũ Công Minh, một công dân Việt Nam

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn