NGHỀ CAO QUÝ… ĐÃ “CHẾT LÂM SÀNG” (Phần 2)

“Bài viết này, xin dành tặng cho các Nhà Giáo U70 vẫn còn quan tâm tới nghề cao quý

Nguyễn Thượng Long

clip_image001

LÊNH ĐÊNH THÂN PHẬN NGƯỜI THẦY…

Về phương diện nhận thức chung, thời đại nào, chế độ nào cũng vậy, ngoài nhiệm vụ giáo huấn học sinh những tri thức về tự nhiên, về xã hội, về con người, thầy cô giáo còn có thiên chức khơi gợi, giúp học sinh vươn tới những tình cảm cao đẹp phù hợp với những chuẩn mực CHÂN – THIỆN – MỸ của thời đại mà họ đang sống. Trong những tình cảm cao đẹp đó, lòng yêu nước là thứ tình cảm thiêng liêng nhất được mang hình tượng như là một “Ngọn Lửa”. “Ngọn lửa” đó được lưu truyền từ đời này qua đời khác, có lúc âm ỉ cháy, có lúc bùng lên dữ dội… nhưng không bao giờ lụi tàn cùng năm tháng. Hơn các ngành nghề khác, thầy cô giáo có vinh dự được đảm nhận nhiệm vụ thiêng liêng này. Đó cũng là một trong nhiều lý do mà người xưa gọi nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý và tiền nhân đã xếp người thầy chỉ đứng sau Vua và trước cả bậc sinh thành trong bộ ba QUÂN – SƯ – PHỤ.

Đó là giáo dục nước Nam thời đạo học thịnh trị. Lịch sử giáo dục thời phong kiến Việt Nam còn khắc ghi hình tượng người thầy vĩ đại Chu Văn An (1292 – 1370). Tài năng và đức độ của ông không chỉ thu phục được đông đảo sĩ tử bốn phương trong nước mà còn có thể cảm hóa được cả các loài thuỷ quái, b aba, thuồng luồng… (Xem chuyện: Thầy giáo Chu Văn An và sự tích đầm Mực). Về cuối đời, trước cảnh đời lụi bại bởi đám gian thần trong triều chính, ông dâng sớ đòi chém 7 tên gian thần rồi khẳng khái treo áo mũ từ quan trở về quê hương sống ẩn dật với nghề dậy học và bốc thuốc.

Đến thời mạt Nho… qua đôi câu đối treo trong nhà người thầy cũng rất nổi tiếng Cao Bá Quát (1809 – 1855), ta thấy nghề giáo cũng một lần rơi vào thảm cảnh tàn mạt:

“Nhà trống ba gian một thầy, một cô, một Chó cái

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa Đười ươi”

Thời cận đại, kẻ sĩ Việt Nam cũng có lúc chẳng ra gì:

“Nhất sĩ nhì nông

Hết gạo chạy rông

Nhất nông nhì sĩ”

Thi sĩ Trần Tế Xương (1870 – 1907) để lại những vần thơ chua chát về thân phận người thầy trước ngọn gió Tây học theo chân lính Pháp tràn vào Việt Nam:

“Đạo học ngày nay đã chán rồi

Mười người đi học chín người thôi …”

Và hình ảnh người thầy, người trí thức giai đoạn này là

“Sĩ khí rụt rè Gà phải Cáo

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi”

Sao lại hèn hèn, giống kẻ sĩ đời nay đến thế!

Đến ngày “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…” (Văn Cao), thì nghề giáo được ĐCS đưa lên mây xanh: “Mỗi nhà trường là một pháo đài của CNXH – Mỗi giáo viên là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Khoa trương và đại ngôn thì thế thôi, thực ra thân phận nhà giáo trong tay những người cộng sản lại lênh đênh chìm nổi kiểu khác.

Lứa tuổi U70 trở lên chúng tôi chưa quên những ngày chính quyền mới vào tiếp quản Hà Nội tháng 10/1954. Ngày đó có nơi, có lúc học trò gọi thầy giáo là “Anh Giáo”, vì theo họ, gọi “thầy” là cách gọi của thời phong kiến lạc hậu không dân chủ. Rồi lại đến cái thời cả nước ngắc ngoải trong bao cấp phải chia nhau từng cân gạo, mảnh vải. Có lẽ vì thế mà có lúc, có nơi người ta nói thầy cô giáo không phải là cán bộ, thậm chí người ta coi người dạy học cũng chỉ là thứ THỢ… chẳng khác gì anh thợ cạo, chị thợ cấy… tối mắt chỉ để kiếm cơm.

Gần đây nhất, tháng 8/2016, ở thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh, người ta còn coi cô giáo chỉ là thứ thị nữ, tiếp viên đi tiếp rượu cho khách lúc cần thiết. Khi dư luận bắt đầu xôn xao, chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh tỉnh khô đăng đàn:“Việc điều động các nữ giáo viên đến làm lễ tân là công khai và có chủ trương đàng hoàng”.

clip_image003

Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh

Bất ngờ hơn là đương kim Bộ trưởng Bộ GD – ĐT, vị tư lệnh cao cấp nhất của ngành nghề cao quý, Phùng Xuân Nhạ, lại làm dậy sóng dư luận với những phát ngôn có tính “Nhất Biên Đảo”, công khai bênh vực cho cái xấu, cái ác, rất kỳ lạ: “Chưa tới mức độ trầm trọng!”, “Bị ép thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của cô giáo đã, sau đó mới tính đến người ép buộc!” và “Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nên đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo!”.

clip_image005

“Chưa tới mức độ trầm trọng!” – “Phải hỏi trách nhiệm của các cô giáo đã!”( Phùng Xuân Nhạ)

clip_image007

“… cũng là vì vui vẻ thôi” – (Phùng Xuân Nhạ)

Như thế là nghề dạy học từ bước lên Voi, dù chỉ là Voi giấy “Mỗi trường học là một pháo đài của CNXH - Mỗi thầy cô giáo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục”, đã rơi thẳng xuống thân phận của đám đánh dậm, những thị nữ, ca ve.

Chưa hết… hóa ra câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” có từ những năm 60 – 70 thế kỷ trước nay vẫn nguyên giá trị thời sự, khi để đủ chỉ tiêu người ta tuyển vào sư phạm cả những thí sinh 3 điểm cho mỗi môn thi. Đầu vào thấp như thế, nay mai ra trường họ sẽ khai tâm khai trí được cho ai và “NHÓM ĐƯỢC LỬA” gì trong những tâm hồn trong trắng tuổi học trò và làm sao mà thầy cô tận tâm với sự nghiệp khi động cơ chỉ là vì tiền, đã thế lại khi cần thì dùng, không cần thì sẵn sàng sa thải?!

Thời tôi đi học và đi dạy, bài giảng có thể bị chê là yếu về nội dung TRÍ DỤC, không đáng sợ bằng bị chê là yếu về TÍNH TƯ TƯỞNG. Nhưng tính tư tưởng của một bài giảng thời đó đã có lúc được hiểu một cách hết sức thô sơ, ngô nghê như: “Anh dạy thế nào thì dạy, phải cho học trò thấy: Đảng là đỉnh cao trí tuệ, là mùa xuân bất tận. CNXH luôn luôn là tốt đẹp, là trường tồn, CNTB là xấu là đang giẫy chết. Một đề toán mà cho ra đáp số quân ta lại chết nhiều hơn quân địch thì người ra đề có thể gặp hạn đấy”.

Chính tôi, năm 1969, đi thực tập tốt nghiệp tại trường cấp 3 Vân Đình - Ứng Hòa, dạy bài “KINH TẾ NHẬT BẢN NHỮNG NĂM CUỐI THẬP KỶ 1960”… đã suýt mất nghề vì dại dột cao đàm khoát luận trước học trò: “Chỉ cần hơn 2 thập kỷ sau chiến tranh, bằng nghị lực, sự thông minh và một bản lĩnh phi thường, người Nhật Bản đã tạo lên trên đất nước mặt trời mọc của mình một hiện tượng thần kỳ về kinh tế”. (NTL – 1969)

Lời giảng đó rành rành ghi trong giáo án, tôi bị bắt quả tang ca ngợi phát xít Nhật, hết đường chối cãi, bị trưởng đoàn thực tập là giáo sư Toán học NĐP của ĐHSP Hà Nội I dự giờ, xếp giờ dạy của tôi là loại yếu về giáo dục tư tưởng. Vì theo vị giáo sư trưởng đoàn, qua bài giảng đó, học sinh của tôi chẳng căm thù phát xít Nhật, lại cứ xuýt xoa trước sự phục hồi kinh tế thần kỳ của người Nhật, lại còn ao ước người Việt Nam cũng sớm được như thế mới chết tôi. Nên đã có thời, để chắc ăn, sau mỗi bài giảng về bọn tư bản giẫy chết, là đến màn thầy trò đứng lên hùng hổ hô to khẩu hiệu “Đả đảo bọn thực dân đế quốc và quân ta muôn năm!”. Nếu vẫn chưa hết giờ thì đến màn hát các ca khúc cách mạng của một thời đạp trên xác thù… Như thế họ coi đó là bài giảng có tư tưởng tính, có tính giáo dục lòng yêu nước.

Nói về việc giáo dục lòng yêu nước, thế hệ U70 như chúng tôi, đặc biệt là giáo viên Ngữ văn không ai không nhớ hình tượng kinh điển về một người đàn ông, sau nhiều chục năm bôn tẩu xứ người, khi bước qua đường ranh biên giới để hồi hương, người này đã cúi xuống hôn lên mặt đất dưới chân mình. Qua hình tượng này, nhiều giáo viên giỏi ở mọi thế hệ, đã làm học sinh rơi lệ khi nghĩ về TỔ QUỐC. Vậy mà hôm nay, chính những người thầy và trò ấy, khi đối diện với những thực tế còn mãnh liệt, dữ dội hơn hành vi hôn đất kia rất nhiều, họ lại sẵn sàng vô cảm. Chẳng có giọt lệ nào rơi trước những bà mẹ trẻ đơn thân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga đang nuôi con nhỏ vừa phải vào vòng lao lý hàng chục năm chỉ vì tham gia biểu tình yêu nước và đấu tranh đòi nhân quyền, đòi được sống trong một môi trường không bị ô nhiễm.

clip_image009

Mẹ con cô Trần Thị Nga

clip_image011

Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiên ngang trước tòa

Chẳng thấy ai bận lòng trước cảnh cô Lê Mỹ Hạnh cùng bạn bè bị côn đồ DLV Phan Hùng ở Sài Gòn giữa ban ngày vô cớ xông vào nhà đánh đập dã man.

Năm đó có một nam sinh viên dáng dấp thư sinh, mảnh khảnh, hai tay giơ cao nhiều giờ liền một biểu ngữ phản đối Trung Quốc ngay trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố HCM. Sinh viên đó đứng như một tượng đài bằng xương bằng thịt, một biểu tượng của lòng yêu nước vô bờ của lớp trẻ, làm xúc động biết bao người chứng kiến.

Nhưng với những kẻ chỉ quen sống theo tập tính của những con Cừu, luôn đi đứng, nói năng “THEO LỀ…” (Ngô Bảo Châu), thì hình ảnh đó không gây cho họ một xúc động nào, còn những kẻ “CUỒNG THIÊNG” lại coi hình ảnh đó là PR, là trình diễn, vì theo họ, như thế là ảnh hưởng xấu đến đảng của họ. Nhưng có điều tôi không lý giải được, vì sao mù thiêng mà họ lại vẫn biết rơi lệ trước hình tượng người đàn ông “Hôn Đất” qua lời giảng của giáo viên Ngữ văn? Có lẽ cả thầy cả trò trong trường hợp này họ “MÙ THIÊNG” với giá trị này, lại “CUỒNG THIÊNG” với giá trị khác. Đó là dấu hiệu của một căn bệnh nan y khác là hội chứng “ĐA NHÂN CÁCH” trong một con người.

Người bệnh ĐA NHÂN CÁCH lấy thái độ BẤT BIẾN NGU TRUNG…” làm cơ sở để biện minh cho hành vi “ĐI THEO LỀ…” của họ. Tấm hình dưới đây mô tả những kẻ “CUỒNG THIÊNG – ĐA NHÂN CÁCH” trong cái gọi là “HỘI CỜ ĐỎ…” vào ngày ra mắt với bản năng man dại bị kích động ở mức tối đa đang là hiện tượng rất đáng lo ngại.

clip_image013

Những kẻ “CUỒNG THIÊNG – ĐA NHÂN CÁCH” trong “HỘI CỜ ĐỎ” đang cố tình làm yếu đi sức mạnh đoàn kết Giáo - Lương

11 - 2017

N.T.L.

Nguyên giáo viên Địa Lý của Hòa Bình và Hà Tây

Đón đọc : NGHỀ CAO QUÝ ĐÃ CHẾT LÂM SÀNG – PHẦN 3

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn