Chủ nghĩa Marx còn lại những gì? (Phần 1)

Đặng Xuân Canh

Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã cho đăng một loạt 4 bài (Bản chất con người; Vật chất và ý thức; Đấu tranh giai cấp; Giá trị thặng dư) để chứng minh tính chất đất sét trong đá tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin. Tôi xin bổ sung tiếp một bài “Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?” để góp phần vào một khẳng định: “ Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu xuất phát từ bản chất của học thuyết Marx”.

Bài có 3 phần, gồm:

1- Chủ nghĩa Marx là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu.

2- Tiên tri của Marx về xã hội cộng sản dựa vào một học thuyết giả khoa học.

3- Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?

Đặng Xuân Canh

***

Phần 1

Chủ nghĩa Marx là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu

Để giải thích vì sao Đảng cộng sản Việt Nam kiên định Chủ nghĩa Marx – Lenin, ngày 29-12-2009, ICT News đã viết và đăng trên http://baomoi.com: Sau sự kiện chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, CNXH thế giới lâm vào thoái trào, trong nước ta có một số người hoài nghi về sự đúng đắn của chủ nghĩa Marx-Lenin. Có thể nói chưa bao giờ chủ nghĩa Marx-Lênin lại đứng trước những thử thách nghiêm trọng như hiện nay. Nhưng sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình CNXH trong quá trình đi tới mục tiêu xây dựng XHCN. Nó không đồng nhất với sự cáo chung của CNXH với tư cách một lý tưởng, một mục tiêu, một chế độ xã hội kiểu mới thuộc về hình thái kinh tế xã hội Cộng sản chủ nghĩa.

Viện Triết học thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ngày 09-01-2016, đã viết bài “Giá trị thời đại của triết học Marx“ đăng trên http://philosophy.vass.gov.vn: Chúng ta không cố tình biện hộ cho những thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, cũng không lảng tránh trách nhiệm trước lịch sử. Nhưng những sai lầm đó không xuất phát từ bản chất của học thuyết Marx về chủ nghĩa xã hội mà bắt nguồn từ sự vi phạm những nguyên tắc biện chứng của chủ nghĩa Marx trong quá trình xây dựng và ứng dụng mô hình hiện thực của chủ nghĩa xã hội.

Để chứng minh thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu và sự thoái trào của CNXH thế giới không phải chỉ là sự sụp đổ của một mô hình mà xuất phát từ chỗ chủ nghĩa Marx là một hệ tưởng sai ngay từ đầu, nhà nghiên cứu Richard Pipes, trong bài “Chủ nghĩa Marx là một giấc mộng hão huyền vĩ đại nhất thế kỷ 20“ đã phân tích như sau (*):

Từ năm 1917, sau khi những người Bolshevik cướp được chính quyền ở nước Nga, đã mưu toan xây dựng xã hội theo các nguyên tắc cộng sản trên khắp thế giới. Nhưng rồi tất cả các cuộc thí nghiệm đó đều đã thất bại. Chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ngay tại nước Nga. Còn hôm nay nó chỉ tồn tại trong vài nước: Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba. Ở những nước này, nó đang trong quá trình phân rã. Các đảng cộng sản cầm quyền đã phải nhượng bộ rất nhiều nguyên tắc cộng sản để giữ chính quyền khỏi sụp đổ. Tại sao vậy?

Trước hết, hãy tìm nguyên nhân về sự tan rã của Liên Xô là nhà nước cộng sản đầu tiên và cũng là động cơ chủ yếu của toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế, từ các tiền đề và cương lĩnh cộng sản của nó.

Các kết quả nghiên cứu được công bố sau năm 1991 đã đưa ra hàng loạt nguyên nhân: do kinh tế trì trệ, do công dân Liên Xô đã có điều kiện tiếp xúc với nguồn thông tin nước ngoài, do thất bại ở Afghanistan, do không đủ sức theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang, do chính quyền bất lực trước phong trào bất đồng chính kiến trong nước, do phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan làm suy sụp tinh thần của ban lãnh đạo Liên Xô, v.v. Tất cả các nguyên nhân đó đều có thật, nhưng chúng chỉ có thể tác động mạnh đối với một cơ thể ốm yếu chứ không thể làm sụp đổ một đế chế Liên Xô lúc ấy còn nhiều tiềm lực. Vậy thì tại sao? Đó là vì chủ nghĩa Marx, cơ sở lý luận của chủ nghĩa cộng sản đã mang sẵn trong mình hạt giống của sự tự hủy: Chủ nghĩa Marx hình thành trên một triết lý sai lầm về lịch sử và một học thuyết tâm lý phi thực tế. Có thể kể ra như sau:

1. Luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx về sở hữu tư nhân là hoàn toàn sai. Luận điểm của Marx cho rằng sở hữu tư nhân là một hiện tượng nhất thời, chỉ tồn tại trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy và giai đoạn sau chót của nó. Nhưng các chứng cứ hiện có lại chứng tỏ đất đai là nguồn gốc chủ yếu của tài sản vào thời tiền sử, đều nằm trong tay các Vua, Chúa hoặc nằm trong tay các bộ lạc, các gia đình hoặc cá nhân. Gia súc, thương mại, vốn liếng có ở khắp nơi và luôn luôn trong tay tư nhân. Từ đó có thể kết luận rằng sở hữu tư nhân không phải là hiện tượng nhất thời mà là một thành tố thường trực của xã hội và chủ nghĩa Marx cố gắng bãi bỏ, tiêu diệt nó là sai lầm.

2. Quan điểm của chủ nghĩa Marx về khả năng cải tạo bản chất của con người để phù hợp với chủ nghĩa cộng sản cũng là một sai lầm và đã thất bại. Quan điểm của Marx cho rằng dùng cưỡng ép giáo dục có thể tạo ra những con người mà trước Marx, Platon đã từng mong muốn là tạo ra “con người mà riêng tư và tư hữu bị loại bỏ ra khỏi đời sống“, trở thành con người không còn ước mơ sáng tạo, con người sẵn sàng tan biến vào xã hội. Giả sử các chế độ cộng sản có cố gắng làm được điều đó thì họ cũng không duy trì được kết quả. Các chuyên gia luyện thú đều thấy rằng sau một thời gian luyện tập, các con thú có thể làm được một số trò nhưng để chúng trở lại môi trường tự do thì chúng sẽ trở lại các hành vi tự nhiên. Mặt khác các đức tính có được do cưỡng ép giáo dục không có tính di truyền. Thế hệ kế tiếp sẽ bước vào thế giới với những ước mơ không phải là cộng sản. Vì thế các đảng cộng sản (trong đó có Đảng cộng sản Việt Nam) đã nhiều năm chủ trương đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa“ mà không làm được. Cuối cùng chủ nghĩa cộng sản đã thất bại vì nó không thể làm thay đổi bản chất con người để phù hợp với nó.

3. Tính chất của thế giới hiện thực buộc các chế độ cộng sản phải coi bạo lực là biện pháp quản lý thường trực. Muốn bắt người ta từ bỏ cái người ta được sở hữu và hy sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của nhà nước cộng sản thì phải trao cho các cơ quan quản lý các quyền lực tuyệt đối. Lênin cũng hiểu như vậy nên ông nói:

“Chuyên chính vô sản là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào“.

Điều 4 Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam chính là các sản phẩm chuyên chính vô sản đã được Việt Nam hóa. Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số chính quyền cộng sản dựa vào bạo lực đã kéo dài được sự tồn tại với cái giá phải trả là sự đau khổ kéo dài của nhân dân, đồng thời đã làm tiêu ma mục đích mà Marx mong muốn là đem lại sự bình đẳng cho mọi người dân.

Chuyên chính vô sản dựa vào bạo lực đã tự tạo ra một giai cấp mới, đó là “các đảng viên có chức quyền ở các cấp của đảng cộng sản“, và đảng bây giờ trở thành giá trị tự thân và mục đích tự thân.

Lúc này, “Đảng tức Nhà nước“ không còn cách nào khác là phải nuông chiều “giai cấp mới“ vì nó là lực lượng bảo vệ quyền lực cho đảng. Tầng lớp quan liêu phát triển nhanh chóng. Lý do là tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có kinh tế, đều do nhà nước quản lý. Để làm được việc quản lý phải có đội ngũ quan chức quan liêu đông đảo làm những “con dê tế thần“. Các chính quyền cộng sản cung cấp cho họ những khoản ưu đãi đặc biệt và từ tầng lớp này đã hình thành một giai tầng đặc quyền đặc lợi thế tập. Từ đây, lý tưởng bình đẳng của Marx đã chấm dứt, vì muốn mọi người đều bình đẳng về sở hữu nhưng lại tạo ra bất bình đẳng về quyền lợi. Mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện như thế đã bén rễ ngay trong lòng chủ nghĩa cộng sản và trong đời sống ở các quốc gia do đảng cộng sản độc quyền cai trị và làm ruỗng nát cơ thể của đảng.

4. Khẩu hiệu “Vô sản các nước liên hiệp lại“ đã được Marx và Engels kêu gọi trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, nhưng sự thống nhất của giai cấp vô sản không thể nào đặt cao hơn tình quê hương và giống nòi. Với bất kỳ nước nào, hễ bị nước ngoài đe dọa thôn tính thì tất cả các giai cấp trong nước lập tức đoàn kết lại.

Những khiếm khuyết kể trên vốn thuộc về bản chất của chủ nghĩa cộng sản và đó là lý do đã xuất hiện “chủ nghĩa xét lại“ chủ nghĩa Marx.

5. Chế độ cộng sản ở các nước đều làm theo thiết kế của Lênin, xây dựng bộ máy quản lý theo mô hình quân đội, tất cả đều chịu sự chỉ huy từ trung ương. Cơ cấu tổ chức như vậy có thể thích hợp với thời chiến nhưng kém hiệu quả trong xây dựng ở thời bình. Nó trở thành xơ cứng, tự tạo ra mối đe dọa nội tại là sự bàng quan và tính thụ động của quần chúng, dẫn đến sự tụt hậu liên tục về kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Muốn khắc phục tình trạng này phải nới lỏng các biện pháp quản lý. Nhưng một khi nới lỏng quản lý thì toàn bộ chế độ sẽ lung lay vì nó vốn là một hệ thống hoàn chỉnh. Do vậy, khi Gorbachev cải cách, nới lỏng một chút, lập tức chế độ Xô Viết bị rạn nứt rồi sụp đổ. Các nhà lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam vu cho Gorbachev làm sụp đổ Liên Xô là sự vu cáo thiếu biện chứng, thiếu trí tuệ. Sự thật chế độ cộng sản là một chế độ không có khả năng thích nghi với những điều kiện đã thay đổi. Nó là một chế độ không thể cải tạo. Chính sự thiếu năng động, vốn thuộc bản chất của chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã dẫn nó đến sụp đổ.

Đến đây có một câu hỏi: Vì sao chủ nghĩa Marx có nhiều khiếm khuyết về bản chất như thế lại có thể chi phối gần một nửa thế giới trong gần một thế kỷ vừa qua?

Ở đây phải kể đến vai trò của hệ tư tưởng điều khiển, dẫn dắt các phong trào cộng sản. Đó là học thuyết do Marx đề xướng ở thế kỷ thứ 19, khi chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ hoang dã, tích lũy tư bản nguyên thủy. Học thuyết này tạo ra một huyền thoại về thiên đường dưới trần gian và chiến lược đưa thiên đường đó về trái đất, được Lênin áp dụng lần đầu vào cuộc sống. Hệ tư tưởng đó đã được một số trí thức hưởng ứng và truyền bá rộng trong số những người mong muốn có sự thay đổi cuộc sống nhưng thiếu kiến thức để thực hiện. Một cuộc khảo sát ở Liên Xô vào năm 1922, sau khi đảng Bolshevik cầm quyền cho thấy chỉ có 0,6% đảng viên đã qua bậc đại học, 6,4% đã qua bậc trung học, 92,7 % đảng viên không đủ kiến thức để hiểu chủ nghĩa Marx và các nhiệm vụ của họ phải làm, 4,7% đảng viên hoàn toàn mù chữ. Trong buổi đầu chưa cướp được chính quyền, các đảng cộng sản thường ít đảng viên. Họ luôn luôn bị săn đuổi. Họ chịu nhiều nguy hiểm chứ chưa có quyền lợi gì. Nhưng sau khi đảng đã chiếm được chính quyền thì khác. Khi đảng có quyền phân chia quyền lợi đã chiếm được và quyết định các hình thức thưởng, phạt thì các đảng có vô số cảm tình viên ủng hộ hệ tư tưởng cộng sản thống trị xã hội, vào đảng để kiếm chác địa vị và tiền. Đối với họ, hệ tư tưởng chỉ là tấm vải khoác ngoài nhằm che đậy bản chất thật của chế độ. Quyền lực và sự tồn vong của đảng mới là mục đích chính. Vì thế đối với họ, chỉnh huấn tư tưởng, phê bình, tự phê bình chỉ là những việc làm vô tích sự. Tư tưởng cơ hội này đã bộc lộ rõ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Những kẻ thuộc giai tầng đặc quyền đặc lợi của Liên Xô lập tức từ bỏ hệ tư tưởng Mác xít, lợi dụng “tư hữu hóa“ để thu vén cá nhân, biến tất cả tài nguyên và các phương tiện sản xuất của đất nước thành tài sản riêng của họ.

Các cuộc thí nghiệm xã hội cộng sản không tưởng đã đưa đến cái chết cho khoảng 85 đến 100 triệu người, nhiều gấp 1,5 lần số người chết trong cả 2 cuộc thế chiến. Vậy mà, sau khi gây ra những cuộc chém giết đẫm máu vẫn chưa thấy thiên đường, những kẻ cuồng tín cộng sản vẫn còn trâng tráo biện hộ cho Marx “nếu không có các cuộc thử nghiệm cách mạng như thế, làm sao biết được mô hình xã hội của Marx là đúng hay sai“! Những người còn sống không chịu ở yên dưới ách cai trị độc tài của cộng sản thì bị đàn áp, bị bị tù đày. Họ thường là những người có năng lực và tháo vát nhất. Kết quả đã diễn ra cuộc tiến hóa giật lùi: những người tháo vát, trung thực thì bị hại. Những kẻ chỉ biết gọi dạ bảo vâng thì có xác suất tồn tại cao nhất. Xã hội cộng sản vì thế tự đánh mất những người con ưu tú, nên cứ lún sâu mãi trong cảnh đói nghèo.

Mong muốn có sở hữu thuộc về bản năng con người, còn muốn có sự tôn trọng tài sản của người khác thì phải được giáo dục. Nếu một ai đó phát hiện ra rằng quyền sở hữu của anh ta không được tôn trọng thì anh ta rất có thể trở thành người truyền bá những bản năng tham tàn nhất. Điều này đã xảy ra sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ. Ở những nơi đó, nó đã cản trở quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường thực thụ, một nền kinh tế dựa trên sự tôn trọng quyền tư hữu.

(*) “Tổng kết chủ nghĩa cộng sản“ của Richard Pipes, Talawas tháng 9-2007

(Còn tiếp)

Đ.X.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn