VN cấm lãnh đạo nhân quyền quốc tế nhập cảnh

Bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, và ông Minar Pimple, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế, bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam. Bản quyền hình ảnh TWITTER

Việt Nam vừa từ chối không cho lãnh đạo hàng đầu của hai tổ chức nhân quyền quốc tế nhập cảnh, theo thông tin từ đại diện hai tổ chức.

Bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Nội bài hôm 9/9, theo Reuters.

Tiếp đó, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế, ông Minar Pimple, bị từ chối nhập cảnh hôm 10/9, theo thông cáo báo chí của tổ chức này phát đi cùng ngày.

Hai lãnh đạo về nhân quyền tới Việt Nam để [tham dự] Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN từ 11-13/9 tại Hà Nội. Đây được xem là một sự kiện ngoại giao lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.

Bà Debbie Stothard sau đó viết trên Facebook cá nhân rằng bà [bị] cán bộ xuất nhập cảnh [VN] giữ ở sân bay Nội Bài do chính phủ Việt Nam đã đưa bà vào 'danh sách đen', chiếu theo điều 21 Luật Xuất nhập cảnh, theo hãng ABC.

Theo điều khoản này, một người có thể bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam vì nhiều lý do, bao gồm an ninh quốc phòng.

Bà Debbie Stothard cũng viết trên Twitter rằng rắc rối mà bà gặp phải "không là gì so với cuộc tấn công vào các nhà bảo vệ nhân quyền và truyền thông Việt Nam".

"Tôi hy vọng rằng việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ giúp chính quyền Việt Nam nhận ra rằng đa nguyên, nhân quyền và tự do cần thiết để phát triển kinh tế," bà Stothard viết.

Bất chấp những cải cách kinh tế sâu rộng và chính sách mở cửa, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn duy trì chế độ kiểm duyệt và không khoan nhượng đối với các ý kiến chỉ trích, Reuters bình luận.

Đại diện Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bà Mathuros nói với Reuters rằng "vẫn giữ lời mời tham gia đối với bà Debbie Stothard và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để bà tham gia sự kiện này".

Ý kiến từ quốc tế

Trả lời BBC ngày 10/10, ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận rằng thông qua việc này, "bản chất đàn áp của chính quyền Việt Nam đã được phơi bày đầy đủ".

"Bà Debbie Stothard được mời phát biểu công khai tại một hội thảo quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhưng tất cả những thứ mà cảnh sát thấy là bà đã phát biểu mang tính chỉ trích về hồ sơ nhân quyền khủng khiếp của Việt Nam trong các cuộc họp quốc tế khác, và vì vậy họ bắt giữ và trục xuất bà".

"Mỗi ngày trôi qua, có vẻ như sự kìm kẹp của Bộ Công an ngày càng thắt chặt hơn, biến Việt Nam thành một nhà nước độc tài công an trị, có ý định hủy hoại bất kỳ sự tự do ngôn luận nào, quyền của công dân tham gia vào các nhóm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, và tất nhiên, quyền phản đối một cách ôn hòa".

"Khi làm như vậy, Việt Nam đã nhạo báng cam kết tôn trọng quyền tự do cơ bản như được quy định trong Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc mà chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn".

"Liên minh châu Âu nên nói với Việt Nam rằng sẽ không có bước tiến nào trong việc phê chuẩn sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định thương mại tự do EU cho đến khi Hà Nội chấm dứt làn sóng đàn áp này và cải thiện đáng kể hồ sơ nhân quyền của mình".

BBC đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị bình luận về sự việc nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong khi đó, Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế, ông Kumi Naidoo phát biểu trong thông cáo báo chí phát đi hôm 10/9 rằng "đây là minh chứng của chiến dịch đàn áp tự do biểu đạt tại Việt Nam do chính phủ thực hiện".

Tổ chức này cho hay ông Minar Pimple dự định sẽ phát biểu về sự đa dạng và đa nguyên tại diễn đàn.

Ông Kumi Naidoo tuyên bố "phản đối quyết định" của Việt Nam "bóp nghẹt nói của một người có đóng góp thường xuyên đối với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã lên tiếng cho nhân quyền ở mức độ cao nhất trên toàn thế giới".

Ông Minar Pimple cũng cho rằng hành động của Việt Nam "phá hỏng thanh danh của ASEAN".

'Sai lầm tách nhân quyền khỏi kinh tế'

Từ Hoa Kỳ, luật sư Nguyễn Quốc Lân nói với BBC hôm 10/9 rằng "đây không phải là điều ngạc nhiên" khi đây là cách chính quyền Việt Nam dùng để đối phó với vấn đề nhân quyền.

"Chính sách của Việt Nam tách nhân quyền hay tự do dân chủ ra khỏi các thảo luận về kinh tế là sai lầm, không đúng với quan điểm chung của quốc tế”, luật sư Lân nói.

"Bởi vì vấn đề phát triển kinh tế cần đi đôi với tự do thông tin và tự do ngôn luận. Các quyền tự do này giúp gia tăng mức độ chính xác và tin tưởng trong các trao đổi tin tức về vấn đề kinh tế cũng như giảm thiểu vấn đề hoang phí hay tham nhũng trong các sinh hoạt kinh tế".

Xét về góc độ luật pháp quốc tế, luật sư Nguyễn Quốc Lân nói: "Các quốc gia có quyền duyệt xét các đối tượng được nhập cảnh, nhưng không được dựa trên các yếu tố có thể vi phạm quyền tự do báo chí hay ngôn luận. Đây là vấn đề mà các quốc gia có quan hệ kinh tế với Việt Nam cần nêu ra với chính quyền Việt Nam để có thể bảo đảm các nguồn thông tin chính xác nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hay giảm thiểu các rủi ro về đầu tư kinh tế từ các quốc gia liên quan".

'Chính quyền không còn e dè'

Từ Sài Gòn, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC hôm 10/9 rằng việc này sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới hình ảnh của Việt Nam trong mắt quốc tế.

"Dù gì Việt Nam vẫn luôn tuyên truyền là một nhà nước luôn tuân thủ nhân quyền. Trong các cuộc họp với Liên Hiệp Quốc, chính quyền Việt Nam đều nói đã tiến bộ nhiều trong vấn đề nhân quyền. Do đó việc bắt giữ và trục xuất một lãnh đạo của tổ chức nhân quyền là câu trả lời thực tế nhất. Tôi cho rằng sau việc này những cuộc thương thuyết về kinh tế hay ngoại giao của Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi quốc tế đã mất lòng tin".

"Tuy nhiên tôi cũng thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang bất chấp quốc tế. Có lẽ sau vụ Trịnh Xuân Thanh họ không còn tỏ ra "giả vờ" này nọ nữa, mà thẳng thừng luôn".

"Việc gia tăng đàn áp và bắt bớ giới hoạt động trong nước cũng là cách bất chấp quốc tế rồi. Việc bắt người của tổ chức nhân quyền càng chứng minh họ đã không còn e dè gì nữa".

Trong khi đó, liên quan đến Hiến pháp, nhà báo tự do Lê Trọng Hùng nói với BBC rằng hành động này cho thấy dường như chính quyền Việt Nam đang hiểu một cách cơ học về nhân quyền, "rằng nó không liên quan gì đến kinh tế".

"Thực ra phát triển kinh tế cũng chính là để nâng cao nhân quyền," ông Hùng nói với BBC từ Hà Nội hôm 10/9.

"Trong Hiến pháp Việt Nam không có quy định riêng về việc này, và họ đã lách luật. Nhưng về nguyên tắc chung là Hiến pháp Việt Nam phải phù hợp với các điều ước quốc tế, nếu sai thì phải sửa hiến pháp".

"Ở các quốc gia tư bản, việc các đoàn nhân quyền tham dự các diễn đàn kinh tế là rất bình thường. Nhưng ở các nước cộng sản như Việt Nam thì họ không muốn người khác nhòm ngó vào chuyện nhà mình. Điều này giống như một đứa trẻ đóng chặt cửa phòng và tuyên bố đây là phòng con, con thích bày gì thì bày".

BBC đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị bình luận về sự việc nhưng chưa nhận được phản hồi.

Truyền thông Việt Nam không hề đưa tin về sự kiện này.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45468739

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn