Vụ Thủ Thiêm: Sau ‘khóa miệng’, báo chí nhà nước lại được cho ‘mở miệng’!

Minh Quân

Nên thanh tra toàn diện sai phạm ở Thủ Thiêm

Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ sai phạm ở Thủ Thiêm. TPHCM đã bất chấp luật pháp để nhóm lợi ích bắt tay nhau lấy thêm 4,3 ha đất của dân đền bù giá rẻ mạt để bán cho DN kinh doanh giá trên trời gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ai đã hưởng lợi ở phi vụ này thì không cần nói ra ai cũng hiểu.

Tuy nhiên, việc sai phạm này không chỉ người dân biết, mà có nhiều ban ngành từ quận 2 đến Thanh tra và UBND TPHCM đều biết. Nhưng ý đồ lấy bằng được đất của dân đã diễn ra các cuộc cưỡng chế đến bác đơn khiếu nại của người dân vẫn rất quyết liệt trong thời gian dài tới 15 năm. Tại sao việc sai phạm tày trời này xảy ra ở một TP văn minh đang phát triển mà không xử lý? Và chỉ được "vén màn" khi những lãnh đạo cao nhất của TP nghỉ hưu? Những cán bộ từ quận 2 đến Sở TNMT và UBND TPHCM và đến cả Thanh tra Chính phủ nhiều năm liền, tại sao không giải quyết hay đề xuất cấp cao hơn (nếu vượt quá thẩm quyền)? Lúc nhận đơn của dân ở Thủ Thiêm họ đang làm gì, ai chỉ đạo họ xếp xó đơn của dân? Tôi tin chắc là có cán bộ tâm huyết hiểu được nỗi lòng của dân oan Thủ Thiêm nhưng họ đành bất lực. Hậu quả để lại rất nghiêm trọng này cũng từ việc thiếu trách nhiệm của những cán bộ vô cảm, không chỉ cá nhân bí thư, chủ tịch TPHCM đến bí thư và chủ tịch quận 2 và hàng loạt cán bộ ở các sở ban ngành TPHCM. Sai phạm ở Thủ Thiêm của các cá nhân, tập thể đủ cấu thành tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định rõ trong Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi 2009, 2015. Họ cần phải bị khởi tố điều tra và truy tố theo quy định pháp luật. Làm như vậy thì mới đúng người đúng tội. Cần lưu ý nếu xử lý tội danh này lại quá dễ bởi không cần phải chứng minh họ tư túi hay đã hưởng lợi gì ở đây, vì hậu quả hàng trăm người dân bị thiệt hại, cuộc sống của họ như trong địa ngục nhiều năm nay đã nói tất cả.

Tuy nhiên, để xử lý được cần phải làm từng bước, tách vụ việc sai phạm ở đây ra thành nhiều mảng, để thanh tra toàn diện. Khi có kết luận rõ thì chuyển cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

clip_image002

Hoai Nam Nguyen

*

Bà con Thủ Thiêm đang chờ xem

Trong Kết luận kiểm tra dự án Khu ĐTM Thủ Thiêm của TTCP công bố cuối tuần trước thì những sai phạm chủ yếu của UBND TPHCM diễn ra từ 2002 đến 2008.

Đó là việc đem 4,3 ha đất của dân nằm ngoài quy hoạch vào trong ranh quy hoạch để thu hồi, tự ý phân tán 160 ha tái định cư rải rác các nơi trái lệnh Thủ tướng để lấy đất giao cho các doanh nghiệp phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch, giao đất trái pháp luật...

Hậu quả của những sai phạm này cực kì lớn và hệ lụy nghiêm trọng hơn nhiều so với nhiều dự án tai tiếng chấn động khác.

Người đứng đầu UBND TPHCM thời kỳ đó chính là ô Lê Thanh Hải (Hai Nhật) rồi Lê Hoàng Quân (Hai Quân) cùng cấp phó phụ trách quản lý đô thị là ông Nguyễn Văn Đua (Ba Đua) phải chịu trách nhiệm chính chứ không thể đổ cho ai khác.

Dư luận và bà con Thủ Thiêm đang chờ xem 3 cái tên đình đám gây bao đau khổ mất mát cho họ và thiệt hại cho Nhà nước sẽ bị xử lý thế nào?

clip_image004

Hà Phan

Tròn 4 tháng sau khi bị ‘khóa miệng’ đột ngột bởi Ban Tuyên giáo trung ương và một thế lực chính trị kèm lợi ích nào đó, một lần nữa các tờ báo nhà nước lại được cho ‘mở miệng’ để đăng tải kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn.

clip_image006

Người dân kêu gào nhưng báo chí nhà nước luôn bị bịt miệng. Ảnh: Zing.vn

Nhưng xem ra sau lần bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, nhiều tờ báo nhà nước đã cảm thấy nỗi nhục ê chề khi bị biến thành một thứ công cụ - không chỉ công cụ chính trị cho chế độ cầm quyền - mà còn gián tiếp trở thành công cụ ‘tống tiền truyền thông’ cho một nhóm lợi ích cá mập nào đó.

Vào tuần đầu tiên của Tháng Năm, 2018 đã xảy ra hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được “mở miệng” gần như không hạn chế và một vài Facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài “đánh” phe nhóm Lê Thanh Hải.

Khi đó, thậm chí có những tờ báo còn dám chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, Lê Thanh Hải – chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy.

Lê Thanh Hải là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về “cướp đất vàng” ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là “đệ tử ruột” của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.

Nhưng sang tuần tiếp theo của Tháng Năm đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó ‘khóa miệng’.

Sau này mới biết chính Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ đạo không cho báo chí đăng tiếp vụ Thủ Thiêm.

Phải chăng sau một thời gian làm đình đám và muốn “đốt lò” vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng phát hiện ra vụ này liên đới quá nhiều quan chức, không chỉ quan chức đã về hưu mà cả những quan chức đương nhiệm và còn là quan chức cao cấp, nên ông Trọng đã phải vội vã cho Ban Tuyên Giáo Trung Ương chỉ đạo báo chí “câm miệng,” còn “lò” tạm ngừng hoạt động và đang tính toán lại làm sao để “đập chuột nhưng không vỡ bình?”

Và phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là “đi đêm” giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để “chuyển giao lợi ích” và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan?

Có lẽ ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ từ vụ bị ‘khóa miệng’ vào tháng Năm năm 2018, vào lần này nhiều tờ báo nhà nước không còn quá nhiệt tình khi thông tin về kết luận thanh tra Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ, cho dù so với những kết luận thanh tra trước đây thì bản kết luận này là chi tiết hơn nhiều và cũng chỉ ra được một số sai phạm của các cơ quan quản lý, tuy vẫn né tránh nêu đích danh tên họ quan chức.

Báo chí nhà nước đã có quá nhiều bài học bị ‘việt vị’ và bị ‘khóa miệng’ bởi một chế độ ‘Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luật và tự do báo chí’. Thủ Thiêm chỉ là một trong rất nhiều minh họa, bởi còn rất nhiều vấn nạn từ chính trị đến tham nhũng và lỗ hổng kinh tế mà báo chí nêu ra nhưng sau đó đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cấm cản triệt để và hết sức thô bạo.

Vào năm 2015 khi xuất hiện hiện tượng trang mạng Chân Dung Quyền Lực, một nhà báo nhà nước và chính là đại tá an ninh Nguyễn Như Phong đã thốt lên một triết lý để đời ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy!’.

Trong thực tế, tỷ lệ số tờ báo nhà nước còn mang tính phản biện hoặc có hơi hướng phản biện chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số 850 tờ báo mà có thể tuyệt đại đa số ban biên tập của những tờ báo này đã và vẫn mang quan niệm ‘Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy!’.

Ngay cả những giọt nước mắt ‘thương vay khóc mướn’ của một số tờ báo về vụ Thủ Thiêm trong tháng Năm năm 2018 cũng bị đặt nghi ngờ là ‘nhận tiền để khóc’.  

Có thể vì lý do quá tế nhị trên, những tờ báo thật sự muốn phản biện cũng không còn quá nặng lòng với vụ Thủ Thiêm bởi mối nghi ngờ nặng nề vào bất kỳ động thái thanh - kiểm tra và điều tra nào của các cơ quan ‘có trách nhiệm’ nhưng rất dễ nặng mùi tiền bạc của các nhóm quyền lực chính trị và lợi ích tư bản đỏ.

M.Q.

Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2018/09/vntb-vu-thu-thiem-sau-khoa-mieng-bao.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn