“Dư âm” phiên chất vấn của Quốc hội

Tô Văn Trường

Phiên chất vấn 3 ngày vừa qua của Quốc hội đã khép lại nhưng “dư âm” vẫn còn đọng lại trong tâm tư của nhiều cử tri quan tâm đến hoạt động của Quốc hội.

Phương thức chất vấn

Ngoài phương thức chất vấn bằng văn bản, chất vấn trực tiếp trên hội trường lần này tuy vẫn “hỏi 1 phút trả lời 3 phút” nhưng không biết đại biểu sẽ chất vấn ai, và chất vấn những vấn đề gì. 

Như thế, Quốc hội chuyển từ hình thức chỉ chất vấn một số nhóm vấn đề đối với một số Bộ trưởng và Trưởng ngành sang tất cả các vị thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án NDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC, không giới hạn nội dung chất vấn nên “người trong cuộc” phải có ý thức chủ động, nắm chắc công việc theo trách nhiệm của mình. Đó là một chuyển biến tích cực vì những vấn đề cử tri quan tâm, cần chất vấn không bị "thiu" do không thuộc nội dung giới hạn của các phiên chất vấn như ở các kỳ họp trước và nhiều khóa trước.

Nếu không thay đổi hình thức chất vấn thì làm gì có chuyện ông Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Bộ Chính trị cũng được chất vấn và được trả lời chất vấn, thậm chí được nhiều lần tranh luận lại. Trước đây, chỉ có thời ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI, mời được ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an ra trả lời chất vấn 2 lần. Cho đến nay, các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vẫn nằm ngoài vòng quan tâm của các đại biểu Quốc hội!? Không hiểu sao, trong đối tượng chất vấn của Quốc hội lần này, không thấy có Tổng kiểm toán Nhà nước?

Nội dung chất vấn

Nhiều vị đại biểu tận tụy, có trách nhiệm với cử tri, có nghiên cứu sâu vấn đề nên chất vấn trúng, chất vấn hay và bước đầu đem lại kết quả cử tri mong đợi (như trường hợp đại biểu TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy). Một số đại biểu luôn làm nóng hội trưởng, thậm chí còn được Chủ tich Quốc hội điểm đích danh như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) là người hay "châm ngòi" trên hội trường với thái độ thẳng thắn, có trách nhiệm, nêu những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều đại biểu thiếu thông tin nên không chất vấn được những vấn đề hệ trọng mà sa đà vào tiểu tiết, về những chuyện bề ngoài, nêu câu hỏi hời hợt, hỏi cho có mặt trên diễn đàn, hỏi mà không hiểu vấn đề (như trường hợp đại biểu Dung ở Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường lẫn lộn chương trình giáo dục phổ thông mới với việc thực nghiệm sách của ông Hồ Ngọc Đại).

Một số đại biểu đóng “nhầm vai”, vi phạm Điều 15 Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội là đi tranh luận với đại biểu khác, bảo vệ, biện luận thay cho sếp của mình theo kiểu “ăn cây nào rào cây ấy”, như đại biểu Lê Thị Thanh Xuân Phó giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đắc Lắc phản bác đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; đại biểu Nguyễn Quang Dũng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Đà Nẵng tranh luận lại với đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; đại biểu Nguyễn Hữu Cầu Giám đốc công an Tỉnh Nghệ An bùng nổ tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đến 2 lần) về nội dung chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Cuộc tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu đại tá công an Nguyễn Hữu Cầu ý kiến khác nhau là bình thường. Cử tri không thể kiểm chứng những con số của 2 bên đưa ra vì có thể dựa trên hệ quy chiếu khác nhau. Cụm tù “khủng khiếp” mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sử dụng hơi dân dã nhưng nếu ngành công an tự nghiêm khắc với bản thân mình thì có thể cũng sẽ thấy không "oan", như các chuyện xảy ra ở trong ngành, chỉ trong vòng 5 tháng của năm 2018 cả chục tướng công an (có cả cấp Thứ trưởng) đã bị bắt giam, phạt tù, cắt hết chức vụ trong Đảng hoặc đang xem xét kỷ luật và nhiều hiện tượng người dân “tự chết” khi bị tam giam, v.v.

Cử tri vẫn nhớ ông đại tá Nguyễn Hữu Cầu hầu như ở kỳ họp nào, cũng chất vấn, phê bình Bộ trưởng Giáo dục rất nhiều nhưng lại đóng vai hành pháp, cãi bằng được cho ngành mình.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lại lấy “cái ghế quyền lực làm gốc” lớn giọng yêu cầu công an xử lý dân nói xấu, xúc phạm Bộ trưởng, bị cư dân mạng phản ứng “ném đá” dữ dội.  

Hầu hết các trưởng đoàn Quốc hội, các đại biểu có chức sắc cao thường im lặng, không tham gia chất vấn?! Họ thường dẫn đầu các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đi tiếp xúc với cử tri, thì trên diễn đàn chất vấn của Quốc hội cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình.

Trả lời chất vấn

Nhìn chung những người trả lời chất vấn “tròn vai” nhưng thường quá giờ quy định 3 phút. Chất vấn trực tiếp hỏi đáp ngắn gọn là tốt, nhưng cũng có những điều hạn chế dễ đi vào dàn trải, không có điều kiện đi sâu vào các vấn đề bức xúc quan trọng nhất và khi thiếu thời gian lại phải "giải vây" cho Bộ trưởng bằng cách trả lời sau bằng văn bản!

Bộ trưởng Bộ KHCN sang ngày thứ hai của phiên chất vấn mới nhận được câu hỏi đầu tiên nên “như mở tấm lòng” nói hơi dài. Sau đó, có lúc dồn dập nhận đến 8 câu hỏi, nhờ nắm chắc chức năng nhiệm vụ của ngành và vấn đề “liên kết các ngành” trong đó có vai trò của KHCN nên trả lời khá trôi chảy, đáng ghi nhận.  

Nhìn chung, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và lĩnh vực tư pháp cần đầu tư thời gian, công sức, cập nhật thông tin, tư liệu, nắm chắc vấn đề mình phụ trách để khi trả lời chất vấn lần sau được thuyết phục hơn.

Trong vòng xoáy “hỏi nhanh, đáp gọn” liên quan nhiều đến vấn đề thời sự nóng bỏng của cuộc sống, các vị tư lệnh ngành Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên & Môi trường… tuy đôi khi trả lời còn hơi dài nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ giải đáp về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Bộ trưởng TNMT may là vẫn còn tỉnh táo chưa bị “tẩu hỏa nhập ma”,  2 lần giải trình yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội: ”Số liệu xử lý về làng nghề gây ô nhiễm tôi vừa mới trả lời rồi hoặc việc trả lời về biên chế công chức là trách nhiệm của Bộ Nội vụ”.

Thời gian dành cho Thủ tướng trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội không tương thích với kỳ vọng của cử tri. Chủ tịch Quốc hội điều hành xứng đáng nhận được nhiều lời khen ngợi về  sự linh hoạt, và điều chỉnh “nhiệt độ nghị trường” ở mức vừa tiết kiệm điện năng vừa đạt hiệu suất cao. “Hạt sạn” có thể thấy là do phải chủ trì 3 ngày liên tục, căng thẳng nên có lúc bị quá tải. Việc “cắt cụp” hay phán quyết của Chủ tịch Quốc hội đôi khi chưa “đúng vai”, còn lẫn lộn giữa người lãnh đạo và người điều hành phiên họp của Quốc hội.     

Lời kết

- Có lẽ đã có điều kiện khách quan để tiến tới xây dựng Quốc hội gồm các đại biểu chuyên trách, tách lập pháp và hành pháp. Các Bộ trưởng và công chức không nên là đại biểu Quốc hội.

- Phát huy các thành quả và rút kinh nghiệm của kỳ họp lần này, cử tri mong muốn phiên chất vấn kỳ sau nên chia thành nhóm nội dung lĩnh vực quản lý để chất vấn. Chia lĩnh vực như vậy vừa không bỏ sót Bộ, Ngành nào, vừa tập trung, không gây ấn tượng tản mạn, từ chuyện nọ nhảy sang chuyện kia. Ngoài ra, cần có nội dung chất vấn Quốc hội về hiệu quả giám sát của mình.

- Đại biểu Quốc hội phải tự tìm hiểu, tiếp xúc với cử tri, cập nhật các thông tin, tư liệu, nhưng các vấn đề về chuyên môn hoặc có liên quan tới hệ thống hành chính quá rắc rối, lằng nhằng …cần tham vấn các chuyên gia để tiếng nói thực sự có trọng lượng trên nghị trường. Khi chất vấn cần truy vấn đến cùng nếu thấy câu trả lời chưa thỏa đáng.

- Có hiện tượng thành viên Quốc hội chưa đóng đúng vai, chỉ nghĩ mình là đại biểu của ngành, chứ không phải là của dân.  Quốc hội nên tổ chức cho đại biểu quán triệt thật đầy đủ trách nhiệm của đại biểu để hạn chế việc đóng nhầm vai. Quốc hội nên có cơ chế nhắc nhở, hoặc phải áp đặt “quota” phát biểu cho cả những vị quan chức là đại biểu Quốc hội.

- Chủ tịch Quốc hội chỉ nên điều hành ngày thứ nhất (khai mạc) và ngày thứ ba (kết thúc) phiên điều trần để tránh quá tải, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của các vị Phó Chủ tịch Quốc hội. 

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn