Những chuyện ở thời mạt pháp: Thi nhau đạp lên Hiến pháp

1. Ý kiến khác nhau về việc Đại biểu Quốc hội dùng Facebook để thể hiện ý kiến, quan điểm

HÀNH VI CHÀ ĐẠP HIẾN PHÁP

Báo điện tử này là thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp, nhưng rõ ràng việc đưa một bài báo để tấn công vào tài khoản cá nhân và quan điểm không chính thức của đại biểu Quốc hội là một hành động xâm phạm vào quyền riêng tư và tự do biểu đạt của họ.

Không những vậy, việc đưa dẫn điều này lên để làm xấu đi hình ảnh của đại biểu Quốc hội là việc làm ngu ngốc. Hơn nữa, họ còn tiếp tục kết tội đại biểu “câu view” trên nghị trường, trong khi họ đang đại diện cho dân để thực hiện quyền của đại biểu theo Hiến định cũng như Luật Tổ chức quốc hội, là một hành động rõ ràng là bất hợp pháp.

Nguyên tắc và tiêu chí của báo chí là đưa tin trung thực, khách quan và tuân theo luật pháp. Trong khi đây lại là một bài báo đưa ra sự phán xét và kết tội đại biểu Quốc hội khi họ đang thực thi nhiệm vụ một cách hoàn toàn vô căn cứ. Bộ Tư pháp mà lại để tình trạng vô pháp diễn ra ngay trên mảnh đất và lĩnh vực của mình?

Đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ về vai trò và trách nhiệm của mình đối với ngành mà họ được giao phó điều hành và quản lý, để thực hiện quyền lực của nhân dân (cử tri) trước các viên chức công quyền, từ khi nào lại trở thành đối tượng tấn công phi pháp của nhà báo và báo chí, truyền thông?

Nếu các cơ quan của chính quyền không xử lý người đăng tin và tờ báo đưa tin này thì chính là hành động dung dưỡng cho các hành vi xúc phạm đại biểu và ngăn cản, gây trở ngại và xâm phạm vào việc thực hiện quyền của đại biểu quốc hội khi thực thi bổn vụ đại diện cho quyền lực của nhân dân trước nhà nước.

LS Lê Văn Luân



Ý kiến khác nhau về việc Đại biểu Quốc hội dùng Facebook để thể hiện ý kiến, quan điểm

(PLO) -  Không chỉ những đối tượng nặc danh, có vị đại biểu Quốc hội cũng dùng Facebook để bày tỏ quan điểm cá nhân về các vị Bộ trưởng, trong đó có những thông tin tiêu cực, chưa được kiểm chứng.

Đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến qua mạng xã hội

Mấy ngày qua, dư luận xã hội không khỏi xôn xao khi một nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh Phú Yên đăng lên Facebook cá nhân một đoạn tin nhắn được cho là của một vị đại biểu Quốc hội khác nhờ bà không chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dòng trạng thái (status) của nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên thể hiện bà vô cùng bức xúc, vì bà là “con NGƯỜI”, bởi vậy, bà kêu gọi con trai và những người thiện nguyện chống lại chuyện này.

Tất nhiên, tin nhắn mà nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đăng trên Facebook cá nhân không thể được kiểm chứng vì bà không để số điện thoại người gửi và cũng không nói ai gửi cho bà. Tuy nhiên, khi thông tin này được chia sẻ trên các diễn đàn xã hội đã tạo ra một luồng dư luận không tốt cho hoạt động của Quốc hội.

Ngay sau đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên  diễn đàn Quốc hội ngày 31/10, nữ đại biểu tiếp tục tỏ thái độ bức xúc khi chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo với những từ ngữ bày tỏ “lo ngại về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay”, đồng thời  bà khẳng định ngành Giáo dục đang mang lại xã hội một nguồn “năng lượng xấu”.

clip_image001

Cùng với việc dùng từ ngữ được cho là "lên gân" trên diễn đàn Quốc hội, nữ Đại biểu QH tỉnh  Phú Yên cũng lên mạng khoe mình dùng hết 4 trang giấy mới nghĩ ra được câu hỏi như vậy

Đồng thời trên Facebook, bà chia sẻ rằng để nghĩ ra được những câu hỏi này, bà đã phải dùng “hết 4 trang giấy”.

Phản ứng trước phát  biểu của nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên tại diễn đàn Quốc hội, một nữ đại biểu khác của tỉnh Đắk Lắk đứng lên gay gắt cho rằng những phát ngôn của nữ đại biểu QH tỉnh Phú Yên đã “sổ toẹt” thành tích của cả ngành Giáo dục trong khi "không thể phủ nhận, cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà của nước ta không ngừng nâng cao” và “quan điểm như trên của đại biểu tại hội trường có thể tác động đến dư luận xã hội, có cái nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành Giáo dục. Hơn nữa, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo, tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành giáo dục nước nhà”.

Lo ngại trước tiền lệ xấu trong tranh luận giữa các vị đại biểu Quốc hội, ngay chiều 31/10, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, tp. Hồ Chí Minh, một vị đại biểu dày dặn kinh nghiệm nghị trường phải đứng lên “nhắc khéo” 2 nữ đại biểu Quốc hội chuyện: “Vừa rồi trên mạng xã hội, trên một số phương tiện thông tin có tình trạng quy chụp một số đại biểu. Tôi đề nghị tuyệt đối tránh cái này. Chúng ta xây dựng văn hóa nghị trường, trước hết đặt lợi ích nhân dân, đất nước lên trên, tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta có thể tranh luận nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác, điều này tạo không khí không lành mạnh, cản trở hoạt động hết sức dân chủ của Quốc hội cho đến nay đã diễn ra rất tốt”.

Rõ ràng, câu chuyện kỷ luật thông tin trên diễn đàn Quốc hội và việc Đại biểu QH được phép dùng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm cá nhân ở mức độ nào là vấn đề cần phải được đặt ra.

Nhiều người tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an chiều qua (31/10), ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề, lâu nay trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm.

clip_image002

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết nhiều người cho mình quyền muốn nói gì thì nói, phát ngôn xúc phạm các Bộ trưởng trên mạng

Một ví dụ được ông dẫn chứng là sau lấy phiếu tín nhiệm, đã có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các Bộ trưởng. Thậm chí có cá nhân đăng lên là đại diện cho dân, đi ngược lòng dân.“Tôi xin hỏi Chính phủ và Bộ Công an có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không?”, ông Cương hỏi.

Đầu giờ sáng nay (1/11), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương về những giải pháp ngăn chặn thông tin xúc phạm danh dự, bôi nhọ trên Internet.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, một số đối tượng nhưng việc này cũng chưa ngăn chặn được và còn một số khó khăn.

Trước hết, việc xử lý tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí là vi phạm không chỉ trong nước mà tính xuyên quốc gia, quốc tế của vấn đề cũng có khó khăn.

Thứ 2 là một số quy định về hệ thống luật để xử lý vấn đề này cũng chưa được hoàn thiện. Ví dụ như giám định, mỗi khi muốn được xử lý thông tin thì phải giám định đây là thông tin vu khống, xuyên tạc phải có cơ quan chức năng hoặc vấn đề về chứng cứ số thì hiện nay cũng đang được hoàn thiện để xử lý.

clip_image003

"Có một số giải pháp là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh xử lý những hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự của người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Vấn đề này luật an ninh mạng đã được thông qua thì hiện nay chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng ban hành văn bản thi hành luật an ninh mạng, trong đó có quy định các biện pháp để xử lý với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng", Bộ trưởng Công an nói.

Thượng tướng Tô Lâm cũng thông tin thêm, hiện Bộ đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để triển khai hoạt động tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng. Cùng với đó là thực hiện công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng, phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với khoảng gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu.

Cần xử lý người đưa thông tin sai trên mạng

Trước đó, ngay trong lần ra mắt Quốc hội, trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều qua (31/10), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cập đến vấn đề này.

Cùng câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập đến hiện tượng trên mạng xã hội lâu nay có một số cá nhân “tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, kể cả nước lớn như Mỹ hay nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng hơn.

“Chúng ta sống trên không gian mạng chỉ được chục năm, chưa nhiều kinh nghiệm. Sự phát triển còn tiếp tục, kinh nghiệm sống đã có nhiều nghìn năm. Và một số logic trong đời sống thực có thể áp dụng sang không gian mạng”, Bộ trưởng Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thứ nhất, chúng ta cần định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật, cái này thì phải sửa một số quy định của pháp luật.

Thứ hai là chúng ta phải có công cụ giám sát phân tích đánh giá, tức là phải dùng công nghệ.

“Một ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin, do đó chúng ta không thể dùng người được. Hiện nay, Bộ TTTT đã bước đầu xây dựng một trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc 100 triệu tin mỗi ngày, phân tích, đánh giá, phân loại”, ông nói.

Tiếp theo nữa, chúng ta phải có công cụ quét rác, đây cũng là câu chuyện vừa pháp luật, vừa công nghệ. Thứ nhất là phải chỉ ra một đầu mối làm việc này, Chính phủ phải ra quyết định. Thứ 2 là công cụ quét rác, dọn dẹp. Cái này kỹ thuật, công nghệ có thể làm được.

“Đồng thời với đó, cái khó của chúng ta là chúng ta có những mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là các yêu cầu về gỡ bỏ thông tin. Cái này chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế, EU làm rồi, các nước ASEAN đã có một số nước làm rồi, quan trọng nhất là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật”, Bộ trưởng Bộ TTTT cho hay.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng chúng ta phải có chế tài xử lý những người đưa thông tin sai trên mạng.

“Mạng xã hội giờ không phải là ảo nữa mà là thật rồi cho nên chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân và chính quyền chúng ta phải “sống” nhiều hơn nữa trên không gian mạng, cái tốt lớn hơn thì cái xấu sẽ giảm đi. Cũng cần nâng cao nhận thức của người dân, thông tin trên mạng xã hội là thông tin không được kiểm duyệt, cho nên không phải cái gì ta xem cũng tin ngay, cái này cần phải truyền thông”, ông nói.

Nguồn: http://m.baophapluat.vn/chinh-tri/xu-the-nao-khi-chinh-dai-bieu-quoc-hoi-cung-dung-facebook-de-binh-loan-421047.html?fbclid=IwAR37dZGtsDCB_-leIY_mkhr7NKIkRlAFqDw5E7iW2sZxStaHhka4VXcCzkA#ref-http://m.facebook.com

2. Đại học ở TP.HCM cấm sinh viên 'nói xấu' thầy cô trên Facebook

   
         

Nếu cứ theo kiểu cách vô tội vạ như thế này thì nhà trường thành toà án và trại cải tạo, hoặc là nơi để cho ra lò toàn một lũ dối trá, giả tạo.

Hiến pháp dường như trở nên là một thứ xa xỉ với những cái đầu xuẩn ngốc và bảo thủ, tù túng này.

LS Lê Văn Luân

Quy tắc mới của Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) khiến sinh viên băn khoăn vì không rõ ràng, nhiều người có thể mắc lỗi và bị xử lý.

Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) vừa ban hành quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường. Trong đó quy định, sinh viên "ứng xử với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường" phải kính trọng, lễ phép, đúng mực. Thái độ chào hỏi, ngôn ngữ trong xưng hô thể hiện sự "tôn sư - trọng đạo".

Trường nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Quy tắc này gây ra những tranh luận trái chiều trong sinh viên. Ngọc (khoa Du lịch) đặt trường hợp: Ai đó không hài lòng với việc học ở trường hoặc thái độ giảng viên rồi lên Facebook bày tỏ, liệu có bị quy vào việc "nói xấu giảng viên, nhà trường".

clip_image005

Điều 6 trong quy tắc ứng xử của người học với nhà trường của Đại học Tài chính - Marketing. (Ảnh: phongcongtacsinhvien.ufm.edu.vn)

"Tôi cho rằng, trừ trường hợp vu khống, bịa đặt hoặc phán xét nhà trường, giảng viên một cách vô văn hóa, dung tục thì đáng bị xử lý. Còn lại, việc góp ý hoặc phê bình một cách có cơ sở, lịch sự thì không có gì đáng chê", nữ sinh bày tỏ.

Nhiều sinh viên khác cho biết, việc đánh giá điểm rèn luyện ở Đại học Tài chính - Marketing khá chặt nên lo ngại quy định trên sẽ khiến nhiều người bị quy vào phạm lỗi và bị xếp loại yếu kém. Bởi mục đích bộ quy tắc này có ghi là cơ sở để giám sát người học trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy chế nhà trường.

"Liệu trường có đủ sức kiểm soát hết thông tin trên mạng và loại trừ khả năng tạo tài khoản giả để chơi xấu nhau giữa các sinh viên?", Trung (khoa Tài chính - Ngân hàng) băn khoăn.

Ở luồng ý kiến khác, nhiều người lại ủng hộ quy tắc của trường bởi tình trạng phát ngôn bừa bãi, bêu xấu người khác trên Facebook và các mạng xã hội đang rất phổ biến. "Nói xấu, vu khống người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, bị phạt hành chính thậm chí nếu hậu quả nghiêm trọng là xử lý hình sự. Trường quy định như vậy là cần thiết, hạn chế sinh viên của mình vi phạm rồi bị xử lý theo pháp luật", một nữ sinh khoa Du lịch nói.

TS Lê Trung Đạo (Hiệu phó Đại học Tài chính - Marketing) khẳng định, quy tắc ứng xử vừa ban hành, bao gồm cả việc nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội đăng tin và bình luận theo hướng tiêu cực về trường và giảng viên, là mang tính định hướng, động viên người học có ứng xử đúng đắn.

Mục đích của quy tắc là xây dựng văn hóa của trường, giúp người học nâng cao ý thức bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng kỷ cương, nề nếp. Quy tắc còn định hướng các mối quan hệ theo tính nhân văn, nâng cao khả năng thích nghi xã hội và xây dựng môi trường học tập lành mạnh.

clip_image007

Sinh viên Đại học Tài chính - Marketing trong giờ tan học. (Ảnh: Mạnh Tùng)

"Trường muốn sinh viên chín chắn trong phát ngôn, tìm hiểu rõ ngọn ngành của mỗi sự việc khi đưa lên mạng xã hội bởi thời đại hiện nay một thông tin xấu, không đúng sự thật sẽ lan truyền rất nhanh và gây hậu quả lớn", ông Đạo chia sẻ.

Trường không ủng hộ việc nói xấu giảng viên trên mạng xã hội bởi muốn góp ý, sinh viên còn nhiều kênh khác như hòm thư trường học, các tổ chức đoàn thể, các hội nghị giữa trường và sinh viên.

Cũng theo ông Đạo, nếu một sinh viên góp ý những mặt chưa được của trường hoặc cán bộ, giảng viên trên mạng với thái độ tích cực, lịch sự thì trường sẽ ghi nhận. "Thực tế chúng tôi thường xuyên theo dõi các diễn đàn sinh viên, đoàn thể của trường, nắm bắt tâm tư, phản ánh và những bức xúc của người học để có những điều chỉnh phù hợp", Phó hiệu trưởng chia sẻ.

Đại học Tài chính - Marketing trụ sở tại quận 7, TP.HCM hiện có hơn 19.000 người học. Năm ngoái, Thủ tướng có quyết định sáp nhập trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan vào đại học này.

Nguồn: https://vtc.vn/dai-hoc-o-tphcm-cam-sinh-vien-noi-xau-thay-co-tren-facebook-d436109.html?fbclid=IwAR0CG6BUsAwkWmm5MVHRCVacwP3ln4ggYYe0iOzQacVstzLRX32fkW88ZOs

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn