Thư giãn Chủ nhật - Trên đôi cánh tự do

Nguyễn Tham Thiện Kế phỏng vấn nhà văn Dạ Ngân

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế - người rất có duyên chân dung về các nhà văn nhà thơ mà bạn ấy quý. Chúng tôi chưa biết mặt nhau nhưng lặng lẽ trân quý nhau. Bài phỏng vấn công phu này còn dài nữa để bạn ấy đưa vào sách, bản đây để in báo, chỉ khoảng 3 phần 4 bài gốc. Vừa được tạp chí Nhà văn & Tác phẩm chỗ anh Nguyễn Trí Huân in. Tôi còn chưa thấy mặt mũi số báo ấy, mời phây hữu. Hơi dài, có thể ngán.

Dạ Ngân

NTTK: Đến giờ phút này, có thể nói Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân là một cặp “hoàn hảo” tạc nét hào hoa, phong lưu vào lịch sử văn chương Việt. Thưa Dạ Ngân, với vị thế một nhà văn và một người đàn bà thì bà có nhận xét nào nếu tách bạch từng vị thế của mình trước nhận định trên ?

DN: Mọi thứ đều do số phận cả. Tôi tuổi Nhâm thìn, riêng tôi thuận tay trái, bảy tám tuổi đã thích tha thẩn một mình nghe chim hót nghe lá rơi nghe gió luồn nghe cá quẫy, nghe mùi khói đồng nghe tiếng rạ siết vào gan bàn chân, thích trải lá chuối lá dừa trên liếp ngủ trưa trong bóng nắng vờn qua kẽ lá…Cô tôi, cô Tư Rỡ (nguyên mẫu của cô Ràng mà nhiều người nhớ) phán: “Con nhỏ nầy phải có chồng lớn tuổi mới cầm cương được nó mà phải ra hôn vô hôn mới hợp với nó”. Nguyễn Quang Thân đúng là người như tiên tri của cô tôi.

Không thể tách bạch một nhà văn và một người đàn bà trong tôi, khi tôi còn thiếu nữ, nhiều người đã tiên đoán tôi sẽ viết văn. Khi thành đàn bà và là đàn bà viết văn tôi thấy tôi chính là tôi. Anh Thân nhìn thấy phẩm chất vợ và cả phẩm chất văn xuôi ở tôi, đó là phát hiện có tính chất duyên phận và anh đã chính xác.

NTTK: Người ta bảo Nguyễn Quang Thân hồi đó, tháng tháng nhịn đói đáp tàu vào Nam chỉ để đứng trước cửa nhà ngắm giai sắc của mình. Thực hư chuyện đó thế nào, bà có thể tả lại lần đầu gặp Nguyễn Quang Thân không?

DN: Làm gì có thể đáp tàu vào Nam dễ dàng. Tiền đâu, danh nghĩa thế nào để đi và để mua được vé? Mỗi năm một lần anh treo võng tàu ngồi vào, em được cơ quan ưu ái cho ra Hà Nội một đợt viết, thế thôi. Sống bằng thư, qua bạn bè như hoạt động tình báo ấy.

Không chỉ tả lại dễ dàng mà tôi còn nhớ như in những ngày Trại sáng tác Vũng Tàu bắt đầu vào tháng 4 năm 1982 ấy. Anh đến trễ 2 tuần vì đi tàu khách đường biển. Bữa cơm chiều, nhìn thấy một phụ nữ mi-nhon và hay hay (lời của anh sau này), đứng giúp cấp dưỡng chia cơm cho các bàn, anh nghĩ “người này nhiều phẩm chất vợ lắm đây”. Tôi thì không tiếng sét, thậm chí không chú ý gì cả, bởi anh phong sương hơn tuổi bốn mươi bảy, vạm vỡ và nói năng có phần ngổ ngáo. Khi phát hiện tôi buồn buồn vì đang vô định đời riêng, anh gác viết để cưa tôi, mọi cách, bằng thơ tiếng Pháp, bằng thơ Đường, bằng thơ tình tiếng Việt, anh có bộ nhớ phi thường và tài đọc thơ rất biểu cảm, rất menly. Hơn một tháng cưa, ngày 17 tháng 5 cái hôn đầu, bài thơ Cái cúc áo của em ra đời, 13 ngày trước khi Trại Vũng Tàu kết thúc. Sau đó anh ở lại Sài Gòn đi miền Tây viết về đề tài lương thực, chúng tôi mắt trước mắt sau dắt díu ít lâu nữa thì anh ra. Làm gì có điện thoại trợ giúp, chỉ nhịp thư từ nửa tháng vào nửa tháng ra nuôi sống chúng tôi năm liền năm, có lúc một năm rưỡi mới gặp được nhau. Giờ trong gia tài của chúng tôi còn nguyên vẹn 97 lá thư của anh và 96 lá thư của tôi. Cảm ơn thời thư viết tay, đường bưu chính, cảm ơn cả cái thời không điện thoại không Internet không Facebook để chúng tôi có nhau một cách sâu sắc, tuyệt vời.

NTTK: Quấn bện với nhau trong tình yêu nhưng Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân vẫn là những kẻ tự do trong sáng tác. Phải chăng tình yêu của ông bà đã đạt tới ngưỡng tự do tuyệt đối trong tâm hồn, trong khi đời sống thực tại không hẳn là như vậy?

DN: Có lẽ chúng tôi là hai nhà văn với phẩm chất văn xuôi mạnh. Không chỉ quan niệm cá tính trong văn xuôi là quan trọng, chúng tôi luôn tôn trọng nhau khi nói, khi nghĩ, khi viết, khi thẩm định nhau trên bản thảo. “Văn mình vợ người”, đó là nguyên tắc của chúng tôi và cũng là nghệ thuật sống của chúng tôi với nhau: cần phải cẩn trọng bởi chúng tôi là hai nhà văn, hai cá tính, hai phong cách gần như đối lập nhau.

NTTK: Yêu nhau cùng nhìn về một phía. Bà có thấy đúng trong trường hợp mình không? Dường như các tác phẩm của bà có “hệ” ngôn ngữ hiện đại, pha sắc báo chí trái ngược với Nguyễn Quang Thân. Yêu nhau thế, chẳng lẽ trong sáng tác hai người lại không “phủ những phân tử vàng lấp lánh sang nhau”?

DN: Yêu nhau là yêu từ chân tơ đến kẽ tóc. Yêu từ những ý nghĩ đến cách ứng xử ở những hoàn cảnh thử thách. Chúng tôi “yêu nhau dễ sợ”, nói theo ngôn ngữ hiện hành. Đúng ra, nếu anh Thân yêu ít đi, tôi sẽ không chờ và đương nhiên sẽ không ra Hà Nội làm gì. Tôi làm báo viết báo từ thời chiến tranh, ngôn ngữ và quan sát của tôi đậm dấu ấn nghề báo. Anh Thân là thế hệ Tây học, ba của anh là ông giáo giỏi tiếng Pháp, anh Thân rất khá tiếng Pháp, thế hệ ấy, ngoại ngữ ấy, anh rất cổ điển và lãng mạn nên không có gì lạ khi cá tính văn xuôi của anh Thân gần với Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh.

Chúng tôi phủ cho nhau những câu chuyện mỗi ngày, mọi chuyện, gì cũng nói được hết với nhau, tác giả, tác phẩm, những bài hát, những bộ phim, thế thái nhân tình, thế sự đúng sai, tha nhân, cao nhân, tiểu nhân, liệt kê sao cho hết, chỉ biết là nói ra để đồng thuận hoặc tranh luận cũng để đồng thuận. Anh Thân phủ cho tôi trí tuệ của anh, anh là bách khoa thư, đọc nhiều, nhớ giỏi, cực giỏi và nhất quán đến mức gàn dở với chính kiến của mình từ thời thanh xuân cho đến chết.

NTTK: Tác phẩm nào của Nguyễn Quang Thân bà cho là quan trọng nhất? Sức chịu “nhiệt” thời gian bao lâu mà sau này người đọc vẫn tìm thấy những bài học kiến giải đời sống và tình cảm trong đó?

DN: Nguyễn Quang Thân đa tài. Anh viết cho trẻ con thì trong trẻo và hấp dẫn với Chú bé có tài mở khóa. Anh có chừng mươi truyện ngắn xứng đáng với anh, bắt đầu với Người không đi cùng chuyến tàu, sau đó là Vũ điệu của cái bô, Thanh minh, Gió heo may, Chân dung, Người làm ra động đất… Anh có cả thảy 5 tiểu thuyết nhưng tôi cho rằng anh nợ người đọc một tiểu thuyết đỉnh cao. Anh có một kịch bản điện ảnh theo tôi là xuất sắc, không phải Hội thề, mà là Cây bạch đàn vô danh, đó là kịch bản hoàn hảo và bộ phim ấy có thể để đời khi cần khảo sát chiến tranh và người dân thường của thời đó.

NTTK: Bà có thể khái lược “thông điệp tổng quan” trong các các phẩm của Nguyễn Quang Thân được không?

DN: Nguyễn Quang Thân sớm nhận chân bi kịch của xã hội mà anh luôn thấy bức bối, trói buộc, càng ngày càng bức bối và nhà văn càng thấy mình đã tiên liệu đúng. Vì vậy mà anh luôn đồng hành cùng với sự quẫy đạp của trí thức trong một cái lồng, trong một tấm lưới. Một bạn văn ở hải ngoại định nghĩa theo tôi rất chuẩn xác về anh: “Nguyễn Quang Thân là người minh mẫn trong bóng tối”.

NTTK: Riêng tôi thường đọc Dạ Ngân và thích văn Dạ Ngân hơn là Nguyễn Quang Thân. Ở Dạ Ngân, người ta thấy li ti cảm xúc cũng như ngóc ngách hồn người, cách này, cách kia phơi bày trong đời sống đặc biệt là thân phận đàn bà. Đọc Dạ Ngân nhiều khi tôi thấy “sợ” phụ nữ viết văn. Nguyễn Quang Thân có sợ Dạ Ngân chút nào không ?

DN: Có lẽ tạng tôi là người tận hiến, anh Thân biết điều đó, đúng ra anh ấy phát hiện điều đó ở tôi ngay khi nhìn thấy tôi năm 1982. Tôi tận hiến trong tình yêu cho anh, trong việc chuyển dịch gần 2000 cây số để ra Hà Nội với anh, tận hiến từng ngày sống, từng việc nhỏ đến việc lớn bên anh. Tôi viết ít hơn anh, nhưng tôi viết tận cùng hơn anh.

Anh Thân đâu có sợ phụ nữ viết văn, anh Thân không sợ ai, ngoại trừ mẹ của anh. Với tôi, anh nể, anh rất nể tôi, nể sự tận hiến của tôi, tất cả, kể cả văn chương của tôi, tất cả, nhờ vậy mà giữ được anh, “cầm cương” được con ngựa bất kham có tên là Nguyễn Quang Thân.

NTTK: Nếu một ví dụ về sự ảnh hưởng của Nguyễn Quang Thân tới các sáng tác của Dạ Ngân, thì thưa bà, thì đó là tác phẩm nào? Và, Dạ Ngân tặng Nguyễn Quang Thân một tác phẩm nào? Bà có phải đánh máy hay làm độc giả đầu tiên của NQT không ?

DN: Anh Thân cho tôi những lời khuyên của một người thầy. Ví như ở Vũng Tàu, anh biết trong văn tôi không nhiều kiến văn do sự đọc hạn chế (bởi chiến tranh và đời sống xã hội tỉnh lẻ), anh cho tôi một danh sách gồm tất cả các tác gia Nobel từng khu vực của thế giới. Về lại Cần Thơ tôi ngưng viết 2 năm chỉ để đọc những tác phẩm của các tác gia ấy, nguồn ở thư viện công và cả các tủ sách gia đình bạn hữu vốn là người của chế độ cũ tôi kết thân được. Con chó và vụ ly hôn viết cuối năm 1985 là một minh chứng của việc ngưng viết nhờ đọc nhiều.

Tôi không đề tặng nhưng Gia đình bé mọn thực là một tác phẩm tôi viết bằng sự trân trọng thẳm sâu với chồng mình, với nguyên mẫu cho nhân vật Nguyễn Viết Đính. Khổ đau ngọt bùi cay đắng đúng như chúng tôi đã trải và đã ngoi lên, hết lần này đến lần khác. Anh Thân là một trong những nhà văn chỉ viết trên máy chữ trước kia, sau này anh viết trên computer và sau nữa, trên laptop, anh cực kỳ hiếu động, giỏi kỹ thuật và không bao giờ chịu tụt hậu. Khi vào tuổi tám mươi, anh viết báo trên smartphone luôn, vì vậy tôi đâu phải đánh máy bản thảo của anh. Vả lại, chúng tôi rất độc lập, không ai là thư ký của ai, không ai viết giúp ai cả.

NTTK: Bà từng biên tập ở Báo Văn nghệ nhiều năm, bà có ấn tượng với tác giả, hay tác phẩm nào nhất mà bà đã từ “đỡ đầu” biên tập giới thiệu trên mặt báo ? Bà hẳn nhớ Hà Nội nhiều thì phải, đôi khi tôi vẫn thấy điều đó âu sầu trong văn bà…

DN: Tôi ở báo Văn nghệ 10 năm 1998 - 2008, sơ khảo 3 cuộc thi truyện ngắn. Nhiều người nói tôi mát tay, tôi giúp là bệ phóng cho Trần Hạ Tháp (tiếc rằng tác giả viết chậm, khắc kỷ, viết ít), Phạm Duy Nghĩa hay nhưng rời Lào Cai thì khác (như trường hợp Trần Thanh Hà rời Quảng Trị và nếu như Nguyễn Ngọc Tư rời Cà Mau hẳn cũng khác như vậy), và Đoàn Ngọc Hà, và Nguyễn Hiệp và Mai Tiến Nghị… Riêng Ngô Phan Lưu rất ấn tượng và chúng tôi thầm lặng ơn nhau, nhà văn ấy gốc sĩ quan Việt Nam cộng hòa đi cải tạo chứ nào phải nhà văn nông dân như báo chí cứ vin vào đó để che lý lịch đúng của bạn ấy. Ngô Phan Lưu biết tôi trân quý tài năng của bạn ấy, tôi liên tài, tôi che giấu những yếu tố nhân thân và bạn ấy đã gửi đến cuộc thi những truyện ngắn đặc sắc. Đó là một nhà văn bẩm sinh với học vấn và số phận làm nên chính mình, tiếc rằng bạn ấy đã di cư sang Mỹ theo con và đang nằm im hay đang viết tiểu thuyết không biết nữa. Còn có những tác giả tôi kính tôi quý nhưng không thể qua cửa kiểm duyệt như những truyện của Nguyễn Viện, của Nguyễn Tham Thiện Kế…

Hà Nội cho tôi sự cọ xát cần thiết của một trung tâm chính trị và văn hóa, anh Thân luôn bảo Hà Nội cần cho sự nghiệp của tôi, đúng, Hà Nội là cả một trời thương nhớ trong tôi.

NTTK: Dạ Ngân là trường hợp đặc biệt từ Nam ra Bắc lập nghiệp văn chương. Bà nhìn nhận thế nào về các nhà văn người Bắc, ở Bắc. Và nhà văn gốc Bắc ở Nam kể từ năm1945 đến nay? Điều gì giống và khác nhau giữa những cá tính Bắc trong các sáng tác của họ? Những nhà văn gốc Bắc có đóng gì cho văn học thuần túy miền Nam trước 1975? Và sau 1975, dòng nhà văn Bắc lập nghiệp ở phương Nam, có dễ chinh phục độc giả miền Nam không?

DN: Hà Nội là cái nôi văn chương, rất đúng, vẫn đúng và sẽ đúng. Đã sinh ra Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Dương Thu Hương, Nguyễn Bình Phương…Và văn hóa Bắc được mang vào Sài Gòn sau 1954 đã làm nên diện mạo một nền văn học đa dạng đã bị lãng quên và dường như đang được chiêu tuyết: Vũ Hoàng Chương, Du Tử Lê, Mai Thảo, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền… Những lớp nhà văn gốc Bắc này giống nhau ở tài hoa và tinh tế chữ nghĩa, nhưng do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh sống nên tác phẩm họ nhất định phải khác. Quang Dũng và Hữu Loan quá khác so với Vũ Hoàng Chương và Thanh Tâm Tuyền. Khảo sát hẹp hơn sẽ thấy Nhật Tiến rất khác với em ruột mình Nhật Tuấn. Sau năm 1975, năm ba nhà văn gốc Bắc xã hội chủ nghĩa Nam tiến, trong số ấy tôi đánh giá cao đóng góp của Nhật Tuấn và Văn Lê.

NTTK: Bà có quan tâm đến văn học Việt ở hải ngoại? Đặc biệt là các nhà văn nhà thơ nữ cùng thế hệ? Nơi viễn xứ vẫn tự do tình yêu nước Việt, tiếng Việt thì đã cất tiếng gọi trở về từ thuở mở cõi. Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân đã thay đổi cảm xúc như thế nào khi tiếp xúc với những tác phẩm nào của những người con viễn xứ ấy…

DN: Tôi thích Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH … từ trước năm 1975. Thế hệ ấy đã qua. Một lớp giỏi tiếng bản địa nhưng vẫn viết tiếng Việt như Phạm Thị Hoài, như Thuận, như Lê Thị Thấm Vân, Lý Lan, Đỗ Hoàng Diệu… Nhưng tôi đặc biệt thích những tác giả thành danh bằng ngôn ngữ nơi họ tha hương, đó là Nguyễn Thanh Việt, Linda Lê, Nam Lê, Kim Thúy, Anna Moi, Lại Thanh Hà… Chúng tôi vui và thán phục, họ đã vượt lên cái trần định kiến, họ không vướng mắc, vì vậy nỗi buồn ở họ rộng lớn hơn, thuyết phục hơn.

NTTK: Cùng thời với Dạ Ngân là Lê Minh Khuê, cũng là một cây bút truyện ngắn xuất sắc, đến nay vẫn còn sáng tác đều đặn như Dạ Ngân. Bà có thấy mình và Lê Minh Khuê là những cây bút nữ khác biệt không?

DN: Tôi cũng thấy Lê Minh Khuê và tôi trường sức. Có lẽ chúng tôi biết sống chừng mực và viết chừng mực. Ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay, tôi luôn dặn mình đường dài, dai sức, không lấy số lượng đè chất lượng.

NTTK: Trên bàn ăn Ngân Thân thường là món gì? Vị miền Nam, Bắc, hay Trung? Dạ Ngân yêu điều gì nhất ở Nguyễn Quang Thân và ngược lại. Nếu có một cặp đôi hiện tại giống như hoàn cảnh của Ngân - Thân mấy chục năm trước đây. Thì bà sẽ có lời khuyên gì?

DN: Anh Thân ăn kỹ với cả những món dân dã. Ví như thịt gà không có lá chanh anh không ăn, sẽ chạy đi lùng bằng được lá chanh mang về chứ không gạt đi hoặc ăn tạm. Ví như rau muống luộc phải nước cáy hoặc tương bần, nước mắm phải nhiều tỏi, ví như mắm rươi, mắm bôi phải có chuối xanh khế chua và rau kinh giới. Ví như canh nhút nấu với cá quả (cá lóc) thì rau gia vị phải là lá lốt…Tôi ăn với chồng mãi nên quen, giờ những món miền Nam như canh chua hay thịt kho tàu tôi nêm không chuẩn nữa.

Tôi yêu nhất anh Thân ở sự điều độ và rèn luyện để có sức khỏe hơn người, yêu tinh thần học và đọc không mệt mỏi, yêu nết căn cơ, siêng làm, gì cũng tự tay làm được, tôi tự hào về anh và tận hưởng tình yêu của một người rất men, duyên dáng, hiểu biết, hài hước, nhiều tài lẻ. Điều tôi khó chịu (chứ không ghét) là anh càng già càng mê vi tính, hồi năm 1997, nhà đã có cỗ computer, anh tự mua sách mày mò rồi thạo dần, mỗi khi máy treo là anh cho cô vợ trẻ “treo” luôn.

Nếu có cặp đôi nào đang ở cảnh chúng tôi xưa, tôi sẽ khuyên “yêu éo le là phải biết đợi”, “sự tận hiến cần ở đàn bà, bao dung, đứng trên tất cả” và “sống với nhau khó hơn yêu và chờ nhau”.

NTTK: Cuộc đời vốn không hoàn hảo, vậy mà Dạ Ngân - Nguyễn Quang Thân đã làm nên một sự hoàn hảo cho riêng nhau và cả những gì quá khứ thuộc về nhau? Bà có bí quyết gì không? Hay đơn giản đây chỉ là định mệnh đã chuẩn bị sẵn cho hai người?

DN: Tôi nghĩ, anh Thân yêu tôi thừa thãi để tôi thấy quá đủ. Và tôi, như chính anh luôn ghi nhận: xinh vừa đủ, trẻ vừa đủ và cũng đủ giỏi đủ tốt đủ thảo thơm. Hai vợ chồng cùng nghề đã là bí quyết, nếu một anh văn xuôi sống với một nhà thơ, có lẽ khó à nha. Và dĩ nhiên, tiền định của chúng tôi là va vào nhau sau một lần đổ vỡ, đầy kinh nghiệm và đầy cẩn trọng để sống từng ngày với nhau.

NTTK: Thân Ngân có định làm chung một tuyển tập? Cuối đời Nguyễn Quang Thân còn ấp ủ dự định sáng tác nào không? Bà có cho rằng Dạ Ngân và Nguyễn Quang Thân đã gặp may hay là do sự đấu tranh không mệt mỏi với số phận để đạt “cảnh giới” tự do trong tâm hồn thì mới đạt được những thành tựu văn chương và “hình mẫu” đời sống đang được ngưỡng vọng hôm nay?

DN: Chúng tôi đã từng in chung 2 tập truyện ngắn và chung một đầu sách gồm 2 tiểu thuyết quan trọng Gia đình bé mọnNgoài khơi miền đất hứa. Hai người có cả thảy khoảng 40 đầu sách, in chung như thế nào, có lẽ để sau tính. Từ khi vào tuổi tám mươi, anh định viết một tiểu thuyết mỏng sau khi Người yêu dấu của tôi được chào đón nhưng anh không thể, anh đã vẫy chào, vút đi.

Chúng tôi đã gặp may khi có nửa của nhau ở nửa đời người và phải công nhận, chúng tôi dắt díu, đồng thuận, kiến tạo, cả đấu tranh bền bỉ với nhau thì mới có được đời sống tâm hồn và văn chương như các bạn thấy.

N.T.T.K. - D.N.

Nguồn: FB Dạ Ngân

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn