Một nhà văn trong trái tim bạn đọc vừa tạ thế - Một lần uống rượu với Kim Dung

Đào Tuấn Ảnh

Xung quanh việc “đọc chui” kho sách CHƯỞNG của Thư viện Viện Văn học còn có nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt không quên được mà con trai người viết mấy dòng này và con người bạn cùng khóa cùng là thành viên của Viện có góp một phần không nhỏ. Vì thế, đây là bài viết không chỉ rất lý thú về nội dung mà BVN xin phép tác giả đem lên đây như một nén hương lòng kính dâng lên hương hồn nhà văn tên tuổi vừa nằm xuống – mà còn giúp một số người nào đó gợi nhớ lại những gì sôi nổi một thời ở nơi từng là một trung tâm nghiên cứu văn học ít ai không quen biết hoặc không từng một lần ghé thăm.

Trân trọng gửi đến quý bạn xa gần.

Nguyễn Huệ Chi

Sau 1975, khi sách kiếm hiệp Kim Dung ra tới ngoài Bắc, độc giả mới được làm quen với tên tuổi và những tác phẩm từng rất nổi tiếng của ông ở miền Nam nhiều năm trước đó.

Ma lực cuốn hút của truyện Kim Dung

Viện Văn học có hẳn một kho sách “chưởng” để phục vụ công tác nghiên cứu. Tuy nghiên cứu văn học Nga, song tôi cũng xin được phép vào đọc kho sách này. Lúc đầu chỉ là tò mò. Sau khi đọc xong Thiên Long Bát bộ của Kim Dung, một thế giới nghệ thuật mới mẻ của văn học Trung Quốc mở ra trước mắt tôi. Thế giới này có một ma lực cuốn hút không ngờ, và không chỉ mình tôi.

 clip_image004

Nhà văn Kim Dung.

Nhiều bạn trẻ khi ấy cũng ra vào kho sách này luôn luôn, khi chạm mặt nhau ai cũng có cái nhìn bẽn lẽn, kiểu “thử đọc xem cái văn hóa đồi trụy nó ra sao?”. Thì hồi đấy, chúng tôi - những người lính tiên phong của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (ta - Tây - Trung Hoa) làm sao dám ra mặt thích “kẻ địch” như thứ văn chương kiếm hiệp tên “chưởng” này. Phải xem thường, thậm chí là coi khinh nó. Bởi thế đọc, thích, mà không biết chia sẻ cùng ai.

Ngoài xã hội hình như độc giả đói sách cũng đã quá chán với loại sách giáo huấn dạy dỗ, nhân vật hoặc như thánh, hoặc phản động, chậm tiến… nên họ cũng chuyền tay nhau “lén lút” đọc sách ngoài luồng, trong đó có truyện kiếm hiệp Kim Dung. Đối với họ, hóa ra, ngoài thứ văn học khuôn mẫu nêu trên, còn có một loại văn học khác thú vị, hấp dẫn bởi nó rất đời, rất người và được viết bởi những ngòi bút tự do, hiểu biết và tài năng.

Cuộc trò chuyện bên bàn tiệc với Kim Dung

Đọc một mạch hết những bộ sách cơ bản của Kim Dung: Thiên Long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ Thiên đồ long ký, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh Ký, tôi ao ước được gặp Kim Dung một lần trong đời, chuyện trò với ông. Và ước mơ tưởng chừng không thể nào thực hiện được ấy đã trở thành hiện thực.

Năm 1998, chị Tú Châu - nhà Trung Quốc học, dịch giả Kim Dung, nhận được giấy mời sang Đài Loan dự hội thảo quốc tế về Kim Dung. Hai cán bộ “trẻ” là tôi và chị Trần Hồng Vân xin bám càng đi cùng chị, tự túc vé máy bay. Đây là một cuộc hội thảo lớn có rất nhiều dịch giả, nhà văn, các nhà nghiên cứu từ mọi nước tới dự. Đến đây mới biết Kim Dung đã trở thành một hiện tượng quốc tế lớn như thế nào.

Trong hình ảnh có thể có: 13 người, mọi người đang cười

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng nhà văn Kim Dung.

Trước khi gặp Kim Dung tôi luôn hình dung ông qua những nhân vật của ông, khi thì Tiêu Phong, khi Trương Vô Kị, khi Đoàn Dự, Lệnh Hồ Xung… Tới lúc đó, ngồi trên chủ tịch đoàn lại là một ông già nhỏ thó, xanh xao và mệt mỏi (nghe nói nhà văn khi ấy vừa trải qua một cuộc đại phẫu thuật).

Vậy mà ông già ấy không bỏ lấy một buổi, kiên trì ngồi nghe. Nhiều báo cáo được trình chiếu rất công phu. Mọi khía cạnh, ngõ ngách của tiểu thuyết Kim Dung được mổ xẻ, khám phá, phân tích kĩ càng và đương nhiên là bằng tiếng Anh và tiếng Trung.

Giờ giải lao tôi mon men tính chuyện làm quen với ông, nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên đành chỉ dạo xem triển lãm sách Kim Dung, những xếp đặt hoành tráng như thật diễn tả lại những cảnh trong truyện của ông, và chơi các game theo tiểu thuyết của ông.

Chiều ngày thứ ba, hội thảo kết thúc, Kim Dung lên phát biểu bế mạc. Sau khi cảm ơn mọi người, ông nói đại ý ba ngày vừa rồi các vị đã nói rất nhiều về các tác phẩm của tôi, song thú thật là tôi không hiểu các vị nói gì. Truyện của tôi không cao siêu tới thế. Cả hội trường cười ồ.

Trong bữa tiệc chia tay, ba chị em đang loay hoay tìm chỗ thì Kim Dung bước tới chào chị Tú Châu, nói ông rất thích bản tham luận của chị và có nhã ý mời ba chị em ngồi cùng bàn ăn với mình. Tim tôi thắt lại vì xúc động. Cho tới giờ tôi vẫn còn cảm thấy ân hận vì trong bữa ăn đã bắt chị Tú Châu dịch từ đầu đến cuối cuộc đàm đạo với nhà văn (thì còn ai nữa đâu!).

Tất cả những suy nghĩ trước nay về sáng tác của Kim Dung, nay tìm được chính tác giả để chia sẻ, còn ai hạnh phúc hơn tôi khi đó không? Tôi say sưa nói về những giai đoạn sáng tác của nhà văn và kết luận nó tuân theo tiến trình văn học thế giới –  đi từ chủ nghĩa lãng mạn tới chủ nghĩa hiện thực, hiện thực phê phán rồi văn học hiện đại chủ nghĩa, hậu hiện đại.

Với Lộc Đỉnh Ký – một tác phẩm hậu hiện đại – cái chu trình ấy trong sáng tác của ông đã kết thúc. Trong mắt ông tôi đọc thấy sự ngạc nhiên, nhưng ông chỉ mỉm cười nhẹ nhàng: “Thú thật là tôi không biết đấy”.

Ông hỏi tôi thích nhất nhân vật nào trong toàn bộ sáng tác của ông. Tôi thành thật: Thích rất nhiều, cả phản diện lẫn chính diện, vì cái sự “trong phản có chính, trong chính có phản”, nhưng có lẽ thích nhất là Vi Tiểu Bảo.

Ông lại hỏi vì sao tôi thích nhân vật này. Ngần ngừ một chút, tôi mạnh dạn bộc bạch hết “tâm tư”: Là vì, nếu không nhầm, với nhân vật này ông cười nhạo cái “trung tâm Hán luận”, và với nhân vật này ông không chỉ giễu nhại mà còn cảnh báo những nước đi theo vết xe của cái thiết chế chính trị - xã hội không mấy văn minh trong truyện.

Vẫn sự ngạc nhiên trong ánh mắt dịu dàng của ông, nhưng lần này ông chỉ cười. Tôi nhận thấy chị Tú Châu đã mệt vì phải dịch nãy giờ toàn những vấn đề lý luận (mà cùng với tuổi trẻ là trái tim bồng bột khiến cho cái miệng nói không ngừng), bèn… không dừng lại, mà chuyển sang đề tài khác “nhẹ nhàng” hơn.

 clip_image009

Khi tôi hỏi, trong truyện ông tỏ ra vô cùng am hiểu nghệ thuật trà, rượu, hẳn ông là “đệ tử” của hai thứ đó? Ông cười rất hiền, nói cả hai thứ ông đều không nghiện, những điều ông viết trong truyện phần do đọc sách, phần bịa ra. Võ thuật cũng vậy, ngần ấy môn phái, nào là “hóa công đại pháp”, “hấp tinh đại pháp”; “Lục mạch thần kiếm”, “Càn Khôn Đại Na Di”… trùng trùng điệp điệp, tưởng ông phải nắm chúng trong lòng bàn tay và ít nhất cũng phải là người của một môn phái nào đó.

Hóa ra ông không biết một môn võ nào, không “phiên chế” ở môn phái nào. Ông bảo, ông cũng có học, có luyện, nhưng không phải võ công, mà là… các huyệt mạch trên cơ thể con người, phần để tự chữa bệnh, phần viết cho đúng, chứ cái “nhất dương chỉ” mà chỉ sai, điểm sai là hỏng bét cả cuốn sách. Tôi hỏi, các môn phái trong truyện của ông có thật không. Ông bảo, có cái thật, cái không, từ cái thật “sáng tác” ra cái không có thật. Ôi, thật là một trí tưởng tượng siêu phàm!

Tôi hỏi, ông chuyên viết truyện kiếm hiệp, có khi nào ông lại cho ra một tiểu thuyết “bình thường”, không đấm đá. Ông bảo, mỗi người một cách viết, tôi muốn truyện của tôi hấp dẫn vì những thứ được nâng tầm văn hóa như rượu, trà, các món ăn, các “món võ” cùng cốt truyện ly kì mạo hiểm. Khi độc giả đã say mê những thứ đó họ sẽ đón nhận những cái khác nhẹ nhàng, tự nhiên và tự nguyện hơn… những điều chị có nói đôi chút ban nãy ấy. Giờ thì đến lượt tôi ngạc nhiên và trong đầu tôi bỗng nghĩ tới Dostoevski, người biết dùng sự ly kì hồi hộp của những chuyện vụ án để “dẫn dụ” bạn đọc. Ôi, những ông già tinh quái!

Kim Dung có lẽ đã bị sự “bồng bột tuổi trẻ” của tôi lôi cuốn, ông ra câu hỏi nhiều hơn, và tôi nhớ nhất ông hỏi tôi thích môn phái nào nhất. Tôi trả lời tắp lự: Cái bang và túy quyền! Vì những thứ khác phức tạp quá tôi không hiểu, còn những cái này đơn giản, dễ hiểu hơn, song quan trọng cái món túy quyền nó dạy người ta biết “vô chiêu thắng hữu chiêu” là như thế nào. Sách ông thuộc dạng “vô chiêu”.

Lần đầu tiên, trong suốt bữa ăn, Kim Dung bật cười thành tiếng. Ông bảo ông quá ngạc nhiên và hạnh phúc khi ở Việt Nam có nhiều người thích truyện của ông, dịch sách và bàn về truyện của ông say sưa đến thế.

 clip_image012

Tiến sĩ Văn học Đào Tuấn Ảnh.

Bữa ăn kết thúc, các món rất ngon trên bàn hầu như còn nguyên. Nhưng tất cả chúng tôi đều mãn nguyện. Qua cách nói chuyện dí dỏm, qua cách ông nâng ly mời rượu một cách tao nhã, qua sự thể hiện lòng biết ơn với một nữ dịch giả đến từ một đất nước không mấy được biết đến ở Đài Loan, thấy được rằng con người ông đã thấm nhuần một thứ văn hóa Trung Hoa đích thực.

Sau hội thảo ba chị em còn ở lại thăm thú Đài Loan thêm mấy ngày nữa và những gì nhìn thấy ở nơi nhỏ bé, xinh đẹp và vô cùng cần cù lam làm này thực sự đã gây ấn tượng đối với chúng tôi. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là Kim Dung – một trong những nhà văn lỗi lạc nhất của thế giới thế kỉ XX.

Hôm nay ông vĩnh biệt chúng ta để đi về cõi ấy. Hẳn nơi đó ông sẽ gặp chị Tú Châu – người dịch thật hay sáng tác của ông. Cầu cho hương hồn hai người tôi yêu quý được thanh thản.

TS Văn học Đào Tuấn Ảnh (viết riêng cho Dân Việt)

Nguồn: http://m.danviet.vn/van-hoa/mot-lan-uong-ruou-voi-kim-dung-926315.html?fbclid=IwAR2tA8Vz-Hd_NgXgQu4vg0ZJ2R_lJgAP3qXHT66ui6xRihSwj-xJIOb3e08

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn