Đặc san số 3 - “Bauxite Việt Nam”, một hiện tượng lịch sử

Hoàng Hưng

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\Hoàng Hưng.jpg

1. Thư ngỏ Phản đối Khai thác Bauxite năm 2009: Cuộc “biểu tình trên mạng” quan trọng đầu tiên.

Tôi gọi phong trào phản đối trên mạng đối với vụ Khai thác Bauxite Tây Nguyên Việt Nam cuối thập niên 2000 là “hiện tượng lịch sử” (nằm trong “sự kiện lịch sử” là toàn bộ vụ khai thác này còn kéo dài đến tận bây giờ và chưa chấm dứt, với mọi hậu quả chưa lường hết đối với tài nguyên, môi trường, văn hoá dân tộc và an ninh quốc gia).

“Hiện tượng” này chỉ xuất hiện với việc phổ biến Internet ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 đem lại những lợi ích chưa từng có cho đất nước và nhân dân Việt Nam, trong đó có những bất ngờ-bất lợi cho chế độ toàn trị mang tên “Cộng sản” – đó là sự bất lực của họ trong việc kiểm soát thông tin liên lạc trước hệ thống thư điện tử (email) và các trang mạng (website, blog) của người Việt xuyên biên giới quốc gia (và sau đó là mạng xã hội Facebook, Youtube). Chỉ cần so sánh việc bức Thư ngỏ viết tay năm 1989 của nhóm Văn nghệ Đà Lạt phản đối cách chức Tổng biên tập báo Văn nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc dễ dàng bị an ninh chặn đứng, với việc lá Thư ngỏ phản đối tịch thu tập Thơ Trần Dần năm 2008 của nhóm văn nghệ Hà Nội chỉ sau 3 ngày đã có 134 chữ ký của các trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong-ngoài nước và lan truyền khắp thế giới mạng khiến an ninh không kịp trở tay và Cục Xuất bản phải thu hồi lệnh thu hồi, thay bằng “phạt vạ” NXB Đà Nẵng!

Thư ngỏ phản đối Cục Xuất bản thu hồi tập Thơ Trần Dần là cuộc “biểu tình trên mạng” đầu tiên của người Việt Nam. Đó cũng là cuộc “tập dượt” để có Kiến nghị dừng khai thác Bauxite một năm sau đó (tháng 4/2009), một kiến nghị online có tầm quan trọng lớn đầu tiên của người Việt. Một số người chủ chốt trong vụ “Thơ Trần Dần” tiếp tục vai trò trong vụ Bauxite: nhà giáo dục-nhà văn Phạm Toàn, người khởi thảo đầu tiên Thư ngỏ về Thơ Trần Dần cũng là người khởi thảo Kiến nghị Bauxite. GS Nguyễn Huệ Chi là người được anh em cử ra đứng đầu danh sách ký tên Thư ngỏ Thơ Trần Dần cũng là người được tín nhiệm cử làm nhân vật cầm cờ trong ba người đứng tên khởi xướng Kiến nghị Bauxite (Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng).

Bản thân tôi, trước đó đã vinh dự đóng góp vào việc hoàn chỉnh Thư ngỏ Thơ Trần Dần và chịu trách nhiệm lan truyền để xin chữ ký (qua khoảng 1000 email cá nhân và 2 mạng talawas.org của Phạm Thị Hoài ở Berlin mà bấy giờ tôi đang tham gia Ban biên tập, và diendan.org của nhóm trí thức bạn bè ở Paris – các anh Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường,…), đến lúc này cũng tự động lãnh việc lan truyền Kiến nghị Bauxite theo cách giống như thế (talawas lúc đó vừa đổi qua hình thức blog). Kiến nghị đã thu được hàng trăm chữ ký ngay vài ngày đầu và kết thúc với vài ba ngàn chữ ký!

Trong vụ này, do sự cẩn trọng tính toán hiệu quả của Kiến nghị – và cũng là do ngây thơ buổi đầu –, tên một số nhân vật “nhạy cảm” ở hải ngoại do tôi trực tiếp xin chữ ký (như nhà văn Vũ Thư Hiên ở Pháp) đã bị… loại! (Tôi đã phải gửi email xin lỗi họ, tuy danh sách do tôi gửi đăng trên hai mạng hải ngoại và vài trang mạng cá nhân của nhà văn trong nước thì vẫn đầy đủ).

Đến tháng 10/2010, nhân vụ hồ bùn đỏ bauxite ở Hungary bị vỡ gây ô nhiễm trầm trọng trên một diện tích lớn làm cho dư luận thế giới kinh hoàng, một Kiến nghị thứ hai về Bauxite lại được những nhân vật chủ chốt lần trước, các anh Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng tiếp tục khởi xướng và phát động lấy chữ ký trên trang BVN, được hưởng ứng sôi nổi lập tức, không kém gì lần trước. Nhưng lần này có chuyện hơi oái oăm, nằm ngoài ý muốn của Nhóm soạn thảo, là bản Kiến nghị về sau bị/được “đoạt thai hoán cốt” để trình lên cấp có thẩm quyền, ngay sau đó học giả Hà Sĩ Phu gửi bài viết đến BVN tỏ ý không đồng tình, một trí thức khác có tham gia ký tên vào bản Kiến nghị cũng đưa chuyện lạ này ra chất vấn trước công luận, trong một bài đăng ở talawas blog. Xin trích: “Bản khởi thảo đợt ký Kiến nghị 2010 được đăng ngày 10-10-2010 trên trang BVN, Ban Khởi thảo gồm 13 người (đứng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy), trong đó có đủ 3 thành viên của trang BVN. Ngay cuối lời giới thiệu còn ghi rõ: “Thay mặt Nhóm khởi thảo: Nguyễn Huệ Chi”; địa chỉ liên lạc cũng ghi rõ: “Bauxite Vietnam: bauxitevn@gmail.com”. Mọi người ký tên ai cũng nghĩ là mình ký vào văn bản ấy. Nay đột nhiên đem ngần ấy chữ ký đánh tráo vào một văn bản do “BAN ĐẠI DIỆN” với 16 chữ ký tay do bà Nguyễn Thị Bình đứng đầu (điều này rất tốt), song không hiểu vì sao hoàn toàn không có các đại diện của trang BVN” (nguồn: http://www.talawas.org/?p=26434) (1).

Đặc san số 3 - Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…

Lê Hiếu Đằng

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

Thời gian vừa qua, có dịp vào Sài Gòn, được tin Luật gia Lê Hiếu Đằng phải cấp cứu ở BV Bình dân, tôi và bạn bè đã đến thăm ông. Chúng tôi nhìn nhau, nói rất ít. Sờ bàn chân ông thấy có hiện tượng phù nhẹ, nhưng trông khuôn mặt thì vẫn linh lợi, nhất là ánh mắt sáng, vẫn ngời lên cái khát vọng tha thiết về tương lai dân chủ hóa đất nước. Vài ngày sau tôi nhận được điện của ông, giọng rõ từng tiếng: “Thưa anh HC, tôi đã ra viện, đã trở về với đội ngũ. Sẽ sớm có bài viết tính sổ đời mình gửi đến anh”. Bồi hồi sung sướng, tôi vâng lên một tiếng thật to ở đầu dây bên này, và từ đó cứ chờ đợi bài ông.

Thì hôm nay, bỗng nhận được bài viết dưới đây trong e-mail với lời gửi gắm kèm theo qua điện thoại: “Anh sửa chính tả thật kỹ giùm tôi, bởi đối với một người vừa qua cơn bệnh hiểm nghèo có thể viết còn nhiều lỗi. Nhưng toàn bộ những ý tưởng trong bài là của tôi, tôi chịu trách nhiệm”.

Tôi xin vâng theo lời ông. Chợt nhớ tới câu châm ngôn mà chính nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã từng nhắc: “Nhân chi tương tử kỳ ngôn dã thiện”. Người bạn của tôi trong những ngày vừa qua cũng coi như đã một lần xáp mặt với cái chết và may mắn giải thoát khỏi nó, nên những lời ông nói ra là tất cả những gì tâm huyết ông muốn gửi gắm cho đồng bạn và cho lớp trẻ đang tiếp bước mình. Những lời vừa có tính chất ôn lại chuyện cũ để chiêm nghiệm sự đời cho sâu chín hơn, đồng thời cũng kết đọng trong nó một tuyên ngôn chắc nịch về con đường nhất thiết phải đi, để đưa dân tộc thoát khỏi số phận một chàng Sisyphe suốt đời phải đẩy khối đá khổng lồ chồng trên lưng mình như một định mệnh – mà một thời vẫn cứ mê muội ngỡ đó là trách nhiệm và vinh quang do lịch sử giao phó “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa”. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì sự quá tải của một cái ách cực kỳ phi lý hầu như bất kỳ ai cũng đã cảm nhận được rất rõ. Và câu nói âm thầm từ muôn miệng hình như đang cùng muốn thốt lên: Hãy hất nó xuống khe vực để đứng thẳng dậy, sánh bước cùng nhân loại văn minh.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nguyễn Huệ Chi

Sau hơn 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi Đảng, những trải nghiệm cay đắng mà tôi cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học sinh sinh viên trước 1975 đã chịu đựng, thôi thúc tôi phải “thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả. Trong lúc nằm bịnh tôi đọc quyển Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy, các truyện của các nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Dần và qua ti vi xem các chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Hàn Quốc, Myanmar (Miến Điện) lại càng giục giã tôi viết những dòng này. Các nhà văn đã cho tôi thấy thêm sự bi thảm của thân phận con người trong cái gọi là CNXH ở Miền Bắc, một xã hội không có bóng người. Chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không có những nghi thức cao nhất của một nguyên thủ quốc gia hay chuyến đi thăm Hàn Quốc, Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nếu đem so sánh các chuyến đi thăm Trung Quốc của các vị thì không khí hoàn toàn khác nhau. Một bên thì khô cứng, lạnh lùng của một nước lớn đầy tham vọng, một bên là không khí cởi mở, vui vẻ bình đẳng. Không biết các nhà lãnh đạo của ĐCS Việt Nam với lòng tự trọng dân tộc có “mở mắt” thấy điều đó không? Hẳn nhiên chúng ta không thể đòi hỏi Mỹ làm nhiều điều tích cực hơn bởi vì công bằng mà nói anh không thể “mở lòng” với một nước mà thái độ không rõ ràng, bất nhất.

Tất cả tình cảm của gia đình và bạn bè trong nước cũng như ở nước ngoài làm tôi suy nghĩ miên man trong lúc nằm bịnh càng khẳng định với tôi một điều: con đường mà tôi cùng nhiều bạn bè, đồng đội đã lựa chọn, con đường tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng thời trai trẻ và một xã hội công bằng tự do dân chủ. Ở đó con người sống với nhau một cách tử tế, thật sự được giải phóng từ người nô lệ thành người làm chủ của đất nước. Tôi ngày càng hiểu sâu sắc từ “GIẢI PHÓNG” không có nghĩa như ngày nay người ta thường dùng mà là sự thoát xác thật sự làm người tự do dù cho người cai trị là da trắng hay da vàng, thậm chí điều đau khổ, bi thảm nhất là hệ thống cai trị chính là người của dân tộc đó, là Việt Nam, là Trung Quốc, v.v. Nếu hiểu từ giải phóng theo ý thức sâu xa đó thì tôi cũng rất đồng tình với nhận xét của nhiều nhà báo, nhà văn, học giả ở Miền Bắc, trong đó có nhà báo Huy Đức trong cuốn Bên thắng cuộc mới đây. Thật sự là Miền Nam đã giái phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng… Vì những lẽ trên tôi xin “tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới.

Đặc san số 3 - Vài điều tóm lại cho gọn

Hà Sĩ Phu

Đôi lời mở đầu

Thưa GS Nguyễn Huệ Chi cùng Ban Biên tập trang Bauxite Việt Nam,

Trang Bauxite Việt Nam ra đời đã 10 năm, vượt qua bao đoạn thăng trầm, có lúc tưởng đã không trụ nổi. Nào là sự hiểu lầm nhau nhất thời giữa những người xây nền, sự hiểu lầm của nhà giáo Hà Văn Thịnh chỉ vì một hộp thư giả mạo, nào ý đồ muốn chuyển tiếng nói “chống khai thác Boxit” của Xã hội dân sự này thành một tiếng nói thân cận của đảng cầm quyền cho đảng dễ chấp nhận, nào vụ truy bức người chủ trì Nguyễn Huệ Chi trong vòng gần một tháng đầu năm 2010 cho đến sát tết Âm lịch… Tôi cùng một vài bạn đồng tâm ở Đà Lạt đã có hân hạnh và duyên nợ đóng góp cùng trang Bauxite Việt Nam để vượt qua tất cả những bước trầm luân ấy. Khi còn sức khỏe có lúc tôi đã thích thú viết những “chapeau” (lời dẫn) cho các bài (với tên Hà Sĩ Phu hoặc tên trang Bauxite Việt Nam). Suốt 10 năm ấy những bài viết của tôi trước hết luôn đăng trên trang Bauxite Việt Nam, ngoài ý nghĩa “việc chung” ra hình như trong tôi còn pha chút “tình riêng” của những người đồng thanh tương ứng, những người “dị sàng” mà “đồng mộng”, giữa thời buổi mà sự “đồng sàng dị mộng” phổ biến khắp nơi, ngay trong hàng ngũ giới cầm quyền.

Nay trang Bauxite Việt Nam đã lên mười tuổi thì cũng là lúc sức khỏe của tôi có những báo động chuyển biến bất thường, trước nguy cơ có thể không còn viết lách gì được nữa. Vì vậy xin làm một việc là điểm lại những ý chính mà tôi đã viết trong 1-2 năm cuối cùng vừa qua, chủ yếu đăng trên trang Bauxite Việt Nam. Tôi chia làm hai phần:.

Phần 1: Lý thuyết Mác-Lê xuất phát từ những nhầm lẫn, phản tiến hóa

Phần 2: Một tà thuyết, sao có thể bùng lên kinh thiên động địa một thời?

Phần 1: Lý thuyết Mác-Lê xuất phát từ những nhầm lẫn, phản tiến hóa

Xin không bàn về những lý thuyết thuần túy Triết học của Marx, mặc dù Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử Mác-xít cũng có những điều rất cần phải tranh luận về mặt Triết học. Điều có ý nghĩa thực tế cần thiết cho xã hội ở đây là chỉ xét những “lý sự” gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin được dùng làm kim chỉ nam chỉ đạo mọi chủ trương của Đảng Cộng sản, những điều đã thành nhận thức phổ thông, tuyên truyền phổ cập ai cũng biết. Hiện nay về lý thuyết cũng như thực tiễn Cộng sản tuy có những biến đổi để hòng thích nghi nhưng bản chất chủ thuyết căn bản vẫn không có gì thay đổi.

Trong bài Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức (2012, đăng trên trang mạng của nhà văn Phạm Thị Hoài) tôi đã kể qua 9 điều “nhầm lẫn nhỏ” (mà các Cụ nhà ta thường dùng chữ rất hay là “bé cái nhầm”) của Mác-Lênin khi dựng một học thuyết cao siêu và vĩ đại. Ở đây chỉ xin nhắc lại năm điều nhầm lẫn quan trọng nhất.

1/ Mác-Lênin hiểu nhầm về thời đại mà các ông đang sống.

Tại sao có thể nói các nhà Mác-xít kinh điển đã “đọc nhầm” thông điệp của Thời đại?

Thế kỷ 18-19 và đầu thế kỷ 20 là thời kỳ phôi thai bột phát của nền văn minh Công nghiệp, vừa đem lại những thành quả nhảy vọt nhưng đồng thời cũng tạo ra những tai họa nhất thời mà lúc đầu chưa có phương án chế ngự, đó là sự áp chế của một số chủ Tư bản đối với Công nhân và sự áp chế của các nước đại công nghiệp đối với các nước còn lạc hậu cổ hủ, sự áp chế được gọi là Chủ nghĩa Đế quốc và Chủ nghĩa Thực dân.

Chủ nghĩa Đế quốc-Thực dân ấy thực ra chỉ là bước chập chững, loạng choạng, hăm hở chào đời của một “đứa hài nhi” sẽ thành khổng lồ, nhưng Mác-Lê tưởng “Chủ nghĩa Đế quốc là giai đoạn tột cùng của Chủ nghĩa Tư bản”! Đã là “giai đoạn tột cùng” rồi thì tất nhiên là già nua sắp chết, nên phải nghĩ ngay ra một Chủ nghĩa mới để thay thế, trước mắt là huy động “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” để đào mồ chôn nó đi! Nhưng rồi theo thời gian đứa hài nhi có gien khổng lồ ấy “cứ giãy mãi mà không chết”, ngày càng trưởng thành và sửa chữa những điều ấu trĩ của mình, còn cái chủ nghĩa với đội quân đi “đào mồ chôn” nó thì cứ huênh hoang vô địch nhưng bỗng lăn ra chết ngay tại quê hương của mình, mà chẳng thấy giãy giụa gì.

2/ Mác-Lênin hiểu nhầm Lịch sử, tưởng Lịch sử chỉ là một chuỗi đấu tranh giai cấp, và coi đấu tranh giai cấp là động lực của Tiến hóa.

Theo Mác, Lịch sử là một chuỗi những cuộc đấu tranh giai cấp, với tư cách là động lực của Tiến hóa (trích: Giai cấp bị trị và giai cấp thống trị luôn đối kháng nhau về quyền lợi nên sinh ra đấu tranh giai cấp. Nô lệ chống chủ nô làm chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã. Nông dân chống địa chủ phong kiến làm chế độ phong kiến tan rã. Giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản làm chủ nghĩa tư bản sụp đổ…

…Kết quả cuối cùng của những cuộc đấu tranh đó đều dẫn tới sự ra đời của phương thức sản xuất mới thông qua đỉnh cao của nó là những cuộc cách mạng xã hội.)

Mác nhìn lịch sử Tiến hóa của nhân loại như một chuỗi những đoạn đứt khúc do các cuộc Cách mạng, dùng bạo lực lật đổ nhau để tạo ra thể chế mới và mỗi lần như thế làm cho xã hội tiến hóa lên một bước mới. Đó là quan điểm Chính trị Mác-xít xuất phát từ Chủ nghĩa Kinh tế (khi hạ tầng Kinh tế thay đổi thì thượng tầng Chính trị cũng thay đổi theo).

Nhưng trên quan điểm khoa học thì phải hiểu sự Tiến hóa như thế nào?

Đặc san số 3 - Chúc mừng Trang “Bauxite Việt Nam” mười năm

Nguyễn Đình Cống

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\Nguyễn Đình Cống.jpg

Đã từ lâu tôi phát hiện ra những nhầm lẫn của Mác và những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê, cũng như những sai lầm, thiếu sót trong các chủ trương, nghị quyết của ĐCSVN. Vào cuối thể kỷ 20, đầu thế kỷ 21, sau khi Hà Sĩ Phu tạo được tiếng vang và bị bỏ tù, tôi ước ao được công bố những phát hiện của mình, dù có bị tù đày hoặc  tử hình cũng vui lòng. Loay hoay chưa biết công bố thế nào  thì Trang Bauxite Việt Nam đã giúp tôi có điều kiện mở miệng. Tôi cảm phục các vị đã tạo ra và duy trì được  sự hoạt động giữa muôn vàn khó khăn và sự cản trở của chính quyền cộng sản, Tôi biết ơn trang Bauxite Việt Nam vì đã giúp tôi công bố những suy nghĩ và kết quả nghiên cứu, cũng như là diễn đàn để  trao đổi ý kiến. Thông qua trang Bauxite Việt Nam mà tôi kết bạn được với nhiều người cùng chí hướng.

Ở VN cũng như trên thế giới đã có nhiều ý kiến phê phán chủ nghĩa Mác Lê, nhưng có  ít người phê phán trực tiếp Mác. Rất nhiều người, từ kẻ cuồng tín đến người bình thường không hề dám có ý kiến nhận xét gì về Mác ngoài việc ca ngợi suông. Có một số người dám phê phàn Mác, nhưng lại cho rằng trước đây Mác vẫn đúng, các quan điểm của ông chỉ không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng đó là nhận xét tương đối hời hợt.  Kết quả nghiên cứu của tôi cho thấy Mác đã nhầm lẫn  ngay từ đầu, chủ nghĩa Mác sai ngay từ gốc.

Đặc san số 3 - 10 năm nâng cao dân trí chấn hưng dân khí

Tô Văn Trường

Thời gian trôi rất nhanh, thấm thoát đã đến kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN). BVN xuất hiện vào thời điểm chuẩn bị triển khai dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên với nhiều ý kiến bức xúc trái chiều với chủ trương này. Đến nay, thực tế cho thấy đó là những phản biện khoa học thực tiễn quý giá, nếu được lựa chọn tiếp thu sẽ không dẫn đến tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” như dự án bauxite cũng như nhiều đại dự án hiện nay. Phản biện khoa học hữu hiệu góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế, an toàn về môi trường và an ninh cho đất nước ta.

Diễn đàn của người dân và giới trí thức

Tính đa dạng, đa chiều trong tự nhiên và xã hội là sự tồn tại tất yếu. Theo thời gian trang Bauxite Việt Nam trở thành diễn đàn của nhiều người dân, đặc biệt là giới trí thức trong và ngoài nước về nhiều nội dung hơn, chủ yếu là những ý kiến riêng phản ánh & bình luận về các vấn đề thời sự, thực trạng kinh tế xã hội và lý luận của Đảng và Nhà nước... ; phần lớn là  ý kiến trái chiều, có ý kiến sâu sắc, có ý kiến cực đoan, nhưng đều phản ánh cách nhìn đa chiều về chính trị - xã hội và là những thông tin hữu ích để đánh giá những điều tích cực cũng như yếu tố tiêu cực của đời sống chính trị - xã hội mà không phải lúc nào các cơ quan tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước muốn mà có được.

Cùng với vai trò của nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường, tự do thông tin cũng là một trong những yếu tố trụ cột của xã hội dân sự, là điều kiện để tạo ra sự phát triển của đất nước tiến kịp văn minh nhân loại. Vì vậy, từ trang thông tin Bauxite Việt Nam, có thể chọn ra được những bài viết nghiêm túc dù có trái với một số quan điểm của Đảng nhưng vẫn là những thông tin tham khảo hữu ích rất đáng trân trọng.

Đặc san số 2 - THƯ NGỎ (Số 2): Phản biện Thông cáo của Bộ Công Thương

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

GỬI QUÝ VỊ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Việt Nam ngày 7 tháng 5 năm 2009

Kính gửi:

– Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;
– Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội và toàn thể thành viên
Quốc hội CHXHCN Việt Nam;

– Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và toàn thể thành viên Chính phủ CHXHCN Việt Nam

Kính thưa quý vị Lãnh đạo,

Tiếp theo Thư ngỏ (số 1) gửi các đại biểu Quốc hội khóa 12, nay chúng tôi gửi Thư ngỏ này (đánh số 2 để tiện theo dõi) nhằm mục đích phân tích những sai trái trong Thông cáo của Bộ Công Thương đề ngày 28 tháng 4 năm 2009, trong đó đã sai về nội dung khi phản bác lại các luận điểm của bản Kiến Nghị đối với chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, lại còn sai cả về thái độ khi quy chụp những trí thức đã ký tên vào kiến nghị là kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, […] thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng.

Sở dĩ chúng tôi phải dùng hình thức thư ngỏ, vì kinh nghiệm cho thấy quý vị rất hiếm khi – thậm chí không bao giờ – đối thoại với những người gửi thư tới quý vị, ngay cả những công dân có công lớn với đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, … thì thư gửi tới quý vị đều không được phản hồi, vậy nên, việc viết thư ngỏ là biện pháp bất đắc dĩ mà chúng tôi phải lựa chọn để công khai cho đông đảo nhân dân xem và phán xét lập luận cùng thái độ của chúng tôi đúng hay sai.

Sở dĩ bài Thông cáo báo chí của Bộ Công Thương được tung ra từ ngày 28 tháng 4 năm 2009, nhưng mãi đến hôm nay chúng tôi mới có thư ngỏ này, đó là vì Ban Khởi thảo Kiến nghị không muốn tự tiện, còn phải chờ ý kiến số đông, đặc biệt ý kiến từ các chữ ký tiêu biểu chủ chốt, xem có cần phải trả lời hay không, và nếu có thì nên trả lời thế nào. Vì chúng tôi biết rằng, sai lầm từ một người như ông Thứ trưởng Bộ Công Thương thì có thể được làm ngơ, ngược lại những phản hồi này chỉ sai sót chút ít là đủ để nhận những đáp trả không xứng đáng với tư cách chúng tôi.

Kính thưa quý vị,

Ngày 28 tháng 4 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương phân phát một Thông cáo báo chí trong buổi họp giao ban tại Hà Nội, được cho là đến tay 300 nhà báo, nhưng không có công khai công bố trên bất cứ một tờ báo nào trong nước. Chúng tôi đã may mắn được đọc, và nhận thấy, nội dung của Thông cáo đó có nhiều điều sai, chúng tôi sẽ trình bày qua thư ngỏ này.

Trước hết, đề cập chung đến bản Kiến nghị ngày 12 tháng 4 năm 2009 về chủ trương khai thác Bauxite Tây Nguyên, một văn bản đầu tiên gồm 135 chữ ký tự nguyện của giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, tập hợp đủ các ngành nghề, kể cả những người có chuyên môn liên quan đến các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, kỹ thuật khai thác v..v... và hiện đang được sự ủng hộ ngày càng tích cực của mọi người, chí ít là chưa thấy một lời lẽ phê phán nào, càng không thấy có ai chống lại. Chưa bao giờ thấy hiện tượng cả ngàn người nhất trí ký tên vào bản Kiến nghị trong đó rất nhiều người không quen biết nhau mà mới chỉ “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, thế mà bản Thông cáo báo chí của Bộ Công Thương lại nói về những chữ ký đó một cách hàm hồ và chụp mũ trắng trợn như sau:

“[…] bên cạnh những ý kiến đúng đắn đó, có nhiều ý kiến rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng. Thể hiện rõ nhất là nội dung bản kiến nghị với nhiều thông tin không chính xác.

Chúng tôi tạm bỏ qua chưa phân tích “kết luận” trên của Bộ Công Thương, bỏ qua cả những kiểu cách quy chụp rất trịch thượng trong ngôn từ mà Bộ Công thương sử dụng, chỉ xin đi vào những lý lẽ cụ thể đã được Bộ Công Thương phản bác .

Đặc san số 2 - Về việc các tỉnh cho người nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng nguyên liệu dài hạn (Bài viết gửi đăng BVN ngày 22.01.2010)

Đồng Sỹ Nguyên - Nguyễn Trọng Vĩnh

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vốn là người có 7 năm phụ trách Chương trình 327 mà mục tiêu là phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ rừng, và môi trường sinh thái; còn Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989). Hai nhà cách mạng lão thành gửi cho Bauxite Việt Nam bài viết sau đây, nêu rõ hiểm họa của việc chúng ta cho Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuê trong thời hạn 50 năm hơn 264 nghìn ha rừng đầu nguồn; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
Bauxite Việt Nam

Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Kết quả cho thấy 10 tỉnh [các tác giả chỉ liệt kê 9 tỉnh, tức sót một tỉnh – BVN] đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.

Đặc san số 2 - Cuộc chiến tranh lai của Trung Cộng

Việt Nam cần một chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của Trung Cộng

 越南需要拥有应付中共的混合战争的有效战略

(Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ *4.5.1919* và 10 năm trang Bauxite Việt Nam *5.2009*)

纪念五四运动100周年(1919年5月4号)与铝土矿越南网站论坛第10周年 (2009年5月20号)

Vũ Cao Đàm

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\Vũ Cao Đàm.jpg

         1. Đặt vấn đề

      Sắp kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ, trong đầu tôi chợt thoáng qua một ý nghĩ: “Thật nhục nhã, tập đoàn cộng sản Hoa Lục (sau đây gọi tắt là Trung Cộng) đang phản bội và bôi bẩn thanh danh của Phong trào Ngũ Tứ, khi họ phát động cuộc chiến tranh lai chống các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam”.

      Trong khoa học quân sự hiện đại, chiến tranh lai (hybrid war hoặc hybrid warfare) là một khái niệm rất mới. Chủ đề “Chiến tranh lai”được đề cập lần đầu tại cơ quan tham mưu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào năm 2008. Đến 2011 Tổng Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ George W. Casey đưa ra cảnh báo về hiểm họa lai (hybrid threats) để nói về những nguy cơ phải đối mặt trước cuộc chiến tranh lai.

      Hiểm họa lai được một nhà nghiên cứu khác, G. Giannopoulos, định nghĩa là “Một tập hợp hoạt động gây sức ép và gây biến đổi, một cách bình thường hoặc bất bình thường, thông qua các hoạt động ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để đạt được các mục đích đặc biệt, nhưng luôn giữ dưới ngưỡng của một cuộc chiến tranh có tuyên bố”.

      Trong bài viết “Chiến tranh lai: Hiểm họa mới của hòa bình và an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21” các tác giả Bachmann và Gunneriussion đã nêunhững hiểm họa của chiến tranh laivà tác động của nó đến hòa bình và an ninh toàn cầu của thế kỷ 21.

      Quan sát tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, cả ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển,chúng ta có thể nhận ra những hoạt động chiến tranh lai được thực hiện bởi các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ, các công ty, nhà thầu và thương lái, chúng ta nhận ra, những cuộc chiến tranh lai trên thế giới đang được triển khai một cách phổ biến, với quy mô rất khác nhau, nhưng đều có sức phá hoại an ninh quốc gia một cách đa dạng vànặng nề.

      Chiến tranh lai (Hybrid war) là một cuộc chiến tranh không tuyên bố, là thứ chiến tranh không dùng quân đội, súng ống, xe tăng, thiết giáp, chiến hạm và máy bay, càng không sử dụng tên lửa và bom đạn, mà sử dụng những biện pháp phi vũ trang để triệt phá toàn diện mục tiêu phát triển của đối phương, lũng đoạn cơ sở hạ tầng, phá hoại môi trường sống, làm biến dạng nền tảng đạo đức.

      Chiến tranh lai khác chiến tranh lạnh ở chỗ, với chiến tranh lạnh, các bên đối địch ngấm ngầm chạy đua vũ trang, luôn gây căng thẳng và hăm dọa lẫn nhau, sử dụng các biện pháp cấm vận và phong tỏa lẫn nhau. Còn chiến tranh lai lại sử dụng những cách xử sự hòa hiếu để lừa đối phương mắc bẫy.

      Chiến tranh lai mà Trung Cộng đang sử dụng trên thế giới trước mắt và chủ yếu là những biện pháp mềm mỏng và linh hoạt, có thể là cho vay dài hạn để lũng đoạn kinh tế, có thể là mua chuộc những người có chức quyền để giành những ưu đãi, và biến họ thành những kẻ cam tâm bán rẻ quyền lợi Tổ quốc; Những kẻ chủ trì chiến tranh lai cũng không quên mang lại lợi ích ngắn hạn cho một bộ phận dân chúng, để họ tiếp tay cho chúng thực hiện cuộc chiến tranh lai.

      Đặc san số 2 - 10 năm diễn đàn “Bauxite Việt Nam” (5.2009-5-2019) – Những kỷ niệm và những điều cần biết sau 10 năm khai thác bauxite Tây Nguyên

      Lê Phú Khải

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG
      D:\Pictures\Lê Phú Khải.jpg

      Một buổi chiều oi bức giữa tháng 3 năm 2009, nhà văn Phạm Đình Trọng đến tôi và nói: Tôi vừa viết lên mạng internet gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản đối cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhưng chỉ có mình tôi lên tiếng… cô đơn quá!!!

      Tôi bảo anh Trọng: Ông đã kiến nghị Thủ tướng rồi, thì tôi phải phản đối lên Tổng Bí thư mà thôi…

      Đêm hôm đó (19.3. 2009), tôi viết bài Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng. Trang mạng BBC tiếng Việt đã đăng trang trọng bài viết đó vào ngày 23.3.2009.

      Trong thư ngỏ gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đó, tôi đã nhắc đến các ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Đình Trọng về vấn đề khai thác bauxite, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa các mỏ bauxite ở nước mình trên toàn quốc từ 2008 vì tính chất độc hại tàn khốc đối với môi trường sinh thái. Vì nhân đạo mà trước đây Liên Xô cũng đã khuyên ta không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên…

      Sau khi trang mạng BBC tiếng Việt đăng bài Thư ngỏ của một công dân ngoài đảng, biên tập viên của BBC là nhà báo Lê Quỳnh cho biết, BBC nhận được rất nhiều comment về bài đó. Nhà báo Lê Quỳnh là con trai của nhà văn Trần Hoài Dương, nguyên biên tập viên Tạp chí Cộng sản, người đã hướng dẫn nghiệp vụ và kết nạp đảng viên dự bị Nguyễn Phú Trọng chính thức vào đảng ngày 19.12.1968.

      Trước làn sóng phản đối việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngày một dữ dội, Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam đã có một phiên họp đặc biệt về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

      Đặc san số 2 - Mười năm, Bauxite Việt Nam vững tiến

      Ngô Nhân Dụng

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

      Image result for Hình nhà văn Ngô Nhân Dụng  

      Dionysius I (c. 432-367 TCN) là một bạo chúa ở Syracuse, một thành phố Hy Lạp trên đảo Sicily. Ông cũng là một người thích làm thơ, không khác gì các ông Stalin và Hồ Chí Minh. Một hôm Dionysius đưa cho thi sĩ Philoxenus coi một tác phẩm mới của ông. Nhà thơ Philoxenus người đảo Cythera, đã từng bị quân Hy Lạp bắt khi họ đánh chiếm đảo. Bị bán làm nô lệ cho một thi sĩ phú hào rất rộng lượng ở Athenes, Philoxenus được ông chủ dạy làm thơ, soạn nhạc. Ông chủ yêu tài, trả tự do cho Philoxenus. Philoxenus tới sống ở Syracuse lập ra một trường phái “Nhạc Mới”.

      Nhưng Philoxenus có tánh hay nói thật. Nghe thơ của Dionysius, thấy ngửi không được, ông nói ngay rằng thơ của nhà vua chẳng ra gì cả. Ông còn thành thật khuyên nhà vua đừng bao giờ làm thơ nữa. Việc viết khẩu hiệu nên để cho các thi sĩ hạng hai, hạng ba, họ có nghề múa mép, không nên bắt họ thất nghiệp.

      Lập tức, Dionysius ra lệnh bắt giam Philoxenus, cho đi học tập cải tạo ở một công trường khai thác đá.

      Ngày hôm sau, không hiểu sao Dionysius lại hối hận, mời nhà thơ vào triều dự tiệc. Dạ yến chiêu đãi văn nghệ sĩ tất nhiên là vui lắm, đại khái quý vị có thể tưởng tượng được, đủ các thứ sơn hào hải vị, có văn công giúp vui, vũ nữ ra múa. Sau khi đã uống rượu khá nhiều, thi hứng của nhà vua lại nổi lên. Ông đứng dậy ngâm một bài thơ của mình, thứ thơ kiểu “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.” Đọc thơ xong, Dionysius quay lại nhìn thi sĩ Philoxenus, hỏi: “Đồng chí thấy bài thơ mới thế nào? Đồng chí đã thay đổi ý kiến về tài thơ của trẫm chưa?”

      Philoxenus đứng dậy, nghiêng mình, cung kính cúi chào ông vua. Rồi ông lững thững đi ra cửa, bảo tên lính đeo gươm hầu phụ trách an ninh nội chính: Chú làm ơn cho tôi trở về hầm đá!

      Các văn nghệ sĩ và các nhà trí thức muốn nói thẳng, nói thật, rất khó sống dưới ách độc tài, dù là chế độ quân chủ chuyên chế ngày xưa hay là chế độ độc đảng chuyên chính ngày nay.

      Cho nên, phải vui mừng khi thấy Mạng Bauxite Việt Nam do các nhà trí thức Việt Nam chủ trương đã sống được mười năm dù giữ vững thói quen “nói thẳng những lời trái tai” (trung ngôn nghịch nhĩ).

      Ra đời năm 2009, Bauxite Việt Nam may mắn hơn những người trí thức, văn nghệ thời Nhân văn - Giai phẩm hơn 50 năm trước. Thời thế đã thay đổi. Một đảng cầm quyền mang tên “cộng sản” nhưng chỉ lo làm ăn chung để chia phần với tư bản trong nước và tư bản quốc tế thì không thể dùng còng số 8 bịt miệng người dân như trong thế kỷ trước.

      Khác với Nhân văn, Giai phẩm, do các nhà văn nghệ khởi xướng nhằm đòi quyền tự do phát biểu, Bauxite Việt Nam xuất hiện vì những vấn đề chính trị: Dân Việt đứng lên bảo vệ môi trường sống đang bị các công ty khai thác ngoại quốc đe dọa; do đó cũng chống cảnh chính quyền Việt Nam quá lệ thuộc Bắc Kinh.

      Đặc san số 1 – Cùng bạn đọc

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

      Tính đến tháng 5-2019, trang Bauxite Việt Nam tồn tại vừa tròn 10 năm.

      Thoạt đầu chỉ là một bản Kiến nghị ký ngày 12.4.2009, gửi đến Nhà nước, Quốc hội và ĐCS Việt Nam ngày 17.4.2009, khẩn thiết yêu cầu nhà cầm quyền hãy tạm gác lại toàn bộ dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên để đưa ra Quốc hội bàn bạc thật kỹ lưỡng, ngõ hầu giúp đất nước tránh được, hoặc ít nhất cũng giảm thiểu được những hậu quả khôn lường –  do ba công dân Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng chủ động soạn thảo và mời mọi người cùng ký tên, được đông đảo trí thức cũng như các thành phần người Việt trong ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng.

      Nhưng mọi việc không dừng ở đấy. Như một luồng gió thổi đúng tâm nguyện số đông, sự hưởng ứng bất ngờ bùng dậy và lan đi rất nhanh. Trên internet, bản Kiến nghị được đón nhận và chuyền cho nhau, ở đâu có người Việt sinh sống lập tức ở đấy có chữ ký gửi về góp mặt (Có người như GS Ngô Bảo Châu còn viết thêm một kiến nghị cá nhân kèm vào đấy với nguyện vọng “nhiều tay vỗ nên bộp”).  Cũng là lần đầu tiên xuất hiện hình thức tập hợp chữ ký, đợt này tiếp đợt khác, để chuyển tận tay (đợt 1) hoặc chuyển bằng bưu điện (các đợt sau), nhằm trao cho các cơ quan công quyền. Đợt 2 vừa xong đã tiếp liền đợt 3… đợt 5 chưa hết lại có ngay đợt 6, đợt 7… Chẳng mấy chốc địa chỉ email chứa không nổi nữa. Nhu cầu tự nhiên là phải có một địa chỉ mới, công khai, dễ vào, để người Việt khắp thế giới cập nhật hàng ngày. Với trợ giúp của bè bạn, một trang blog đã kịp thời ra mắt. Người chịu trách nhiệm nhận chữ ký – GS Nguyễn Huệ Chi – chỉ việc ngồi một nơi ở Hà Nội và ngồi tại nhà, cứ thế mở blog, in ra rồi gửi đi.

      Vẫn chưa hết. Gửi chữ ký đi thế tất phải mong chờ phản hồi của người nhận. Cơ quan Đảng không phản hồi. Mặc. Cơ quan Chính phủ làm thinh. Cũng mặc. Cơ quan Quốc hội, tổ chức dân cử, chẳng lẽ lại thờ ơ nốt, coi mình cũng là chính quyền, đứng trên tất cả? Không! GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Thiếu nhi của Quốc hội (QH) và TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó văn phòng QH thuở ấy, đã hân hoan tiếp nhận Kiến nghị tận tay Nhóm soạn thảo. Và dưới hình thức này hay hình thức khác, một vài tổ chức của QH (UB Pháp luật…) sớm có phản hồi. Bên cạnh đó, hiệu ứng tích cực cũng hiện ra trong đời sống: Các trang mạng, trang blog cá nhân ở Hà Nội, Sài Gòn (Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Quê Choa)…, bắt đầu đưa tin. Rồi hiệu ứng còn xuất lộ chóng vánh bằng phản ứng không bình thường của chính người cảm thấy… “bị chạm nọc”. Đây đích thực là một thành công: Tập đoàn Than-Khoáng sản (TKV) – một trong các “quả đấm thép” – đơn vị kinh tế quốc doanh trực thuộc Bộ Công Thương, được lệnh tiến hành lập dự án khai thác bauxite thí điểm ở Tân Rai và Nhân Cơ, không thể nào làm lơ trước dư luận về bản Kiến nghị đang ngày một rộ lên sôi nổi. Ông Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương và là người đặc trách dự án bauxite trong Tập đoàn TKV, đã tổ chức ngay một cuộc họp giao ban trong ngày 28.4.2009, phân phát một bản Thông cáo đến tận tay 300 nhà báo, dùng những lời gay gắt và không mấy thiện chí bác bỏ từng điểm của Kiến nghị (xem Thư ngỏ số 2) nhằm đối phó với sức lan tỏa của nó mà ở thời điểm bấy giờ đã có đến hàng nghìn chữ ký. Rồi cuối cùng, sau nhiều thúc bách, cũng vị Thứ trưởng ấy phải thay mặt Bộ Công Thương trình bản Dự án ra phiên họp giữa kỳ của Quốc hội vào buổi sáng 20.5.2009, nhưng những điều “trình ra” khi đã chia nhỏ Dự án thành nhiều phân khúc để tài chính không vượt quá quy định, thì không ngờ lại làm dư luận “nóng” thêm. Chỉ cần có thế. Nỗi bức xúc “khai thác bauxite” vốn được âm thầm nhen nhóm từ 2 năm trước bởi các nhà khoa học của Viện CODE, và sau đó bởi các kiến nghị gửi riêng lên cấp tối cao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, âm ỉ và trở thành dồn nén bấy lâu, bỗng chốc có dịp tuôn trào. Cả người ký vào Kiến nghị hay người chưa kịp ký, ở gần hay ở xa, đều muốn đón xem tin tức, muốn lên tiếng tỏ bày, đối thoại, bàn luận, đổi trao… từng ngày, từng ngày một, ở một địa chỉ chung nào tin cậy. Thế là do đòi hỏi của thực tế, việc không lường trước đã xảy đến: Trang blog sau đôi ba tuần lễ hoạt động, do dung lượng không đáp ứng được nhu cầu đành phải ngừng lại, nhường chỗ cho một trang web chính thức mang tên Bauxite Việt Nam (BVN) và mang diện mạo rõ ràng của một tờ báo mạng, nghiễm nhiên ra đời. Người tiếp nhận chữ ký, bất đắc dĩ cũng phải sắm luôn vai người điều hành và Tổng biên tập.

      Mới đó đã mười năm!

      Mười năm thấm thoắt, cố gắng bám sát dòng thời cuộc, nội dung chuyển tải của diễn đàn BVN đã có không ít đổi thay linh động, đi từ câu chuyện bauxite Tây Nguyên nóng bỏng trong hai năm 2009-2010 đến vô số vấn đề bức xúc, nổi cộm về sau, như: âm mưu Tàu Cộng; đường lưỡi bò trên Biển Đông; rừng phòng hộ lọt vào tay Trung Quốc; điện hạt nhân và môi trường; biểu tình chống hải giám Trung Quốc liên tục cướp bắt ngư dân Việt; công an dằn mặt-đàn áp biểu tình; giàn khoan HD981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam; việc “tự tử” trong đồn; tù nhân lương tâm tuyệt thực; nhóm lợi ích tự tung tự tác sau lưng Nhà nước; các loại dự án cướp đất; tiếng bom Đoàn Văn Vươn; tấm gương dân oan Cấn Thị Thêu; xã hội dân sự và các kiểu dư luận viên; Công ước nhân quyền và tam quyền phân lập; vụ Formosa; đảng viên thoái đảng; vụ Đồng Tâm; vụ Thủ Thiêm và vụ Lộc Hưng; Luật đặc khu; Luật an ninh mạng; tham nhũng và “đốt lò”; BOT, v.v… Vấn đề nào cũng được bàn bạc với tinh thần thẳng thắn cởi mở, khuyến khích phản bác, phản biện.

      Đặc san số 1 – “Kiến nghị” về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên (Đợt 1) trao tận tay các cơ quan quyền lực Việt Nam ngày 17.04.2009

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

      Do trang Bauxite Việt Nam bị đánh sập ngay từ đầu tháng Giêng 2010, ít lâu trước khi Tổng biên tập Nguyễn Huệ Chi được mời đi thẩm vấn trong liền 22 ngày, các thân hữu bên trang Diễn đàn đã hậu tình gửi lại cho BVN bản Kiến nghị đợt 1 và các Thư mời cùng Thông báo đi kèm với Kiến nghị này. Chân thành cảm ơn quý bạn và xin đăng lên Đặc san 10 năm, để bạn đọc có dịp nhìn lại.

      Bauxite Việt Nam

      Những người ký tên dưới bản kiến nghị này bày tỏ sự lo lắng khôn cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite.

      Theo yêu cầu của những người vận động, chúng tôi hân hạnh đăng nguyên văn dưới đây ba tài liệu:

      Một là thư mời tham gia kiến nghị gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, về vụ khai thác bauxit ở Tây nguyên; hai là bản thông báo về việc thu thập chữ ký và gửi kiến nghị; và cuối cùng là bản kiến nghị cùng với những chữ ký đầu tiên.

      Trong danh sách đầu tiên này, ngoài 3 người chủ xướng, người ta có thể thấy khá nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước như các giáo sư Hoàng Tuỵ, Phan Đình Diệu, Trần Văn Khê, Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội), nhà văn, dịch giả Dương Tường, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà điện ảnh Trần Văn Thuỷ, KTS Trần Thanh Vân (người nhiều lần lên tiếng bảo vệ môi trường Hà Nội) v.v.

      Ở nước ngoài, có các nhà toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường, các nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, Trịnh Xuân Thuận, giáo sư Trần Văn Thọ, các giáo sư sử học Vĩnh Sính, Lê Xuân Khoa, Ngô Vĩnh Long, chuyên gia LHQ Vũ Quang Việt...

      Bạn đọc có thể tiếp tục gửi chữ ký (tên, chức danh và địa chỉ) của mình về trang mạng trannhuong.com.

      Diễn Đàn Forum

      THƯ MỜI

      Hà Nội ngày 12 tháng Tư năm 2009

      Thưa quý Anh Chị,

      Chúng ta đều biết trong cuộc Hội thảo về chủ đề khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên vào ngày 9 tháng Tư vừa qua tại Hà Nội, hầu hết các nhà khoa học đều nhất trí lên tiếng rằng: việc này lợi bất cập hại. Đặc biệt, nhà văn Nguyên Ngọc không những phân tích kỹ và sâu các hậu quả khôn lường của việc ấy mà còn nói thẳng đây là việc làm không hợp pháp. Ngày hôm sau Anh còn trả lời BBC kiên trì ý kiến của mình. Tuy vậy, theo tin chúng tôi biết được, Nhà nước chỉ gọi là kết luận sẽ "khoanh vùng thí điểm" lấy lệ còn thực chất đang triển khai mạnh ở cả bốn địa điểm chứ không phải chỉ hai.

      Chẳng lẽ để cho tiếng vang của Hội thảo đi vào trống không trong khi nguy cơ tày trời về việc khai quặng lại đang ngày một thêm rình rập đất nước? Chẳng lẽ tiếng lòng của Anh Nguyên Ngọc không được giới trí thức đáp lại và cũng là một cách để bảo vệ Anh? Nghĩ như thế, chúng tôi đã mạnh dạn thảo một thư ngỏ sau đây, nhằm gửi lên Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ, và Ban chấp hành ĐCSVN để bày tỏ nguyện vọng của giới trí thức người Việt chúng ta, muốn công việc khai thác bauxite phải được đưa ra Quốc hội thông qua trước khi chính thức triển khai quy mô lớn, trong thời gian đó cần đình chỉ lại đã.

      Chúng tôi có trao đổi và bước đầu chỉ xin gửi đến những địa chỉ quen biết, tin cậy. Văn bản có thể chưa thật trau chuốt nhưng vì thời gian đã quá gấp, không thể chậm hơn được nữa, chúng tôi mong quý Anh Chị, nếu tán thành với tinh thần lá thư do chúng tôi thảo, xin ghi tên, chức danh và địa chỉ vào dưới rồi gửi về cho chúng tôi trong thời hạn sớm nhất, để kịp gửi đến các nơi cần gửi. Và nếu quý Anh Chị nào biết thêm những ai có mối quan tâm đến vận mạng đất nước trên vấn đề này, xin mời họ cùng ký vào.

      Xin trân trọng cám ơn quý Anh Chị.

      Kính thư

      GS Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng

      Địa chỉ liên lạc:

      chi.nguyenhue@gmail.com

      PhamToanVidai@vnn.vn

      hungntdanang@gmail.com

      THÔNG BÁO

      Về việc thu thập chữ ký và gửi kiến nghị vụ Bauxite

      Thưa quý Anh Chị,

      Chúng tôi xin trân trọng thông báo tới quý Anh Chị một số điều liên quan tới việc thu thập chữ ký và gửi Kiến nghị vụ Bauxite như sau:

      Tất cả chúng ta đều biết, từ nửa cuối năm 2008 tới những ngày gần đây, trên báo in và báo mạng trong nước và ngoài nước, chủ đề Bauxite trở thành tâm điểm của những cuộc thảo luận đầy lo lắng.

      Trên nhiều tờ báo mạng, đã hình thành bộ hồ sơ dầy dặn, đi từ thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp người am tường và có trách nhiệm với đề tài này từ những năm 1980 thế kỷ trước, đến những nghiên cứu và kiến nghị của người trong cuộc hiện thời, kể cả những nhà trí thức trong nước đến các nhà trí thức đang sinh sống tại nước ngoài, cho đến những tiếng nói của nhà văn nhà báo... tất cả đều có chung niềm quan ngại trước chủ trương khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, “nóc nhà của Đông Dương”.

      Cảm nhận được nỗi lo đó, bên cạnh việc tích cực tham gia phản biện tại những diễn đàn lớn (đặc biệt là tại cuộc hội thảo ngày 9 tháng Tư vừa qua tại Hà Nội), nhiều anh chị em trí thức trong và ngoài nước đã gợi ý và ủy thác cho một số người dự thảo bản Kiến nghị nhằm tìm cách làm sáng tỏ và nếu có thể thì ngăn chặn việc phát triển khai thác khoáng sản Bauxite bằng mọi giá.

      Bản kiến nghị đã được khởi thảo xong ngày 12 tháng Tư năm 2009 và gửi đến một số anh chị em góp ý kiến.

      Song song với việc đóng góp vào bản dự thảo Kiến nghị, và cũng vì sốt ruột trước tình hình, nhiều anh chị em đề nghị vừa góp ý sửa chữa nội dung kiến nghị, vừa thu thập chữ ký.

      Sau ba ngày lưu thông trên mạng, hiện nay đã có 135 chữ ký. Chúng tôi quyết định xin phép quý Anh Chị tạm chốt số chữ ký ở mức này, để sáng ngày mai, 17 tháng Tư năm 2009, chúng tôi sẽ đại diện cho quý Anh Chị đem bản Kiến nghị tới các địa chỉ sau: ông Nguyễn Phú Trọng và Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết và Văn phòng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

      Chúng tôi xin phép đề nghị anh chị em nào chưa kịp ký tên vào bản kiến nghị này, kể từ 18 giờ hôm nay 16 tháng 4 năm 2009, hãy tiếp tục gửi chữ ký của mình về địa chỉ trang mạng trannhuong.com là nơi sẽ đăng bản Kiến nghị cùng với lời Thông báo này.

      Xin phép thông báo cùng quý anh chị: sáng mai 17 tháng 4 năm 2009, đoàn đại diện chúng tôi sẽ gồm có các bạn sau:

      - Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trưởng đoàn

      - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng,

      - Ông Phạm Toàn,

      - Nhà thơ Dương Tường.

      Chúng tôi sẽ thông báo đến quý Anh Chị các diễn biến kế tiếp.

      Xin gửi kèm theo đây bản Kiến nghị ở dạng bản thảo cuối cùng và số chữ ký.

      Thân ái chúc quý Anh Chị vui mạnh.

      Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng

      KIẾN NGHỊ VỀ VỤ

      KHAI THÁC

      BAUXITE Ở TÂY NGUYÊN

      Kính gửi:

      · Ông Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;

      · Ông Nguyễn Phú Trọng cùng toàn thể Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;

      · Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

      Đặc san số 1 - Từ phản biện dự án bauxite đến trang Bauxite Việt Nam

      Nguyên Ngọc

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

      Cho đến nay, phản biện đối với dự án Bauxite Tây Nguyên có thể coi là thành công đáng kể nhất trong lĩnh vực phản biện chính sách ở ta. Công trình đại quy mô, mà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hùng hồn tuyên bố là “Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” khi trả lời phản ứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đang phải dừng lại ở 2 thí điểm và kế hoạch đầy tham vọng mở rộng ra toàn Tây Nguyên như dự tính ban đầu, chắc chắn để lại hậu quả khôn lường về nhiều mặt, hẳn sẽ rất khó được thực hiện. Một tai họa còn lớn hơn nhiều những gì đang thấy đã được ngăn chặn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

      Theo chỗ tôi được biết, công cuộc phản biện rộng rãi, kiên trì, hiệu quả này đã bắt đầu từ năm 2007 ngay khi dự án lớn đang ở giai đoạn chuẩn bị triển khai, và được khởi xướng bởi một tổ chức ít được biết đến trong dư luận xã hội và bởi những người cho đến nay vẫn rất ít được biết tên tuổi (hẳn phải thế, vì ồn ào ầm ỉ ngay thì chính nó, phong trào phản biện chính đáng đó, đã bị ngăn chặn từ đầu). Tổ chức đã chính thức khởi xướng và mở đầu phản biện là Viện Tư vấn Phát triển CODE, Viện trưởng là Giáo sư Lê Văn Khoa và người điều hành trực tiếp trên “thực địa” là Tiến sĩ Phạm Quang Tú – quả thật phải rất xông pha, thông minh, linh hoạt, cả dũng cảm nữa tất nhiên, trên thực địa, “thực địa” đất đai, xã hội và con người. CODE đã bắt đầu công việc của mình rất chắc chắn, bằng cách vận động và quy tụ được những chuyên gia khoa học hàng đầu và thực sự chuyên sâu, am hiểu tường tận từng lĩnh vực liên quan đến công nghệ bauxite và dự án bauxite Tây Nguyên – lớp chuyên gia này sau đó đã đi cùng CODE trong công cuộc phản biện bauxite kiên trì cho đến tận hôm nay. Mặt khác, uyển chuyển, thông minh, rất đúng cách, CODE đã thuyết phục và tư vấn cho Chính quyền tỉnh Đắc Nông đồng thời lôi kéo được nhà đầu tư đầy uy lực là Tập đoàn Than-Khoáng sản (TKV) tổ chức Hội thảo đầu tiên về Chương trình bauxite Tây Nguyên tại Gia Nghĩa - Đắc Nông ngày 14 tháng 12.2007. Ở hội thảo này, tất cả các vấn đề cơ bản nhất đồng thời cũng chi tiết nhất về Chương trình bauxite Tây Nguyên đã được nêu ra, phân tích, bàn thảo, tranh luận … Một năm sau, ngày 23 và 24.12.2008, một cuộc Hội thảo thứ hai tiếp tục được tổ chức, cũng tại Gia Nghĩa, lần này trong bối cảnh nhà máy bauxite Tân Rai đã khởi công, và nhà máy Nhân Cơ ở sát ngay địa điểm hội thảo đang rục rịch chuẩn bị. Lần này nhà đầu tư là TKV đã bắt đầu giật mình thấy kiểu hội thảo này thực chất là phản biện chính những việc họ đang làm, có thể nguy hiểm cho họ, nhưng khó từ chối tham gia vì trong thực tế đã có hai nhà máy họ đang và chuẩn bị khởi công, với những vấn đề có thực đã xuất hiện cần có câu trả lời cụ thể không thể tránh. Tranh luận ở hội thảo đã bắt đầu căng thẳng hơn vì có thực tế “tại trận” để đối chứng. Không khí của một cuộc đấu tranh thực sự và phức tạp đã bắt đầu. Tôi được các anh Viện CODE gọi vào cuộc khi thực tế cho thấy các vấn đề xã hội văn hóa dân tộc cũng rất cần được nghiên cứu kỹ và là một bộ phận quan trọng trong phản biện chương trình lớn trên vùng đất rất nhạy cảm này. Được đến và tham gia công việc cùng các anh, sau các anh một năm, tôi học hỏi được ở các anh rất nhiều. Đấy là những nhà khoa học chân chính, giàu nhiệt huyết mà thật điềm tĩnh, có phương pháp và tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, xông xáo nhưng cẩn trọng tỉ mỉ, luôn giữ quan điểm và thái độ khách quan, khiêm tốn nhưng kiên quyết, kiên định đến cùng trong đấu tranh cho sự thật khoa học. Lại là những người từng lăn lộn qua nhiều dự án nhiều công trình quan trọng và phức tạp, rất biết linh hoạt, mềm dẻo trong từng tình huống cụ thể, bởi luôn phải đối mặt với những nhóm lợi ích rất mạnh và cực kỳ tinh khôn. Nhiều khó khăn lớn đã được vượt qua nhờ tất cả những đức tính và trải nghiệm đó của các anh. Chẳng hạn, để chỉ để nói một chuyện quan trọng mà rất tế nhị: truy tìm cho kỳ được các thông tin, số liệu xác thực của dự án chung và các dự án, các bộ phận cụ thể của từng dự án mà nhà đầu tư luôn cất giấu rất kỹ hoặc cố tình cung cấp thông tin và số liệu đã bị chế biến. Cần hết sức kiên trì, rất giàu kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm chinh phục “người ở phía bên kia”. Đồng thời luôn bám thật sát thực địa, theo dõi chặt chẽ và hiểu sát từng bước tiến độ, từng diễn biến nhỏ của công trình. Hàng chục chuyến đi khảo sát tận nơi đã được tổ chức song song với các tọa đàm, trao đổi, hội thảo lớn nhỏ, nhiều khi là tọa đàm, tranh luận ngay tại chỗ, trên chính thực tế đang bày ra trước mắt. Tôi nhớ chuyến đi công phu xuống Kê Gà để hiểu thật rõ tình hình bến bãi và cả về xã hội, khi vùng biển nước sâu này được dự định chọn làm cảng vận chuyển cho dự án bauxite; sau đó lại từ Kê Gà len lỏi ngược đường 28 trên sườn dốc đứng của Trường Sơn ở đoạn này hết sức hiểm trở, lên tới tận Tân Rai và cả Nhân Cơ để đi đến chứng minh dứt khoát ý định chở sản phẩm bauxite theo đường này – cả với đường 50 bên cạnh nữa – là hoàn toàn không khả thi. Nghĩa là đặt cảng bauxite ở Kê Gà cũng chẳng khả thi…

      Đặc san số 1 - Kỷ niệm 10 năm Bauxite Việt Nam - Tạm đánh giá kết quả dự án bô-xít Tây Nguyên

      Lê Xuân Khoa

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

      Mười năm trước, nhà văn hóa Nguyễn Huệ Chi cùng hai đồng nghiệp Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng sáng lập diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam (BVN) và khởi xướng Thư Kiến nghị gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Sở dĩ có thư kiến nghị này vì trước đó đã có nhiều nhà cách mạng lão thành, nhân sĩ và trí thức góp ý với chính quyền, chỉ rõ những sai lầm và hậu quả nguy hại của dự án về mọi mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn chủ trương tiến hành khai thác bô-xít theo quy hoạch thay vì khuyến cáo ngưng các dự án này cho đến khi có kết quả nghiên cứu toàn diện, theo những đề nghị chính đáng của những nhà phản biện. Hai thí điểm được lựa chọn để thực hiện dự án là Tân Rai thuộc tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông.

      Bản Kiến nghị nhận định: “Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá”. Kiến nghị cũng  nhấn mạnh vào ba mối quan tâm lớn về sai lầm của lãnh đạo Việt Nam và dã tâm của lãnh đạo Trung Quốc:

      1. Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được ký tắt với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc hội;

      2. Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;

      3. Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự nổi tiếng của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).

      Sau khi được công bố vào tháng 5 năm 2009, bản Kiến nghị lập tức được hàng ngàn người ký tên  ủng hộ làm dấy lên cả một phong trào phản biện của đông đảo trí thức và khoa học gia trong và ngoài nước. Tôi là một trong số 135 người ký tên trong đợt đầu tiên và sau đó cũng đã góp một bài trên diễn đàn BVN nhan đề “Dự án bô-xít Tây nguyên: Suy nghĩ của một người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong những năm tháng tiếp theo, cùng với các diễn biến của tình hình đất nước, diễn đàn BVN không chỉ giới hạn trong chủ đề bauxite Tây nguyên mà đã mở rộng thành một diễn đàn chung của tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng về chính trị, kinh tế, xã hội, về sự tồn tại và phát triển của đất nước và dân tộc.

      Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 10 năm diễn đàn Bauxite Việt Nam, mặc dù đã trọng tuồi và sức khỏe suy giảm nhiều, tôi vẫn muốn góp thêm một số suy nghĩ về tiến trình khai thác bô-xít Tây nguyên, đánh giá kết quả của dự án sau 6 năm đi vào hoạt động ở Tân Rai và 3 năm ở Nhân Cơ. Tuy việc thực hiện dự án còn trong vòng thử nghiệm, và còn phải mất từ 6 đến 10 năm nữa vốn đầu tư mới có thể được thu hồi (theo dự tính của Bộ Công Thương), việc thẩm định kết quả dự án vào lúc này rất cần thiết để có thể quyết định xem dự án có xứng đáng được tiếp tục và có nên bỏ thêm vốn đầu tư hay không. Chắc chắn rằng điều mà toàn dân đang muốn biết là các cơ quan thực hiện dự án đã giải quyết ra sao những mối quan tâm chính đã được nêu lên bởi những người yêu nước và những nhà phản biện khoa học, trước và trong khi dự án được thi hành.

      Những mối quan tâm lớn

      Những ý kiến phản biện và khuyến cáo xây dựng đã có rất nhiều và phổ biến rộng rãi, chỉ cần được nhắc đến khi đối chiếu với các báo cáo của những nhà thực hiện dự án. Ở đây chỉ cần tóm lược một số ý kiến cơ bản và điển hình, bắt đầu bằng những lá thư gửi các lãnh đạo của hai nhân vật nổi danh quốc tế là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà khoa học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu.

      Trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 05.01.2009, sau khi nhấn mạnh vào vị trí chiến lược trọng yếu của Tây Nguyên về an ninh, quốc phòng và những cảnh báo nghiêm trọng của các nhà khoa học về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, ĐT Võ Nguyên Giáp viết: “Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON. Tôi được phân công trực tiếp theo dõi chỉ đạo chương trình này. Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ”.

      Đặc san số 1 – Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn trả lời phỏng vấn BVN nhân dịp kỷ niệm 10 năm trang Bauxite Việt Nam

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG
      Bauxite Việt Nam (BVN): Thưa TS Nguyễn Thành Sơn, 10 năm trước, vào giữa tháng 5.2009, trang mạng Bauxite Việt Nam đã ra đời và hoạt động với mục tiêu quan trọng lúc bấy giờ là phản biện việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên do TKV thừa lệnh Bộ Công Thương tiến hành, từ kết quả việc ký kết giữa ông Tổng bí thư ĐCSVN lúc ấy là Nông Đức Mạnh với hai Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Một công việc mà hầu hết giới nhân sĩ trí thức trong ngoài nước đều coi là mạo hiểm, không đem lại bất kỳ lợi ích gì mà hậu quả thì vô cùng lớn và lâu dài, về rất nhiều phương diện. Chúng tôi nhớ ngay trong những ngày đầu tiên, TS đã nhập cuộc với trang mạng chúng tôi, bằng kiến thức chuyên môn của mình lên tiếng cảnh báo bằng những bài phân tích sâu và gần như toàn diện về triển vọng lợi bất cập hại của việc này. Giờ đây ông có thể tóm tắt cho độc giả nhớ lại một vài điểm về những gì ngay từ đầu ông đã dự đoán là bất cập trong quy trình công nghệ khai thác quặng bauxite mà TKV tiến hành ở Tây Nguyên hay không?

      Nguyễn Thành Sơn (NTS): Bauxite Tây Nguyên đã bị “cài” vào thông cáo chung giữa 2 quốc gia nhân chuyến thăm TQ của TBT ĐCS VN chỉ như “tình cờ” với vài câu chữ tưởng như “vô thưởng vô phạt” về “hợp tác khai thác bauxite trên Tây nguyên của VN” ban đầu không ai nhận ra và tôi không cho đó là “chủ trương lớn của Đảng”. Cái gọi là “chủ trương lớn của đảng” là do những kẻ muốn núp danh đảng để làm bậy. Đảng ta là một đảng cộng sản, theo chủ nghĩa Mác - Lênin (được coi là một chủ nghĩa khoa học) thì không bao giờ có những “chủ trương lớn” nhưng lại phản khoa học xét cả về quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử như vậy.

      Tôi xin trả lời thẳng vào câu hỏi về những bất cập (thực ra là những sai lầm) trong việc triển khai 2 dự án bauxite trên Tây Nguyên mà cách đây 10 năm, không chỉ riêng tôi, mà tất cả các cán bộ KHKT – những người có trách nhiệm và có hiểu biết – đã chỉ ra và ngày càng thể hiện rõ nét. Đó là:

      1/ Sai lầm trong việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc: Sai lầm này bắt nguồn từ sự vi phạm Luật đấu thầu một cách có hệ thống từ Chính phủ (cho phép lách Luật) đến Bộ Công Thương (tham mưu việc lách Luật) và TKV (đề xuất việc lách Luật). Đúng ra là họ đã “ngồi xổm” lên cả Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Kết quả của việc “lách luật” là một nhà thầu hoàn toàn không có kinh nghiệm đã được lựa chọn để triển khai cả hai dự án mang tính “thử nghiệm”. Nhà thầu được lựa chọn chỉ có kinh nghiệm với quặng bauxite hình thành trong đá gốc, trong khi bauxite Tây Nguyên của VN được hình thành trong lớp vỏ phong hóa. Bauxite dạng đá gốc có hàm lượng Al2O3 cao hơn, có module silic thấp hơn, dễ “xơi” hơn, còn bauxite vỏ phong hóa có hàm lượng Al2O3 thấp hơn, có module silic cao hơn, khó chế biến hơn.

      2/ Sai lầm thứ hai là vi phạm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu trong Thông báo số 245 là “chỉ triển khai thử nghiệm”:

      (i) Đã gọi là “thử nghiệm” thì không nên và không cần làm qui mô quá lớn. Mỗi dự án alumina (nhôm oxit) có công suất tới 650.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư tới 15.088 tỷ đồng (dự án Tân Rai) và 15.859 tỷ đồng (dự án Nhân Cơ) thì không phải là để thử nghiệm, mà là để “tiêu tiền”;

      (ii) Đã gọi là thử nghiệm thì không nên thử nghiệm cả 2 dự án với duy nhất 1 nhà thầu (không có kinh nghiệm) và duy nhất 1 sơ đồ công nghệ (núp danh “Bayer”);

      (iii) Đã “thử nghiệm” thì phải biết rút kinh nghiệm, nhưng thực tế cho thấy, dự án sau (Nhân Cơ) có tổng mức đầu tư còn cao hơn dự án trước (Tân Rai), trong khi lẽ ra, vốn đầu tư của dự án Nhân Cơ phải thấp hơn của Tân Rai ít nhất là 15-25% (vì 1 nhà thầu “xơi” luôn cả 2 dự án giống hệt nhau thì không tốn chi phí thiết kế, giảm được chi phí quản lý, giảm được chi phí cung cấp thiết bị, tăng được tính kinh tế của qui mô v.v.).

      3/ Sai lầm thứ 3 là chọn phương án kỹ thuật (thiết bị) của TQ để triển khai công nghệ Bayer. Trên thế giới, hầu hết (tới 95-98%) các dự án alumina từ đông sang tây, từ cổ chí kim, từ các nước G7 đến các nước “có khát vọng vươn lên” đều phải dùng công nghệ Bayer. Vấn đề khác nhau là ở chỗ sử dụng thiết bị nào để triển khai công nghệ đó? Giống như chế tạo cái xe đạp thì đều phải có khung, vành, đĩa, xích líp…, nhưng những thứ đó làm bằng gì? Bằng thép hay bằng gỗ? Hay nấu cơm thì ai cũng phải cho gạo vào nồi rồi đun lên. Vấn đề là tỷ lệ nước/gạo là bao nhiêu? Đun ở nhiệt độ bao nhiêu? Đun trong bao lâu?… “Công nghệ Bayer” của nhà thầu TQ cũng giống như “công nghệ chế tạo xe đạp” và “công nghệ nấu cơm” – ai cũng biết. Vậy mà TKV cứ sử dụng cái gọi là “công nghệ Bayer” để lòe những người không hiểu biết.

      Đặc san số 1 - GS Nguyễn Huệ Chi trả lời phỏng vấn của báo Yomiuri (Nhật Bản) ngày 17.05.2009

      Yomiuri: Tại sao ông phản đối dự án khai thác bo-xit tại Tây Nguyên?

      GS Nguyễn Huệ Chi

      Nguyễn Huệ Chi (NHC): Không phải chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt có lương tri nào cũng phản đối, vì đây là một dự án chưa thấy đem lại lợi ích gì cho đất nước mà nguy cơ tàn phá môi trường, tiêu diệt hệ sinh thái phong phú, và để lại những hậu quả nghiêm trọng về nguồn nước độc hại cho không chỉ riêng Tây Nguyên mà cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam Việt Nam, và không phải chỉ trong dăm mười năm mà trong ba bốn mươi năm hoặc lâu hơn thế, thì đã rành rành ra đấy.

      Đáng nói hơn nữa là nó đảo lộn đời sống của đồng bào người Thượng, thêm nhiều tập quán văn hóa lâu đời của nhiều tộc người Tây Nguyên rồi sẽ bị xóa bỏ. Sẽ nguy hiểm đến thế nào nếu người các dân tộc ở đây không còn không gian truyền thống để sinh hoạt và không còn duy trì được bản sắc văn hóa của mình?

      Anh tôi, nhà dân tộc học Từ Chi trước đây gần 20 năm đã cảnh báo việc đưa người Kinh lên thâm nhập Tây Nguyên, sẽ làm biến chất cái làng cổ truyền Tây Nguyên qua việc “tập thể hóa” đất đai du canh của họ, đẩy người bản địa vào tận chân núi, lại “soán” luôn Ông “Giàng” (Yang) mà họ thờ phụng hàng bao nhiêu đời, thay vào đấy bằng một thứ chủ nghĩa vô thần cực đoan kỳ cục mà đến bây giờ người Kinh, ngay cả những vị quan chức cấp tối cao, tôi mạnh dạn mà nói thế, cũng không sao “đeo đẳng” mãi được nữa!

      Một tình trạng đến thế mà còn kéo dài thì nhất định trước sau sẽ xảy ra “sự cố”. Rất tiếc, điều anh tôi cảnh báo đã bị các nhà chính trị bỏ ngoài tai và như ta thấy, cách đây một số năm đã được chứng thực tại Tây Nguyên.

      Nay, người ta lại đang làm một chuyện tàn phá mới đối với Tây Nguyên mà vẫn tuyệt nhiên không chịu rút ra bài học không xa, có gốc gác là sự thiếu hiểu biết và thiếu thật lòng tôn trọng văn hóa Tây Nguyên. Họ chỉ biết có cái lợi thiển cận mà cái lợi ấy cũng rất mơ hồ, và nếu dùng công thức 50/50 như lời ông Đoàn Văn Kiển Tập đoàn Than-Khoáng sản (TKV) thì còn là vô trách nhiệm!

      Đem đất nước và dân tộc ra mà thử nghiệm mà về kinh tế chỉ có thể trông mong hòa trong khi về tất cả các mặt khác lại không hòa mà thua trắng, chỉ có đám “đỏ đen” chứ có ai trung thực và yêu nước mà lại chịu đựng nổi lối tư duy cờ bạc đó? Cái hậu họa dứt khoát sẽ đến ngay nhãn tiền. Vì nghĩ thế, tôi và một số anh em tâm huyết đã phản đối dự án này.

      Yomiuri:  Một số người cho rằng sự hiện diện của TQ ở Tây Nguyên chính là nguyên nhân để họ phản đối dự án này. Theo ý kiến cá nhân ông, tại sao họ lại coi đó là một sự đe dọa?

      NHC: Câu hỏi này không rõ. “Họ” mà quý báo nói đây là ai? Nếu là đại đa số nhân dân Việt Nam thì xin quý báo điều tra thêm trong thực tiễn. Còn nếu là những người trí thức và công dân ký tên trong Kiến nghị thì nội dung Kiến nghị đã nói cụ thể; chúng tôi lo ngại ở 4 điểm:

      1. Việc lập dự án khai thác bauxite mới được công khai hóa từ cuối năm 2008 nhưng trên thực tế lại đã được ký tắt với Trung Quốc từ khá lâu trước đó mà chưa đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Nghĩa là đối với chúng tôi, việc ký với ai cũng là quan trọng nhưng còn không kém quan trọng là nó có được tiến hành hợp pháp hay không.

      Tại sao lại có chuyện như vậy ở một đất nước từ lâu đã có Hiến pháp và gần đây còn ban hành hàng loạt bộ luật được Quốc hội thông qua? Đó là điều không thể lý giải.

      Một việc làm không hợp pháp được nhắm mắt làm ngơ thì bao nhiêu việc nữa sẽ khiến cho việc điều hành đất nước này trở nên lộn xộn, không minh bạch, xa lạ với quỹ đạo phát triển như mọi nước đã và đang đi [1] (Mới đây, ngày 4-5-2009, trả lời đông đảo cử tri Hà Nội yêu cầu đưa vấn đề khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên ra Quốc hội phê chuẩn và giám sát “như ý kiến của nhiều nhà khoa học và chuyên gia”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có nói: “Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla”. Ông còn nói thêm: “Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu vào đâu” (xem: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/845582/).

      Trong khi đó thì mạng truyền thông Trung Quốc lại xác nhận các công ty của họ đã đổ vào Tây Nguyên những khoản tiền hết sức lớn, và họ đã bắt đầu thi công từng phần của dự án chứ không phải là “chưa ra đâu vào đâu” như ông Trọng nói (xem: http://www.youyiguan.com/bbs/viewthread.php?tid=20527).

      Mặt khác, tuy chia ra từng dự án thì quy mô ở Tân Rai và Nhân Cơ nhỏ thật nhưng xét tổng thể cả quy hoạch bauxite Tây Nguyên hẳn phải nói là rất lớn! Báo Du lịch ngày 13.4.2009 đăng bài của một phóng viên lên điều tra tận nơi cho biết: “Dự án Tân Rai chính thức làm lễ khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất Alumin vào ngày 18.11.2008.

      Đặc san số 1 - Thong thả sáng Chủ nhật (Tạp văn)

      Phạm Toàn

      D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

      Sau này, nghĩa là ngay cả bây giờ, nếu có ai hỏi tôi về kỷ niệm trong buổi đi nộp bản kiến nghị có ý nghĩa tầy trời này, tôi sẽ kể lại như thế nào?

      Một tháng qua là những ngày cực kỳ mouvementé đối với Toàn. Ba tài liệu dịch song song, gồm một tập truyện ngắn cho nhà Nhã Nam, một cụm bốn tập truyện trẻ em cho nhà Đông A, và một cuốn tiểu luận của nhà văn Ba Lan Milosz được NN cho, một cuốn sách nói về sự cầm tù của tư tưởng, La pensée captive, đã nghĩ thầm trong đầu về việc dịch cái tên – Ngục trung tinh thần – định đọc xong rồi sẽ làm một bài điểm sách công phu, công việc cũng gần mất công như dịch cả cuốn sách. Bên cạnh đó? Bên cạnh đó, còn ơi ới đòi những bài báo về giáo dục, và còn quan trọng hơn nữa bên cạnh đó là công việc Toàn vừa mới khởi động và đang điều hành ba nhóm soạn sách giáo khoa tiểu học (bí mật nhé!). Công việc cuối cùng này mới cần, vì Toàn đã cảm nhận được sự xúc động của các cộng sự: họ nghèo nhưng đều đồng tình làm không công, không có dự án, không có tài trợ, và chưa chắc đã được "nghiệm thu", nhưng vẫn phải làm nhanh, làm đẹp, làm tử tế cho ba tập đầu của cả ba bộ sách được ra kịp trước năm học mới; đối với trẻ em, mất một ngày có khi là mất một năm học, và có khi là mất cả đời người… Nào đã hết! Nhà thơ tám mươi tuổi TVP lại giục sớm sớm in một tập thơ nữa mới chết người ta chứ!

      Thế rồi đùng một cái ông Huệ Chi gọi điện tới "anh phải thảo ngay bản kiến nghị thôi".  Thì thảo. Mấy giờ sau, lại là điện của Huệ Chi, "đọc rồi, viết thế không được, viết thế thì đi tù cả nút à?" Thì khổ quá, chơi với nhau mà không biết tính nhau! Toàn không làm gì thì thôi, hễ làm là phải triệt để. Không làm triệt để, có nhiều lúc thế vẫn thời phải thế, nhưng cứ có cảm giác mình đã thành một người không tử tế, mình đánh lừa bạn bè, mình mời bạn uống nước đun chưa sôi, gây cho bạn chứng khó chịu vùng thận. Thế là bẵng đi không nghĩ đến chuyện kiến nghị bauxite được mấy tuần và được "tập trung làm công việc chuyên môn". Rồi lại điện thoại. Vẫn lại Huệ Chi. "Anh  phải thảo ngay bản kiến nghị thôi, cấp bách lắm rồi, nhịp tim tôi lên 97 rồi…" và không quên dặn dò "anh phải viết cho ôn tồn, coi như các ông ấy cũng như mình, đều lo cho đất nước, nhưng lúng túng về giải pháp… thế thôi … có khi chính các ông ấy cũng ký vào kiến nghị đấy". Hình như Huệ Chi đùa như vậy. Ông Cổ Cận Trung đại mà đã đùa là cách mệnh lắm!

      Và thế là hai giờ sau, bản kiến nghị lại ra đời, chín chín phần trăm như bản anh em đặt bút ký, một phần trăm là mấy chữ phải sửa, thí dụ vì Toàn nghĩ mình không là trí thức nên không chịu viết "anh em trí thức …", chỉ viết "người Việt Nam…", nhưng phải sửa lại thành "anh em trí thức chúng tôi", vì quả thật sau đó đúng là bao nhiêu là bao nhiêu chữ ký đều của anh em trí thức thật!

      * * *

      Đến ngày đi gửi kiến nghị. Trời mát, sớm tháng tư se se lạnh, nước Hồ Tây bảng lảng và Vườn Bách thảo buổi sớm lá cây như thẫm hơn, cứ như là vẫn còn đang lưu luyến mùa thu – Hà Nội đẹp vậy đó, đẹp đến phát khóc, mấy anh chị ôi! Mấy anh em lên xe tu-vin riêng của tiến sĩ ĐTH do cô con gái của ĐTH lái – áo xanh, móng tay đỏ, nói tiếng Đức, tay lái lụa – thế hệ mới chở hai ông già thế hệ cũ và một giáo sư trẻ từ Đà Nẵng bay ra, để đi đến địa chỉ đầu tiên: Phủ thủ tướng và Phủ chủ tịch. (Dương Tường nhà gần Quốc Hội, đi bộ sang chờ ở cổng trụ sở, chứ không lên địa chỉ một).

      Ô tô đánh sát đường vào cổng số 1 Hoàng Hoa Thám. Một chiến sĩ đeo lon Trung sĩ bước ra. Nói mấy lời. Huệ Chi :"Chúng tôi thay mặt các nhà trí thức tiêu biểu… ” Anh chiến sĩ lúng túng, cười ngượng nghịu, chắc là thấy cái chuyện này lạ quá! May sao, có một anh mặc áo sơ mi xanh nhạt bước nhanh đến. Huệ Chi lại "mở băng" nói những lời mở đầu. Tôi đứng bên có sáng kiến: "Hùng đưa cho đồng chí ấy một bản để đồng chí ấy đọc". Thế mà lại hay! Anh ấy đọc lướt nhanh tiêu đề, rồi chuyển ngay xuống phần tên tuổi, và thế là anh ấy bảo "các bác chờ đây tôi vào báo cáo".

      Sách cấm có phải là sách hay?

      Diêm Liên Khoa (Trung Quốc)*

      Nguyễn Hải Hoành dịch

      Tôi đi đến đâu cũng được người ta giới thiệu là nhà văn Trung Quốc bị tranh cãi nhiều nhất, có nhiều tác phẩm bị cấm xuất bản nhất. Những lúc ấy tôi chỉ có thể im lặng, chẳng cảm thấy vinh dự lại cũng chẳng cảm thấy có gì không vui, mà chỉ có thể coi lời giới thiệu ấy là một thứ lễ nghi không thích hợp”.

      Diêm Liên Khoa được giới nhà văn Trung Quốc đánh giá là một trong các nhà văn có hy vọng nhất được trao giải Nobel Văn sau Mạc Ngôn. Bạn đọc Trung Quốc coi ông là “Đại sư của chủ nghĩa hiện thực hoang đường”. Bài dưới đây do Diêm Liên Khoa ủy quyền cho chuyên mục “Duyệt độc” trên mạng Văn hóa Đằng Tấn công bố, nội dung được chỉnh lý từ diễn từ Diêm Liên Khoa đọc tại trường Đại học Duke (Mỹ) ngày 29/03/2013, và được đưa vào bộ sách mới chưa xuất bản của Diêm Liên Khoa “Xả hơi trong im lặng”.

      Lời tòa soạn mạng Đằng Tấn:

      Thời nay, khi một số nhà văn coi viết “Sách cấm” là một vinh dự, và dân chúng coi đọc “Sách cấm” là niềm vui, thì “Sách cấm” đã dần dần đổi thay, lặng lẽ trở thành một thứ nhãn mác theo mốt thời thượng của thị trường sách. Có lẽ điều chúng ta nên đọc là tiêu chuẩn “sách cấm và sách hay”, và sự phân biệt nghiêm khắc hai loại sách ấy – như nhà văn “có nhiều sách cấm” nhất Trung Quốc là Diêm Liên Khoa đã nhấn mạnh trong bài viết dưới đây. Ít nhất bạn sẽ hiểu rõ vì sao tác giả chưa bao giờ cảm thấy câu “có nhiều sách cấm nhất” là một lời ngợi khen đối với ông.

      Đại biểu Dương Trung Quốc trích dẫn thơ Bác Hồ để 'bảo vệ' rượu, bia

      ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA NỒNG ĐỘ CỒN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

      Trong kỳ họp Quốc hội lần này, ông Dương Trung Quốc xuất thần với hai phát ngôn đi vào lịch sử, hay ít nhất ghi dấu đỏ chót vào Tạp chí Xưa và Nay của ông. Đại ý:

      1. Cụ Hồ từng làm thơ ngợi ca thú tự do uống rượu, cho nên Quốc hội không thể ra luật cấm tự do sử dụng bia rượu.

      2. Nói đến tác hại của bia rượu, liệu có nói đến tác hại của gạo không?

      Lập luận này nghe rất quen. Bọn nghiện bia rượu lúc lè nhè vẫn lập luận như vậy. Chỉ khác là, nói về rượu thì chúng tự xưng là đệ tử của Lưu Linh. Một vài kẻ có học thì dẫn luôn thơ đại thi hào Lý Bạch: "Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh" (Xưa nay thánh hiền đều rơi vào im lặng/ Chỉ có bọn uống rượu là nổi danh). Nhưng thuốc lá thì chúng vẫn dẫn cụ Hồ. Mấy bức ảnh cụ Hồ tay cầm thuốc trở thành tấm gương cho chúng học tập và làm theo với câu cửa miệng, rằng Bác Hồ hút sao lại cấm tao!

      Riêng ý thứ hai thì đích thị là của thằng say. Thằng say rượu nào cũng hay nói câu, rằng rượu là kết tinh của gạo. Ông Dương Trung Quốc suy luận thêm, rằng chống tác hại của bia rượu khác nào chống tác hại của gạo?

      Ở quê tôi, dân vô học cũng biết tác hại của bia rượu, trừ những thằng nghiên mới không thể biết. Các khoa học gia chỉ nói về các loại bệnh do bia rượu gây ra như xơ gan, tim mạch mà không nói đến vô số tác hại nhãn tiền gây ra từ những thằng say:

      - Gây tai nạn khi tham gia giao thông.

      - Gây ồn ào, ỉa mửa tùy tiện.

      - Quậy phá, đánh nhau, thậm chí hiếp dâm, giết người.

      - Đánh đập, hành hạ vợ con lẫn cha mẹ.

      - Lè nhè, chửi bậy...

      Có thể bổ sung: nói bậy, biểu quyết bậy giữa hội trường quốc hội.

      Mà tôi đang thấy, tình trạng lập luận kiểu thằng say như trên trong nhiều vấn đề không chỉ có ông Dương Trung Quốc. Thì ra là do bia rượu nói.

      Rút kinh nghiệm, Quốc hội cần kiểm tra nồng độ cồn của đại biểu trước khi cho vào phòng họp giống như kiểm tra an toàn giao thông vậy. Việc quốc gia đại sự mà để thằng say bàn luận thì rất nguy hiểm ạ!

      Chu Mộng Long

      Kể cũng hay đấy chứ! Mới cách đây mấy năm việc tỉnh ủy Hà Tĩnh dưới quyền lãnh đạo của ngài Võ Kim Cự cho đánh công văn “hỏa tốc” để tập hợp cán bộ chủ chốt đầu ngành toàn tỉnh lại ở sân vận động trung tâm tỉnh nhà nhằm khai trương chiến dịch “dzô dzô” thi đua uống bia Sài Gòn khiến nhiều người sửng sốt, thì nay trên diễn đàn Quốc hội đã dấy lên tiếng nói dõng dạc bác bỏ cấm bia rượu, của vị nghị sĩ nổi tiếng họ Dương! Thế mới biết con đường lành mạnh hóa xã hội của Việt Nam mấy năm nay tiến bước thật nhanh. Mà sự tự do của thể chế cũng đạt được những tốc độ thần kỳ: tự do uống rượu và ca ngợi việc sản xuất và tiêu thụ bia rượu! Chắc chẳng bao lâu nữa sẽ đến lượt Chính phủ yêu cầu hủy bỏ hết các chữ “Hút thuộc lá là có hại” in trên mọi bao bì thuốc lá ở Việt Nam nhằm giúp đẩy mạnh doanh thu của các Công ty thuốc lá nhà nước. “Kinh tế trên hết” là một khẩu hiệu xem ra thời nào cũng đúng mà thời này lại càng đúng. Nó có thêm một cái lợi đáng kể nữa là các công ty kinh doanh nhặt xác người thương vong vì tai nạn giao thông hay các bệnh viện tư chữa trị ung thư sẽ có cơ hội mọc lên như nấm.

      Kinh tế đất nước đang loi ngoi dưới đáy sẽ bất thần… bật dậy, tiến vù lên phía trước! Chứ còn gì nữa.

      Bauxite Việt Nam

      Dẫn câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu cũng không hoa”, đại biểu Dương Trung Quốc bình luận chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu.

      Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, dự án luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang tiếp cận sai theo hướng cực đoan /// Ảnh Gia Hân

      Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, dự án luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang tiếp cận sai theo hướng cực đoan. ẢNH GIA HÂN

      Đến kỳ thứ 2 cho ý kiến về dự án luật Phòng chống tác hại rượu, bia, nhưng các vị đại biểu Quốc hội vẫn tranh luận vô cùng gay gắt bởi quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

      Trong các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, có thể thấy rõ 2 luồng quan điểm: một luồng cho rằng dự thảo luật còn quá nhẹ, cần siết chặt hơn nữa quy định hạn chế tiếp cận của rượu bia; luồng khác lại cho rằng chế tài quá nặng, đưa công nghiệp rượu bia lên “đoạn đầu đài”.

      Ông Nguyễn Phú Trọng chưa bước qua được yếu tố "khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng"

      An Viên

      Ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (Cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã “cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế”.

      https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEirbI7KLgUKOcH2PNEPZfgy1IL05A-rT-zEoNSoiiEwQwUTLOZD5OgOcCd2YAe2Th00Sc4hhIG7GzkXVFspaoRejB33zkq_04SxM9GUAzXoTlaj5PrP2lRBH7cgdWq9F5Q8CsSRVsj7UFQ/s640/25-BerlinWall-AFPGetty-v2.jpg

      Bức tường Berline sụp đổ năm 1989.

      “VN: Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt?”, bài viết của PGS. TS. Phạm Quý Thọ (nguyên Chủ nhiệm khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển).

      Có hai quan điểm của PGS.TS Phạm Quý Thọ, mà tác giả bài viết (An Viên) cho rằng đáng lưu tâm.

      Một là, ‘lồng thể chế’ để nhốt quyền lực chưa rõ hình hài. Cuộc chiến này phụ thuộc vào gương sáng của lãnh đạo và sự tập trung quyền lực tuyệt đối. Hai là, đổi mới chế độ chính trị sẽ là tất yếu nhưng không phải ở Đại hội 13 tới đây, nhưng mỗi sự thay đổi đột phá, tiến bộ theo hướng dân chủ đáp ứng đòi hỏi của nhân dân đều được ghi nhận.

      Cũng như quan điểm của PGS.TS Phạm Quý Thọ, tôi cho rằng, hiện thực của cái “lồng thể chế” là chưa rõ hình hài, thậm chí, nó đã chính thức bị ép chết non từ thời điểm ĐCSVN ra Quy định 102 về cấm những gì mà Đảng viên không được làm, trong đó có hai yếu tố là thể chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập. Cái nhìn của ông Tổng Bí thư, dù có kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch nước, hay thậm chí ông từng gợi mở về một cái “lồng” để “nhốt quyền lực”, thì cái lồng đó (hay tư duy về quản lý) của ông Trọng vẫn là tư duy trong đảng, kỷ luật trong đảng và luật pháp trong đảng. Và hệ tư duy kiểu này được thiết lập trên cơ sở quy tụ quyền lực càng nhiều càng tốt hơn, để sử dụng nó như yếu tố nhằm xử lý tốt các vấn đề nằm trong tổ chức, từ đó quyền lực càng tuyệt đối, thì càng được coi là quyết định sống còn đến khâu “xử lý, kỷ luật, đốt lò”. Chính điều này đã khiến cái “lồng lập pháp” (hay lồng thể chế) bị bóp chết, thay vào đó là cái “lồng kỷ luật đảng” được thành hình, mà “lồng kỷ luật đảng” chưa bao giờ được xem là đủ rộng về phạm vi, và đủ mạnh để quản lý các vấn đề phát sinh như “lồng cơ chế”.

      “Lồng của ông Nguyễn Phú Trọng” sau một thời gian tiến hành đốt lò đã hình thành một quy trình phụ thuộc như TS Phạm Quý Thọ chỉ ra, đó là “phụ thuộc vào gương sáng, và sự tập trung quyền lực tuyệt đối”. Nó đồng thời cho thấy rằng, cả hai yếu tố trên sẽ không duy trì lâu dài các thành quả của cuộc chiến đốt lò, hay nói đúng hơn, đốt lò chắc chắn mang tính giai đoạn, và mầm mống tham nhũng sẽ nổi lên lại sau ĐH 13 với phạm vi lớn hơn, tính phức tạp và tinh vi cao hơn.

      Thứ hai, đổi mới chính trị là tất yếu, nhưng chính xác nó là tiến trình, xuất phát cơ bản từ “đòi hỏi của nhân dân”. Nếu không phải là từ ĐH 13 như TS Thọ nhận định, thì nó buộc phải là ĐH 14. Cơ sở để nhận định như thế xuất phát từ tính hữu hạn trong chiến dịch đốt lò, và qua một nhiệm kỳ mới, tính chất “kỷ luật đảng” được thiết lập từ thời ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị đẩy nhanh hao mòn, xuất phát từ chính những lợi ích nhóm len lỏi trở lại, tinh vi và đối phó với các quy định trong đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tham nhũng và sự thoái hóa - biến chất trong đảng. Cao hơn nữa, yếu tố “tấm gương sáng” dường như là một câu trả lời khó cho đội ngũ kế cận vào ĐH 14, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã mất đi, và không còn điều hướng được đội ngũ của mình, và trên gương mặt chính trị có thể tiệm cận vào đội hình Bộ Chính trị, vẫn chưa thấy ai đủ sáng và đủ gương mẫu.

      Sáng lập:

      Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

      Điều hành:

      Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

      Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

      boxitvn.online

      boxitvn.blogspot.com

      FB Bauxite Việt Nam


      Bài đã đăng

      Được tạo bởi Blogger.

      Nhãn