Đại biểu Dương Trung Quốc trích dẫn thơ Bác Hồ để 'bảo vệ' rượu, bia

ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA NỒNG ĐỘ CỒN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Trong kỳ họp Quốc hội lần này, ông Dương Trung Quốc xuất thần với hai phát ngôn đi vào lịch sử, hay ít nhất ghi dấu đỏ chót vào Tạp chí Xưa và Nay của ông. Đại ý:

1. Cụ Hồ từng làm thơ ngợi ca thú tự do uống rượu, cho nên Quốc hội không thể ra luật cấm tự do sử dụng bia rượu.

2. Nói đến tác hại của bia rượu, liệu có nói đến tác hại của gạo không?

Lập luận này nghe rất quen. Bọn nghiện bia rượu lúc lè nhè vẫn lập luận như vậy. Chỉ khác là, nói về rượu thì chúng tự xưng là đệ tử của Lưu Linh. Một vài kẻ có học thì dẫn luôn thơ đại thi hào Lý Bạch: "Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh" (Xưa nay thánh hiền đều rơi vào im lặng/ Chỉ có bọn uống rượu là nổi danh). Nhưng thuốc lá thì chúng vẫn dẫn cụ Hồ. Mấy bức ảnh cụ Hồ tay cầm thuốc trở thành tấm gương cho chúng học tập và làm theo với câu cửa miệng, rằng Bác Hồ hút sao lại cấm tao!

Riêng ý thứ hai thì đích thị là của thằng say. Thằng say rượu nào cũng hay nói câu, rằng rượu là kết tinh của gạo. Ông Dương Trung Quốc suy luận thêm, rằng chống tác hại của bia rượu khác nào chống tác hại của gạo?

Ở quê tôi, dân vô học cũng biết tác hại của bia rượu, trừ những thằng nghiên mới không thể biết. Các khoa học gia chỉ nói về các loại bệnh do bia rượu gây ra như xơ gan, tim mạch mà không nói đến vô số tác hại nhãn tiền gây ra từ những thằng say:

- Gây tai nạn khi tham gia giao thông.

- Gây ồn ào, ỉa mửa tùy tiện.

- Quậy phá, đánh nhau, thậm chí hiếp dâm, giết người.

- Đánh đập, hành hạ vợ con lẫn cha mẹ.

- Lè nhè, chửi bậy...

Có thể bổ sung: nói bậy, biểu quyết bậy giữa hội trường quốc hội.

Mà tôi đang thấy, tình trạng lập luận kiểu thằng say như trên trong nhiều vấn đề không chỉ có ông Dương Trung Quốc. Thì ra là do bia rượu nói.

Rút kinh nghiệm, Quốc hội cần kiểm tra nồng độ cồn của đại biểu trước khi cho vào phòng họp giống như kiểm tra an toàn giao thông vậy. Việc quốc gia đại sự mà để thằng say bàn luận thì rất nguy hiểm ạ!

Chu Mộng Long

Kể cũng hay đấy chứ! Mới cách đây mấy năm việc tỉnh ủy Hà Tĩnh dưới quyền lãnh đạo của ngài Võ Kim Cự cho đánh công văn “hỏa tốc” để tập hợp cán bộ chủ chốt đầu ngành toàn tỉnh lại ở sân vận động trung tâm tỉnh nhà nhằm khai trương chiến dịch “dzô dzô” thi đua uống bia Sài Gòn khiến nhiều người sửng sốt, thì nay trên diễn đàn Quốc hội đã dấy lên tiếng nói dõng dạc bác bỏ cấm bia rượu, của vị nghị sĩ nổi tiếng họ Dương! Thế mới biết con đường lành mạnh hóa xã hội của Việt Nam mấy năm nay tiến bước thật nhanh. Mà sự tự do của thể chế cũng đạt được những tốc độ thần kỳ: tự do uống rượu và ca ngợi việc sản xuất và tiêu thụ bia rượu! Chắc chẳng bao lâu nữa sẽ đến lượt Chính phủ yêu cầu hủy bỏ hết các chữ “Hút thuộc lá là có hại” in trên mọi bao bì thuốc lá ở Việt Nam nhằm giúp đẩy mạnh doanh thu của các Công ty thuốc lá nhà nước. “Kinh tế trên hết” là một khẩu hiệu xem ra thời nào cũng đúng mà thời này lại càng đúng. Nó có thêm một cái lợi đáng kể nữa là các công ty kinh doanh nhặt xác người thương vong vì tai nạn giao thông hay các bệnh viện tư chữa trị ung thư sẽ có cơ hội mọc lên như nấm.

Kinh tế đất nước đang loi ngoi dưới đáy sẽ bất thần… bật dậy, tiến vù lên phía trước! Chứ còn gì nữa.

Bauxite Việt Nam

Dẫn câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu cũng không hoa”, đại biểu Dương Trung Quốc bình luận chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, dự án luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang tiếp cận sai theo hướng cực đoan /// Ảnh Gia Hân

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, dự án luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang tiếp cận sai theo hướng cực đoan. ẢNH GIA HÂN

Đến kỳ thứ 2 cho ý kiến về dự án luật Phòng chống tác hại rượu, bia, nhưng các vị đại biểu Quốc hội vẫn tranh luận vô cùng gay gắt bởi quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

Trong các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, có thể thấy rõ 2 luồng quan điểm: một luồng cho rằng dự thảo luật còn quá nhẹ, cần siết chặt hơn nữa quy định hạn chế tiếp cận của rượu bia; luồng khác lại cho rằng chế tài quá nặng, đưa công nghiệp rượu bia lên “đoạn đầu đài”.

Doanh nghiệp bớt quảng cáo, tài trợ đi thì không thiếu tiền đâu

Trong luồng quan điểm cho rằng phải chế tài mạnh hơn, đại biểu Nguyễn Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho rằng “nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm”.

“Tôi nghĩ mình không cần phải dẫn chứng cụ thể từng vụ việc thương tâm, từng câu chuyện nhức nhối từ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục do tác hại rượu bia đã gây ra. Bởi lẽ, từ trẻ em ở độ tuổi bắt đầu có sự nhận thức cho đến người cao tuổi, đều hiểu rất rõ một điều đó là: chỉ có thể giảm tác hại của rượu bia thông qua việc giảm sử dụng nó”, đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Theo đại biểu Hiền, với quy định về quảng cáo, cần hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

Bên cạnh đó, đại biểu này cho rằng không nên bỏ quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet, vì nội dung này thực tế đang được quy định tại Nghị định số 105/2017. Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia cần được xem xét kế thừa. Đại biểu Hiền còn đề nghị bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet.

Đại biểu Dương Trung Quốc trích dẫn thơ Bác Hồ để 'bảo vệ' rượu, bia - ảnh 1

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội trường sáng 23.5 ẢNH GIA HÂN

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) đề nghị có lộ trình bắt buộc có nhãn phụ hoặc có logo cảnh báo ngay trên sản phẩm rượu bia. Theo bà Lan, dự thảo trước đây đã quy định là khuyến khích có những nhãn phụ, logo kể trên, nhưng đến dự thảo lần này đã bãi bỏ luôn với lý do sợ tốn kém cho doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao.

"Hiện giờ các doanh nghiệp bớt quảng cáo, bớt tiếp thị, bớt tài trợ thì không sợ thiếu tiền đâu. Thứ hai, nếu chi phí tăng cao, giá rượu bia tăng cao, khó tiếp cận hơn thì đây là mục tiêu của dự thảo luật, tại sao chúng ta lại sợ?", bà Lan nêu.

Sao lại đưa lên "đoạn đầu đài" văn hóa của nhân loại?

Giơ biển tranh luận sau rất nhiều ý kiến về tăng cường các quy định hạn chế tiếp cận, cũng như quảng cáo rượu bia, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cách tiếp cận dự án luật sai và dù báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng theo hướng cực đoan.

Ông Quốc dẫn câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu cũng không hoa” và bình luận: chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu.

“Bác cũng có rất nhiều bài thơ hay về rượu, nhận tin thắng trận cũng nâng vài ly uống mừng. Nó là văn hóa của cả nhân loại rồi. Tại sao ta lại đưa nó lên đoạn đầu đài thế này?”, đại biểu Quốc đặt vấn đề.

Tán thành việc phải ban hành luật song ông Quốc cho rằng, không nên coi câu chuyện sức khỏe hàng đầu mà nên coi năng lực quản lý hàng đầu. “Vấn đề của ta là né tránh cái yếu nhất của ta là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, kiểm soát của nhà nước và mỗi con người tự kiểm soát mình”, ông Quốc nói.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng nêu lại câu hỏi mà ông cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế chưa trả lời: Việt Nam là nước xếp thứ 3 châu Á về tiêu thụ rượu bia, vậy thứ nhất và thứ 2 là nước nào, và họ có phải là những nước lạc hậu không? Và liệu khi luật được ban hành, Bộ Y tế có sản xuất rượu bổ nữa không, và các sản phẩm này có bị gắn hình ảnh tai nạn giao thông hay hậu quả do rượu hay không?

Tôi mong chúng ta sẽ có sự tỉnh táo để có cách làm luật đúng đắn, hiệu quả”, đại biểu Quốc bày tỏ.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cũng giơ biển tranh luận với nhiều đại biểu phát biểu trước đó: “Có cảm giác các đại biểu coi ngành sản xuất rượu bianhư tội đồ. Tôi không phải trong ngành nhưng tôi thấy có gì đó không công bằng”, ông Xuyền nói, và cho biết ngành sản xuất này đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn con người, đóng góp hàng chục ngàn tỉ mỗi năm vào ngân sách, nên cần có nhìn nhận đúng đắn hơn.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Đại biểu Bình Phước) không đồng tình với phát biểu nêu trên của ông Xuyền vì cho rằng, dự án luật làm ra để hạn chế tác hại của rượu bia chứ không phải là các doanh nghiệp.

“Việc tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách là việc tốt, nhưng không thể vì việc ấy mà bỏ qua tác hại của rượu bia, ảnh hưởng đến an toàn xã hội”, ông Chung bày tỏ quan điểm.

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-bieu-duong-trung-quoc-trich-dan-tho-bac-ho-de-bao-ve-ruou-bia-1084873.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn