Sự vô giáo dục của cả hệ thống nhưng người ta vẫn cố duy trì

Chu Mộng Long

Các bạn cần biết, tiền thân của đội Sao đỏ, Cờ đỏ là Hồng Vệ binh thời Cách mạng văn hóa đẫm máu của Mao. Đến lượt Sao đỏ, Cờ đỏ trong nhà trường là lực lượng hậu bị của đội quân Bò đỏ đang tung hoành trên mạng.

Vẫn một bài mẫu đê tiện được huấn luyện từ tấm bé: rình rập, theo dõi, chỉ điểm, bôi nhọ, vu khống, chụp mũ, đe dọa, cắn càn.

Nền giáo dục nào sinh con người đó. Hậu quả là những người tử tế thành nạn nhân và bị đày đọa hoặc chết oan sai.

Thật nhục nhã cho những bậc cha mẹ có con ở trong đội ngũ đó.

C.M.L.

1. Mô hình sao đỏ, cờ đỏ: Huấn luyện chỉ điểm chó săn

Sao đỏ, Cờ đỏ là tàn dư của Hồng vệ binh một thời đẫm máu. Từ trong Cách mạng văn hóa, nỗi sợ hãi vẫn còn ám ảnh người dân Trung Quốc cho đến bây giờ là đội ngũ Hồng vệ binh. Đội ngũ này được huấn luyện từ bé, chúng hăng máu như những chó săn: theo dõi, rình rập, chỉ điểm, vu khống, chụp mũ bất cứ ai. Hàng vạn người chết oan vì Hồng vệ binh.
Việt Nam thời hợp tác xã cũng từng có đội ngũ tương tự. Không biết ngoài Bắc thế nào, chứ quê tôi sau 1975, mấy ông phụ trách đội từng lãnh đạo đám trẻ con chúng tôi làm những điều mà bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy nhục.

Số là những năm đó có phong trào làm phân bắc phân xanh, cho nên hợp tác xã cấm dân ỉa ngoài gò, ngoài đồng. Mỗi nhà phải làm một hố xí hai ngăn để ỉa, xong lấy cứt ủ với lá bông bay làm phân. Dân quê tôi không quen cái món hố xí hai ngăn nên vẫn duy trì ỉa gò, ỉa đồng. Mỗi đứa trẻ chúng tôi được giao làm trống ếch để đi cổ động và bắt "ỉa bậy". Bọn trẻ con chúng tôi hăng lắm. Tờ mờ sớm hoặc tối chạng vạng là kéo nhau đi rình những nơi bà con thường ỉa. Toàn gặp các ông bà cụ. Chờ các cụ vừa thả ra một cục là cả lũ xông ra đánh trống tom tom ôm ỏi cả làng. Xong bắt các ông bà cụ để nguyên hiện trường cho hợp tác xã lập biên bản và hạ nhục. Tóm lại là không ông bà cụ nào ra gò hay ngoài đồng mà thoát được vì tai mắt bọn trẻ con chúng tôi.

Sau những ngày hăng máu đó, tôi bị ba tôi đập cho một trận nên thân và quyết không cho tham gia cái đội mà ba tôi gọi là khốn nạn ấy nữa.

Chưa hết, đội hồng vệ binh quê tôi có cái rọ heo to tướng. Trông những lần sinh hoạt hay họp đội, một số người đau ốm hoặc giả đau bỏ họp là đội hồng vệ binh chúng tôi khiêng rọ đến nhà bắt người ấy bỏ vào rọ và hè nhau khiêng đến trụ sở đội để cho mọi người đấu tố. Và chúng tôi cũng làm rất hăng chứ có biết đúng sai gì đâu?
Còn nhiều chuyện nữa. Khi nào rảnh tôi sẽ viết thành hồi ký về cái thời hồng vệ binh ấy.

Nhân Báo mới đăng bài "Đã đến lúc dẹp bỏ đội Sao đỏ" (1), tôi đăng lại bài tôi đã viết từ mấy tháng trước. Không chỉ Sao đỏ trẻ con mà còn có món Cờ đỏ ở các cấp học cao hơn chuyên làm chó săn, chỉ điểm. Đó là một mô hình vô giáo dục hay lối giáo dục phi nhân tính của bọn mà Lenin gọi là "vô sản lưu manh" nắm quyền lực.


2. Huấn luyện chỉ điểm, chó săn

Bài trước tôi nói về phương pháp dạy học đang diễn ra giống như thuần hóa động vật và xiếc thú. Bài này tôi nói đến một trò khác trong giáo dục, còn nguy hiểm hơn trò thuần hóa động vật hay xiếc thú: trò huấn luyện chỉ điểm, chó săn gọi là Sao đỏ, Cờ đỏ!

Một lần ngồi uống cafe với các học viên tại chức, có vài giáo viên chia sẻ kinh nghiệm công tác chủ nhiệm. Một giáo viên khoe:

- Em có một chiêu mà công tác chủ nhiệm trở nên rất nhàn. Đó là chiêu ngoài Sao đỏ, còn phân công các bạn theo dõi lẫn nhau. Cô giáo chỉ có một đôi mắt, nhưng học sinh có cả bốn năm chục đôi mắt. Trong lớp, các bạn có vấn đề gì là học sinh sẽ báo ngay cho cô, từ việc tự lập ở nhà cho đến đạo đức tác phong và học hành. Ngay cả đứa nào ở gia đình có vấn đề, em cũng biết tuốt...

Tôi trố mắt, chưa nói gì.

Một giáo viên khác mừng như bắt được vàng:

- Đúng, đúng... Không làm thế thì làm sao theo dõi cho hết được học sinh của mình. Thông tư 30, Thông tư 22 yêu cầu đánh giá luôn hoạt động của học sinh ở nhà thầy ạ.

Tôi không kiềm chế được, mắng luôn:  

- Với tư cách là thầy của các bạn, tôi đề nghị chấm dứt ngay lập tức trò chơi vừa ngu vừa độc ác đó!

Các giáo viên cụt hứng và không hiểu vì sao. Tôi giải thích:

- Đó là huấn luyện chỉ điểm và chó săn chứ không phải giáo dục. Người Việt chúng ta từng khốn nạn vì trò này ở ngoài đời, lẽ nào trong giáo dục lại hình thành các nhân cách tệ hại như chỉ điểm, chó săn?

Và tôi nói thêm:

- Tôi ngày xưa từng làm Sao đỏ, Cờ đỏ, chuyên đi ghi tên các bạn vi phạm, dù là một lỗi rất nhỏ, để báo cáo lên Đội,

Đoàn và thầy cô giáo, sau đó hối cải và cho đến bây giờ, nhớ lại vẫn còn thấy nhục. Nhục lắm!

Tôi hiểu các bạn đang muốn làm điều tốt. Nhưng phàm thiếu hiểu biết thì việc tốt sẽ thành xấu, rất xấu. Có thể trong trường học, đó là cách quản lý bằng trợ giúp của học sinh để giáo viên tiếp cận trẻ và giúp trẻ có phẩm chất và năng lực tốt hơn. Nhưng trẻ em thì chưa phân biệt đúng sai, trước hết là nghi kỵ và đề phòng nhau, sau đó dễ thành thói quen, và khi vào đời chúng sẽ trở thành những tên chỉ điểm và săn mồi cho những ông chủ mạt hạng. Người ta nhồi sọ trẻ em với vô số nội dung tri thức chẳng biết dùng vào việc gì, nhưng huấn luyện trẻ em làm việc xấu thì có tác dụng thực tế kinh khủng!

Các thầy cô cần biết, trẻ em sinh ra vốn có thiên lương trong sáng nhưng sẽ vô cùng tăm tối nếu giáo dục không đúng cách. Không thể duy trì một nền giáo dục biến trẻ em thành chó săn, chỉ điểm.

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

3. Từ vụ học sinh bị tát 231 cái: Đã đến lúc dẹp bỏ đội 'sao đỏ'?

Theo tác giả Chu Mộng Long thì bài báo này được đăng trên Báo mới với đường link và hình minh họa được anh cẩn thận đem về FB của mình. Nhưng chắc “đội sao đỏ” là một kinh nghiệm quý báu giúp “nối dài cánh tay của Đảng một cách hữu hiệu” từ nhiều thập kỷ nay mà “Đảng ta” từng được “đảng anh” công phu truyền dạy, nay lên tiếng đòi dẹp bỏ nó là chuyện động trời, không chỉ xúc phạm “đảng ta” mà còn ngang ngược chống cả “lãnh tụ kính yêu của đảng bạn”, vì thế chỉ sau một thời gian ngắn đăng lên, bài báo đã được Tòa soạn Báo mới sửa đổi cả nội dung cùng với cái tít, thành ra: Từ vụ học sinh bị cô giáo phạt 231 cái tát: Cần loại bỏ những giáo viên không xứng đáng https://baomoi.com/tu-vu-hoc-sinh-bi-co-giao-phat-231-cai-tat-can-loai-bo-nhung-giao-vien-khong-xung-dang/c/28771272 Tất nhiên, những câu gợi ý dẹp bỏ đội sao đỏ thì không còn thấy đâu nữa.

May mắn là tìm trên mạng chúng tôi thấy bài này vẫn còn lưu ở trang Gia đình mới, mà lại có vẻ như đây mới là xuất xứ đầu tiên của bài viết. Xin đưa nguyên vẹn về đây cùng với Lời tòa soạn để bạn đọc cùng tham khảo.

Bauxite Việt Nam

***

Bạn đang đọc bài viết Từ vụ học sinh bị tát 231 cái: Đã đến lúc dẹp bỏ đội 'sao đỏ'? tại chuyên mục“"Giáo dục” của Tạp chí Gia Đình Mới, thuộc Viện nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam). Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan@giadinhmoi.vn.

Công việc theo dõi, ghi chép những sai phạm của học sinh trong trường của cán bộ sao đỏ có thể tạo nên sự ganh ghét trong học sinh nên nhiều ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ mô hình này.

Từ vụ học sinh bị tát 231 cái: Đã đến lúc dẹp bỏ đội 'sao đỏ'? 0

Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc nam sinh Hoàng Long N (lớp 6.2, trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục, bị đội sao đỏ của trường ghi vào sổ, đã bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy phạt 231 cái tát khiến học sinh này phải nhập viện điều trị .

Bên cạnh việc phẫn nộ về hình thức xử phạt của nữ giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy, trên các diễn đàn mạng xã hội nhiều ý kiến cũng băn khoăn về công việc của đội "sao đỏ” trong các trường học, khi trong diễn biến của vụ việc có phần "N nói tục và bị "sao đỏ" phát hiện, ghi sổ và báo cáo với giáo viên chủ nhiệm".

Sao đỏ là một hình thức tự quản của học sinh. Các học sinh ưu tú được giáo viên, nhà trường lựa chọn để tham gia quan sát, theo dõi mọi hoạt động, nền nếp của học sinh.

“Sao đỏ” sẽ đứng trực tại cổng trường, ngoài cửa các lớp học để ghi chép các vi phạm của học sinh như: Đi muộn, nói tục, không truy bài, nói chuyện riêng trong giờ truy bài…

  Việc của học sinh đến trường là học, chứ không phải làm

Việc của học sinh đến trường là học, chứ không phải làm "công cụ" cho nhà trường?

Hầu hết các ý kiến của phụ huynh đều cho rằng: Bên cạnh mặt tích cực của "sao đỏ" là báo cáo kịp thời với giáo viên về tình hình của các học sinh, các lớp thì đội ngũ "cán bộ" này cũng vô hình chung tạo nên sự ganh ghét giữa các học sinh với nhau.

Phụ huynh Lê Tuấn đề nghị dẹp bỏ "sao đỏ" vì: “Người 'sao đỏ' bỗng nhiên trở thành 'cảnh sát' hay quan toà cho thầy cô, được trao quyền phán xét hành vi các bạn khác, quyền sinh sát với các bạn, từ đó sinh thói ham quyền lực, hách dịch. Các bạn không phải 'sao đỏ' thì sống trong sợ hãi, khúm núm, mất sự hồn nhiên. Còn cô giáo thì trở thành ban phát quyền lực, dần dần cũng trở nên tha hoá trong quan hệ với học trò”.

Từ vụ học sinh bị tát 231 cái: Đã đến lúc dẹp bỏ đội 'sao đỏ'? 3

Nguồn: https://www.giadinhmoi.vn/giao-duc/tu-vu-hoc-sinh-bi-tat-231-cai-da-den-luc-dep-bo-doi-sao-do-d16367.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn