Triển vọng bảo vệ chủ quyền biển đảo sau Hội nghị Trung ương 11

Nguyễn Ngọc Chu

Hội nghị Trung ương 11 đã kết thúc vào chiều ngày 12/10/2019. Điều mà người dân mong chờ nhất không phải là chuẩn bị nhân sự hay báo cáo chính trị cho Đại hội XIII, mà là những quyết định về bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chưa thấy một nghị quyết công khai, nhưng phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 11, Tổng bí thư (TBT), Chủ tịch nước (CTN) Nguyễn Phú Trọng nêu rõ:"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế".

Từ điều này - cũng như trước đó trong phát biểu khai mạc TBT CTN Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương cho ý kiến về tình hình Biển Đông - có thể đưa ra 2 nhận xét sơ bộ sau.

1. Tình hình Biển Đông đã được Hội nghị Trung ương 11 thảo luận.

2. “Kiên quyết” thì rõ ràng đương nhiên, nhưng “kiên trì” có thể hiểu là một đường lối “mềm mỏng”. “Kiên trì” theo thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao 2 ĐCS Việt Nam và Trung Quốc về tình hình Biển Đông. Điều này dẫn đến khả năng kiện Trung Quốc ra các định chế tài phán quốc tế chỉ được chia phần dự phòng một cửa rất hẹp.

Hai kết luận

Từ 2 nhận xét trên có thể rút ra 2 kết luận sau đây.

1. Đây là tín hiệu tích cực - rằng Hội nghị Trung ương 11 đã thảo luận về tình hình biển đảo - làm dịu đi phần nào nỗi lo lắng trong nhân dân là Trung ương im lặng.

2. Nhưng chưa làm cho nhân dân yên tâm, rẳng chủ quyền biển đảo đã được cam kết bảo vệ toàn vẹn.

Tại sao?

1. Trung Quốc là kẻ nham hiểm. Trung Quốc có thể tạm thời lắng xuống để cho phía Việt Nam yên tâm là thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao của 2 đảng có hiệu lực. Rồi sau đó lại tiếp tục lấn chiếm.

2. Chu trình này lặp đi lặp lại. Việt Nam mất dần chủ quyền mà không bao giờ kiện Trung Quốc ra các định chế tài phán quốc tế, không bao giờ đi đến căng thẳng đối đầu.

Điều nhìn thấy

1. Mục tiêu chiếm trọn Biển Đông Nam Á là mục tiêu không khoan nhượng của Trung Quốc.

2. Mục tiêu chiếm đoạt Bãi Tư Chính và các vùng tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, buộc Việt Nam phải chia sẻ với Trung Quốc tài nguyên và chủ quyền trong phần biển của Việt Nam là mục tiêu không khoan nhượng của Trung Quốc.

3. Mục tiêu khuất phục Việt Nam, bắt Việt Nam phải là một quốc gia phụ thuộc Trung Quốc mà không liên minh với nước khác, cũng là một mục tiêu không khoan nhượng của Trung Quốc.

Từ đó suy ra 

1. Nếu Việt Nam “kiên trì” đàm phán đấu tranh bảo vệ chủ quyền theo thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao 2 đảng thì Việt Nam buộc phải nhượng bộ cho Trung Quốc.

2. Nếu Việt Nam kiên quyết bảo vệ trọn vẹn quyền chủ quyền và chủ quyền biển đảo thì không thể giải quyết được chỉ qua đàm phán song phương giữa 2 đảng và 2 chính phủ.

Hành động

Nhất quyết phải kiện Trung Quốc ra các định chế tài phán quốc tế “theo luật pháp quốc tế” - như TBT CTN Nguyễn Phú Trọng đã đề cập.

Điều này làm sáng tỏ chính nghĩa của Việt Nam; Làm cho nhân dân Trung Quốc và bạn bè quốc tế thấy sự xâm lược lăng loàn của lãnh đạo Trung Quốc; Làm cho những người lính Trung Quốc trong lòng bị yếu thế vì sự xâm lược phi nghĩa.

Chủ trương không kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế với lý lẽ Trung Quốc bất chấp không thực thi thì Việt Nam không làm gì được đã đành lại còn gây căng thẳng với Trung Quôc. Và kiện chưa chắc đã thắng - là chủ kiến vì Trung Quốc và sợ Trung Quốc.

Không kiện Trung Quốc ra các định chế tài phán quốc tế là mắc mưu Trung Quốc, không bảo vệ được quyền chủ quyền và chủ quyền biển đảo cũng không giữ được tình “đồng chí giả tạo” mà Trung Quốc thêu vẽ.

Điều tích cực khác

Điều tích cực khác của Hội nghị Trung ương 11 là "củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia”. Nghĩa là vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia đã được đề cập.

Việt Nam đang đối mặt với một cuộc chiến tranh xâm lược chủ quyền lãnh thổ từ Trung Quốc. Một nền quốc phòng hùng mạnh là nhân tố quyết định cản phá mục tiêu xâm lược của Trung Quốc.

Song song với đó là an ninh quốc gia phải được đảm bảo. Hiện tại, an ninh quốc gia đang bị Trung Quốc bủa vây với các dự án cài cắm gián điệp, và đặc biệt là sự cấy người khắp hang cùng ngõ hẻm. Đây là đại hoạ lâu dài cho con cháu mai sau.

Luận điểm “củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế” được đưa ra sau kết luận của Hội nghị Trung ương 11 có thể hé mở một cánh cửa đủ cho TBT CTN Nguyễn Phú Trọng “cựa mình” trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới. Mức độ “cựa mình” mạnh hay nhẹ phụ thuộc rất lớn vào quyết định cá nhân TBT CTN Nguyễn Phú Trọng.

Đây là thời điểm mà vai trò cá nhân phải thể hiện rõ ràng chứ không chỉ tập thể biểu quyết. Bước ngoặt lịch sử của mỗi quốc gia thường gắn liền với những cá nhân mà trí tuệ đưa đến sự chói sáng hay mờ mịt.

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn