HKMH Mỹ thăm Đà Nẵng: Ý nghĩa song phương, đa phương và triển vọng của nền ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng”

TS Đinh Hoàng Thắng

Ý nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất, bang giao Việt-Mỹ có thể đi vào khúc quanh mới. Nói như thế này không phải để thổi phồng, mà để thấy rõ hơn bối cảnh chuyến thăm giữa những biến động địa chính trị trong khu vực, trên toàn cầu và biến động đã xẩy ra trong bang giao Việt-Trung, đặc biệt là những tiến triển bất định và bất toàn về mọi mặt từ nay đến cuối năm.
Quả thật, chuyến thăm của mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể mở ra một giai đoạn “đột phá”, nếu 2 nước tiếp tục giữ được nhịp độ cải thiện quan hệ như hiện nay. Đặc biệt, hai bên Việt Mỹ bắt đầu coi trọng hơn những ưu tiên chiến lược của nhau. Không chỉ trên “ngôn ngữ ngoại giao” mà đi vào thực chất. Mỹ cần triển khai mạnh mẽ hơn FONOP, còn Việt Nam cần giữ cho một Biển Đông đừng có xấu hơn những năm qua. Mỹ không phê VN mạnh như lên án ban đầu của ông Trump, VN tích cực hơn trong quá trình làm cân bằng cán cân thương mại…
Ý nghĩa thứ hai, nó thể hiện ở sự khác nhau trong chuyến thăm lần này của Hải quân Mỹ (HQM) so với lần 2018. Lần trước, Mỹ và Bộ tứ chỉ mới khai sinh ra IPS, dù là khai sinh tại Đà Nẵng (nay đổi tên thành FOIP). Lần này FOIP đã được 28 tháng tuổi, có 1 đối tác AOIP hình thành về nhận thức của bộ khung.
Lần trước, chưa có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (chỉ mới manh nha), chưa có tình hình hậu-Tư Chính và đặc biệt là chưa diễn ra Covid-19 ở TQ cũng như trên toàn cầu. Tất cả những nhân tố này làm cho cái vạc dầu ở khu vực đặc biệt trên Biển Đông tăng thêm độ sôi. Vừa qua, do Covid-19 nên báo chí cũng như dư luận tạm lơ là về Biển Đông, trong khi tình hình ở đây rất đáng lo ngại. Không rõ là chính quyền Trump đã đưa công hàm phản đối chính phủ Trung Quốc vụ chiếu la-de chưa, nhưng đây là dấu hiệu nguy hiểm trong quan hệ Trung-Mỹ.
Với 2 ý nghĩa sát sườn vừa phân tích, việc VN chấp thuận đón đội tàu HQM, phát lộ ra ý nghĩa thứ ba, đó là VN có một động thái khá nhuẫn nhuyễn giữa ngoại giao song phương và đa phương. Tức là chuyến thăm không chỉ tạo dấu ấn nổi bật sau một phần tư thế kỷ (25 năm) trong mối quan hệ vừa duyên vừa nợ giữa HK và VN, mà trên bình diện khu vực, thậm chí liên khu vực, so với các thành viên ASEAN khác, VN đã có 1 bước đi khá ngoạn mục. Bước đi chủ động này càng có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Asean vừa qua không phải lúc nào “cơm cũng lành canh cũng ngọt”: Phi tình chuyện bỏ VFA, quan hệ Phi-Mỹ trục trặc. Rồi chuyện chỉ có 3 nước Asean gặp đoàn Mỹ ở Thái Lan, việc đình hoãn gặp cấp cao Mỹ-Asean tại Las Vegas (trước đó, chỉ 5 nước cam kết qua Mỹ)…
Ý nghĩa thứ tư, nếu như rồi đây Bộ Ngoại giao Việt Nam có ý định thúc đẩy ý tưởng xây dựng đất nước thành 1 cường quốc bậc trung, thì những động thái song phương và đa phương quyện trong nhau như chuyến thăm HQM hiện nay sẽ mở ra 1 viễn cảnh ngoại giao sáng sủa cho đất nước. Với chữ “nếu” ở đầu mệnh đề này, tôi muốn đề cập đến tính thận trọng của dự báo lạc quan này. Bởi vì sự thành công của khung khổ quan hệ, cái pe-rơ-đam này không chỉ tuỳ thuộc vào ngoại giao, nó còn được quyết định bởi nhiều chiều kích khác. Trong các nhân tố ấy, tính tự cường, ý chí độc lập trong quyết sách, “độ giãn Trung” của elite lãnh đạo, tư thế đồng-dẫn dắt (cùng với các nước khác như Indo, Thái Lan, Mã Lai…) các chuyển động tích cực trong khu vực… có ý nghĩa quyết định. Nhất là trong tình hình khủng hoảng nội bộ ở Mã Lai và Thái Lan, Việt Nam có thể nổi lên như 1 đối tác ổn định tương đối.
Và ý nghĩa thứ năm: Mỹ, Bộ tứ và Asean thấy rõ hơn chuyển biến bước đầu của VN trong việc đáp ứng cái đón đợi của Bộ tứ, để rồi đây, khi các điều kiện khác chín muồi, VN sẽ trở thành một “thành viên theo sát” (shadow member) của FOIP. Vào thời điểm hiện nay, nhiều người có thể vẫn nghĩ, điều này chỉ là ảo tưởng. Nhưng nếu ta nhìn lại 25 qua, thì đúng như các nhà ngoại giao Việt-Mỹ từng khẳng định, nếu một khi cục diện chiến lược đòi hỏi, thì không gì là không thể trong quan hệ Mỹ-Việt. Trước đây, khi chưa có khoa học vũ trụ, loài người đã có giấc mơ bay lên mặt trăng…
Kết lại 1 câu, đây là quả ngọt đầu tiên trong năm nay của nền ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng”. Một bước tiến nữa trên con đường “nối vòng tay lớn”… Hẳn nhiên, nếu không có những vị chua và vị chát của các sự kiện đối nội ở Việt Nam vừa qua như vụ Đồng Tâm, vụ Thủ Thiêm hay việc can thiệp vào đám tang của hoà thượng Thích Quảng Độ, thì những quả ngọt của nền ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng” sẽ còn phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn, vì lợi ích lâu dài quốc gia dân tộc.

Đ.H.T.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/03/05/hang-khong-mau-ham-my-tham-da-nang-y-nghia-song-phuong-da-phuong-va-trien-vong-cua-nen-ngoai-giao-gan-ket-va-thich-ung/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn