Việt Nam: Án oan đã giết chết công dân Lương Hữu Phước (Kỳ 3)

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Từ xử oan đến “chạy án”

Để “không làm oan người vô tội” quy định tại Điều 2 và bảo đảm nguyên tắc “suy đoán vô tội” quy định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Hội đồng xét xử phải “làm rõ chứng cứ xác định vô tội để xác định sự thật của vụ án” quy định tại Điều 15 của Bộ luật này. Như vậy, để không làm oan ông Phước, các thẩm phán phải suy đoán ông này vô tội và trên cơ sở này làm rõ những chứng cứ xác định ông này vô tội. Thế nhưng, Hội đồng xét xử phúc thẩm do thẩm phán Lê Hồng Hạnh làm chủ tọa đã cố ý làm ngược lại những nhiệm vụ, nguyên tắc này của BLTTHS.

Trước hết, thay vì suy đoán ông Phước vô tội thì HĐXXPT lại mặc định ông Phước phạm tội. Điều này thể hiển rõ qua phát biểu bất nhất của thẩm phán Hạnh tại buổi họp báo sáng ngày 30/5, một ngày sau khi ông Phước tự sát (1). Thẩm phán này mở đầu bằng thừa nhận “bị cáo (Lương Hữu Phước) đã liên tục kêu oan” nhưng ngay sau đó lại quy ông Phước “nhận tội” với việc dẫn ra Khoản 2 Điều 98 BLTTHS (thẩm phán này nói lộn thành Điều 97) theo đó “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.

Tiếp theo, như tôi đã nói trong phần trước, pháp luật quy định một tội phạm chỉ do một người thực hiện, trừ trường hợp đồng phạm (“Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm” quy định tại Khoản 1 Điều 17 BLHS). Nghĩa là chỉ một trong hai người, ông Phước hoặc ông Lâm Tươi là người phạm tội, chứng cứ phạm tội của người này sẽ là chứng cứ gỡ tội cho người kia. Như vậy, để áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” đối với ông Phước, HĐXXPT buộc phải làm rõ các dấu hiệu/chứng cứ phạm tội của ông Lâm Tươi. Thế nhưng, HĐXXPT cố ý lờ đi, không chịu làm rõ các dấu hiệu/chứng cứ này như đơn cử sau đây.

Thứ nhất, HĐXXPT đã không đánh giá việc ông Lâm Tươi không có giấy phép lái xe mà vẫn điều khiển xe máy tham gia giao thông là lỗi nghiêm trọng nhất trong các vi phạm quy tắc giao thông, trong khi lỗi này, như tôi đã chứng minh, chính là nguyên nhân cơ bản trực tiếp gây ra tai nạn làm ông Quý thiệt mạng và xe ông Phước bị hủy hoại nghiêm trọng.

Thứ hai, HĐXXPT đã ngăn chặn Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, người bào chữa cho ông Phước, làm rõ thêm tốc độ xe của ông Lâm Tươi khi tông vào xe ông Phước. Khi thực hiện quyền hỏi ông Lâm Tươi với tư cách đương sự trong vụ án, Luật sư Tuyến muốn làm rõ tại sao ông Lâm Tươi khai ở khoảng cách chừng 50m đã thấy ông Phước qua đường nhưng khi ở khoảng cách 5m thì ông này lại thấy bất ngờ. "Tôi muốn làm rõ bất ngờ là thế nào thì Chủ tọa (Lê Hồng Hạnh) ngắt lời, không cho luật sư hỏi”, Luật sư Tuyến cho biết.

Như đã đề cập, hành vi “điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định” nằm trong các hành vi bị Luật giao thông đường bộ nghiêm cấm (Khoản 11 Điều 8). Vì thế, hành vi này là nghiêm trọng hơn rất nhiều “qua đường không quan sát” hay “chuyển hướng không nhường đường cho các xe đi ngược chiều”, là hành vi không bị LGTĐB nghiêm cấm. Như vậy, trừ trường hợp sự kiện bất ngờ, trong hai hành vi vi phạm quy tắc giao thông này thì “điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định” với mức độ vi phạm quy tắc giao thông nghiêm trọng hơn hẳn đương nhiên là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.

Việc ngăn chặn Luật sư Tuyến hỏi ông Lâm Tươi cho thấy HĐXXPT muốn lấp liếm lời khai trước đó của ông Lâm Tươi theo đó tốc độ xe mà ông này điều khiển tại thời điểm trước khi tông vào xe ông Phước là từ 50km/h đến 60km/h, tức vượt quá tốc độ tối đa 50km/h đối với xe cơ giới đường bộ trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa trong khu vực đông dân cư quy định tại Điều 6 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ giao thông vận tải.

Thứ ba, HĐXXPT đã không làm rõ dấu hiệu ông Lâm Tươi chạy xe sai phần đường ngay trước khi tông vào xe của ông Phước cho dù đó là căn cứ để HĐXXPT lần 1 hủy án sơ thẩm lần 1 và yêu cầu điều tra lại vụ án.

Bản án phúc thẩm lần 1 nhận định: “Tại bản ảnh và biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện dấu vết cà của xe 93 H8 – 5674 do bị cáo điều khiển bị ngã khi xe mô tô BKS 93 H2 – 0547 do Lâm Tươi điều khiển tông vào có vị trí: điểm dấu vết cà cách đường 2,2 mét. Theo dấu vết cà này thì chiếc xe 93 H8 – 5674 bị trượt đổ theo hướng từ tim đường vào phía lề đường. Nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ để xác định hướng va chạm của xe mô tô do Lâm Tươi điều khiển đối với chiếc xe do bị cáo Phước điều khiển; có làm rõ nội dung này mới xác định được Lâm Tươi điều khiển xe có đi cách phần lề đường bên phải khoảng 1 mét như Lâm Tươi khai nhận và các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm xác định hay không. Tại phiên tòa, Lâm Tươi khai nhận khi bất ngờ gặp xe bị cáo Phước băng ngang đường, Lâm Tươi bẻ tay lái về bên phải, trong trường hợp này thì không thể tạo ra vết cày có điểm cách lề đường 2.2 mét như trên được. Nên cần phải tiến hành thực nghiệm điều tra hoặc giám định để xác định hướng tác động để xác định Lâm Tươi điều khiển xe cách lề đường bên phải bao nhiêu mét, có đi đúng phần đường bên phải theo quy định hay không”.

Một khi được thực hiện theo yêu cầu xác đáng dựa trên nghi ngờ rất hợp lý nói trên của HĐXXPT lần 1, thực nghiệm cùng với giám định vụ tai nạn tất sẽ cho ra kết quả là ông Lâm Tới đã chạy xe sai phần đường trước khi tông vào xe của ông Phước. Với một kết quả như vậy, vụ tai nạn sẽ được tái hiện như sau. Ông Lâm Tươi từ xa đã nhận thấy ông Phước “đi từ từ” sang đường nhưng do vẫn giữ tốc độ cao (50 – 60km/h) nên tránh xe của ông Phước bằng cách lái xe sang trái tim đường, tức chạy ngược chiều. Đúng lúc ấy thì có xe ở phần đường bên kia chạy tới nên Lâm Tươi hoảng hốt, bẻ tay lái sang bên phải và tông vào xe ông Phước khi đó đã bắt đầu sang phía bên kia tim đường.

Điều 15 BLTTHS quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ”. Vậy là rõ, nếu không cố ý xử oan ông Phước để bao che hành vi phạm tội của ông Lâm Tươi, HĐXXPT do thẩm phán Hạnh làm chủ tọa đã phải tuân theo nguyên tắc tố tụng này bằng cách hoãn phiên tòa theo quy định tại Khoản 1 Điều 297 BLTTHS (Tòa án hoãn phiên tòa khi: b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại) và yêu cầu cơ quan điều tra thực nghiệm và trưng cầu giám định vụ tai nạn để xét xử lại từ đầu.

Tóm lại, bằng việc cố ý bỏ lọt hành vi phạm tội của ông Lâm Tươi mặc dầu chứng cứ là quá rõ ràng, ba thẩm phán Hạnh, Hòa và Hiệp đã cố ý kết án oan ông Lương Hữu Phước.

Đã không ít người thấy “Công lý muộn mằn” cho ông Phước ở Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh và tiếp đó ở phiên tòa giám đốc thẩm ngày 12/6 của cấp tòa này hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 để điều tra lại vụ án. Thế nhưng, dù không muốn, tôi vẫn phải nói ra sự thật phũ phàng này: niềm tin chính đáng của họ sẽ không khỏi bị nền tư pháp tỉnh Bình Phước, và không chỉ nền tư pháp địa phương này, phản bội một cách tàn nhẫn!

Trước hết, cần khẳng định bản án bị hủy là bản án trái pháp luật, đồng nghĩa bản án phúc thẩm ngày 29/5/2020 kết án ông Phước 3 năm tù bị bị hủy bởi phiên tòa giám đốc thẩm ngày 12/6 là bản án trái pháp luật. Do bản án phúc thẩm này đã dẫn đến ông Phước tự sát nên cả ba thẩm phán Lê Hồng Hạnh, Lê Viết Hòa và Phạm Tiến Hiệp đang đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ra bản án trái pháp luật” theo Điểm d Khoản 2 Điều 370 BLHS 2015 (Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm), đồng nghĩa những án tù dài hạn đang chờ cả ba người này. Ngoài ra, một khi ba thẩm phán phán này bị khởi tố, nếu điều tra xác định được việc ra bản án trái pháp luật này do động cơ vụ lợi, cụ thể là đã nhận hối lộ để giải quyết vụ án, thì cả người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 BLHS 2015. Dĩ nhiên, trong bối cảnh như vậy, thẩm phán Hạnh và hai đồng sự không đời nào “bó tay chịu chết”. Họ sẽ “chạy án”.

“Chạy án” là một hình thái tham nhũng. Đó là hành vi dùng quyền lực hoặc/và tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác để vận động các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan quyền lực Nhà nước không xử lý hành vi phạm tội của bản thân hay người khác. “Chạy án” được thực hiện không chỉ bởi người ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn bởi người trong chính các cơ quan này. Cũng như vậy, không phải lúc nào hành vi phạm pháp nghiêm trọng này cũng được thực hiện một cách chủ động. Nhiều khi nó được thực hiện trên cơ sở gợi ý của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thụ lý vụ án. Bản thân tôi, Cù Huy Hà Vũ, trong một lần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thân chủ tại tòa được thẩm phán thụ lý vụ án tiếp cận. Thẩm phán này nói: “Anh Vũ chỉ cần nói trả vụ này bao nhiêu là án sẽ “đẹp” như anh muốn!” Lẽ dĩ nhiên, gợi ý phi pháp này đã bị tôi thẳng thừng bác bỏ.

Do tính tràn lan của nó trong toàn xã hội Việt Nam, “chạy án” đã trở thành một thuật ngữ tư pháp phổ biến, cho dù không chính thức. Bộ phim truyền hình “Chạy án” 49 tập của Đài truyền hình Việt Nam là bằng chứng (2).

Điều đáng chú ý là mặc dù án oan, sai ở Việt Nam chất ngất như Kim tự tháp (3), việc thẩm phán cũng như điều tra viên, kiểm sát viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ra bản án trái pháp luật” hoặc/và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp khác thật vô cùng hiếm hoi, khác nào “lá mùa thu” (4). Thực tế này đủ để cho thấy “chạy án” không những phổ biến mà còn hiệu quả đến như thế nào trên mảnh đất hình chữ S giáp Biển Đông này!

Vậy đâu là (những) địa chỉ của “chạy án” mà những người đã kết án oan ông Phước khiến ông này tự sát đã, đang và sẽ thực hành?

(Còn tiếp)

Chú thích

1. Bình Phước họp báo vụ bị cáo nhảy lầu tự tử, VNexpress, 30/5/2020.

2. Theo bà Ung Thị Xuân Hương - Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2016 đã có 391 bản án hình sự bị hủy, sửa (trong đó 60 vụ bị hủy do lỗi chủ quan) và 508 vụ việc dân sự bị hủy, sửa (247 vụ việc do lỗi chủ quan). TPHCM: 1 năm có gần 1.000 bản án bị sửa, hủy, Dân trí, 23/11/2016.

3. Chạy án, Wikipedia

4. Trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có câu “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Mùa thu là mùa lá rụng nên rất ít lá còn trên cành. Vậy, “như là mùa thu” là để chỉ sổ lượng rất ít. Thế nhưng không ít người hiểu sai ví von này, cho rằng “lá mùa thu” là lá rụng, như tác giả bài “Thấm đòn chiến tranh thương mại: Nhân tài TQ “rụng như lá mùa thu”, tài năng xuất sắc vẫn thất nghiệp”, Tạp chí Việt kiều, 8/1/2019.

C.H.H.V.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn