Xung quanh lời kêu gọi 'loại TQ' khỏi Hội đồng Bảo an LHQ

Mỹ Hằng BBC News Tiếng Việt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự tiệc chào mừng Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/5/2017Ảnh: POOL/GETTY IMAGES - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự tiệc chào mừng Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/5/2017

Một sáng kiến cá nhân, đưa ra lời kêu gọi loại Trung Quốc khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau một tháng, tới nay đã thu hút gần 35.000 chữ ký.

TS Lê Trung Tĩnh, tác giả bức thỉnh nguyện thư cho hay, tính đến ngày 15/5/2020, số người ký từ nước ngoài thậm chí vượt trội số người ký tại Việt Nam.

Anh, Mỹ và Hong Kong là ba nơi đứng đầu bảng về số người tham gia ký thỉnh nguyện thư. Việt Nam đứng thứ năm trong danh sách này, sau Ấn Độ.

Ngoài ra còn có nhiều người đến từ Nhật Bản, Pakistan, Brazil, Hàn Quốc, Thái Lan, Phần Lan, Ma cao, Thụy Điển, Mexico, Singapore, Ấn Độ....

Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19

TQ lại lấn át ở Biển Đông, VN còn trông đợi Mỹ được không?

USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Mỹ gửi tín hiệu gì cho VN và TQ?

Carl Thayer nhận định việc Mỹ mời VN tập trận Vành đai Thái Bình Dương

Thỉnh nguyện thư được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hoạt động trên các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

'Xuất phát từ vấn đề Biển Đông'

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, TS Lê Trung Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Vương Quốc Anh, tác giả bức thỉnh nguyện thư song ngữ Anh, Việt, cho hay:

.

 

TS Lê Trung Tĩnh

Khó khăn để thực sự loại bỏ được Trung Quốc khỏi Hội đồng Bảo an LHQ nhưng không có gì là không thể thay đổi trong thế giới ngày nay với những thách thức mới, những vấn đề xuyên quốc gia đòi hỏi mọi nước phải cư xử có trách nhiệm.

TS Lê Trung Tĩnh

"Lý do tôi soạn thỉnh nguyện thư này và kêu gọi cộng đồng tham gia ký là do Trung Quốc cho thấy họ là quốc gia liên tục vi phạm các nguyên tắc và mục đích cơ bản nhất của Hiến chương LHQ."

"Việc họ lâu nay nắm vị trí cầm cân nảy mực trong LHQ đi ngược lại mong muốn và cách thức vận hành tổ chức này của nhân loại. Do đó việc Trung Quốc bị loại khỏi Hội đồng Bảo an LHQ thể hiện ý nguyện của cộng đồng dân cư yêu hòa bình trên thế giới, những người coi trọng công lý quốc tế."

"Đối với Việt Nam, Trung Quốc cũng đã nhiều lần vi phạm Hiến chương LHQ trong việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988, gây thương vong cho nhiều binh sĩ hải quân Việt Nam. Trung Quốc càng ngày càng mạnh bạo hơn trong việc sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Ví dụ gần đây nhất là việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam."

"Trung Quốc làm tất cả các điều này khi đang đóng vai trò là Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Điều này cho thấy rằng, họ ỷ quyền cậy thế hơn là tôn trọng các nguyên tắc và trách nhiệm của vị trí họ đang có để hành xử đúng mực."

"Việc loại Trung Quốc ra khỏi Hội đồng Bảo an LHQ sẽ cho thấy nếu họ không cư xử đúng mực, họ có thể bị loại. Điều này sẽ khiến Trung Quốc cư xử chừng mực hơn, sống đàng hoàng với Việt Nam và các nước láng giềng hơn."

Thỉnh nguyện thư có giá trị thực tiễn thế nào?

Cho tới nay, đã từng có nhiều thỉnh nguyện thư được đưa ra, thu hút đông đảo ủng hộ từ công chúng. Gần đây nhất, thỉnh nguyện thư kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros từ chức đã tập hợp được hơn 1 triệu chữ ký. Tuy nhiên cho tới nay, ông Tổng giám đốc WHO vẫn tại vị.

Vậy thỉnh nguyện thư có đóng góp được tiếng nói gì vào các quyết định thực tế hay không?

Trước câu hỏi này, TS Lê Trung Tĩnh cho rằng ngoài thể hiện mong muốn của cộng đồng, thỉnh nguyện thư còn là "một cách truyền thông, đánh động suy nghĩ, lương tri của mọi người".

"Tác dụng thông tin là vô cùng lớn. Trong số những người ký thỉnh nguyện thư, có nhiều người là người Anh, Mỹ, Nhật, Ấn Độ... Họ biết việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, biết đến đường chữ U ngang ngược và vô pháp, và biết đến khả năng và cách thức có thể buộc Trung Quốc ra khỏi Hội đồng Bảo an. Điều này cho thấy đây là vấn đề được sự quan tâm và ủng hộ mạnh của nhiều nước, người trên thế giới."

"Dĩ nhiên là khó khăn để thực sự làm được điều này nhưng không có gì là không thể thay đổi trong thế giới ngày nay càng mở hơn với những thách thức mới, những vấn đề xuyên quốc gia đòi hỏi mọi nước, đặc biệt là nước lớn, cần phải cư xử có trách nhiệm."

"Thảm họa đại dịch Covid 19 là một ví dụ. Các trật tự cũ từ những năm sau Thế chiến thứ hai có thể được xem lại. Việc Trung Quốc nắm vị trí Hội đồng Bảo an không phải là sự mãi mãi hiển nhiên mọi người cần phải chấp nhận. Đặc biệt là khi họ cư xử không đúng mực."

"Điều 6 của Hiến chương LHQ ghi rõ: "Một thành viên của LHQ vi phạm liên tục các Nguyên tắc trong Điều lệ hiện tại có thể bị Đại hội đồng trục xuất khỏi Tổ chức theo đề nghị của Hội đồng Bảo an." Như vậy dù khó nhưng không phải không thể."

Các kịch bản để loại Trung Quốc khỏi Hội đồng Bảo an LHQ

 

Biểu tình, Tập Cận Bình
Ảnh: RAHMAD SURYADI/GETTY IMAGES

Theo một tờ báo Ấn Độ, TheHillstimes, quy định hiện hành của Hội đồng Bảo an LHQ (hiện có 5 thành viên thường trực và 10 không thường trực) khiến việc loại Trung Quốc khỏi tổ chức này gần như là không thể.

Cụ thể, khi Hiến chương LHQ được ban hành vào năm 1945, không có điều khoản nào về việc làm thế nào để loại một thành viên khỏi nhóm. Trong khi đó, hầu hết các vấn đề của LHQ phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Bảo an.

Bài 'Will China be dismissed from Security Council?' của Kumar Ramesh hồi giữa tháng 4/2020 nói rằng, đối với Trung Quốc, giống như tất cả các thành viên thường trực, quyền lực lớn nhất của nước này là quyền phủ quyết, theo Điều 27C của Hiến chương LHQ. Trong đó quy định bất cứ nghị quyết nào được thông qua cần đạt 9 phiếu trong đó có phải có sự đồng thuận của 5 thành viên thường trực.

Do không nơi nào trong hiến chương đề cập đến việc loại bỏ các thành viên của Hội đồng Bảo an, có thể có những cách như sau để loại Trung Quốc, theo TheHillstimes.

Cách pháp lý: Sửa đổi Hiến chương LHQ, thêm vào điều khoản loại bỏ một thành viên. Nhưng thách thức lớn nhất ở đây là việc sửa đổi bắt buộc phải có sự đồng ý của 5 thành viên thường trực với hai phần ba thành viên của Đại hội đồng LHQ. Rõ ràng Trung Quốc sẽ không bỏ phiếu để tự loại mình. Ngoài ra, dù Điều 06 của Hiến chương quy định rằng sẽ có 'hành động' nếu một quốc gia thành viên vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương. Nhưng việc này cũng vấp phải thách thức vừa nêu.

Không pháp lý: Các nước cùng tẩy chay Trung Quốc do sự bất cẩn dẫn đến làm bùng phát đại dịch virus corona toàn cầu, và việc truyền bá tin thất thiệt. Nhưng điều này quả là thách thức lớn trong nền kinh tế toàn cầu, khi mọi quốc gia đều cần Trung Quốc, do đó không chắc họ sẽ ủng hộ việc cô lập Trung Quốc.

Cách cuối cùng: Cải tổ hoàn toàn LHQ. Qua đó, thêm thành viên thường trực và bổ sung điều khoản trục xuất thành viên. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện được trong vòng 50-100 năm tới, theo phân tích của TheHillstimes.

'Cánh cửa hi vọng'

Ông Lê Trung Tĩnh nói điều ông cho là 'cánh cửa hi vọng'.

"Ví dụ Đức nêu vấn đề cần phải bàn về tư cách thành viên thường trực của Trung Quốc lên Hội đồng Bảo an, 9 nước khác đồng ý (ví dụ Anh, Pháp, Mỹ và 6 nước thành viên không thường trực) thì vấn đề có thể được đưa ra phiên đặc biệt của Đại hội đồng để quyết định."

"Đúng là quy trình sẽ không đơn giản và sẽ có nhiều mặc cả chính trị, nhưng không phải là không thể. Đặc biệt là trong tình hình hiện giờ nước nào cũng muốn gửi hóa đơn các thiệt hại kinh tế do Covid-19 đến Trung Quốc."

"Tổ chức nào cũng do con người đặt ra và cũng có thể thay đổi để phục vụ lợi ích và hạnh phúc của con người. Tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta có lên tiếng mạnh mẽ đủ hay không, và với Thỉnh nguyện thư này đó là thông qua chữ ký của các bạn."

'Vì sao tôi ký'?

Trong phần nêu lý do ký thỉnh nguyện thư, có rất nhiều ý kiến khác nhau đến nhiều người, nhiều quốc gia.

Đáng chú ý là một số lượng lớn người Hong Kong nhân dịp ký thỉnh nguyện thư đã bảy tỏ chính kiến của mình về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bruce Wong (Hong Kong): "Tôi là người Hong Kong, không phải người Trung Quốc. ĐCSTQ đã tiến hành các hành động tàn bạo chống lại loài người đối với người Hong Kong bằng cách sử dụng Lực lượng Cảnh sát Hong Kong."

Guruprit Singh (Hong Kong): "Tôi ký vì Trung Quốc không xứng đáng ở trong hội đồng đó. Họ đang cố gắng để đàn áp tiếng nói của người Hong Kong."

James Lee (Hong Kong): "ĐCSTQ rất độc đoán. Tập Cận Bình, lãnh đạo chuyên chế của ĐCSTQ, cai trị đất nước theo cách độc tài tuyệt đối. Ở trong nước, ông ta đàn áp tự do của người dân và cướp tài sản, đất đai của họ. Ông ta đánh đập tất cả những người bất đồng chính kiến và đối xử tàn nhẫn với họ. Phần lớn người dân ở đây không có tự do và sống một cuộc sống hỗn loạn. Người dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương có tôn giáo, văn hóa và lối sống riêng. Nhưng ông Tập buộc họ phải rút lại truyền thống của mình và phải theo người Hán chiếm đa số. ĐCSTQ tìm cách đưa ra những cáo buộc về tội khủng bố đối với họ. Về mặt quốc tế, ĐCSTQ đã liên tục xâm chiếm hải phận của các nước Đông Nam Á. Đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Trục lợi từ đầu tư quốc tế tại Trung Quốc của các quốc gia trên toàn thế giới bằng cách sao chép nhãn hiệu và thâm nhập vào tất cả các khía cạnh bao gồm giáo dục, chính trị, công nghệ, kinh doanh và bầu cử v.v..."

Benjamin Kyou (California, Mỹ):Trung Quốc đã vi phạm tất cả các nguyên tắc của LHQ và quyền con người ."

May Taraphaisal (Bangkok, Thailand): Trung Quốc đang thúc đẩy giá trị của Đảng Cộng sản để thống trị thế giới. Trung Quốc cũng vi phạm nhân quyền. "

Vinh Nguyen (Việt Nam): "Tôi ký bởi Trung Quốc là kẻ man rợ của thế giới loài người."

David Trinh (Việt Nam): "Có lý khi loại bỏ một kẻ bắt nạt."

Các diễn biến mới tại Trung Quốc

Luật an ninh về Hong Kong mà Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua đã gây ra các làn sóng biểu tình trên đường phố Hong Kong.

Tuy thế, về phía Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), trong vòng 8 ngày qua, "Mặt trận chung của các giới Hong Kong" đã ký gần 3 triệu chữ ký thông qua trang web và các trạm đặt bên đường phố ủng hộ luật này.

CRI hôm 01/06 đưa tin về sự kiện "bày tỏ nguyện vọng của người dân Hong Kong, kiên quyết ủng hộ Hong Kong, bảo vệ nhà nước thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong".

M.H.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn