Biển Đông 14/7/2020

Lịch sử chứng minh cho thấy, những quốc gia chơi với Mỹ là đồng minh là những quốc gia phát triển, văn minh và ít có quốc gia nào bắt nạt. Chiều ngược lại thì chơi với Tàu đều bị thiệt thòi về mọi mặt, và có nguy cơ mất cả chủ quyền

Phạm Minh Vũ

Đặc biệt, nó có thể mở đường cho việc trừng phạt Trung Quốc sau khi xác định rõ ràng giới hạn hành động hợp pháp và phi pháp.

Chẳng hạn, trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc quấy phá hoạt động nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của nước khác hoặc đơn phương thực hiện các hành động phi pháp như thăm dò, khai thác dầu khí.

Đặng Sơn Duân

Ở mức tối thiểu, ông Pompeo muốn xây dựng liên minh ngoại giao để cho thấy sự tự cô lập của Trung Quốc, không những chỉ với các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn với các cường quốc khác.

Hoa Kỳ có thể nhanh chóng biến quận Nam Sa của Trung Quốc thành bê tông và đá san hô - nhưng điều này có nghĩa phải có cuộc chiến, điều mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không muốn xảy ra.

Alexander Neill

“Việt Nam lâu nay đã phản đối các tuyên bố, các yêu sách của Trung Quốc. Bây giờ, tuyên bố của ông Pompeo là điều tốt cho Việt Nam. Nhưng ở đây, tuyên bố của ông Pompeo nhắm vào Trung Quốc và đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì vậy, nếu Việt Nam tuyên bố một cách rõ ràng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo thì sẽ bị diễn dịch là đang chọn phe trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho nên, theo tôi, sự lựa chọn của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực là im lặng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo, ủng hộ một cách gián tiếp”

Lê Hồng Hiệp

“Trong thời điểm này, sau tuyên bố của ông Pompeo, điều đó khuyến khích Việt Nam cần có những hành động chiến lược mạnh mẽ hơn. Nói cho cùng, đấy là những lợi thế nếu Việt Nam biết tận dụng thì sẽ có tác dụng nhất định. Việt Nam có tận dụng được hay không, đó là vấn đề chúng ta phải chờ tiếp”

Hoàng Việt

Bài 1 - Tướng tàu!

Phạm Minh Vũ

Trong cuộc họp báo hôm 13/7/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công bố lập trường của chính quyền Donald Trump về Biển Đông:

“Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn BẤT HỢP PHÁP, chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát chúng cũng như vậy.

Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhứt quán nào cho yêu sách "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) ở Biển Đông. Trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách hàng hải của China, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế".

Có thể nói đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn xem TQ là kẻ xâm lược phi pháp vì các hoạt động bành trướng ở Biển Đông. Lập trường cứng rắn này thể hiện nước Mỹ sẽ đứng về phía VN cùng với các nước Đông nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền, cũng như quyền tài phán của những nước này với các tài nguyên ở đây, tuân theo luật pháp quốc tế.

Ngay lúc này nước Mỹ tuyên bố và trong tương lai sẽ hành động chung, chúng ta đã thấy rõ nước Mỹ mở hết cánh cửa tốt đẹp để VN có thể đứng chung trong việc tìm kiếm sự ổn định, nhưng thái độ quy phục Tàu cộng của nhà cầm quyền CS gần như muốn khép lại cánh cửa tốt đẹp ấy.

Dù là thái độ gì đi chăng nữa, chúng ta có thể thấy nước Mỹ là bạn ít nhất trong lập trường ở Biển Đông chứ không phải là thù, có thể là đồng minh tốt của VN nữa trong tương lai về việc ngăn chặn sự ngông cuồng của TQ bắt nạt ở Biển Đông và cả trong khu vực.

Mỹ có lấy mét đất nào của VN không? không

Mỹ có phá hoại nền kinh tế VN để đưa VN vào quỹ đạo lệ thuộc của Mỹ không? không

Mỹ có gây hấn biển Đông, đâm chìm tàu cá VN, giết hại ngư dân VN không? Không

Mỹ có những thủ đoạn thâm độc làm suy nhược nòi giống VN không? Không hề có.

Lịch sử chứng minh cho thấy, những quốc gia chơi với Mỹ là đồng minh là những quốc gia phát triển, văn minh và ít có quốc gia nào bắt nạt. Chiều ngược lại thì chơi với Tàu đều bị thiệt thòi về mọi mặt, và có nguy cơ mất cả chủ quyền.

Vậy mà Võ Tiến Trung, Thượng tướng về hưu đã thay mặt Hà Nội cũng như thay mặt Bắc Kinh lên án Mỹ rằng: "Hành động của Mỹ nhằm "dằn mặt" Trung Quốc, khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ với thế giới nhưng nó cũng trùng với việc chúng ta đang phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của nước ta.

Nói như vậy để thấy, Mỹ đến Biển Đông và có hành động với Trung Quốc là vì mục đích của họ, không phải đơn thuần để giúp đỡ Việt Nam hay các nước ASEAN trong việc bảo vệ chủ quyền."

Dù Mỹ có xấu hay tồi tệ thế nào đi chăng nữa, trong việc phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ phản đối TQ ở biển đông có thể thấy đó là bạn. Còn kẻ xâm lược TQ mới là thù, tướng Võ Tiến Trung thân làm tướng, mà việc xác định ai là bạn ai là thù mà không biết hay là tướng Trung là tướng Tàu?

P.M.V.

Nguồn: FB Phạm Minh Vũ

Bài 2 - Lập trường của Mỹ về Biển Đông

Đặng Sơn Duân

Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng nay 14.7 chính thức công bố Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông được chờ đợi nhiều ngày qua.

Tuy Mỹ từng nhiều lần tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, nhưng đây là lần đầu tiên Washington bác bỏ các yêu sách này một cách cụ thể và chính thức.

Tạm lướt qua những phát biểu lên án Trung Quốc thường thấy trong các tuyên bố trước kia, chi tiết về lập trường mới của Mỹ nằm trong 3 đoạn chính yếu dưới đây:

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) không thể khẳng định yêu sách biển một cách hợp pháp - bao gồm bất kỳ yêu sách về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xuất phát từ Bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa - đối với Philippines trong các khu vực mà Toà đã xét thấy nằm trong EEZ của Philippines hoặc thềm lục địa của nước này. Việc Bắc Kinh quấy rối hoạt động nghề cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó là bất hợp pháp, bất kỳ hành động đơn phương nào của PRC nhằm khai thác các tài nguyên đó cũng như vậy. Theo phán quyết ràng buộc về mặt pháp lý của Tòa thì PRC không có yêu sách về lãnh thổ hoặc biển hợp pháp đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) hoặc Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Vì Bắc Kinh không đưa ra một yêu sách biển hợp pháp, chặt chẽ ở Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý xuất phát từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (không gây tổn hại đến yêu sách chủ quyền của các nước khác đối với các đảo như vậy). Do đó, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của PRC tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank - ngoài khơi Việt Nam). Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals - ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Natuna Besar - ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là phi pháp.

PRC không có yêu sách lãnh thổ hoặc biển hợp pháp đối với (hoặc xuất phát từ) Bãi James (James Shoal), một thực thể địa lý hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi James thường được bộ máy tuyên truyền của PRC gọi là “lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”. Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: Không một quốc gia nào có thể yêu sách với một thực thể địa lý chìm dưới mặt biển như Bãi James và nó không có khả năng làm phát sinh các yêu sách biển. Bãi James (ở độ sâu khoảng 20 mét so với mặt biển) không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không thể khẳng định bất kỳ quyền về biển hợp pháp nào từ đó.

Đầu tiên, lập trường mới được minh định của Mỹ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và Phán quyết của Tòa án về phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông năm 2016.

Nó cũng phù hợp với Công thư của Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 6 và công hàm gửi Trung Quốc ngày 28.12.2016, sau khi có phán quyết của phiên tòa giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 7.2016.

Tuy nhiên, có một điểm mới và đáng chú ý là Mỹ nêu rõ việc “bác bỏ mọi yêu sách biển của PRC tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank – ngoài khơi Việt Nam). Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals – ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Natuna Besar – ngoài khơi Indonesia)”.

Đây là những khu vực không nằm trong phạm vi phán quyết của Tòa án năm 2016, ngoài việc bác bỏ “Đường lưỡi bò” chung chung.

Rõ ràng, Mỹ đã đứng về phía Việt Nam trước việc Trung Quốc quấy phá hoạt động nghề cá và khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở khu vực này, tương tự đối với khu vực cụm bãi cạn Luconia với Malaysia và vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/07/HG-1.jpg

Ảnh vệ tinh chụp tàu Hải cảnh 5402 rình rập ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam ngày 13.7. Nguồn: internet

Đây là những khu vực trở thành điểm nóng trong thời gian qua trước hoạt động quấy phá của tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu khảo sát, tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc.

Trong đó, đối với Việt Nam rõ ràng là một động thái hết sức hoan nghênh và đập tan luận điệu của Trung Quốc cho rằng khu vực Bãi Tư Chính là khu vực tranh chấp.

Nghĩa là sẽ không còn chuyện Mỹ kêu gọi chung chung các bên hãy “giải quyết hòa bình các tranh chấp” ở khu vực này, mà chỉ đích danh: “Bất kỳ hành động nào của PRC quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này – hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương – là phi pháp”.

Trong lập trường của mình, Mỹ vẫn khéo léo giữ quan điểm trung lập đối với các tranh chấp LÃNH THỔ (tức Mỹ không xác định nước nào có chủ quyền đối với các thực thể có thể yêu sách chủ quyền ở khu vực).

Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ hầu hết yêu sách biển của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa.

Phần khu vực phía bắc và khu vực quần đảo Hoàng Sa không được nhắc đến vì chưa có phán quyết cụ thể của tòa ở khu vực này. (Nhiều khả năng chỉ có thể có được thông qua một phiên tòa do chính Việt Nam đệ đơn).

Như vậy, đối với các khu vực biển ở phía nam Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa, Mỹ không giữ vị thế trung lập, mà đứng về phía luật pháp quốc tế, về phía lẽ phải, bao gồm luật Biển và phán quyết của tòa, qua đó đứng về phía các nước bị Trung Quốc cưỡng ép và đe dọa.

Ngoài ý nghĩa về pháp lý và biểu tượng, chưa rõ lập trường minh định của Mỹ sẽ dẫn đến những hệ quả thực tế nào. Tuy nhiên, nó có thể mở đầu cho các hành động cứng rắn hơn của Mỹ trong việc bác bỏ yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc thông qua các phương diện quân sự, ngoại giao và pháp lý.

Đặc biệt, nó có thể mở đường cho việc trừng phạt Trung Quốc sau khi xác định rõ ràng giới hạn hành động hợp pháp và phi pháp.

Chẳng hạn, trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc quấy phá hoạt động nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của nước khác hoặc đơn phương thực hiện các hành động phi pháp như thăm dò, khai thác dầu khí.

Theo thông tin từ một số người trong giới quan sát, Mỹ đã thông báo trước cho các nước liên quan về lập trường của họ trước khi công bố vào sáng nay.

Có thể thấy rõ sự tức tối của Bắc Kinh khi chỉ vài tiếng sau khi lập trường được công bố, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã đưa ra tuyên bố phản đối.

Lập trường mới của Mỹ có thể mở ra một giai đoạn mới ở Biển Đông, với ý nghĩa dịch chuyển chính sách không thua kém phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại hội nghị ASEAN ở Hà Nội năm 2010, khi tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực.

Phát biểu của Ngoại trưởng Clinton khi ấy mở ra một giai đoạn mới đối với tình hình Biển Đông, vốn diễn ra sau việc Việt Nam và Malaysia liên danh đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc và việc Trung Quốc công khai yêu sách “Đường lưỡi bò” một năm trước đó (2009).

Nay lập trường mới của Mỹ cũng được công bố sau khi Malaysia khai mào cái gọi là “cuộc chiến công hàm” ở Biển Đông vào cuối năm 2019, cũng liên quan đến việc đệ đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc.

Những phân tích, bình luận sâu hơn về vấn đề này có thể sẽ được tìm thấy tại Hội thảm Biển Đông lần thứ 10, do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ tổ chức, khai mạc vào tối nay 14.7 (giờ Việt Nam).

Đ.S.D.

Nguồn: Báo Tiếng Dân

Tham khảo:

– Nhật Bản xem xét chia sẻ thông tin radar với Philippines để quan sát tốt hơn các hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc ra vào Biển Đông thông qua eo biển Ba Sỹ.

– Giới chức quân sự Anh đã vạch kế hoạch triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến khu vực Viễn Đông vào đầu năm 2021.

Bài 3 - Biển Đông: Kế hoạch cho ‘Vạn lý Trường thành Cát’ của Trung Quốc là gì?

Mặc dù năm nay có rất nhiều vấn đề đòi hỏi sự chú ý của Trung Quốc - virus corona, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, luật an ninh quốc gia Hong Kong, và nhiều mối lo kinh tế khác - Biển Đông lại trỗi dậy như một lĩnh vực gây căng thẳng nghiêm trọng trong vài tháng qua.

Với việc Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo lần đầu tiên nói các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, ông Alexander Neill, một nhà phân tích quân sự phân tích kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường biển quan trọng, đã là một điểm nóng tranh chấp trong nhiều năm, với một số quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo và bãi đá, cũng như quyền tiếp cận các tài nguyên ngoài khơi trên vùng biển này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn khi khẳng định lại những lời tuyên bố chủ quyền từ nhiều thế kỷ tại khu vực có tranh chấp này, và nhanh chóng xây dựng sự hiện diện quân sự để hỗ trợ cho các tuyên bố của mình.

Cựu Tư lệnh vùng Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris đã từng nói đến vùng này như "Vạn lý Trường thành Cát" - đường chín đoạn vạch ra một vành đai bảo vệ và hệ thống cung ứng xung quanh lãnh hải Trung Quốc, tương tự như bức tường thành trên cạn.

South China Sea

Nhưng trong khi Trung Quốc và Mỹ có lời qua tiếng lại ngày một gay gắt về Biển Đông, nhìn chung, hai bên đã kiềm chế những khác biệt.

Mặc dù có xung đột thương mại, Hoa Kỳ từng tránh đứng về một phía trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước khác - trừ việc yêu cầu tự do hàng hải cho tàu bè của mình.

Nhưng rồi, đại dịch Covid-19 xảy ra.

Những ý kiến chỉ trích cách Trung Quốc xử lý đại dịch trong thời gian đầu, mà Mỹ dẫn đầu, đã làm Trung Quốc tức giận.

Nhiều lãnh đạo phương Tây dường như bị thuyết phục bởi lý lẽ của ông Pompeo rằng Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để tăng cường các hành động đe dọa nói chung.

Và những căng thẳng ngày một tăng này đã bùng lên ở Biển Đông.

Căng thẳng quân sự trong thời điểm đáng lo ngại

Hồi đầu tháng Tư, một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cả gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền.

Hoạt động khai thác dầu khí của công ty Malaysia Ten cũng bị một chiếc tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc, tàu Hải Dương 8, với sự hỗ trợ của lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc, làm gián đoạn.

Sau đó, tàu USS America, một tàu chiến đổ bộ, cùng một tàu khu trục nhỏ của Úc, được điều đến vùng biển lân cận.

Căng thẳng leo thang tiếp tục với việc Mỹ điều hai tàu tuần dương, USS Bunker Hill và USS Barry tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa).

Các tàu chiến này tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) nhằm thách thức, theo quan điểm của Mỹ, những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc ở các vùng biển quốc tế.

A 2019 protest in Manila, Philippines against Chinese "aggression" in the South China Sea

Một cuộc biểu tình ở Manila, Phillippines phản đối "sự hiếu chiến" của Trung Quốc ở Biển Đông

Gần đây nhất, Trung Quốc đóng cửa một khu vực hải phận để tiến hành tập trận hải quân trên vùng biển quanh Hoàng Sa. Hoa Kỳ tức giận tuyên bố điều này vi phạm cam kết của Trung Quốc tránh các hoạt động làm tăng tranh chấp.

Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ triển khai không phải một mà là hai hàng không mẫu hạm - USS Nimitz và USS Ronald Reagan - cho các hoạt động chung ở khu vực.

Ngoài việc các phi cơ chiến đấu của Hải quân Hoa Kỳ từ hàng không mẫu hạm, và chiếc máy bay tuần tra chống ngầm P8-Poseidon bay lượn trên không, Không quân Mỹ còn điều thêm một chiếc B-52 để tăng thêm sức mạnh.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc phản ứng bằng các bài đả kích như dự đoán.

Hoạt động tăng cường của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông làm tăng nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc và sự leo thang thù địch nhanh chóng.

Tình hình đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quả quyết về "những lo ngại cốt lõi" của họ.

Việc Trung Quốc dùng bạo lực trong tranh chấp gần đây với Ấn Độ, và áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên Hong Kong gần đây khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ kiềm chế tới mức nào trong phản ứng trước những thách thức này.

Mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?

Bắc Kinh coi Biển Đông là một phần quan trọng trong lãnh hải của họ, không những chỉ đóng vai trò một pháo đài cho hoạt động cản trở hạt nhân trên biển đóng trên đảo Hải Nam mà còn là cửa ngõ cho Con đường Tơ lụa Hàng hải, một phần trong kế hoạch Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Flag raising ceremony on Quanfu Island, Paracel Islands.

Khách du lịch Trung Quốc trước cờ Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa

Kế hoạch đưa dân ra sống ngoài Biển Đông của Trung Quốc được mở từ năm 2012, khi "Thành phố Tam Sa", trung tâm hành chính mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, được nâng cấp từ 'huyện cấp thị' [cấp quận] lên 'địa cấp thị' [thành phố cấp địa khu].

Chính phủ Trung Quốc tái định cư cộng đồng ngư dân nhỏ ở đó thành các khu dân cư hiện đại, xây dựng trường tiểu học, ngân hàng, bệnh viện và lắp hệ thống liên lạc viễn thông. Khách du lịch thường xuyên tới thăm đảo này trên những chuyến du thuyền.

Giai đoạn hai của kế hoạch này bắt đầu từ tháng Tư năm ngoái, khi Trung Quốc thiết lập thêm hai khu vực hành chính cấp quận trực thuộc "thành phố Tam Sa", trong đó có việc lập chính quyền Nhân dân Quận Nam Sa, có trụ sở tại Bãi đá Chữ thập và điều hành tất cả các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa.

Trong sáu năm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa, các hình ảnh quan sát từ trên không và vệ tinh cho thấy một trong những nỗ lực xây dựng quân sự và thiết kế hàng hải lớn nhất trên thế giới.

Ngoài việc xây các cơ sở quân sự trên các đảo - gồm đường bay dài 3000 mét, các bến hải quân, nơi đỗ máy bay, các hầm chứa vũ khí kiên cố, bệ phóng tên lửa và radar - các hình ảnh còn cho thấy các khu dân cư ngay ngắn với các tòa nhà hành chính mái ngói xanh lam, các bệnh viện và thậm chí cả trung tâm thể thao trên các hòn đảo bồi đắp ngày một trở nên xanh tươi hơn.

Bãi đá Subi nay là nơi có một trang trại - gồm khu trồng rau và hoa quả rộng sáu mẫu, được thụ phấn bởi đàn ong đưa từ lục địa, một đàn lợn, nhiều đàn gà và ao nuôi cá.

Trong khi đó, Viện khoa học Trung Quốc mở Trung tâm Nghiên cứu Đại dương ở Bãi đá Vành khăn vào tháng 1/2019.

Các nhà thủy văn học tuyên bố mực nước ngầm ở Bãi đá Vành Khăn - trước đây chẳng là gì ngoài một tảng đá trên biển - đã được mở rộng nhanh chóng và sẽ có khả năng tự túc về nước ngọt trong vòng 15 năm.

DigitalGlobe overview imagery of the Fiery Cross Reef located in the South China Sea.

Hình chụp Bãi đá Chữ thập từ trên cao

Người dân sống trên đảo này đã có sóng 5G và hoa quả tươi được chở tới từ các container đông lạnh.

Các hình ảnh cũng cho thấy các các đội tàu đánh cá lớn đậu ở các phá lớn hơn trên Bãi Subi và Bãi Vành khăn.

Có lẽ chẳng bao lâu, các hộ ngư dân sẽ định cư trên các hòn đảo này, con cái của họ sẽ đi học cùng con cái các quan chức chính quyền và cán bộ đảng.

Đường biển của Trung Quốc 'không thể đảo ngược'?

Bằng chứng mang tính biểu tượng nhất trong việc xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông thực sự được khắc bằng đá - phiến đá được chuyển ra từ đại lục.

Tháng 4/2018, các phiến đá kỷ niệm nặng 200 tấn mỗi phiễn, được dựng ở ba đảo lớn nhất trên Quần đảo Trường Sa, được phát hiện vén màn bí mật.

Được khắc từ đá Thái Sơn và chuyển tới Quần đảo Trường Sa, các tượng đài này phản ánh Giấc mơ Trung Hoa tái tạo đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Núi Thái Sơn được coi là một trong những ngọn núi thiêng liêng nhất của Trung Quốc, biểu tưởng của nền văn minh Trung Hoa hàng ngàn năm không gián đoạn.

Tất cả cho thấy Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn hai của một kế hoạch được toan tính nhằm biến đường biển chiến lược này của Đông Nam Á thành một đường biển của Trung Quốc không thể đảo ngược.

Các cuộc tập trận gần đây của Hoa Kỳ ở Biển Đông nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ "tự do của các vùng biển": cho hải quân Hoa Kỳ hoạt động ở đây và mục đích cuối cùng là bảo vệ hải phận trên các vùng biển quốc tế này.

Bên cạnh hoạt động của Hải quân Mỹ, tuyên bố chính thức của ông Pompeo rằng tuyên bố chủ quyền trên vùng này của Trung Quốc là "hoàn toàn bất hợp pháp" cũng đặt câu hỏi liệu Mỹ sẽ chuẩn bị làm gì tiếp.

Ở mức tối thiểu, ông Pompeo muốn xây dựng liên minh ngoại giao để cho thấy sự tự cô lập của Trung Quốc, không những chỉ với các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn với các cường quốc khác.

Hoa Kỳ có thể nhanh chóng biến quận Nam Sa của Trung Quốc thành bê tông và đá san hô - nhưng điều này có nghĩa phải có cuộc chiến, điều mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không muốn xảy ra.

Alexander Neill là một nhà phân tích quân sự và giám đốc một tổ chức tư vấn chiến lược ở Singapore.

Nguồn: BBC

Bài 4 - Chuyên gia: Mỹ sẽ cứng rắn hơn sau khi bác yêu sách Biển Đông của TQ

VOA Tiếng Việt

Một tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông hồi tháng 5/2020

Một tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông hồi tháng 5/2020

Đưa ra lập trường rõ ràng và mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước tới nay về Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai 13/7 bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tuyến tàu biển quan trọng đi qua.

Hai chuyên gia nhận định với VOA rằng lập trường do ông Pompeo công bố cho thấy Washington gia tăng sức ép trong cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và bước đi này dọn đường cho Mỹ hành động cứng rắn hơn ở Biển Đông.

Như VOA đã đưa tin, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nói rõ “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó”.

Trong một đoạn của tuyên bố đề cập đến Việt Nam, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: “Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Brunei, và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia)”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của siêu cường số 1 thế giới lưu ý với Trung Quốc rằng “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như thể đó là đế chế hàng hải của họ”, và ông cảnh báo là “Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác châu Á của mình trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ đối với các tài nguyên biển”.

Hai nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Việt Nam và Lê Hồng Hiệp ở Singagore bình luận với VOA rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà trong đó Biển Đông là một phần quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tiếp Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh ở Mỹ năm 2019

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tiếp Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh ở Mỹ năm 2019

Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về luật biển, giải thích rằng trước đây Washington chỉ tập trung tuyên bố về tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển Đông, khiến các nước nhỏ hơn có tranh chấp với Trung Quốc cảm thấy Mỹ “không mặn mà”, trong khi Bắc Kinh liên tục lấn tới, chèn ép các nước trong khu vực. Điều đó làm cho Mỹ nhận thấy cần phải đưa ra lập trường cụ thể hơn. Ông Việt nói:

"Chính vì vậy, nó dẫn tới việc Hoa Kỳ cần phải có tiếng nói mạnh mẽ, rõ ràng và dứt khoát, một thái độ cũng như thông điệp để chuyển tải tới Trung Quốc và các quốc gia ASEAN về quyết tâm và tính chính đáng của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế như vậy”.

Tuyên bố mới nhất của Mỹ gắn với bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng, trong đó, Biển Đông được xem là “chiến trường” của sự cạnh tranh giữa hai nước, mà ở đó, Mỹ nhận thấy phải gia tăng sức ép để đẩy lùi các bước đi của Trung Quốc, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak. Ông nói thêm:

“Chúng ta có thể thấy tuyên bố của ông Pompeo là bước đi tiếp theo, cụ thể hóa chiến lược của Mỹ. Đó là khẳng định tuyên bố của Trung Quốc là phi pháp, không có giá trị, qua đó xác lập hình ảnh Trung Quốc là quốc gia hành động phi pháp trên Biển Đông, qua đó có thể làm suy giảm vị thế, ảnh hưởng của Trung Quốc, và nâng cao vị thế của Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác trong khu vực”.

Xu thế đối đầu hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông sau tuyên bố hôm 13/7 là điều “hoàn toàn có thể”, vẫn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với VOA.

Lưu ý đến một loạt hành động cứng rắn hơn gần đây của Mỹ đối với Trung Quốc trên thực địa ở vùng biển, bao gồm tập trận và điều tàu chiến hiện diện gần tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc, ông Hiệp nhận định:

“Với tuyên bố vừa rồi của ông Pompeo, có thể Mỹ đã chuẩn bị về mặt dư luận, về mặt diễn ngôn để có những bước đi mạnh mẽ hơn, xác quyết hơn đối với Trung Quốc. Chúng ta hãy chờ xem những bước đi cụ thể là gì nhưng xu hướng chung là đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về mặt dư luận, về mặt diễn ngôn cũng như trên thực địa sẽ càng ngày càng gia tăng trong thời gian tới”.

Thạc sĩ-luật sư Hoàng Việt cũng tiên liệu rằng với VOA rằng tới đây Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không đến mức xảy ra xung đột quân sự:

“Hoa Kỳ thấy bên cạnh những phát ngôn của mình cần có những hành động cụ thể. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn, tuy nhiên việc sử dụng các biện pháp quân sự thì tôi nghĩ có lẽ là chưa, vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều biết một ranh giới ở đây khi mà cả hai quốc gia đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự. Bởi vì xảy xung đột ở Biển Đông sẽ dẫn tới hậu quả có thể coi như Chiến tranh Thế giới lần thứ 3”.

Các tàu hải quân Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công, gần đây gia tăng sự xuất hiện ở Biển Đông

Các tàu hải quân Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công, gần đây gia tăng sự xuất hiện ở Biển Đông

Vẫn ông Việt, người cũng là thành viên một ban nghiên cứu luật biển, hải đảo ở Việt Nam, tin rằng hành động mạnh mẽ hơn của Mỹ trong thời gian tới sẽ góp phần ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, cũng như khích lệ các quốc gia bị Bắc Kinh xem là “nhỏ hơn” đang tranh chấp với Trung Quốc để họ “đứng lên, bảo vệ lẽ phải”.

Liên hệ đến Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Việt bình luận:

“Trong thời điểm này, sau tuyên bố của ông Pompeo, điều đó khuyến khích Việt Nam cần có những hành động chiến lược mạnh mẽ hơn. Nói cho cùng, đấy là những lợi thế nếu Việt Nam biết tận dụng thì sẽ có tác dụng nhất định. Việt Nam có tận dụng được hay không, đó là vấn đề chúng ta phải chờ tiếp”.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp hiện làm việc ở Singapore chia sẻ quan điểm là mặc dù tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ nhắm đến phục vụ lợi ích của chính siêu cường này, song nó cũng “tốt” cho lợi ích và mong muốn của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hiệp cho rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ không công khai ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo. Ông Hiệp giải thích:

“Việt Nam lâu nay đã phản đối các tuyên bố, các yêu sách của Trung Quốc. Bây giờ, tuyên bố của ông Pompeo là điều tốt cho Việt Nam. Nhưng ở đây, tuyên bố của ông Pompeo nhắm vào Trung Quốc và đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì vậy, nếu Việt Nam tuyên bố một cách rõ ràng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo thì sẽ bị diễn dịch là đang chọn phe trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho nên, theo tôi, sự lựa chọn của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực là im lặng ủng hộ tuyên bố của ông Pompeo, ủng hộ một cách gián tiếp”.

Tuyên bố 13/7 về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đánh dấu việc Washington rời khỏi chính sách trước đây là không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông.

Mỹ không đòi chủ quyền về vùng biển này và lâu nay thường kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế.

Nguồn: VOA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn