Liên minh Trà sữa: Uống trà sữa, chống độc tài, tranh đấu cho tự do

Minh Đức

Khi những cuộc biểu tình phản đối quân đội đảo chính nổ ra tại Myanmar, hashtag “#MilkTeaAlliance” lại xuất hiện tràn ngập trên các mạng xã hội. Các bạn trẻ tại nhiều nước châu Á đều đồng lòng bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình Myanmar.

Không chỉ xuất hiện trên mạng, nhiều bạn trẻ thuộc phong trào Milk Tea Alliance (Liên minh Trà sữa) ở Thái Lan và Đài Loan cũng đã đổ ra đường để phản đối việc quân đội Myanmar đảo chính.

Ảnh: Sina Wittayawiroj/ Twitter.

Khi một cuộc phản công trên mạng xã hội trở thành phong trào đấu tranh dân chủ khắp châu Á.

Khi những cuộc biểu tình phản đối quân đội đảo chính nổ ra tại Myanmar, hashtag “#MilkTeaAlliance” lại xuất hiện tràn ngập trên các mạng xã hội. Các bạn trẻ tại nhiều nước châu Á đều đồng lòng bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình Myanmar.

Không chỉ xuất hiện trên mạng, nhiều bạn trẻ thuộc phong trào Milk Tea Alliance (Liên minh Trà sữa) ở Thái Lan và Đài Loan cũng đã đổ ra đường để phản đối việc quân đội Myanmar đảo chính.

Một Tweet ủng hộ biểu tình ở Myanmar từ Liên minh Trà Sữa. Biểu ngữ có nội dung: Uống trà sữa – Xóa bỏ độc tài – Tranh đấu vì tự do.

Đã từng xuất hiện trong các cuộc biểu tình trước đó tại Thái Lan và Hong Kong, phong trào Liên minh Trà sữa đang lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều quốc gia châu Á, gần đây nhất là Ấn Độ và Myanmar.

Tên gọi nghe rất “teen”, lại có vẻ không liên quan gì lắm đến các cuộc biểu tình. Vậy thì rốt cuộc Liên minh Trà sữa là gì? Và phong trào này bắt nguồn như thế nào?

Liên minh Trà sữa bắt đầu từ đâu?

Liên minh Trà sữa (Milk Tea Alliance) là tên gọi của phong trào đấu tranh cho dân chủ của giới trẻ tại một số quốc gia châu Á.

“Chúng tôi tin vào trà sữa”. Một meme đăng trên mạng xã hội với hashtag #MilkTeaAlliance. Ảnh chụp tháng 4/2020. Nguồn: Reuters.

Mọi chuyện bắt nguồn vào Tháng 04/2020, khi diễn viên tuổi teen người Thái Vachirawit Chivaaree (hay còn được biết đến với nghệ danh Bright) nhấn “like” một bài đăng  (tweet) trên Twitter. Nội dung của tweet này là hình chụp của bốn thành phố trên thế giới (bao gồm cả Hong Kong) với chú thích: “Đây là bức ảnh được chụp tại bốn quốc gia khác nhau”. Điều này gián tiếp công nhận rằng Hong Kong là một quốc gia độc lập khỏi Trung Quốc.

Hành động trên của Bright đã khiến cư dân mạng Trung Quốc dậy sóng. Nó chạm đến một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, khi Trung Quốc từ lâu đã luôn cho rằng Hong Kong và Đài Loan là những phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình.

Mặc dù Bright sau đó đã công khai lên tiếng xin lỗi, nhưng điều này dường như không giúp cậu thoát khỏi những bình luận công kích của đội quân troll đông đảo từ đại lục. Bạn gái của Chivaaree – Weeraya “Nnevvy” Sukaram, cũng trở thành mục tiêu mới bị tấn công vì ám chỉ rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập trong một bình luận trên Instagram từ ba năm trước.

Tuy nhiên, các fan hâm mộ của Bright và Nnevvy tại Thái Lan không thể ngồi yên nhìn thần tượng của mình bị “đánh hội đồng”. Họ bắt đầu tiến hành các cuộc phản công. Nhưng sau đó đội quân troll từ Trung Quốc đã mắc một sai lầm: họ chuyển hướng sang chỉ trích chính phủ và chế độ quân chủ của Thái Lan. Điều này làm cho giới trẻ Thái vô cùng thích thú, nó đã vô tình đánh trúng vào mục tiêu chính của các cuộc biểu tình đang diễn ra tại quốc gia này.

Sẵn đà, người dùng Twitter ở Hong Kong và Đài Loan cũng hồ hởi nhập cuộc. Mục đích chung của họ là cùng chống lại lực lượng dư luận viên hùng hậu do Bắc Kinh hậu thuẫn. Các bạn trẻ ở ba quốc gia này sau đó bắt đầu sử dụng hashtag #MilkTeaAlliance dưới mỗi bài viết của mình như là một cách để đoàn kết cùng nhau và để dễ dàng phân biệt với đội quân troll từ Trung Quốc.

Liên minh Trà sữa đã được ra đời từ đó.

Tại sao lại là trà sữa?

Tên gọi Liên minh Trà sữa bắt nguồn từ món trà nổi tiếng và được yêu thích tại các quốc gia tham gia phong trào: món trà sữa có màu cam bắt mắt tại Thái Lan, những tách trà uống kèm sữa tươi kiểu Anh tại Hong Kong, và những ly trà sữa trân châu nổi tiếng của Đài Loan.

Tên gọi này nhằm tách biệt Hong Kong, Thái Lan, và Đài Loan với Trung Quốc đại lục, nơi trà thường không được uống kèm với sữa.

Liên minh Trà sữa tách biệt với Trung Quốc, nơi trà không thường được dùng kèm với sữa. Ảnh: Cornelia2121/ Twitter.

Sự giống nhau giữa các món trà này cũng là đại diện cho mục đích chung mà họ cùng theo đuổi.

Liên minh Trà sữa đã tham gia vào các cuộc biểu tình thế nào?

Các bạn trẻ tại Myanmar và Thái Lan đã áp dụng chiến thuật “tiến nhanh rút nhanh” (be water) hay biểu tình không có lãnh đạo (leaderless) từng được triển khai trước đó tại Hong Kong. Mũ bảo hiểm và dù vàng – những vật dụng quen thuộc trong các cuộc biểu tình tại Hong Kong – cũng xuất hiện trên các con phố của Bangkok hay Yangon.

Image

So sánh hình ảnh biểu tình ở Hong Kong và Thái Lan. Nguồn: Joshua Wong/ Twitter.

Không chỉ vậy, nhóm thanh niên Ratsadon tại Thái Lan đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ bằng cách gõ xoong nồi. Đây là một phong tục truyền thống gắn liền với việc xua đuổi ma quỷ ở Myanmar, vốn được những người biểu tình chống đảo chính tại đây thực hiện.

Tranh minh họa một gia đình tham gia biểu tình bằng cách gõ xoong nồi. Ảnh: Twitter.

Khi biểu tình diễn ra ở Thái Lan, người Hong Kong cũng đã đáp lại bằng những thông điệp ủng hộ. Trên đường phố, các nhà hoạt động đã lập lên những ki-ốt nhỏ (street stand) để kêu gọi người dân Hong Kong đồng lòng cùng người biểu tình Thái.

Nhà hoạt động trẻ Joshua Wong đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ bên ngoài lãnh sự quán Thái Lan tại Hong Kong.

Liên minh Trà sữa đã vượt qua mọi rào cản biên giới, văn hóa hay ngôn ngữ để trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết đấu tranh vì dân chủ của các bạn trẻ châu Á.

“Chúng tôi được kết nối cùng nhau thông qua những khát vọng chung này”, Netiwit Chotiphatphaisal, một nhà hoạt động nổi tiếng của Thái Lan chia sẻ với Time. “Nó tiếp thêm cho chúng tôi năng lượng để tiếp tục bền bỉ chiến đấu”.

Viết cẩm nang biểu tình

Ngoài ra, Liên minh Trà sữa còn là nơi các bạn trẻ chia sẻ và “xuất khẩu” những chiến thuật biểu tình của mình ra thế giới.

Mới đây, “The HK19 Manual” – cuốn cẩm nang hướng dẫn các chiến thuật biểu tình của Hong Kong đã được dịch sang tiếng Burma trong một sáng kiến của Milk Tea Alliance.

Cuốn cẩm nang này gồm hai phần: Phần một mô tả chi tiết hơn 60 vai trò khác nhau  mà mỗi người biểu tình có thể đảm nhiệm; phần hai là hướng dẫn các lưu ý để giữ an toàn và các chiến thuật biểu tình từng được áp dụng tại Hong Kong.

HK19 Manual đã được công khai trên nền tảng Google Docs và chia sẻ rộng rãi giữa những người biểu tình tại Myanmar.

Một người đàn ông cầm biểu ngữ “Hãy chuẩn bị cho những cuộc biểu tình như tại Hong Kong”, khi người Myanmar đổ ra đường biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters/ Stringer.

Trong một bài phỏng vấn dưới bút danh HK19, tác giả giấu tên của “The HK19 Manual” cho biết việc chia sẻ rộng rãi cuốn cẩm nang này là để giúp những thế hệ đi sau có thể tiếp tục theo đuổi chặng đường còn dang dở của lớp người đi trước.

Thế hệ trẻ Hong Kong đã và đang tiếp nối hành trình đó. Một số chiến thuật biểu tình gây nhiều tiếng vang tại Hong Kong như hàng người nối dài (human chain) hay bức tường Lennon đều đã từng được áp dụng trước đây ở các quốc gia vùng Baltic và Đông Âu. Giờ đây, nó có thể được lan tỏa khắp nơi tại châu Á.

“Chúng ta càng duy trì tinh thần đoàn kết, càng giữ ngọn lửa đoàn kết này rực cháy càng lâu, cơ hội chiến thắng của chúng ta càng lớn”, tác giả của HK19 Manual cho biết.

Liên minh Trà sữa được nhìn nhận thế nào?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không công nhận tính chính danh của Liên minh Trà sữa. Trong một phát biểu với Reuters, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cho rằng, “các thế lực đòi độc lập cho Hong Kong và Đài Loan thường cấu kết với nhau trên mạng, điều này không có gì mới. Kế hoạch của họ sẽ không bao giờ thành công”.

Tuy nhiên, những người ủng hộ liên minh cho rằng họ không đi ngược lại các chính sách của Bắc Kinh, mà thay vào đó chỉ đơn giản là cùng chia sẻ mục tiêu đấu tranh cho một nền dân chủ tự do.

Tinh thần đoàn kết này cũng giúp mỗi thành viên cảm thấy bớt đơn độc hơn trong hành trình của mình.

Một bạn trẻ giơ tấm biển “Liên minh trà sữa” trong cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok vào tháng 10/2020. Ảnh: Mladen Antonov/ AFP/ Getty Images.

“Những người trẻ ý thức được rằng mình có một nguồn lực chính trị yếu, bởi vì họ không có tiền, và không nhiều người có các mối quan hệ chính trị. Nhưng họ đã tìm thấy được sự ủng hộ và sức cộng hưởng chính trị trên không gian mạng”, theo Veronica Mak, giáo sư xã hội học tại Đại học Shue Yan (Hong Kong).

Nhiều chuyên gia tỏ ra bi quan trước khả năng tạo ra thay đổi của Liên minh Trà sữa. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói trước kết quả của phong trào ở thời điểm này.

Dorian Malkovic, biên tập viên mảng châu Á của tờ La Croix tại Pháp thì cho biết rằng ông hoan nghênh sự ứng biến nhanh nhạy của Liên minh Trà sữa trên mạng xã hội. Nhưng mặt khác, ông cũng đưa ra một cái nhìn không quá lạc quan. “Nếu nhìn vào Hong Kong, Thái Lan, Myanmar, bạn sẽ thấy những kẻ chuyên quyền mới là người đang cầm tay lái”.

“Chúng ta thường nghĩ rằng mạng xã hội sẽ giúp ích cho các phong trào dân chủ. Nhưng thực tế thì ngược lại, chúng được các chính phủ độc tài tận dụng một cách vô cùng thông minh”, Malkovic nói thêm.

Người Việt Nam có thể tham gia liên minh không?

Mặc dù vẫn còn là một phong trào non trẻ hoạt động trong một khu vực có nhiều biến động chính trị, Liên minh Trà sữa sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong từng chia sẻ với tạp chí Time, “bất cứ ai tin vào giá trị dân chủ, tự do, và chống lại sự đàn áp của độc tài, đều có thể tự công nhận mình là một phần của Liên minh Trà sữa”.

Một người giơ biểu tượng ba ngón tay trong cuộc biểu tình ở Thái Lan năm 2020. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, Liên minh Trà sữa là một liên minh đấu tranh diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội. Do đó, người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có thể góp phần lan tỏa sứ mệnh của phong trào này. Nhất là khi trà sữa cũng là món uống được yêu thích tại Việt Nam.

Có hai cách cơ bản để tham gia:

• Chia sẻ thông tin về phong trào đấu tranh dân chủ tại các quốc gia trong khu vực, đồng thời kèm theo hashtag #MilkTeaAlliance dưới mỗi bài viết.

• Chuyển ngữ cuốn cẩm nang “The HK19 Manual” sang tiếng Việt. Những kiến thức căn bản được đúc kết trong cuốn cẩm nang nhỏ này có thể được áp dụng tại bất cứ phong trào biểu tình nào trên thế giới.

Tham khảo và tổng hợp:

‘We Share the Ideals of Democracy.’ How the Milk Tea Alliance Is Brewing Solidarity Among Activists in Asia and Beyond, TIME

Hong Kongers crowdsourced a protest manual—and Myanmar’s already using it, Quartz

Myanmar’s Protest Movement Finds Friends in the Milk Tea Alliance, The Diplomat

‘Milk Tea Alliance’ blends Asian discontents – but how strong is the brew?, France24

M.Đ.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn