Kẻ sĩ Trần Nhơn - Một cựu Thứ trưởng từ trần, không một dòng tin buồn trên báo chính thống

Phạm Đình Trọng

1. Tâm hồn nhạy cảm và trái tim dau đời

Đọc trên mạng xã hội tin cựu Thứ trưởng Thường trực bộ Thuỷ lợi, Tiến sĩ Trần Nhơn từ trần, tôi liền mở online các trang báo chính thống để xác nhận thông tin. Chỉ thấy tràn ngập tin, bài, ảnh cuộc li hôn của cặp vợ chồng chủ tập đoàn Microsoft bên Mỹ. Không tìm thấy một chữ, một dòng tin về sự ra đi của một công thần, một thành viên Chính phủ nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cũng như Phan Văn Khải, sinh năm 1933, Trần Đức Lương, sinh năm 1937, anh thanh niên Trần Nhơn, sinh năm 1935, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Ngãi quê anh. Cùng có mặt trong đoàn quân chống Pháp từ miền Nam tập kết ra Bắc và cùng đi học trường bổ túc văn hoá Công Nông. Từ trường bổ túc văn hoá, Phan Văn Khải sang Nga học trường kinh tế Plekhanov, trở về thăng tiến mau lẹ lên tới Thủ tướng Chính phủ. Trần Đức Lương học trường Địa chất, làm Tổng cục trưởng Địa chất, Phó Thủ tướng rồi lên Chủ tịch nước. Trần Nhơn học đại học Thuỷ lợi, làm tiến sĩ thuỷ lợi rồi làm Thứ trưởng Thường trực bộ Thuỷ lợi.

Chung con đường nhưng khác với Phan Văn Khải và Trần Đức Lương là những nhà chính trị chay, an phận trong giáo điều cộng sản và sung sướng, thoả mãn với con đường công danh hơn người, Trần Nhơn có tâm hồn nhạy cảm nghệ sĩ và trái tim đau đời, luôn khắc khoải với con đường đi tới của đất nước, cứ day dứt với những mất mát giá trị làm người của người dân.

Không biết Trần Nhơn học nhạc khi nào mà mười ngón tay ông lướt trên phím đàn piano mềm mại như cô gái miền Tây Nam bộ lướt mái chèo trên kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long và tiếng piano thánh thót đẹp như những giọt nắng sớm mùa xuân lấp lánh trước thềm nhà. Trần Nhơn sử dụng tiếng Anh cũng ngon lành như ông lướt mười ngón tay trên phím piano vậy. Trong nhiều bài viết của ông, bên dưới phần tiếng Việt đều có phần tiếng Anh do ông tự chuyển ngữ.

Nhạy cảm với cái đẹp, ông đã sáng tác hơn ba mươi ca khúc là những giai điệu đẹp về tình yêu quê hương đất nước, về những vùng đất mà ông đã để một phần cuộc đời, để lại một phần trái tim ông. Ông gửi nỗi niềm khắc khoải với vận nước vào những bài thơ chính luận, sắc sảo phát hiện và day dứt nỗi đau.

Ông không coi thuỷ lợi chỉ là việc lo nước nôi cho sản xuất nông nghiệp mà thuỷ lợi là công việc quản lí, khai thác và giữ gìn một tài nguyên quí của đất nước, tài nguyên nước, nguồn gốc của sự sống. Vì vậy theo ông sát nhập bộ Thuỷ lợi vào bộ Nông nghiệp là sự thiển cận, sai lầm, nguy hại. Thuỷ lợi chỉ là một yếu tố, một đòi hỏi trong công việc của nghề nông, nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống thì chỉ là việc lo liệu hệ thống kênh máng tưới tiêu cho cánh đồng. Còn nguồn nước ngọt lành quí giá bảo đảm sự sống của đất nước hôm nay và mai sau sẽ ngày càng khan hiếm thì thả nổi, không có người lo toan, quán xuyến. Dù về hưu, ông vẫn thường xuyên viết những dự án, những đóng góp, kiến nghị với lãnh đạo nhà nước về luật pháp và chính sách với tài nguyên nước.

2. Kẻ sĩ Trần Nhơn

Qua tiến sĩ địa chất Nguyễn Thanh Giang, từ hơn mười năm trước, tiến sĩ Trần Nhơn có số phôn và email của tôi và ông thường xuyên gửi bài viết của ông cho tôi. Mỗi lần tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, ông đều hẹn gặp tôi. Khi thì gặp ở phòng riêng của ông, tầng trên cùng của ngôi nhà nhiều tầng mặt phố thời trang Chùa Bộc mà tầng trệt là cửa hàng thời trang lấp loáng kính, gương và sặc sỡ váy áo. Khi thì gặp ở nhà hàng yên tĩnh xa phố xá ồn ào. Có lần ông đi taxi đến đón tôi cùng ông đi Trung Văn, đến nhà tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một tiếng nói trí thức về hiện tình đất nước.

Không chỉ là một trí tuệ khoa học thuỷ lợi, không chỉ là nghệ sĩ phát hiện, ghi nhận cái đẹp của thiên nhiên và lịch sử đất nước bằng giai điệu, tiết tấu âm nhạc, là kẻ sĩ, điều ông bận tâm nhất, đau đáu nhất là hiện tình đất nước đang đi lạc hướng với loài người trên đường tới văn minh, là thân phận đau đớn của người dân Việt Nam trong tai ương cộng sản.

Còn gì đau đớn hơn khi đã có hơn nửa thế kỉ tuổi đảng, đảng viên cộng sản Trần Nhơn phải viết về đảng của ông:

Lời nói dối ngọt ngào cộng sản
Từng mê hoặc hơn hai tỷ người.
Ý thức hệ chính trị độc đảng
Bất nghĩa, phi nhân, trái mệnh trời.

               (Lời nói dối ngọt ngào cộng sản)

Đảng cộng sản cầm quyền quyết định sự hưng vong của dân của nước. Mà cộng sản lại là thảm hoạ khủng khiếp, là máu và nước mắt những kiếp người, là sự giật lùi của lịch sử. Nỗi niềm khắc khoải nhất của kẻ sĩ Trần Nhơn là đảng cộng sản cầm quyền cố bám vào mớ lí luận vừa tào lao vừa man rợ để thực hiện những tội ác với dân, với nước:

Chủ nghĩa xã hội Mác Lê Mao,
Thuyết lai căng, lắp ghép tào lao.
Phong kiến đỏ lập nền đảng chủ,
Xây nhà tù lớn nhốt đồng bào.

Ở trong Đảng làm gì có đảng,
Chỉ toàn là bè phái mà thôi!
Mao trải nghiệm một đời cộng sản
Đã rút ra chân lý tuyệt vời!

             (Trong Đảng làm gì có Đảng)

Người dân bị mất quyền làm chủ đất nước, không được tự do ứng cử, bầu cử, chọn hiền tài ra làm việc nước nên đảng “Bất nhân, phi nghĩa, trái mệnh trời” cướp quyền dân nghiễm nhiên là đảng cầm quyền, đương nhiên dẫn đến:

Quốc nạn chất chồng lên quốc nạn,
Hiệu ứng lan truyền cấp số nhân.
Đảng chính trị nhuốm màu băng đảng,
Loạn kiêu binh, tặc tử, gian thần.

                  (Khi Quốc Sách chìm trong Quốc Nạn)

Gần đây vẫn có những nhà bình luận chính trị khá sắc sảo còn cho rằng đảng cộng sản có hai phân khúc, phân khúc 01 và phân khúc 02. Phân khúc 01 là thời kháng chiến chống Pháp thì tốt đẹp, tử tế hơn phân khúc 02 hiện nay. Từ 2013 tiến sĩ Trần Nhơn đã chỉ ra:

Không phải ngày xưa Đảng tuyệt vời,
Chẳng qua chưa bị lộ mà thôi.
Lừa công nông ngụy xưng giai cấp,
Gạt đảng phái giành trọn ghế ngôi.

Nâng cấp “Lê nin” lên “Lê – Mao”,
Đảng Cộng sản liên tục đổi màu.
Đẩy nước nhà vào rọ Bốn Tốt,
Xô nhân dân sập bẫy Ba Tàu.

                (Bão tố nổi lên rồi)

Đảng cầm quyền, đảng viên tham quyền cố vị để vơ vét, vụ lợi đã làm nên tội ác tày trời mang tên cộng sản. Chỉ đôi nét phác hoạ, kẻ sĩ Trần Nhơn dựng lên chính xác chân dung quan chức cộng sản từ thấp đến cao:

Bệnh tả khuynh, kiêu ngạo cộng sản,
Kinh niên, cố hữu Mác – Lê – Mao.
Tầm nhìn vị kỷ quanh chân ghế,
Đức lùn, tài thấp, tiếm ngôi cao.

               (Chủ nghĩa Mác-Lê-Mao)

Hơn năm mươi triệu cử tri cả nước lại đang sắp vào vai diễn bầu cử Quốc hội tháng năm này. Mười tám ông bà uỷ viên Bộ Chính trị, hơn một trăm ông bà uỷ viên Trung ương đảng đã được đảng phân công tràn vào chiếm ghế đại biểu của dân trong Quốc hội. Dân chưa vào vai rô bốt đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khoá 15 thì hai con bà Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 14 đã được dành sẵn hai ghế quyền lực trong Quốc hội khoá chưa bầu. Quốc hội thành đảng hội đã diễn ra từ Quốc hội khoá hai, 1960 đến nay, được ngòi bút kẻ sĩ Trần Nhơn khắc vào thời gian về một thời cộng sản quyền dân bị tước đoạt:

Sự thật - là những điều gian dối
Đươc lặp đi lặp lại, quen dần
“Quốc hội” - từ lâu thành “Đảng hội”,
Vẫn tưởng là Nghị viện nhân dân

             (Quốc hội, Đảng và thời cuộc)

Kẻ sĩ Trần Nhơn viết về nỗi niềm với dân, với nước, với đảng cầm quyền không phải để đưa lên mạng xã hội góp thêm một tiếng than thảm thiết ở thời thảm khốc ngút trời đau thương. Trần Nhơn viết đều đặn hàng ngày nhưng ông ít xuất hiện trên mạng xã hội. Tất cả những bài viết của ông trước hết là gửi cho những người thân thiết đồng cảm với ông và gửi đến từng địa chỉ cá nhân đang dẫn dắt đất nước để thức tỉnh những người cầm quyền. Và ông đã kiên trì thức tỉnh những người đang nắm vận nước:

Hãy ra những chỉ thị, nghị quyết
Hòa hợp lòng dân, thuận ý trời.
Đa nguyên đa đảng là minh triết
Vĩnh hằng cùng xã hội loài người

            (Nghị quyết Đảng)

Vốn trống rỗng kiến thức kinh tế, ông cộng sản nào được đảng đặt vào vị trí đứng đầu Chính phủ, quản trị nền kinh tế đất nước cũng làm việc đầu tiên là mị dân, cũng đưa ra những tiêu chí hoa mĩ, lấp lánh, hấp dẫn nhưng sáo rỗng. Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Chính phủ Kiến tạo, Liêm chính. Nguyễn Tấn Dũng lên Thủ tướng thì hùng hồn tuyên bố sẽ Tái Cấu Trúc nền kinh tế. Trần Nhơn liền chỉ cho ông Thủ tướng Tái Cấu Trúc thấy:

Tái cấu trúc – bắt đầu từ chính trị!
Kinh tế là hệ quả thứ sinh.
Không dám làm quyết liệt từ gốc,
Thêm một lần lừa dối dân mình?

             (Tái cấu trúc bắt đầu từ chính trị)

3.  Sứ mệnh lịch sử

Đau số phận nhân dân, đất nước thời cộng sản đã tạo ra cho Trần Nhơn cảm hứng mạnh mẽ, khơi ra mạch thơ như bất tận. Các bài thơ chính luận Trần Nhơn đều trên dưới trăm câu thơ sắc sảo lí lẽ và lấp lánh cá tính sáng tạo Trần Nhơn. Có bài như Quốc hội, Đàng và thời cuộc dài tới 1020 câu thơ. Dài như vậy nhưng không có câu thơ nào thất vận, ép vận. Các câu thơ, khổ thơ đều có vần điệu tự nhiên, thanh thoát, có tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển như giai điệu những ca khúc của ông.

Về văn chương, thơ Trần Nhơn là tiếng ca ai oán về thân phận con người mất quyền làm người thời cộng sản “Xây nhà tù lớn nhốt đồng bào”. Thơ Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm chỉ là tiếng than của người vợ có chồng liên miên đi đàn áp những cuộc nổi dậy của dân, bảo vệ ngai vàng phong kiến. Thơ Nguyễn Gia Thiều chỉ là tiếng than của nhan sắc và tuổi xuân bị giam hãm héo khô trong cung cấm. Thơ Trần Nhơn là tiếng than của cả dân tộc Việt Nam thời cộng sản.

Chế độ cộng sản là sự nối tiếp chế độ phong kiến ở mức độ tệ hại hơn. Thơ Trần Nhơn nối tiếp mạch thơ Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều nhưng sắc sảo hơn, mạnh mẽ hơn và ở tầm số phận cả dân tộc chứ không chỉ là tiếng than của những cá nhân bé nhỏ, lẻ loi.

Về chính trị, Trần Nhơn cùng với Nguyễn Thanh Giang, sinh năm 1936, Hoàng Tiến, sinh năm 1933 là sự nối tiếp lớp đàn anh Nguyễn Hộ, sinh năm 1916, Hoàng Minh Chính, sinh năm 1920, Trần Độ sinh năm 1923, những người được lịch sử trao cho sứ mệnh thức tỉnh nhân dân, không thể an phận giao số phận nhân dân và đất nước cho cộng sản, phải đấu tranh giành tự do cho người dân, giành dân chủ cho đất nước.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn