Bhutan láng giềng duy nhất “không thèm chơi” với Trung Quốc

Lê Huỳnh Phương Thảo

Có thể là ảnh chụp cận cảnh 1 người, đang đứng và ngoài trời

Hoàng hậu Jetsun của Bhutan nguồn Internet

Bhutan tên chính thức là Vương Quốc Bhutan là quốc gia không giáp biển, nằm trên dãy Hymalaya về phía Nam. Bhutan nằm giáp với Trung Quốc về phía Bắc, giáp với Ấn Độ về phía Nam, Đông và Tây. Thủ đô và là thành phố lớn nhất của Bhutan là Thiempu. Bhutan có diện tích là 38.394km2 xếp thứ 133 trên thế giới, dân số đến tháng 8 năm 2021 ước tính có khoảng 780.000 người. Bhutan là đất nước tôn giáo, với 75% dân số theo Phật giáo Kim Cương Thừa (Mật Tông), còn lại chủ yếu theo Ấn Độ giáo. Bhutan còn được biết đến với tên gọi “Vùng đất Rồng Sấm” bởi ở nơi đây thường xuyên có những cơn bão dữ dội và khắc nghiệt quét qua.

Người Bhutan gọi đức Vua của mình là “Quốc vương Rồng Sấm”. Quốc kỳ Bhutan là quốc kỳ duy nhất trên thế giới có hình rồng trắng trên nền nửa vàng, nửa đỏ. Lịch sử sơ khởi của Bhutan không rõ ràng vì do hỏa hoạn tại cố đô Bunakha vào năm 1827 đã thiêu rụi những ghi chép. Thế kỷ thứ 8 Bhutan là một bộ tộc thuộc Thổ Phồn. Trong một thời gian dài Bhutan phụ thuộc vào Tây Tạng. Đến thế kỷ thứ 10 chính trị của Bhutan chịu ảnh hưởng mạnh từ lịch sử phát triển tôn giáo tại đây. Nhiều phái Phật giáo xuất hiện được các quân phiệt Mông Cổ bảo trợ. Vào thế kỷ 14 các giáo phái này tranh đua lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng tối cao về chính trị, tôn giáo.

Cho đến đầu thế kỷ 17 Bhutan gồm nhiều Thái ấp phân tranh, cho đến lúc này Bhutan được thống nhất bởi một vị Lạt Ma và là thủ lĩnh quân sự là Ngawang Namgyal. Năm 1865 Anh và Bhutan ký hiệp ước Sinchula theo đó hằng năm Bhutan sẽ nhận một khoản viện trợ ngược lại Bhutan phải nhường một số phần đất cho Ấn Độ thuộc Anh lúc bấy giờ quản lý. Năm 1907 Bhutan thiết lập nền quân chủ và ba năm sau ký hiệp ước với Anh, theo đó Anh vẫn nắm hoạt động đối ngoại với quốc gia này. Sau khi giành độc lập năm 1947 hai năm sau Bhutan ký hiệp ước với Ấn Độ năm 1949 quy định trả lại những vùng lãnh thổ mà Bhutan đã trao cho Anh trước kia. Bhutan thành lập quốc hội năm 1953, cải cách ruộng đất và xoá bỏ chế độ nông nô năm 1956. Năm 2008 Bhutan chuyển đổi từ chế độ Quân chủ chuyên chế sang chế độ Quân chủ lập hiến và tiến hành tổng tuyển cử lần đầu tiên.

Thế kỷ 20 Bhutan vẫn còn cô lập với thế giới bên ngoài, mãi năm 1999 Bhutan mới bỏ lệnh cấm truyền hình và Internet. Bhutan là quốc gia cực kỳ coi trọng việc bảo vệ môi trường sinh thái, túi nhựa bị cấm từ năm 1999, thuốc lá bị cấm từ 2005 khiến Bhutan là quốc gia đầu tiên trên thế giới không khói thuốc. Chính quyền còn quy định rằng, mỗi công dân mỗi năm phải trồng ít nhất 10 cây. Năm 2005 Bhutan được cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc tặng danh hiệu “vệ sĩ trái đất”. Hiến pháp Bhutan quy định ít nhất có 60% đất nước được phủ xanh. Bhutan là đất nước duy nhất trên thế giới có phát thải nhà kính âm. Với ít nhất 72% lãnh thổ vẫn đang còn phủ xanh bởi rừng già nguyên sinh. Bhutan là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” người dân Bhutan cho rằng mình rất hạnh phúc, niềm hạnh phúc này không phải đến từ việc thỏa mãn dục vọng vật chất mà là sự hài lòng về quan niệm và tín ngưỡng.

Năm 2008 Uỷ ban hạnh phúc được thành lập ở Bhutan, nước này còn có cả bộ hạnh phúc. Giống như GDP, bộ hạnh phúc sẽ đo tổng mức hạnh phúc của người dân trong vương quốc. Cứ 5 năm bộ lại khảo sát mức độ hạnh phúc qua 9 tiêu chí bao gồm: Tâm lý, giáo dục, sức khoẻ, quản trị công, sinh thái, sử dụng thời gian, cộng đồng, văn hoá và mức sống. Tuy nhiên, theo báo cáo của mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thì chỉ số hạnh phúc của Bhutan năm 2019 chỉ xếp 95/156 quốc gia. Lý do là phần lớn người dân Bhutan còn nghèo đói, chủ yếu làm nông nghiệp, chênh lệch giàu nghèo trong xã hội còn lớn. Địa hình Bhutan là địa hình hiểm trở, núi cao vời vợi, tách biệt với thế giới. Chính vì vậy Bhutan chú trọng phát triển nhà máy thủy điện công suất lớn để bán điện sang Ấn Độ, đây cũng là nguồn thu chính của chính phủ Bhutan.

Kể từ khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1971 Bhutan giữ vững lập trường tránh vướng mắc quan hệ ngoại giao với các nước, trên thế giới chỉ có hai quốc gia là có đại sứ quán đặt tại thủ đô Thiempu của Bhutan là Ấn Độ và Bangladesh. Ấn độ và Bhutan ký hiệp định vào năm 1949 trong đó quy định Bhutan được hoàn toàn độc lập về đối nội nhưng phụ thuộc về đối ngoại.

Bhutan hiện có quan hệ ngoại giao với 54 quốc gia và liên minh Châu Âu. Điều kỳ lạ là cho đến nay, quốc gia nhỏ bé trên dãy Hymalaya vẫn chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Bhutan cũng là nước láng giềng duy nhất cho đến nay Trung Quốc dù muốn vẫn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Thoả thuận ngoại giao đầu tiên được hai nước ký kết là vào năm 1998 theo đó Bhutan chỉ đặt lãnh sự quán ở Macao và Hồng Kông.

Thời gian gần đây có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc rất muốn quan hệ gần gũi với Bhutan bằng dụ dỗ cho xây dự án đường sắt nối từ Lasha thủ phủ Tây Tạng đến Bhutan và Nepal. Bên cạnh đó mời Bhutan tham gia vào dự án ngân hàng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, nhưng tất cả đều bị nước này từ chối. Người Bhutan vốn đã có những e dè về Trung Quốc từ lâu. Trong quá khứ người Trung Quốc đã có tranh chấp với Bhutan, với lý lẽ quốc gia Phật giáo bé nhỏ này vốn thuộc về Tây Tạng. Giờ Tây Tạng thuộc về Trung Quốc thì Bhutan là của Trung Quốc. Nước này cũng có tranh chấp với khoảng 10% đối với lãnh thổ Bhutan và khá thiết tha trong việc đưa Bhutan vào trong tầm ảnh hưởng của mình.

Bởi vậy, từ lâu Bhutan được coi như gần gũi với Ấn Độ hơn và không hề muốn thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc dù hai nước có đường biên giới chung lên đến gần 470km. Tiến sĩ Ashok K. Behuria Giám đốc Trung tâm Nam Á của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Phân tích Ấn Độ nhận định: Trung Quốc tích cực tìm kiếm một mối quan hệ tích cực và tin cậy, tuy nhiên người dân Bhutan hiểu rõ Trung Quốc luôn muốn giành phần thắng trong tất cả các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, chính vì vậy họ không muốn dây dưa gì với nước này, thêm nữa ở Bhutan người dân thừa biết Trung Quốc chả bao giờ muốn quan hệ đôi bên cùng có lợi.

Các yêu sách của Trung Quốc đối với Bhutan về lãnh thổ diễn ra trên nhiều điểm, tuy vậy cả hai bên đi đến thống nhất chỉ đàm phán về ba điểm là Jakarlung và Pasamlung ở phía Bắc và Doklam ở phía Tây. Bhutan và Trung Quốc đã tổ chức 24 vòng đàm phán về tranh chấp biên giới từ năm 1984 và chỉ giới hạn ở ba điểm trên nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp. Tháng 6 năm 2017 một sự cố đã xảy ra, Trung Quốc đã đưa quân đội vào năm điểm ở khu vực phía Tây ở Doklam và đưa ra yêu sách mới về lãnh thổ với 40km nằm sâu bên trong lãnh thổ của Bhutan ở gần khu vực Xikkim của Ấn Độ. Đáp lại lời kêu gọi của chính phủ Bhutan Ấn Độ đã cử quân đội đến đến đây để ngăn chặn quân đội Trung Quốc đang xây dựng một con đường bên trong dãy núi thuộc thung lũng Chumbi của Bhutan. Cuộc đối đầu kéo dài 72 ngày trước khi hai bên khôi phục nguyên trạng. Ấn Độ không thể làm ngơ đối với hành xử ngang ngược và láo xược với Bhutan của Trung Quốc bởi Bhutan có ảnh hưởng lớn đối với hành lang an ninh Siliguri của Ấn Độ. Năm 2019 Ấn Độ tiếp tục giúp Bhutan chống chọi lại quân đội Trung Quốc trong 73 ngày nhưng quân đội Trung Quốc vẫn không ngừng thăm dò, kiểm tra năng lực của quân đội Bhutan và Ấn Độ theo kiểu mềm nắn rắn buông.

Tháng 6 năm 2020 tại hội nghị trực tuyến toàn cầu của quỹ Môi trường toàn cầu diễn ra tại Washington thủ đô nước Mỹ, Trung Quốc Lại đưa ra một yêu cầu vô lý về lãnh thổ, qua đó Trung Quốc tuyên bố khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng có diện tích 650km2 nằm sâu trong lãnh thổ Bhutan là nơi ghi nhận chưa hề có tranh chấp. Tuyên bố này khiến cả hội đồng bị sốc, nhưng ban thư ký đã không ghi nhận ý kiến mà đại diện phía Trung Quốc đã mất lịch sự 5 lần chen ngang hội nghị để phản đối. Cuối cùng dự án vẫn được chủ tịch quỹ thông qua mà bỏ qua ý kiến của Trung Quốc. Một trong những sự việc nghiêm trọng được công bố gần đây bởi tiến sĩ Robert Barneet được đăng trên trang Web Foreign Policy tiết lộ rằng trong 5 năm qua quân đội Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới các toà nhà, một con đường làm tiền đồn quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ của Bhutan nhằm cung cấp cho họ một lợi thế chiến lược. Trung Quốc thực sự đã xây dựng một khu định cư trong một quốc gia khác, đây được cho là hành động khiêu khích hơn bất kỳ những khiêu khích Trung Quốc đã làm từ trước tới nay. Ông Barneet cho rằng: “Trung Quốc đã bước qua mọi giới hạn về sự khiêu khích, tráo trở và coi thường luật pháp Quốc tế”.

L.H.P.T.

Nguồn: FB Lê Huỳnh Phương Thảo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn